16 December, 2015

GIÁNG SINH VÀ BÌNH AN CHO NGƯỜI THIỆN TÂM

Những chia sẻ này được gợi hứng từ lời Kinh Vinh danh “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Đó Tin vui mà các thiên thần hát lên trong đêm Ngôi Lời Giáng sinh. Bản văn Kinh thánh trước đây đã được dịch từ bản tiếng La tinh phổ thông, nói đến “bình an cho người thiện tâm”. Trong Tin mừng theo Thánh Luca, và theo bản dịch từ tiếng Hy lạp, chúng ta tìm thấy lời này: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14). Loài người là đối tượng của tình thương mà Thiên Chúa muốn dành cho cách đặc biệt, và những người thiện tâm luôn được Thiên Chúa yêu mến. Cách chung, mỗi người trong chúng ta đây là một thành phần trong số những người được Chúa thương. Nhưng phần riêng của từng người, có thể sẽ tuỳ thuộc mức độ “thiện tâm” của ta mà “ơn bình an” sẽ được ban tặng khác nhau.



Trước hết, chúng ta nghĩ đến ơn bình an. Các ngôn sứ đã từng loan báo Đấng Messia ra đời và Ngài sẽ đem lại bình an cho thế giới (Is 9,5-6; Mk 5,4). Việc Chúa Giêsu giáng thế là lúc các lời tiên báo ấy được ứng nghiệm, và việc ấy cũng đánh dấu một thời gian mới – thời của ơn cứu độ được thực hiện nơi Ngôi Hai nhập thể. Ngài là Thủ lãnh Hoà Bình và là người mở đầu cho một triều đại của Tình yêu, Tha thứ, Bình an (x. Is 6, 1-6).

Cũng một biến cố xảy ra, nhưng tác động, thông điệp và sự bình an sẽ có sự phân loại khác nhau. Các mục đồng đơn sơ đến tìm và thờ lạy Ngài, họ ra về mà lòng vui sướng hân hoan. Vua Herode thì ngược lại, ông đón nhận tin Con Thiên Chúa ra đời mà lòng đầy lo âu. Có lẽ ơn bình an như là quà tặng từ trời cao ban cho mọi người, “cho loài người được Chúa yêu thương”; và cũng theo hướng đó, mọi người chúng ta dù tốt hay xấu, có thể được ban cho, hay có thể có cùng “cơ hội giống nhau” để lãnh nhận ơn ấy, nhưng hiệu quả ơn bình an chắc chắn sẽ ở “mức độ khác nhau”, tương tự sự khác biệt đã xảy ra nơi các mục đồng và Herode.

Có một mối tương quan giữa thiện tâmbình an. Thưc vậy, tâm có tốt thì lòng mới có bình an. Một tâm hồn thánh thiện, thanh tịnh, tốt lành, đạo đức là mảnh đất sinh ra hoa trái của bình an và hạnh phúc. Tác giả Jacques Philippe, trong cuốn sách Tìm Kiếm và Giữ Lấy Bình An (Searching for and Maintaining Peace ) cho rằng có rất nhiều người trong chúng ta thường sống trong ảo tưởng với ý nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên tốt hơn, khi mọi thứ chung quanh thay đổi, hoàn cảnh thay đổi… Nhưng đây là một sai lầm. Không phải hoàn cảnh bên ngoài cần thay đổi, nhưng trước hết, điều cần phải đổi thay là chính tâm hồn mỗi người. Tâm hồn bình an khi được thanh luyện khỏi những toan tính, lo lắng, khép kín, khỏi những buồn phiền và ngã lòng. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Chúng ta có thể nói thêm rằng phúc thay ai có tâm hồn mình được thanh tẩy bằng niềm tin và lòng cậy trông, họ sẽ có được một khoé nhìn mọi sự cách sống động hơn, với niềm xác tín rằng, đàng sau những hoàn cảnh trái ngang, Thiên Chúa đang hiện diện, đang đáp ứng những nhu cầu chính yếu và cao nhất của con người; và họ chẳng thiếu thốn gì! Có được niềm tin đó, chúng ta sẽ nhìn xem Thiên Chúa: ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Emmanuel, một sự hiện diện đồng hành và định hướng cuộc đời mình.

Người ta không bình an vì tâm hồn xao xuyến, lo âu nhiều chuyện. Có thể vì chúng ta không luôn hài lòng với cuộc sống, với con người của mình và hoàn cảnh xung quanh. Nhiều lần chúng ta cảm thấy thiệt thòi so với những người khác. Ta cứ chăm chăm nhìn vào những tiêu cực của hoàn cảnh, vào những gì mình đang thiếu và mang trong mình một thứ cảm xúc bi quan. Điều này khiến chúng ta dễ dàng rơi vào cảm nghĩ rằng mình bất hạnh, và cũng từ đó sinh ra lòng đố kỵ hay ngã lòng. Nói cách khác, tâm hồn chúng ta lúc đó đầy sự hậm hực, khó chịu, và chắc chắn, đó không là điều mà chúng ta muốn nói về “thiện tâm”. Những lúc như thế, theo kinh nghiệm của những ai biết sống phó thác và gắn kết với Chúa, thì chỉ cần một chút thay đổi nhỏ, mọi sự sẽ trở nên khác, và chúng ta có thể tiến tới với những bước khổng lồ, một tầm nhìn mới, một cách nhìn khác biệt về hoàn cảnh. Đó là sự thay đổi nhờ vào niềm tin và hy vọng: mọi sự, mọi việc, mọi hoàn cảnh được đặt nền tảng trên niềm xác tín rằng chúng ta là những người được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc; và vì thế, chúng ta không lo thiếu sự gì.

Một Giáng sinh nữa lại về trong cái bộn bề của cuộc sống, với bao nhiêu trăn trở, âu lo. Có thể lời chúc “một Giáng sinh an lành” vẫn mãi là thứ “hàng hiếm” cho rất nhiều người trên thế giới, và có thể cả cho chúng ta nữa khi lòng ta thiếu một chút thiện tâm hay khi cuộc sống và tâm hồn mình đang chất đầy những thứ vinh quang của trần thế. Chỉ khi nào Thiên Chúa được vinh danh thực sự và lòng người biết nghĩ đến những điều tốt lành, thì sự bình an sẽ mãi là quà tặng tuyệt đẹp mà không một thế lực đen tối nào có thể cướp mất được khỏi lòng chúng ta. Hãy cầu chúc nhau thứ bình an thật đó trong Giáng sinh năm nay, năm của lòng xót thương. 
(Tuần 9 ngày Mừng Giáng sinh 2015  - Lê An Phong,SDB)

ĐI TÌM SỰ KHÔN NGOAN CỦA CÕI LÒNG


Bạn hay tôi, và cả nhiều người khác sẽ rất hài lòng khi được nghe người khác khen mình là người giỏi, là khôn ngoan, là thông minh. Một thời, trong đám sinh viên chúng tôi có kiểu nhận xét những ai “vai u thịt bắp” rằng đó là loại “đầu óc ngu si tứ chi phát triển”. Dù sao cũng phải thừa nhận rằng, bộ não thông minh là “độc quyền” của con người. Không thể phủ nhận rằng bản thân mỗi người chúng ta đều có nhiều giây phút “toả sáng” vì những suy tư, sáng kiến, trí tưởng tượng bay bổng và khả năng sáng tạo không ngừng. Tuy thế, ai trong chúng ta có thể khẳng định là mình luôn luôn đúng?. Thật vậy, chúng ta thường có những suy nghĩ, hành vi mà khi chúng ta thực hiện, ngay lập tức, ta nhận ra rằng mình thiếu khôn ngoan; vì rằng đôi khi mình “khôn trường kỳ” mà cũng hay “ngu đột xuất”. Và người ta luôn mơ ước mình trở nên “người khôn ngoan” hơn. Mà thế nào là người khôn ngoan?

Sự khôn ngoan là một quà tặng mà Thượng đế ban cho con người. Trong thế giới của loài thụ tạo, chỉ có con người mới có khả năng khám phá, nhận định, tìm hiểu, phân tích, tổng hợp và liên kết kinh nghiệm sống, biến tất cả thành lịch sử cuộc đời mình. Trong giáo dục luân lý Kitô giáo, người ta nhắc đến Nhân đức Khôn ngoan. Người ta từng gọi nhân đức này là “auriga virtutum” – nhân đức “cầm cương”, “điều khiển” (auriga: tiếng Latinh chỉ người đánh xe ngựa) vì nhân đức khôn ngoan chỉ ra cho các nhân đức khác các quy tắc, điểm quy chiếu và các biện pháp theo đó mà thực hành. Thánh Toma gọi đó là “quy tắc đúng đắn cho hành động” (S.Th II-II, 47, 2).

Theo Thánh Toma, sự khôn ngoan không chỉ đòi hỏi kiến thức về trường hợp cá biệt, riêng lẽ, mà còn tính đến các nguyên tắc phổ quát: “Trong thực tế, không ai có thể áp dụng một điều này vào một điều khác mà không biết cả hai, đó là điều để áp dụng và một điều được áp dụng. Nhưng hành động của con người luôn ứng với từng trường hợp riêng biệt. Vì vậy, người khôn ngoan cần thiết phải biết các nguyên tắc phổ quát của lý trí, và phải biết rõ cả từng trường hợp riêng lẻ trong các hoạt động của họ” (S.Th II-II, 47, 3).

Nhân đức khôn ngoan làm cho chủ thể, theo cách dễ dàng hơn, biết áp dụng vào các hành vi cụ thể các nguyên tắc đạo đức có vai trò hướng dẫn các hành vi của con người. Họ nói năng lịch sự và biết lựa lời. Họ cư xử chừng mực vì biết các giới hạn cần thiết trong tương giao,… Sự khôn ngoan như thế cũng khác với xảo quyệt, ranh ma, dè chừng, không chắc chắn, ảo tưởng (x. Hc 19, 1-25; Hc 20, 27-31). Người khôn ngoan là người cẩn trọng trong mọi hoạt động, và trong mọi hành vi của mình họ luôn biết thực hiện với sự kiềm chế, tiết độ.

“Ðức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn phán đoán của lương tâm. Dựa theo phán đoán này, người khôn ngoan chọn cách ứng xử của mình. Nhờ đức tính này, chúng ta áp dụng đúng đắn các nguyên tắc luân lý vào từng trường hợp cụ thể, và không còn do dự về điều thiện phải làm và điều ác phải tránh” (x. Giáo lý Công giáo, số 1806).

Khôn ngoan của con người khác với “khôn ngoan của Thập giá” (hay sự khôn ngoan của Thiên Chúa) (x. 1 Cr 17-25). Từ đây, chúng ta có thể  nói tiếp về “sự khôn ngoan của cõi lòng”.

Một người có sự khôn ngoan của cõi lòng biết chấp nhận cách mạnh mẽ và thanh thản thực tế cuộc sống trong những giới hạn của nó, biết mình là thụ tạo bị giới hạn giữa biên giới của sự tồn tại mà mình không thể vượt qua, biết có những luật lệ nhất định của cuộc sống phải được chấp nhận và được tôn trọng, có khoảng trống nhất định trong ta không thể được lấp đầy. Và điều này không phải là do định mệnh mù quáng, nhưng do các dữ liệu thực tế và không thể thay đổi của thực tại “làm người”. Vâng, nhận ra những giới hạn ấy và chấp nhận chúng với sự thanh thản là một dấu hiệu của sự khôn ngoan tuyệt vời.

Người có sự khôn ngoan của cõi lòng nhận biết rằng sẽ thật là vô ích khi cứ mãi khóc lóc hay bám víu vào điều nay còn mai mất; biết rằng nỗi buồn hay niềm vui là chuyện rất thường trong đời; biết rằng cuộc sống có những ngày đầy ắp vinh quang và có lúc im lặng vì thất bại. Một người có sự khôn ngoan của cõi lòng hiểu được sự tạm bợ và điều vĩnh cữu giữa những gì đổi thay, ngắn ngủi; hiểu ra một sự thật là có nhiều thứ nhất thời, chóng qua mà lại xuất hiện ở một dáng vẻ hấp dẫn, quyến rũ chúng ta, hành hạ chúng ta và khiến chúng ta đau khổ trong những cuộc tìm kiếm vô vọng, hay không có hồi kết thúc.

Sự khôn ngoan còn là việc biết khám phá những điều tốt lành có trong mọi loài thụ tạo, biết ngưỡng mộ trật tự đằng sau đó, biết khám phá “dấu vết của Thiên Chúa” trong mọi biến cố, mà không tham vọng muốn vượt qua hết những giới hạn của loài thụ tạo.

Người có sự khôn ngoan của cõi lòng biết thực hiện các bước đi tương ứng với đôi chân của mình, biết suy nghĩ trước những lựa chọn của cuộc sống hàng ngày và biết quyết định vì những lựa chọn tuyệt vời cho cuộc sống dài lâu. Họ có lối sống rất thực tế và ít hoặc không dựa vào những ảo tưởng và, do đó, không rơi vào thất vọng cay đắng. Họ là những người hiểu cách thoát ra khỏi sự an toàn giả tạo, biết đo lường cách trung thực với các loại khó khăn khác nhau và biết làm thế nào để rút tỉa kinh nghiệm từ các lỗi lầm và thất bại, từ những hiểu lầm và những lời chỉ trích, từ thất vọng và sự khinh thường hay bị cô lập.

Người có sự khôn ngoan của cõi lòng không ngừng nỗ lực và hy sinh để vượt qua những tình huống bất lợi; biết huy động tất cả các nguồn lực của mình, biết đầu tư khả năng của mình và tất cả thời gian vào hành động chính đáng; sau đó, giữa bao nhiêu âu lo và thử thách, họ biết cách lấy lại sự bình an và niềm vui nhờ tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, Đấng mang đến cho tất cả mọi người mọi thứ đúng thời đúng buổi.

Chúng ta cũng có thể nói thêm nữa về điều ngược lại ở nơi những kẻ có trái tim ngốc nghếch (àphron- rỗng, ngốc nghếch, thiếu ý thức chung, ngu ngốc ...). Sự ngu ngốc nơi con người được biểu hiện như không thể phân biệt sự thật nơi những gì xuất hiện trong thực tế, lẫn lộn công lý với tội ác, cái tốt với cái xấu, những người vô tội với tội lỗi, và rơi vào một nghịch lý rõ ràng: họ tự xem mình là khôn ngoan và gán cái “dại dột” cho người khác; tự thêu dệt một loạt lý luận vô nghĩa và phi lý, một suối những lời nói trống rỗng. Tác giả của sách Châm ngôn nhận xét: “Bước chân nghiêng ngửa của người què thế nào thì lời nói trong miệng của một kẻ ngốc cũng khập khiểng như vậy” (x. Châm ngôn 26, 7).

Ai là người khôn ngoan, biết rút ra nhiều kinh nghiệm, biết cân nhắc những gì đó là tốt và cái gì là xấu (x. Giảng viên 7, 15-18), biết phân biệt đúng sai cho mỗi lựa chọn và không rơi vào bẫy xảo quyệt; không miễn nhiễm với sự mệt mỏi của suy tư và nghiên cứu, và do đó, họ có được những niềm vui của cuộc chinh phục. Người khôn ngoan ôn hòa trong cách nói năng; lời mà họ thốt ra là kết quả của suy tư lâu dài từ khối óc bén nhạy và trái tim rộng mở. Người khôn ngoan là kẻ tốt bụng nhưng không ngây thơ, chừng mực nhưng không lạnh lùng, kiên nhẫn nhưng không lỳ lợm.

Chắc là bạn đã có lần nào đó nghe đọc những lời sau đây từ Kinh Thánh:
 “Lạy Đức Chúa từ bi lân tuất, Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan của Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên, và sống sao cho thánh thiện công chính mà chỉ huy cả vũ trụ này, cùng được một tâm hồn ngay thẳng mà phân biệt phải trái. (Kn 9, 1-3)

Nếu bạn tin những lời này, bạn sẽ hiểu đâu là Nguồn của mọi sự khôn ngoan. Tại sao ta lại không nghĩ đến chuyện “làm một chuyến hành trình” tìm đến tận nguồn khôn ngoan ấy nhỉ? 
(Lê An Phong, SDB)

28 November, 2015

SUY NIỆM LỜI CHÚA - SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG NHƯ NHỮNG MÔN ĐỆ CỦA ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT - Tuần IV

Tin mừng Luca (Lc 1, 39-45): 
Người môn đệ Chúa với khoé nhìn “tha nhân là người được Chúa chúc phúc”


Tuần thứ IV Mùa vọng, chúng ta chiêm ngắm Khuôn mặt Mẹ Maria và những tâm tình nhân hậu của Mẹ với người khác, qua tường thuật Tin mừng của Thánh Luca về việc Mẹ đi thăm bà Elisabeth.

Cuộc sống của chúng ta là những cuộc gặp gỡ nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều sắc thái và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Cuộc gặp gỡ của Maria và Elisabeth khá đặc biệt, theo lời tường thuật của Luca. Họ là hai người phụ nữ  - lớp người thuộc vào hạng không mấy quan trọng trong xã hội thời đó. Một điều đặc biệt hơn nữa, nếu chúng ta nhìn dưới góc độ văn hóa, tôn giáo và xã hội: Maria, cô thiếu nữ chưa làm đám cưới (dù đã đính hôn, nhưng Giuse chưa rước cô về nhà để chung sống), chưa sống chung mà đã mang thai (có thể bị gán cho tội “không đứng đắn”, phạm tội ngoại tình và sẽ bị ném đá). Bà Elisabeth, người phụ nữ đã già mà chẳng sinh con; người đàn bà son sẻ, hiếm muộn có thể bị gán cho số phận không may mắn, bị sỉ nhục và “bị chúc dữ” (xem St 29,31; 1Sm 1, 10; Is 4,1; Lv 20,20-21; 2Sm 6, 23).

Dưới mắt người đời thời đó, và theo khóe nhìn tôn giáo và văn hóa Do thái giáo, ít nhất là chúng ta có thể “giả định”, hai phụ nữ này chẳng có gì để đem ra ca tụng. Hơn thế, ta phải nói đến chuyện một người sẽ bị đem ra ném đá và người kia có thể được gọi là “kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ”. Điểm đáng nói nữa là chuyện hai người phụ nữ khi gặp gỡ, họ còn chào và gọi nhau là “đầy ơn phúc”, “được chúc phúc”. Họ muốn “tung hô nhau” hay tự “xông hương” cho nhau chăng? Họ thật sự “có phúc” không, và “phúc’ của họ là gì, từ đâu mà có?

Họa hay phúc, ta có thể đánh giá rất chủ quan và có thể bị sai lệch. Có thể  mọi sự sẽ xảy ra như chuyện “Tái ông thất mã”, và cuộc sống xem ra là là một chuỗi dài của chuyện “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”…
Từ câu chuyện của Maria và Elisabeth, chúng ta có thể nói rằng chỉ có ai là “người trong cuộc” mới có thể hiểu được mối phúc mà hai người phụ nữ này có được. Đó là điều kỳ diệu mà Thiên Chúa muốn làm, hay nói cách khác, là chuyện Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt vào cuộc đời của họ. Maria và Elisabeth chính là “những người trong cuộc”, là những người bị “dính vào chuyện của Thiên Chúa”. Và từ đó, thái độ của hai người phụ nữ ấy càng đặc biệt hơn khi họ biết nhìn ra hạnh phúc thật nơi những điều mà người thế gian cho là bất hạnh. Thật thế, chúng ta có thể kể ra những điểm sau:

1 Cả hai người phụ nữ nhận ra thân phận bé mọn của mình; họ “biết mình” bằng sự khiêm tốn chứ không vì tự ti, mặc cảm. Bởi thế họ mới có thể reo lên Linh hồn tôi ca ngợi Đức Chúa, tâm trí tôi hớn hở vui mừng.

2 Họ hiểu rằng ngay chính nơi sự cùng khốn của mình, Thiên Chúa đã làm những điều cao trọng. Từ đó họ tuyên xưng rằng Người là Đấng Quyền năng danh Người chí  thánh chí tôn, Đấng trung tín và giàu lòng yêu thương – Chúa hằng “thương xót những ai kính sợ Người”.

3 Họ tin rằng những điều cao trọng đã và đang xảy ra cho mình không phải do ý muốn riêng đạt được hay đó là phần thưởng xứng hợp với công trạng của mình, nhưng là do Thánh ý Thiên Chúa và lời giao ước tình yêu của Người với nhân loại, qua dân Israel, với cha ông của họ từ thưở trước.

4 Họ không bận tâm quá nhiều đến chuyện xầm xì của thế gian về những bất hạnh của riêng mình cho bằng phó thác tất cả mọi sự vào tình yêu thương, lòng trung tínsự công minh của Thiên Chúa từ đời nọ trải qua đời kia.

Mẹ Maria và bà Elisabeth đã nhìn nhau và nhận ra nơi mỗi người hồng ân của Thiên Chúa, rồi gọi nhau bằng tên gọi của những “người được chúc phúc” hay là “người có phúc”. Còn chúng ta? Khóe nhìn nào mà chúng ta có được khi hướng tới tha nhân?

Hãy nhìn thực tế cuộc sống bên ngoài cộng đoàn chúng ta: Khắp nơi đầy dẫy những chuyện ghen ghét, lọc lừa. Người ta đánh giá nhau dựa vào những gì bên ngoài hay ở “bề nổi”. Nhiều bạn trẻ đã không dám nhìn vào người khác, vì một cái nhìn bị cho là “đểu” có thể là nguyên nhân vô duyên nhất gây nên cái chết oan khiên của một mạng người. Sự đố kị, cạnh tranh, chèn ép có mặt ở khắp nơi… Có lẽ khi con người lấy tiền tài, vật chất và vẻ hào nhoáng bên ngoài làm thước đo các giá trị và là mục đích tối thượng thì người ta sẽ nhìn tha nhân với một khóe nhìn tiêu cực: “Tha nhân là địa ngục của tôi”, nói như triết gia Jean Paul Sartre. Và cứ theo kiểu như vậy, người đứng trước mặt tôi luôn là “nguy cơ”, chính là “tai họa” và là “đầu mối của mọi rắc rối” cho tôi! Từ đó, trong các mối tương quan nhân vị, sự lựa chọn bắt buộc sẽ nhằm vào việc triệt thoái hay hạ bệ lẫn nhau. Khi ta không còn khả năng nhìn ra được điều tốt lành nơi người khác, thì ta chẳng còn biết yêu thương hay trân trọng ai cả.

Quay lại nhìn cuộc sống hằng ngày bên trong mỗi cộng đoàn ki tô hữu, chúng ta có thể thấy thêm điều gì? Thưa, đó là sự đố kị, tiếng xầm xì, lời trách cứ, chuyện chê bai cách công khai hay ngấm ngầm và việc xúc phạm đến nhau, sự tự tôn, sự tự ty, óc bè phái,…Tất cả chính là thuốc độc làm hao mòn, gặm nhấm các phần tử và tàn hại thân xác mầu nhiệm của Chúa Kitô. Bên trong các cộng đoàn kitô hữu còn có cả căn bệnh tính toán, so đo thiệt hơn hoặc kiểu hành xử theo chiều hướng khác của bệnh dửng dưng, vô cảm; của lối sống cá nhân ích kỷ và thiếu trách nhiệm. Đây là điều mà trước đây Thánh Phaolo đã nhắc nhở các tín hữu trong các cộng đoàn của ngài, và giờ đây, vẫn còn là một thực tế mà mỗi chúng ta có thể trải nghiệm.
Như Mẹ Maria, mỗi chúng ta có thể làm gì? Hãy học biết cách sống khiêm cung và biết đón nhận cuộc sống như một tặng ân vô giá, là hồng ân được hiệp thông vào Đấng yêu thương và cũng chính là Cùng Đích cao trọng mà mỗi chúng ta khao khát đạt đến.

Như Mẹ Maria, ta hãy biết vui mừng vì được Chúa yêu thương, biết tạ ơn vì được Chúa gọi mời cộng tác với Ngài.

Như  Mẹ Maria, chúng ta hãy nhìn anh chị em của mình bằng ánh mắt khiêm cung và trái tim rộng mở, biết cảm thông và bao dung hơn khi đón nhận người khác, để nhờ đó ta có thể đọc ra dấu chỉ tình yêu và hồng ân mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi ngườinơi mọi người; như chính Người “đã cho mặt trời chiếu sáng trên người lành cũng như trên kẻ dữ” (Mt 5, 45).

Bước vào những ngày cuối của Mùa Vọng, chúng ta hãy chuẩn bị cùng Mẹ lên đường mang Chúa đến cho người khác như mang một qua tặng quý giá của tình yêu thương, niềm cảm thông lớn lao hơn cả cho mọi người giữa thế giới mà tình người đang có nguy cơ bị hoang mạc hoá.

(Lê An Phong,SDB)

SUY NIỆM LỜI CHÚA - SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG NHƯ NHỮNG MÔN ĐỆ CỦA ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT - Tuần III

Tin mừng Luca (Lc 3, 10-18): 
Người môn đệ Chúa và lối hành xử với lòng trắc ẩn

Tin mừng tuần này tiếp theo câu chuyện của Gioan Tẩy giả và lời kêu mời sám hối, thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, Gioan xem ra đã thay đổi thái độ, không còn gay gắt, trực tính hay đầy thịnh nộ nữa (x. Lc 3, 7-9) để loan báo tin vui về một Đấng Cứu thế sẽ xuất hiện sau đó mà mình không đáng cởi quai dép (x. Lc 3, 15-18). Và đây là bài học quý giá cho lối hành xử nơi người môn đệ của lòng thương xót.

Đối diện với nhiều hạng người khác nhau, trong đó có nhiều kẻ đáng thương hơn là đáng tội, bị anh em đồng bào khinh miệt vì “nghề nghiệp bất chính” và bị xem là “những kẻ tội lỗi” (x. Lc 3, 11-14), Gioan đã tỏ lộ một con người là ngôn sứ của Thiên Chúa yêu thương với họ. Thông điệp mà ông nói với họ là không một ai xấu xa và đáng bị loại bỏ; không một nghề nghiệp, công việc nào khiến con người bị loại bỏ ra khỏi ơn cứu độ. Gioan đã khuyên bảo mọi người làm những việc cụ thể để chứng tỏ tình huynh đệ, bảo vệ công bằng, thiện tâm và ước muốn vươn lên sự trọn hảo bằng chính sự nỗ lực hoán cải từ thực trạng của chính mình. Hơn ai hết, Gioan “hiểu” tâm hồn của con người thời đại mình đang sống và cùng đi với họ trên đường canh tân, hoán cải.

Thái độ và cách hành xử của Gioan đã để lại dấu ấn trong lòng mọi người; và người ta bắt đầu đặt câu hỏi về căn tính của ông: “Biết đâu ông Gioan chẳng phải là Đấng Mesia” (Lc 3, 15). Trong tình huống ấy, nếu muốn, ông Gioan, sẽ có được “cơ hội vàng” để tự tâng bốc hay “đánh bóng thương hiệu” của mình, nhưng Gioan đã “biết” sứ mệnh tiền hô, và với lòng khiêm tốn, ông đã khéo léo giới thiệu cho mọi người tin vui về một Đấng Cứu thế sẽ đến – Đấng có quyền năng và sẽ ban Thần khí đổi mới lòng người (x. Lc 3, 16-17).

Không cần phải truy tầm xa xôi, chúng ta cũng có thể nhận ra từ Gioan cách thức để nói về Chúa cho con người thời đại hôm nay. Như những ngôn sứ, chúng ta không thể im hơi lặng tiếng, hay hô hào chỉ vì danh tiếng cho mình. Đi xa hơn nữa, là người môn đệ của lòng thương xót, chúng ta còn cần phải có những cảm nhận của thân phận yếu hèn và tội lỗi, với bao giới hạn vướng mắc nơi bản tính con người. Tuy nhiên sự đồng cảm này không là việc thoả hiệp hay im lặng trước sự tha hoá đạo đức nơi con người. Sự thương xót chỉ dừng lại ở im lặng hay thoả hiệp đơn thuần chỉ là lòng thương hại. Sự thương xót phải được thực hành trong ánh sáng của sự thật và vì sự thiện hảo cho con người. Chính trong việc hướng theo lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ biết cách áp dụng và cách chỉ bảo cụ thể cho người khác từ sự khôn ngoan của cõi lòng như Gioan Tẩy giả đã làm. Đó là lối hành xử với lòng trắc ẩn mà Chúa muốn nơi ta.(Lê An Phong,SDB)

SUY NIỆM LỜI CHÚA - SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG NHƯ NHỮNG MÔN ĐỆ CỦA ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT - Tuần II

Tin mừng Luca (Lc 3, 1-6): 
Người môn đệ Chúa và thái độ sống: Sám hối và đổi mới

Tiếng hô của Gioan Tẩy giả và lời kêu mời sám hối, canh tân của vị ngôn sứ đã làm nhiều người cùng thời với ông “giật mình”. Rao giảng hay loan báo là nói lớn tiếng cho mọi người nghe một thông điệp quan trọng nào đó. Gioan – vị tiền hô đã lớn tiếng kêu mời mọi người “chịu phép rửa”, đồng nghĩa với việc mời gọi người khác thanh tẩy, chấp nhận một bước quyết liệt từ bỏ những gì là gian tà, sa đoạ để dành tâm hồn mình như là một “cõi thiêng” cho Thần khí Thiên Chúa ngự vào.

Người ta vẫn hay nhắc nhở nhau rằng “hãy có tinh thần đổi mới”, biết gạt bỏ những gì cũ và không hợp thời, đón nhận những thay đổi cần thiết. Theo cách tự nhiên thì mỗi một người sẽ nhận biết cụ thể điều gì với mình là “cũ” và cần thanh luyện hay đổi mới ra sao, vì ai mà chẳng thấy mình hôm nay khác với hôm qua. Nhưng sự thay đổi luôn đi kèm với những hệ luỵ của nó. Có thể đó sẽ là một cuộc bứt phá khó khăn khi người ta đã quá “ngựa quen đường cũ”. Có thể ta sẽ dễ dàng thay đổi những gì là hình thức bên ngoài, nhưng thay đổi tận căn hay làm một sự thay đổi hoàn toàn về cách nghĩ, nếp làm, quan điểm, lối hành xử..., hay làm một cuộc hoán cải - “metanoia” thì thật là khó, nhưng rất cần cho người môn đệ Chúa trong thời buổi hôm nay. Phải chân nhận rằng không một ai trong trần thế nào là hoàn hảo – ai ai cũng là tội nhân, ai ai cũng cần được ơn tha thứ của Thiên Chúa. May mắn thay cho chúng ta vì Thiên Chúa Đấng từ trời cao đến với chúng ta là Chúa của lòng thương xót , từ bi và nhân hậu, chậm bất bình, hay tha thứ và rất mực khoan nhân (x. Tv 85)


Thông điệp của Gioan Tiền hô rất rõ ràng và quyết liệt: Hãy sám hối và canh tân để rồi được nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (x.Lc 3, 6). Ơn cứu độ mà Tin mừng nói đến không phải là câu chuyện cổ tích cứ hằng năm đến dịp là kể lại cho trẻ con. Đó chính là lịch sử của những biến cố vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại và cho từng cá nhân chúng ta. Đón nhận ơn cứu độ cũng có nghĩa là nhìn sâu vào chính cuộc đời mình mà nghiệm ra trong tương quan với Thiên Chúa những điều tốt lành Người đã thực hiện. Đó cũng là cơ hội để nhận ra bản tính bất toàn, yếu đuối của chúng ta mà biết cậy nhờ vào lòng thương xót, sự cảm thông từ phía Thiên Chúa và cả từ phía mọi người sống xung quanh chúng ta vậy. (Lê An Phong,SDB)

SUY NIỆM LỜI CHÚA - SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG NHƯ NHỮNG MÔN ĐỆ CỦA ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT - Tuần I

Tin mừng Luca (Lc 21, 25-28, 34-36): 
Người môn đệ Chúa và tâm thế sẵn sàng đón nhận thực tại


Bước vào Chúa nhật thứ nhất Mùa vọng, chúng ta lắng nghe đoạn Tin mừng theo Thánh Luca, nhắc lại lời Chúa Giêsu nói về những dấu hiệu của sự tàn phá, sụp đổ của thế giới. Vũ trụ sẽ tới lúc không còn trật tự, lòng người lo lắng hoang mang, sự hoảng loạn sẽ bao trùm khắp nơi. Con người sẽ đi tìm sự trợ giúp đây kia. Và vào giờ phút ấy Con Thiên Chúa xuất hiện trong vinh quang.

Bỏ qua những lời đồn đoán về ngày tận thế và những lo sợ vô căn cứ vì các cuộc tấn công ngoài trái đất hay va chạm do các thiên thạch gấy ra, chúng ta cũng phải ý thức rằng thế giới có thể bị sụp đổ, nhưng có lẽ không vì những tai hoạ đến từ đâu xa cho bằng đến từ lòng người dửng dưng vô cảm, vì những toan tính điên rồ của con người.Và không đâu xa, ngôi nhà chung trái đất của chúng ta đang bị rơi vào tình trạng hư nát nghiêm trọng, sự suy thoái nhanh chóng và những thảm hoạ, khủng hoảng đang liên tiếp xảy ra khiến người có lương tri phải giật mình: nhân loại đang làm thất vọng những mong đợi của Thiên Chúa (x. Laudato sii, 61). Nếu con người vô cảm với nhau và với những tạo vật mà Thiên Chúa trao ban cho họ (St 1, 28-30), thì sự huỷ diệt đã khởi nguồn rồi; và người ta chỉ có thể ngăn chặn kịp thời bằng lòng yêu thương, sự quan tâm và thái độ sống có trách nhiệm với nhau hơn mà thôi.

Giữa bao nhiêu biến động chúng ta trông chờ giây phút bình an và tự hỏi: bao giờ loài người mới có một chút bình an thực sự. Đứng trước hoàn cảnh thực tế nhiều khi khiến ta bất an, cần có thái độ nào? Lời Chúa tuần I Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hai điều: Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên (Lc 22, 28); hãy tỉnh thức và cầu nguyện (Lc 22, 36). Đây là hai động thái căn bản của người có niềm tin và biết sống niềm tin đó mà hy vọng. Chúng ta chỉ nhìn lên cao, đứng thẳng thật sự khi lòng mình bình an và tâm trí đầy tràn niềm xác tín vững vàng vào Đấng toàn năng đã tạo ra vũ trụ này. Tư thế đứng thẳng và ngẩng cao đầu là điểm cao nhất của bậc thang tiến hoá, của quá trình tạo dựng và của căn tính làm người đúng nghĩa. Thêm một bước nữa, Chúa mời gọi ta sống mùa vọng với sự tỉnh thức và cầu nguyện. Như người lính canh có trách nhiệm, chúng ta biết thức tỉnh để giữ gìn sự an toàn cho mình và cả cho người. Sự lười biếng, vô trách nhiệm, cuộc sống với lương tâm chai lỳ và sức ì không muốn thay đổi, không muốn vươn lên theo những đòi buộc cao cả của đạo đức, luân lý, đức ái… có lẽ là những gì chúng ta cần phải suy nghĩ và cần phải đưa ra những quyết tâm hoán cải mới cho mùa vọng năm nay: Hãy làm cho lòng mình nhạy bén với các dấu chỉ thời đại và biết cảm thông hơn với mọi người bằng các mối quan tâm cụ thể đến vận mệnh của thế giới mà mình đang sống. 
(Lê An Phong,SDB)

31 October, 2015

ƠN GỌI KI TÔ HỮU CÙNG VỚI ÂN SỦNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN



Hạn từ “ơn gọi” được nghe nói thường xuyên, nhưng chúng ta ít khi dừng lại để xác định nội dung “đặc biệt” của nó. Nếu xem đó là một “thuật ngữ nhà đạo”, chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa vô cùng phong phú của một trong những hạn từ có khả năng tóm tắt và tổng hợp các mầu nhiệm Kitô giáo mang tính cách toàn diện, diễn tả được mối tương quan đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người; và còn hơn thế, đó còn là tương quan cá vị - của Thiên Chúa với từng cá nhân riêng biệt.
Ở đây chúng ta chia sẻ với nhau một suy tư: điều gì có ý nghĩa “đặc biệt” khi chúng ta nói về ơn gọi Kitô hữu?

1.    Ơn gọi là lịch sử của một tương quan đặc biệt với Chúa Kitô
Ơn gọi theo Kitô giáo trước hết là mối quan hệ với Chúa Giêsu Kitô, Người trở thành điểm quy chiếu cuối cùng trong cuộc sống của chúng ta. Người là một “hệ tiêu chuẩn” mà tôi dựa vào đó để đo lường bản thân mình; là “Vị Thầy” hướng dẫn tâm hồn tôi, là cách suy nghĩ của tôi, là sự gợi hứng để tôi lựa chọn và để tôi sống. Tôi học được nơi Người cách nhìn và đọc ra ý nghĩa của cuộc sống, thiện và ác, sự sống và cái chết. Người là cảm hứng của tôi để tôi huấn luyện bản thân mình.
Người Kitô hữu, vì thế, không phải là những người thi hành (làm) một loạt các hoạt động tôn giáo (cầu nguyện, đi lễ, làm một số công việc từ thiện ...), mà họ là những người cảm thấy cần có sự thống nhất trong toàn bộ cuộc sống và hoạt động của mình; thao thức tìm một lời đáp trả trong mọi tình huống khi họ tự hỏi: “Chúa Giêsu sẽ làm gì ở vị trí của tôi?”
Bằng cách này, các Kitô hữu sẽ cảm thấy rằng việc quy chiếu mọi sự vào Chúa Giêsu là tốt cho bản thân mình. Điều đó không làm giảm đi nhân tính của con người (với lý trí, tự do chọn lựa), nhưng ngược lại, làm cho nhân tính đó được trọn vẹn, đúng và đầy đủ ý nghĩa: Người Kitô hữu nhận ra rằng chỉ trong noi theo Chúa Giêsu Nazareth họ tìm thấy chân lý và gía trị của việc “làm người” và “sống sao cho ra con người” (với tình yêu thương, tha thứ, bác ái,  hy sinh và trao ban…).
Trong khi thực hành, việc chọn Chúa Giêsu Kitô làm điểm quy chiếu cho cuộc đời mình và xây dựng mối quan hệ với Ngài sẽ không được thực hiện ngay lập tức và trực tiếp, nhưng được thực hành thông qua một số “phương tiện”: Thánh Thể (và trong sự liên kết với bí tích Thánh Thể là các bí tích khác), Lời Chúa, việc cầu nguyện... Thông qua những hoạt động thực tế ấy, Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta qua Thần Khí của Người, biến đổi đời sống của các tín hữu nên giống Người hơn khi họ biết đón nhận Người trong đức tin.
Tuy thế, tương quan với Chúa Kitô là một câu trả lời tự do. Câu chuyện của một ơn gọi là lịch sử của con người có lựa chọn tự do. Trong khi một cá nhân mang lấy “hình thức chung” của “ơn gọi Kitô hữu”, một người sẽ nhận ra rằng Chúa muốn giới thiệu “ơn gọi chung” ấy cho mình theo “cách thức”, hay trong các “khía cạnh” rất riêng với mình; và có thể, một khía cạnh nào đó sẽ trở nên quan trọng hơn cho bản thân mình so với những người khác, làm chuyển hướng cách thức ban đầu của họ về việc “tháp nhập vào đời sống của Chúa Kitô”. Chúng ta có thể gọi đó là những “ơn riêng” hay “đặc sủng” mà Chúa Thánh thần khơi lên trong Cộng đoàn Giáo hội.

2. Ơn gọi là tổng hợp đặc biệt các ân sủng của Chúa Thánh Thần

Đời sống Kitô hữu được đánh dấu sâu sắc bởi sự rợp bóng của Chúa Thánh Thần (x. Mt 17, 5). Đó là Thần Khí đưa dẫn các tín hữu đến việc hình thành đầy đủ tương quan của họ với Đức Kitô. Thưc vậy, đời sống Kitô hữu, để phát triển và trưởng thành, đòi hỏi một sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần và những tặng ân của Ngài. Chúa Thánh thần là nguồn gốc của tất cả các ân sủng, sự sống, tình yêu: “Tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần là Đấng đã ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).
Chính Chúa Thánh Thần cũng là “món quà của Thiên Chúa tối cao” như được hát trong kinh Veni Creator Spiritus (Xin ngự đến Lạy Thánh thần sáng tạo). Chúng ta có thể nói rằng trong Chúa Thánh Thần, đời sống thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi trở nên qua tặng, một sự trao đổi tình yêu lẫn nhau giữa các Ngôi Thiên Chúa, và qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa “tồn tại” trong dạng thức của “quà tặng”. Chúa Thánh Thần là sự biểu hiện cách riêng của điều tự hiến này, của trạng thái tình yêu này. Ngài là một Ngôi vị-Tình yêu. Ngài là một Ngôi vị-tặng ân (x. Dominum et Vivificantem, số 10).
Chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài như là món quà của cuộc sống mới cho các tông đồ, cho Giáo Hội và cho thế giới (Cv 2, 33). Kinh nghiệm của các môn đệ về Chúa Giêsu đã tăng triển, sau khi Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, cho họ “nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Đó là kinh nghiệm của ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ “được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói các thứ tiếng khác, như Thánh Linh ban cho họ nói” (Cv 2, 4).
Lễ Ngũ Tuần này đã lan truyền sức mạnh trên tất cả nhân loại, cho người già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, phụ nữ… như lời thánh Phêrô giải thích, trong bài giảng đầu tiên của mình, theo lời tiên tri Joel: “Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng,Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2,17-18).
Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần là món quà của hiệp thông, là nước thanh tẩy, là thực tại mới, là sự phong phú của hồng ân; và qua bí tích Thánh Thể, Lời Chúa và cầu nguyện, Chúa Thánh Thần - là Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô – kích hoạt con người để làm cho họ sống động và trở nên thụ tạo mới mang gương mặt của Chúa Giêsu. Ngài giống như một nghệ sĩ làm việc với tác phẩm bằng đất sét của mình, thổi hồn vào nó, cho đến khi tạo nên những hình dạng mong muốn. Và hình thể mà Chúa Thánh thần muốn ghi thành dấu ấn nơi con người chúng ta là sự hiện hữu “như Chúa Giêsu Kitô”. Bởi thế, các hoạt động của Chúa Thánh thần liên can tới con người – loài được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Chúng ta thường nói về ơn gọi của “con người toàn diện”, nghĩa là không chỉ nói về thân xác và vật chất, mà phải nói cả về tâm hồn và tinh thần của con người. Mô hình con người sống theo Thần khí là con người  được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và vâng phục thánh ý Thiên Chúa; sự tồn tại của con người ấy mang dấu ấn các nhân đức của Chúa Giêsu Kitô (x. Gl 5, 22-23). Bằng cách này, Chúa Thánh Thần làm cho mọi người tín hữu trở nên sự sáng tạo đậm nét từ Chúa Giêsu Kitô.

3. Ơn gọi là các hoạt động đầy sáng tạo “cho thế giới này” và “trong Giáo Hội” 

Cuộc sống của người kitô hữu là việc tái tạo tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, với khả năng cống hiến chính mình để sống, yêu thương và phục vụ người khác. Đây là sự sáng tạo của Thần Khí, bởi vì các tín hữu không lặp lại những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu Kitô, nhưng các tín hữu ngày hôm nay, với những cử chỉ và lời nói của mình, diễn đạt ý nghĩa chứa đựng trong những lời nói và hành động của Chúa Giêsu. Một cách nào đó, việc lặp lại những gì Chúa Giêsu đã sống, đã nói và đã làm hơn 2000 năm trước ở Palestine là điều không thể, và thậm chí là không cần thiết. Điều đòi hỏi người Kitô hữu hôm nay là “nói về Chúa Giêsu Kitô” trong thế giới này, khi họ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Người kitô hữu hôm nay là “chứng nhân” của Chúa Giêsu, chứ không phải là một “bản sao” của Người.
Thêm vào đó, cũng nên nhìn nhận một thực tế rằng: công trình của Chúa Giêsu Kitô đã được thực hiện trong một cộng đoàn lịch sử cụ thể của các tín hữu đầu tiên, và giờ đây cũng là “cộng đoàn Giáo Hội”. Từ điều đó, chúng ta phải nói lại cho những ai chủ trương “Tôi theo Chúa Kitô, còn Giáo Hội thì tôi không theo” điều này: việc tách biệt như thế là không thể được, bởi vì ta tin vào Chúa Giêsu Kitô “trong Giáo Hội”, và ý nghĩa của việc “thuộc về Giáo Hội” là một điều hướng căn bản của ơn gọi Kitô giáo. Kitô hữu là một “người con của Giáo Hội”, chấp nhận Giáo Hội như một cộng đoàn hữu hình và phân cấp, trong đó, nhờ bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần, mỗi người nhận biết và xây dựng mối quan hệ giữa mình với Chúa Giêsu và với nhân loại này theo cách thức riêng và phù hợp.
Nếu ta so sánh lịch sử khác nhau của các vị thánh, thì chúng ta sẽ thấy rằng: trong sự tồn tại của một số đường nét chính về sự thánh thiện mà xem ra được lặp đi lặp lại nơi họ (và đó cũng chính là những phác thảo cơ bản của ơn gọi Kitô hữu), có những gương mặt với một loạt các hoạt động mang nhiều trọng tâm và trọng điểm khác nhau. Chính vì các kitô hữu là sự sáng tạo độc đáo và không lặp đi lặp lại về Chúa Kitô như thế, mà đã có không gian mở ra cho các ơn gọi khác nhau cho sự thánh thiện: Hôn nhân, linh mục, tu sĩ, truyền giáo, giáo dân ... Các ơn gọi đó được xác định theo phương cách cụ thể; và thông qua đó, mọi kitô hữu, theo cách riêng của mình, trở thành hình ảnh sống động và đầy sáng tạo của Chúa Giêsu.
Làm sao để nhận ra và sống ơn gọi của mình? Điều quan trọng là, trong ánh sáng của khuôn mẫu tổng thể về đời sống Kitô hữu, mỗi một người Kitô hữu phải “nhận ra” nơi chính bản thân mình, hôm nay, khi đang sống trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, nét riêng của việc mình được Chúa Thánh thần hướng dẫn, thúc đẩy và giáo dục qua các biến cố cuộc đời. Đó cũng là việc “hiểu được” đâu là nguồn cảm hứng và những thử thách mà Thiên Chúa gợi ra trong cuộc sống của chúng ta, rồi dần dần để Ngài hướng dẫn đường lối thực hành qua các “phương tiện” đã nói trên, để chúng ta ngày càng trở nên mạnh mẽ và có thể biểu hiện rõ ràng hơn bộ mặt của Đức Kitô trong thế giới hôm nay.
(Lê An Phong, SDB)

Lời hay ý đẹp của Albert Einstein



Albert Einstein (14/3/1879 – 18/4/1955) - Là nhà vật lý lý thuyết sinh ở nước Đức. Ông đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một lý thuyết cách mạng có ảnh hưởng trong ngành vật lý. Với thành tựu này, Einstein được coi là một trong những cha đẻ của vật lý hiện đại và là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Không những nổi tiếng với phương trình sự tương đương khối lượng-năng lượng E = mc2, mà ông đã nhận Giải Nobel Vật lý năm 1921 “cho những cống hiến của ông đối với vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện”. Việc khám phá và giải thích định luật quang điện cùng với các đóng góp của những nhà vật khác đã khai sinh ra lý thuyết lượng tử, một trụ cột của ngành vật lý học.
Chúng ta cùng đọc lại các phat biểu hay của A. Einstein được người ta sưu tầm. XIn chọn một vài câu để chia sẻ cùng bạn. (Lê An Phong,SDB)


Trí tuệ không phải là một sản phẩm từ trường lớp, nhưng là một quá trình học tập suốt đời.

Nếu bạn muốn con bạn thông minh, hãy đọc cho nó nghe những câu truyện thần tiên.

Giáo dục không phải là ngồi học những cái dữ kiện, mà là việc rèn luyện cho tâm trí cái khả năng tư duy.

Đa số chỉ nhìn thấy những gì đang là mà không nhìn thấy được những gì sẽ là.

Khi ta chấp nhận những giới hạn của mình, ta vượt qua nó.

Trí tưởng tượng là tất cả. Nó chính là tiền đề của tương lai. Tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức.

Người nào chưa từng mắc lỗi lầm cũng là người chưa bao giờ thử làm việc gì.

Bổn phận thiết thực nhất của một người thầy là đánh thức lòng ham thích học hỏi của học sinh.

Một ngày kia, máy móc sẽ giải đáp tất cả những câu hỏi, nhưng sẽ không cỗ máy nào đặt được câu hỏi.

Cái đem lại giá trị thực sự cho con người là giải thoát khỏi cái tôi của họ.

Giá trị một người có được là ở khả năng những gì người đó cho đi.

Ðừng nên cố trở thành một người thành công mà hãy gắng trở thành một người có giá trị.

Cuộc sống cũng giống như việc lái một chiếc xe đạp, để giữ thăng bằng ta cần phải luôn chuyển động.

Người giỏi giang giải quyết vấn đề. Người có trí tuệ phòng ngừa vấn đề.

Tiến bộ kỹ thuật như một cái rìu nằm trong tay một kẻ tâm thần.

Hỡi ơi ngày nay kỹ thuật đã hiển nhiên vượt qua tình nhân loại.

 Sự điên rồ, là hành động như cũ nhưng chờ đợi một kết quả mới.

Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng.

Tất cả tôn giáo, nghệ thuật và khoa học đều là những cành mọc ra từ một thân cây. Tất cả những khát vọng ấy đều hướng tới cái đích là làm cho cuộc sống con người cao quý hơn.

Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể cảm nhận đó là sự huyền bí của cuộc sống.