27 December, 2014

MỪNG GIÁNG SINH VÀ SỐNG MẦU NHIỆM NHẬP THỂ QUA BÍ TÍCH THÁNH THỂ




Chúa Giêsu giáng sinh – Một sự kiện
Chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 hằng năm. Ngày 25 tháng 12 đã được chọn vì ý nghĩa biểu tượng của nó. Lý do là vì ngày ấy tương ứng với thời điểm mà ngày bắt đầu dài ra, và phần đêm tối vốn kéo dài trong mùa đông được rút ngắn lại. Theo tư tưởng kito giáo, Đức Giê su sinh ra trong thế gian như là ánh sáng xé tan màn đêm tăm tối, đem con người về với ánh sáng. Vì vậy, sự ra đời của Ngài đánh dấu thời điểm ấy cũng là để nói lên sứ mạng của Ngài nơi trần thế vậy.
Một vài nhà nghiên cứu lịch sử cho biết thêm rằng trong thế giới văn hoá của người Roma thời ấy, ngày 25 tháng 12 cũng chính là ngày lễ Thần Mặt Trời Bất bại (Deus Sol Invictus), và cũng là ngày lễ Thần Mithra (với biểu tượng là mặt trời). Như thế, lễ Giáng sinh chính là dịp lễ mừng ngày ánh sáng, ngày mà bóng tối bị đẩy lùi.
Theo Tin mừng Thánh Luca thì Chúa Giê su sinh ra tại Bê lem, từ chữ “Bethléem” nghĩa là “nhà của bánh”. Tên gọi này có nghĩa độc đáo, vì sau này Đức Kitô cũng đã tự hiến Thân mình làm thức ăn cho nhân loại, như lời Ngài nói trong bữa tiệc cuối cùng, lúc bẻ bánh và trao cho các môn đệ: “Đây là mình Thầy, anh em hãy nhận lấy mà ăn”.

Chúa Giêsu giáng sinh - Mầu nhiệm nhập thể
Thật ra, điều quan trọng không phải là những sự kiện lịch sử, mà là những ý nghĩa được truyền lại qua câu chuyện về cuộc đời Đức Kitô. Trong câu chuyện ấy, Ngài ra đời ở Bethléem, được đặt nằm trong cái máng dùng cho súc vật ăn uống, và sau này Ngài tự hiến thân mình làm thức ăn cho nhân loại. Ngài sinh ra trong một đêm tối tăm, để mở đầu một kỷ nguyên ánh sáng, Ngài là ánh sáng đẩy lùi đêm tối.
Khi sinh ra, Chúa Giêsu đã được đón chào bởi những kẻ nghèo khó, những người chăn cừu sống màn trời chiếu đất. Đó là lớp người bị khinh thường; và vào thời ấy, họ còn bị coi là hạng bần cùng và bất lương, quen thói trộm cắp. Sau các mục đồng, những nhà chiêm tinh (hay còn gọi Ba Vua) cũng đến viếng thăm Ngài. Một cách nào đó, họ cũng bị coi là “dân ngoại”, là những sắc dân không được chúc phúc. Cũng cần nói thêm về các tặng vật mà họ đem đến dâng lên cho Hài nhi Giê su. Đó là ba bảo vật gợi nhắc đến đặc nét của Đấng Cứu thế vừa mới sinh ra: vàng - biểu tượng cho sự quý phái của Vương quyền, trầm hương - biểu tượng sự cao trọng của Thần linh, và mộc dược - biểu tượng cho Sự sống vĩnh hằng. Cả hai đối tượng trên đây, các nhà bác học chiêm tinh thông minh và những kẻ mục đồng dốt nát được chiêm ngắm Thiên Chúa làm người. Con Thiên Chúa giáng trần đã không phân biệt thân thế hay sắc dân khác nhau: Ngài đến với toàn thể loài người chứ không cho riêng một dân tộc hay tầng lớp nào.
Một sự kiện liên quan đến Đức Tin của chúng ta là việc Chúa Thánh Thần can thiệp để Đức Trinh nữ Maria thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu mà vẫn giữ nét tinh tuyền, thanh sạch. Ý nghĩa thần học của sự việc ấy là: Thiên Chúa quyền năng có thể can thiệp vào lịch sử nhân loại; và một cách nào đó Người có thể can thiệp vào đời sống của chính mỗi con người, không cần phải tuân theo những quy luật tự nhiên. Chính Mẹ Maria đã “thắc mắc”, và Thiên Thần Gabrien đã “giải thích” cho Đức Mẹ: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể”. Như thế, chúng ta có thể tin tưởng rằng: trong đời sống của mình, có những điều xảy ra nằm ngoài khả năng của ta; có sự can thiệp của Thiên Chúa-Đấng toàn năng, và những điều Người thực hiện vượt trên những gì mà chúng ta hay gọi là “theo quy luật”, là “tự nhiên”, là “khoa học”. Tuy vậy, những điều Thiên Chúa thực hiện không nằm ngoài những gì mà chúng ta có thể quan sát, trải nghiệm và nhận biết được qua các “dấu chỉ”. Chỉ có điều là chúng ta không chú tâm tìm hiểu, hay không muốn khám phá và đón nhận các dấu chỉ ấy mà thôi.

Chúa Giêsu giáng sinh – Tin mừng của Niềm vui
Câu chuyện về Đức Kitô ra đời và việc mừng lễ Giánh sinh sẽ trở thành “huyền thoại” hay đơn thuần chỉ là “ngày nghỉ lễ”, là ngày hộị mà sự thánh thiêng đang dần bị “tục hóa”. Thật vậy, chuyện đó xảy ra vì mọi người bỏ quên một yếu tố quan trọng. Đó là câu hỏi “Vì sao Thiên Chúa phải sinh ra làm người?”. Giáo Hội tiếp tục tìm cách trả lời cho thế giới điều này. Đàu tiên là vì Thiên Chúa muốn thông truyền cho con người chính sự sống của Người qua Người Con là Đường, Sự thật và là Sự sống (xem 1 Ga 1, 1-4).
Thánh Irene (130-202) giải thích rằng Thiên Chúa làm người để con người, nhờ sự thông hiệp với Ngôi Lời nhập thể, được trở nên con cái Thiên Chúa (Adversus haereses, 3, 19,1; xem GLCG, 460)
 Trong tác phẩm “Cur Deus homo” (“Tại sao Thiên Chúa làm người”). Thánh Anselmo (1033-1109) đã giải thích: “Cũng như sự chết đã nhập vào và trở thành một phần của bản chất con người do sự bất tuân phục của họ, thì sự sống đã được khôi phục bởi sự vâng phục của một con người. Cũng như tội lỗi là nguyên nhân của sự nguyền rủa mà chúng ta bị ảnh hưởng do nguồn gốc của một người phụ nữ bất tuân, thì cũng vì vậy mà tác giả của công lý và sự cứu rỗi của chúng ta đã được sinh ra từ một người phụ nữ. Và, cũng giống như ma quỷ đã chiếm được con người bằng cách thuyết phục họ nếm thử hương vị trái cấm, thì cũng vì vậy con người phải được chinh phục lần lượt bởi một con người thông qua sự đau khổ trên thập tự giá” (Cur Deus home, 1,3).
Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, là Thiên Chúa làm người, mặc lấy xác phàm, mang nhân tính và mọi sự đau khổ như một con người thật - ngoại trừ tội lỗi. Ngài cũng chính là Thiên Chúa thật với tất cả đặc tính thần linh. Ngài đã không sinh ra làm người trong lớp vỏ giàu sang hay phú quý, quyền uy, mà chỉ làm con của một người thợ mộc lao động nghèo. Cuộc đời của Ngài là sống cho và với những ai nghèo khổ hay bị xem là tội lỗi. Cái chết sau cùng bị treo thân trần truồng trên thập giá đã nói lên tất cả và trọn vẹn cho một tình yêu tự hiến. Chính Đức Kitô đã mạc khải một Đấng là Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương; và cho dù con người có tội lỗi bao nhiêu, thân phận thế nào, cũng đều có thể sống và hy vọng, rằng họ sẽ được Thiên Chúa đón nhận, sẽ được thông phần thần linh, sẽ làm một với Thiên Chúa. Thông điệp Tin mừng đó của Chúa Giê su đã được các môn đệ của Ngài truyền rao cho thiên hạ, đem đi khắp nơi hạt giống của Đức Tin, Bác Ái và Hy vọng.

Mừng Chúa Giêsu giáng sinh – Sống tinh thần Hiệp thông
Ngày Giáng Sinh là ngày kỷ niệm sự ra đời của một CON NGƯỜI đúng nghĩa, sinh ra trong tăm tối để đẩy lùi tăm tối. Con Người đó chính là Ánh sáng của Thiên Chúa, “ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, đồng bản thể với Đức Chúa Cha…” (Kinh Tin kính). Ngài đã thắp ngọn lửa tin yêu cho con người, mang tình yêu thay cho hận thù và hiệp thông thay cho sự chia rẽ.
Chúng ta lại chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Phố xá lại được chăng đèn kết hoa. Người ta lại trưng bày các sản phẩm mới cho mùa lễ Noel. Một lần nữa, trong cái se lạnh của trời đông tiết giá, chúng ta lại đón mừng Giáng sinh.
Một Giáng sinh lại đến, nhưng chắc chắn bạn sẽ không thể sống lại được tâm trạng như một vài năm trước đây. Đã có nhiều người hoài niệm về một mùa Noel năm nào, “nhớ mãi ngày ấy…”. Dù sao, được sống những cảm nghiệm mới, dù vui hay buồn, vẫn là một hồng ân; vì như thế, chúng ta được làm phong phú hoá cuộc đời mình.
Giáng sinh năm nay, bạn sẽ sống tâm tình nào đây? Xin đề xuất với bạn một tâm tình: sống niềm vui Giáng sinh bằng sự hiệp thông trong Thánh thể.
Ai cũng biết rằng mừng Giáng sinh là sống dịp lễ của tình thân, của hiệp thông với mọi người, của ngày lễ hội bình an cho mọi người trên thế giới. Người Italia có câu nói rằng: “Natale con i tuoi, Pasqua con chi vuoi”; tạm dịch là: mừng Giáng sinh cùng những người thân, mừng Phục sinh với ai bạn cần. Đây là thực tế liên quan đến hai ngày lễ lớn theo truyền thống kitô giáo, và một cách nào đó biểu lộ “triết lý sống” của mọi người trong hai dịp lễ. Giáng sinh là ngày lễ gắn với kỳ nghỉ cuối năm, gia đình có dịp sum họp. Trong khi đó, lễ Phục sinh thường vào dip bắt đầu mùa xuân, vào những ngày mà người ta đi chơi xa, vì thế, cần đến “bạn đồng hành” cho những chuyến đi.
Nhiều người Ki tô hữu tham dự thánh lễ hằng ngày, đón nhận Thánh thể. Từ ngữ mà bạn hay nghe nói đến là việc “hiệp lễ” (việc rước lễ). Rước Chúa vào lòng khi tham dự thánh lễ là một việc hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô – Chúa đến và sống trong chúng ta. Hơn thế nữa, Chúa làm cho mọi người trong chúng ta “nên một” với nhau, như các chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Ngài. Bạn có nghĩ rằng bạn đang mừng mầu nhiệm Nhập thể, hay nói cách khác là bạn đang mừng lễ Giáng sinh mỗi lần bạn rước lễ?
Thật thế, Bí tích Thánh Thể, trong khi được cử hành để kỷ niệm cuộc khổ nạn và Phục sinh của Đức Giê su, cùng một lúc được liên kết với việc nhập thể và mầu nhiệm Giáng Sinh. Giáng sinh và Thánh Thể, trong tất cả các chi tiết đều liên quan về cuộc đời Chúa Giêsu. Ngài sinh ra tại Belem – Tên “Belem” có nghĩa là “Nhà của Bánh mì” như chúng ta đã nói trên đây. Chúa Giêsu chọn để trở thành bánh mì cho chúng ta - Bánh mì của sự tha thứ và sự cứu rỗi; bánh mì của lòng thương xót, là lương thực sự sống, bánh từ trời xuống. Chúa Giêsu rời khỏi nơi cư ngụ trên trời của mình để trở thành một con người trong chúng ta. Sau đó, qua cái chết và sự phục sinh, Ngài đã để mình làm bánh Thánh Thể, mang lại sự sống và lời của ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Ngài đã chọn để trở thành bí tích Thánh Thể, “của ăn đường” cho những kẻ lữ hành trên thế giới này, cho những người tham dự Thánh Thể hằng ngày và đón nhận Ngài vào lòng mình. Do vậy, mỗi khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể Chúa Giêsu, một lần nữa chính Ngài lại nhập thể, Ngôi Lời lại trở thành máu thịt con người, nuôi dưỡng xác phàm chúng ta.
Có một hình ảnh đẹp, một con người và một cái tên chắc không xa lạ gì với bạn trong lễ Giáng sinh - Đức Maria. Hang đá mừng Giáng sinh dù to hay nhỏ, theo kiểu hiện đại hay truyền thống, thường khó mà vắng bóng Mẹ Maria, người bồng ẳm Hài nhi Giêsu trên tay, hay quỳ gối và âu yếm nhìn con Thiên Chúa đã hoá thân thành trẻ sơ sinh.
Bạn có nghe Giáo Hội gọi Đức Maria là “người nữ Thánh thể”? Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã sử dụng đức tin Thánh Thể của mình ngay trước khi Bí Tích Thánh Thể được thiết lập, bởi vì Mẹ đã hiến dâng cung lòng vẹn tuyền của Mẹ để Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể.
Lúc truyền tin, Đức Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa trong chính “thực tại thể lý” - thân xác và máu huyết nơi Mẹ. Đó cũng là những gì được thực hiện một cách “bí tích” và “mầu nhiệm” nơi mọi tín hữu được lãnh nhận Chúa Giêsu dưới hình bánh rượu, Mình và Máu Thánh Chúa.  
Có một tương quan rất thâm sâu giữa tiếng fiat (xin vâng) của Đức Maria khi Mẹ đáp lại lời thiên thần Gabriel với tiếng Amen của người tín hữu khi họ lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Chúa đã đòi hỏi Đức Maria phải tin rằng Đấng mà Mẹ thụ thai “nhờ hoạt động của Thánh Thần” là “Con Thiên Chúa” (x. Lc 1, 30-35). Tiếp nối đức tin của Đức Maria, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng, trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, cũng Chúa Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài dưới hình bánh và rượu. 
“Phúc thay kẻ đã tin” (Lc 1,45) : trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Maria cũng đã đi trước đức tin Thánh Thể của Giáo Hội. Lúc đi viếng thăm bà Isave, Mẹ đã mang trong cung lòng Ngôi Lời làm người, Mẹ trở nên một “nhà tạm” đầu tiên trong lịch sử - trong đó Con Thiên Chúa, dù chưa được ai “nhìn thấy” bằng đôi mắt con người phàm trần vẫn được bà Isave “cảm nghiệm” như thể được chiếu tỏa ánh sáng qua ánh mắt và tiếng nói của Đức Maria.
“Và cái nhìn âu yếm của Đức Maria khi chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô vừa mới sinh ra và bồng ẵm Ngài trong vòng tay, phải chăng là mẫu gương tình yêu khôn sánh gợi hứng cho ta mỗi lần ta rước Chúa?” (Xem Thông điệp về Thánh thể Ecclesia de Eucaristia, của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, ngày 17 tháng 04 năm 2003, số 55). 
“Mùa Giáng sinh năm nay, tôi lại vui mừng Chúa ra đời…” Lời bài hát lại vang lên nơi các quán xá ồn ào hay nơi phố phường tấp nập kẻ lại qua trong không khí chuẩn bị Noel. Với bạn, người luôn thao thức đón Chúa vào cuộc đời mình, hãy để Ngài nhập thể nơi chính cuộc sống của bạn, nơi chính bản thân bạn, nơi máu thịt và tâm linh không thể tách rời, để ước chi niềm vui của sự hiệp thông với Thiên Chúa làm người nơi sâu thẳm của tâm hồn bạn toả sáng nơi gương mặt, câu chào, lời chúc mừng “Giáng sinh An Lành” cho mọi người sống quanh bạn. (Barnaba Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment