15 December, 2014

Chia sẻ với bạn trẻ nhóm leader: NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO THEO TINH THẦN TIN MỪNG



·         


    Dẫn nhập: Bạn trẻ và cuộc sống – công việc đang đảm trách – trách nhiệm, tinh thần phuc vụ… 
        Vài điều chia sẻ: 

      I. Người lãnh đạo - “linh hồn của nhóm” – Năng lực và giới hạn theo định hướng đào tạo thông thường.

Lãnh đạo: là quá trình gây cảm hứng cho người khác để họ có thể làm việc chăm chỉ và hiệu quả. Các hoạt động lãnh đạo cơ bản là:
- Cung cấp các chỉ dẫn và giám sát việc hoàn thành nhiệm vụ của nhân viên ở mức độ cao nhất
- Gợi ý, hướng dẫn, giải thích các quyết định, vạch ra hướng tác nghiệp và giám sát nhân viên thực hiện.
- Hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các cố gắng của nhân viên nhằm hoàn thành nhiệm vụ và chia sẻ trách nhiệm với họ trong việc lựa chọn quyết định, tạo cho nhân viên cơ hội để thoả mãn cao nhất trong công việc.
- Thúc đẩy nhân viên hoàn thành công việc.
- Làm gương trong mọi sự.
- Uỷ quyền: Trao trách nhiệm, quyền quyết định và giải quyết vấn đề cho nhân viên
Phẩm chất lãnh đạo:
- Tầm nhìn: Bất kỳ một nhà lãnh đạo giỏi nào cũng có cảm giác tốt về mục tiêu và có khả năng đưa ra mục tiêu đó. 
- Chủ trương: Chủ trương là cái liên kết mọi người với nhà lãnh đạo, là cái mà trong một nhà lãnh đạo hiệu quả thì luôn đi cùng với tầm nhìn.
- Sự tin cậy: Mọi người sẽ không đi theo nhà lãnh đạo trừ khi anh ta cho họ cho thấy sự nhất quán và kiên định.
- Sự bình dị: Những nhà lãnh đạo thành công nhất là những người xem bản thân như là người hỗ trợ cho nhân viên của mình chứ không phải là buộc nhân viên làm việc cho mình.
- Bình tĩnh: Lãnh đạo tốt không làm rối tung mọi vấn đề như thể thế giới sắp sập đến nơi khi có một vấn đề rắc rối nào đó xảy ra. Họ sẽ đưa ra những câu kiểu như “Chúng ta có thể giải quyết việc này”.
- Rõ ràng: Những lãnh đạo thực sự biết cách làm sáng tỏ vấn đề. Họ không làm cho nó trở nên phức tạp.
- Tự chủ: Những nhà lãnh đạo thành công nhất biết họ là ai và sẽ không cố gắng “uốn” mình để trở thành những người không phải là họ.

*Câu hỏi từ thực tế: các leader giỏi giang, khôn ngoan và được đào tạo “có bài bản”, vì sao lại có chuyện “phá sản”? Đâu là nhà lãnh đạo khôn ngoan? Thời gian qua, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rất nhiều công ty nổi tiếng và được xem là thành công nhờ vào tài năng dẫn dắt của những nhà lãnh đạo đã phải phá sản. Vậy, phải chăng đã đến lúc thế giới cần xem lại hình mẫu lãnh đạo hiện tại và đi tìm một hình mẫu lãnh đạo mới?
Theo Giáo sư Ikujiro Nonaka, một trong những người có ảnh hưởng nhất về “quản trị dựa vào tri thức” và khoa học lãnh đạo, thì trong thế giới kinh doanh ngày nay, khi đứng trước những quyết định trọng đại, các nhà quản lý, lãnh đạo thường tự hỏi: “Tôi sẽ được lợi gì từ việc đó”, hơn là “Điều này có tốt, có đúng, có công bằng cho tất cả mọi người?”. Phần lớn các nhà quản trị kinh doanh vẫn giữ một niềm tin xưa cũ rằng “mục tiêu của kinh doanh trước sau gì vẫn là lợi nhuận”, và nếu có lỡ tham lam thì chẳng có gì là sai trái miễn là không bị phát hiện.
Ông cho rằng, trong một thế giới đầy biến động khôn lường ngày nay, chỉ có những công ty, tập đoàn được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo có mục đích cao hơn những mục đích thông thường - tức là kiếm tiền nhưng vẫn giữ được các giá trị đạo đức và hướng đến những điều đúng, điều đẹp trong hành động, cũng như luôn biết cách cân bằng lợi ích xã hội và lợi ích công ty trong các quyết định - thì mới có thể tồn tại, mới có thể bền vững, ngay cả những lúc khó khăn và khủng hoảng.
Trước đây, khi nghe những điều này người ta cho rằng nó có vẻ quá sáo rỗng và sặc mùi lý thuyết, nhưng với những gì đã xảy ra và với những gì mà chúng ta vừa chứng kiến trong cuộc khủng hoảng khắp nơi thì triết lý này, một lần nữa, lại được khẳng định cách mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, về bản chất, mỗi công ty đều là một phần của xã hội, nếu như công ty chỉ tạo ra giá trị kinh tếkhông tạo ra các giá trị xã hội thì đương nhiên nó không thể tồn tại lâu dài.
Tìm kiếm, nghiên cứu và giải mã chân dung nhà lãnh đạo với những phẩm chất nêu trên, Giáo sư Nonaka cùng cộng sự nhận thấy sự khôn ngoan thực tiễn (practical wisdom) chính là bí quyết tạo nên sự khác biệt. Theo ông, nhờ phẩm chất này, những nhà lãnh đạo khôn ngoan thực tiễn còn sở hữu sáu năng lực nổi bật như sau:
1. Khả năng đánh giá đúng sai, vốn được trau dồi từ chính những trải nghiệm của bản thân và những hiểu biết sâu sắc về các môn khoa học xã hội như triết học, kinh tế, lịch sử, văn học và mỹ thuật.
2. Nhanh chóng nắm bắt được bản chất của vấn đề và từ đó, có những quyết định sáng suốt.
Để rèn luyện và phát triển năng lực này, các nhà lãnh đạo khôn ngoan thực tiễn có 03 thói quen quan trọng:
-         5 Why - liên tục đặt ra câu hỏi truy tìm căn nguyên của vấn đề hay tình huống.
-     Nhìn cả rừng cây và từng gốc cây cùng lúc – dù chú trọng đến bức tranh lớn nhưng cũng không được khinh suất mà bỏ qua những chi tiết nhỏ, và ngược lại.
-       Không ngừng xây dựng và kiểm chứng giả thuyết - không dựa vào những thói quen, luật lệ do công ty đặt ra để áp dụng cho mọi tình huống, mọi đối tượng khách hàng, mà cần chú trọng tất cả các yếu tố mang tính đặc thù của từng địa phương, từng đối tượng khách hàng khi đưa ra các quyết sách.
3. Tạo ra bối cảnh chung, nơi những người tham gia có thể thoải mái chia sẻ thông tin, xây dựng mối quan hệ, tạo ra điều gì đó mới mẻ, và đôi khi họ có được hiểu biết sâu sắc hay tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình.
4. Truyền tải được cái cốt lõi của vấn đề theo cách mà tất cả mọi người đều hiểu và ghi nhớ.
5. Thực thi quyền lực trên cơ sở hiểu rõ quan điểm, và tâm trạng của người khác, bao gồm cả việc “xóa sổ” các thành công trong quá khứ, nhằm giúp nhân viên làm việc hiệu quả, sáng tạo hơn, thay vì mãi “ngủ quên trên chiến thắng”. Không mắc vào lối tư duy nhị nguyên, tức nếu cái này không đúng thì sẽ là sai, không phải đẹp thì sẽ là xấu..., mà cho phép có hai ý tưởng đối lập tồn tại trong cùng một thời điểm.
6. Bồi dưỡng, khuyến khích sự khôn ngoan thực tiễn ở người khác nhằm hướng đến một sự tồn tại và phát triển bền vững, bởi tương lai mới không phải là sự nối dài của quá khứ, mà được xây nên từ chính những ý tưởng, ước mơ, và khát vọng chung của tập thể.
Với triết lý kinh doanh nói trên, cùng với 6 năng lực cốt lõi mà GS Nonaka chia sẻ mới đây trên Tạp chí danh tiếng Harvard Business Review, chúng ta có thể hình dung về mẫu hình của một nhà lãnh đạo khôn ngoan của thời nay. Và khi nhà lãnh đạo khôn ngoan này truyền bá được triết lý kinh doanh và những giá trị tiến bộ cho đội ngũ của mình, cho khách hàng và cho xã hội thì đó cũng là lúc họ có những thành công lớn và bền vững. (Nguồn: Trường Doanh Nhân PACE) 

II.  Những nhà lãnh đạo theo tinh thần Tin mừng
·        Lắng nghe Tin mừng Luca (x. Lc 22, 24-34)
·        Vài suy tư từ Tin mừng

1. Tranh luận của các môn đệ “Ai lớn nhất” và câu trả lời mà họ nhận được từ Chúa Giê su “Người phục vụ và người nhỏ tuổi nhất”. Chúa Giê su đã nói đến “thuật lãnh đạo” của người trần thế: dùng uy để thống trị, cầm quyền thì tự xưng là “ân nhân” – tức là “những người ban phước”. Nhiều thể kỷ trước Chúa Giê su, từ ngữ này trong tiếng Hy lạp được dùng để nói về các thần linh, bậc anh hùng, vua chúa. Người nhỏ tuổi nhất là người đứng cuối cùng trong phẩm trật xã hội. Trong Giáo hội sơ khai cũng có chuyện như vậy (x. Cv 5, 6).
Có một nghịch lý nào chăng trong câu trả lời của Chúa Giê su? Thưa có, đó là nghịch lý của tinh thần khiêm nhường, yêu thương và phục vụ nơi người thi hành quyền lãnh đạo - Làm lớn không được…“làm láo”(!). Người có trách nhiệm phải trở nên người khiêm nhường nhất, nhỏ bé nhất, là người phục vụ mọi người theo đúng nghĩa của từ này: ta trở nên một nguồn lợi để người khác có thể hưởng được những điều tốt lành từ ta. Chuyện “quyền bính”, uy quyền, không còn là sự doạ nạt, thống trị, gây sự sợ hãi, chỉ đạo và nghĩ ra điều cho người khác làm. Sức mạnh uy quyền đến trong việc phục vụ. (Kinh nghiệm của các bậc cha mẹ, bề trên, lãnh đạo nếu họ biết lo lắng, yêu thương, nhiệt tình, khiêm tốn họ chinh phục cõi lường mọi người nhiều hơn, có “uy” hơn!)

2.  Phần thưởng nào các nhà lãnh đạo theo tinh thần của Chúa Kitô sẽ nhận được? Trong Tin mừng Marco (x. Mc 10, 28 - 45), chúng ta nghe kế lại chuyện các môn đệ hỏi Chúa Giê su rằng đi theo Ngài thì được lợi lộc gì, và Chúa Giêsu trả lời: sẽ được thêm số anh em bạn bè và được hưởng Nước Trời; nhưng kèm theo đó sẽ là thập giá phải vác hằng ngày. Có cả chuyện hai anh em nhà ông Zebede “xin được ngồi bên tả, bên hữu”; và Chúa Giê su đã nói đến chén đắng mà họ phải uống với Ngài.
Phần thưởng của các nhà lãnh đạo theo Chúa Kitô thực sự không phải là chuyện “tôi được lợi gì” mà là “điều tôi đang làm có giá trị, có tốt đẹp, có công bằng và mang lại lợi ích cho mọi người không”.[1]
Phần thưởng quan trọng chính là được thông phần, được hiệp thông, được đón nhận, được rộng mở cõi lòng với mọi người, được tham dự vào một chương trình, một công cuộc rộng lớn hơn là Vương quốc của Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Ngài (x. Lc 22, 29-30).

3.  Thử thách nào các nhà lãnh lạo theo Chúa Kitô phải vượt qua? Chúa Giêsu nói với Phêrô về việc Satan (thế lực đối nghịch) sẽ “sàng anh em như người ta sàng gạo” (thử thách Đức Tin), và Ngài biết thử thách này sẽ là lớn nhất đối với các môn đệ của Ngài. Xét về khía cạnh nhân loại, Phêrô không phải là nhà lãnh đạo giỏi. Phêrô có nhiệt huyết nhưng thiếu hụt nhiều phẩm chất cần thiết của người cầm đầu theo tiêu chuẩn trần thế (là người nóng vội, vị nể, không có tầm nhìn xa, không xác tín,…). Điều lạ lùng là chính Chúa đã gọi và đã chọn Phê rô làm đầu các môn đệ: Chúa biết tâm tình, khả năng và cả khiếm khuyết của ông, và Ngài biết cả sức mạnh Thần khí sẽ ban cho Phêrô. Phê rô, trong thực tế, đã chịu thử thách và ông đã chối thầy mình đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu.
Cách riêng với Phêrô, vị đứng đầu nhóm Mười hai, Chúa Giê su còn cầu nguyện, để cho ông khỏi “mất Đức tin”. Và sự vấp ngã của ông trở nên chứng tá cho những môn đệ khác của Chúa Kitô:“Phần anh Phêrô, mỗi khi đã trở lại (đã chổi dậy sau khi vấp ngã), hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”.
Câu Tin mừng này là lời mời gọi dành cho các bạn hôm nay. Hãy nghiệm xem bao nhiêu lần mình tuyên hứa, quyết tâm; và qua bao nhiêu khó khăn mình đã gặp phải trong đời, bao nhiêu lần mình đã vượt qua: vượt qua những giới hạn, những thất vọng, những dằn vặt, và những nỗi ê chề vì thất bại trong công việc và trong các hoạt động tưởng như thành công “trăm phần trăm”. Bạn đã đưa được một ai đó trở về với niềm hy vọng, hoặc nếu không, bạn đã bao nhiêu lần cố gắng để khỏi làm người khác thất vọng về mình chưa?
Chắc chắn chẳng ai trong chúng ta là người hoàn hảo. Sự bất toàn vốn đã nằm trong thâm căn của con người. Vậy thì làm sao để trở thành những nhà lãnh đạo khôn ngoan theo Tin mừng? Chỉ có tình yêu thương của Thiên Chúa qua Đức Kitô mới giải mã được những năng lực và giới hạn của chúng ta. Chỉ với sức mạnh của Đức Tin chúng ta mới có thể tiến xa, bay lên cao từ mặt đất sau những khó khăn thất bại. Niềm tin vào Thiên Chúa, như suy nghĩ của Don Bosco, là “đôi cánh để con người bay lên”. Ngài viết: “Hãy đến với Thiên Chúa như con chim đang đứng trên cành cây đung đưa trong gió; nó run rẩy và tưởng như có thể rơi xuống đất nhưng vẫn tiếp tục hót líu lo vì biết mình có đôi cánh nhỏ (MB XVIII, 281).

·        Gợi ý suy tư cá nhân
1.      Bạn có một mô hình nào về người lãnh đạo mà bạn muốn dõi bước theo không? Đâu là tiêu chuẩn mà bạn chọn?
2.      Nếu bạn chọn mô hình lãnh đạo theo tinh thần Tin mừng, bạn đã có những quyết tâm nào để thực hành việc yêu thương, phục vụ?
(Barnaba Lê An Phong,SDB)

[1] Xin đọc lại ý tưởng của Giáo sư Ikujiro Nonaka ở trên. Cần phân biệt đôi nét về “nhu cầu” và “giá trị”.

No comments:

Post a Comment