25 March, 2013

CÂU CHUYỆN CỦA THA THỨ VÀ HOÁN CẢI


…Bắt đầu từ những giây phút hoảng loạn vì hành vi tội ác vừa mới thực hiện bước sang sự đau đớn, nỗi sợ hãi tội lỗi và sự trừng phạt của một vụ giết người có chủ định trước, kẻ sát nhân tên là Alessandro đã cảm thấy mình được giải phóng từ một điều đáng ngạc nhiên: sự tha thứ không do dự, không có điều kiện của Maria Goretti.
Cuộc đời của Alessandro cũng như mọi người, là cuộc chơi giữa hai mặt đối nghịch: thiện –ác, cảm giác tội lỗi và niềm vui được tha thứ, sự hư mất và được cứu chuộc... Từ câu chuyện của Alessandro Serenelli, người đã giết hại Thánh nữ Maria Goretti và sau đó đã hoán cải, chúng ta có thể hiểu hơn về sức mạnh của ơn tha thứ để sống tâm tình Tuần thánh và cầu nguyện cho sự hoán cải, với Lời Chúa Giê su trên thánh giá: “Xin Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết”.

(Tuần Thánh 2013 - Lê An Phong, SDB - sưu tầm và chuyển ngữ)

 

Thời thơ ấu
Từ thời thơ ấu, Alessandro đã phải đối diện với một hoàn cảnh gia đình khá buồn bã: anh không biết mặt người mẹ, vì bà đã qua đời một vài tháng sau khi sinh, ở một nhà thương dành cho các bệnh nhân tâm thần; tất cả bảy anh em bị chết trong những hoàn cảnh bi thảm; việc gia đình di chuyển liên tục từ nơi này đến nơi khác vì công việc đã không cho phép Alessandro có mối quan hệ mạnh mẽ và lâu dài với các bạn đồng trang lứa; một người cha xa cách và ít quan tâm đến việc giáo dục con cái của mình... Nói chung, Alesandro chẳng được thừa hưởng một mối quan tâm tích cực nào, cũng chẳng được giáo dục về đạo đức, tôn giáo. Đây là khung cảnh mà từ đó cậu bé Alessandro lớn lên, với tất cả những thiếu sót, những khoảng trống và cuối cùng là kết quả của một vụ án. Những người biết cậu đã mô tả rằng Alessandro là một người “lầm lỳ”, “kín đấo”, “ít nói”, “có vấn đề”.


Ale
ssandro và gia đình của Maria Goretti
Từ vùng quê chôn nhau cắt rốn của mình, anh chuyển đến làm việc ở Olevano Romano và cuối cùng ở Paliano, nơi anh quen biết gia đình của Maria Goretti, vào năm 1896. Trong độ tuổi nhạy cảm như của tuổi vị thành niên, sự hiện diện của một gia đình đầm ấm và hoà thuận như gia đình  Goretti bên cạnh mình đã tạo nên “cớ” để Alesandro so sánh và cớ ấy mang lại một chút xung đột tâm lý nơi anh.

Sau cái chết bất ngờ của ông Luigi Goretti (cha của Maria Goretti), mối quan hệ giữa hai gia đình bắt đầu thay đổi, trở nên căng thẳng và có xu hướng tiêu cực: người nhà Serenelli bắt đầu thực thi một kiểu tranh chấp với quyền lực và vẻ hống hách, trong lúc các phụ nữ trong gia đình người láng giềng Maria Goretti đã buộc phải làm nhiều việc nặng nhọc ngoài khả năng của mình, và điều đó làm cho cuộc sống hàng ngày của họ càng trở nên nhọc nhằn hơn.

Marietta (“cô bé Maria”, gọi theo kiểu thân mật) trong hoàn cảnh ấy cũng sớm thấy mình trở thành “bà nội trợ” trong nhà và hành động “như một người mẹ trẻ” giữa các anh chị em ruột nhỏ tuổi, trong khi bà mẹ Assunta hàng ngày phải đi làm các công việc trước đây của chồng mình.

Câu chuyện tội ác và sự tha thứ của Marietta
Trong sự gặp gỡ hàng ngày, Alessandro nhìn thấy cô hàng xóm Marietta. Cô bé đã bắt đầu lớn, và chàng bị “mê như điếu đổ”. Alessandro không biết làm gì vì sự cuốn hút ấy và cũng chẳng biết cách nào làm chủ được mình. Thêm vào đó, cô bé Maria Goretti cũng rất dễ tiếp cận và hầu như không có một sự bảo vệ nào, bởi vì cô thường một mình trong nhà.

Bản năng bình thường của chàng trai trẻ thúc đẩy anh tìm cách tán tỉnh. Sau vài lần bị từ chối, Alessandro nghĩ đến một kế hoạch tai ác hơn và không do dự gì để làm chuyện xấu nhất, như sau này anh thú nhận: “Sau khi nỗ lực lần thứ hai thất bại, bắt đầu hình thành trong tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết ý định giải toả niềm đam mê của mình và tôi nghĩ ra ý tưởng là sẽ giết Maria nếu cô ta tiếp tục chống đối mong muốn của tôi”. Và theo sự thúc đẩy ấy, một tội ác đã được thực thi.

Cũng chính vào thời điểm đó, với Alessandro, mọi sự trở nên tồi tệ. Anh bắt đầu cảm thấy những giây phút hoảng loạn vì hành vi tội ác vừa mới thực hiện, sự đau đớn, nỗi sợ hãi vì tội lỗi và án phạt của một vụ giết người có chủ định trước. Nhưng, kẻ sát nhân tên là Alessandro sau đó đã cảm thấy mình được giải phóng từ một điều đáng ngạc nhiên: sự tha thứ không do dự, không điều kiện của Maria Goretti.


Tù tội và được giải thoát.

Sauk hi xảy ra án mạng ở nhà Goretti, Alessandro đã bị bắt và bị đưa đến nhà tù Noto, nơi anh đã bị giam giữ từ ngày 12 tháng hai năm 1903 đến ngày 21 tháng năm 1918. Trong thời gian ấy, hai sự kiện đã đánh dấu cuộc đổi đời của anh, và điều đó đã giúp anh trưởng thành hơn trong việc ăn năn hối cải cũng như tìm thấy sự cứu rỗi.

Đầu tiên, đó là một giấc mơ. Alessandro kể lại: “Đó là năm cuối cùng tôi nằm trong xà lim. Tôi gần như nổi  điên vì nhiều sự khổ cực. Niềm tuyệt vọng làm chán nãn lòng tôi và trong  tâm trí, nó cứ trở lại nhiều hơn và càng mạnh thêm, cho đến một đêm nọ, tôi có một giấc mơ. Tôi thấy mình đứng trước của một khu vườn, ở một góc có nhiều hoa màu trắng và hoa huệ. Trong một khoảnh khắc, tôi thấy Marietta bước xuống, cô ấy thật đẹp và mặc áo trắng. Marietta nhặt lấy các bông huệ, bước đến trước mặt tôi và nói với tôi rằng: “Anh hãy cầm lấy những bông hoa này!”, rồi cô ấy mỉm cười với tôi như một thiên thần. Đối diện với nụ cười thiên thần ấy, tôi bàng hoàng tâm trí và đón nhận những bông huệ mãi mê cho đến khi chúng đày ắp trong vòng tay mình. Ngay sau đó, tôi nhận ra rằng những bông huệ trong vòng tay mình trong phút chốc biến thành những ngọn lửa nhỏ. Marietta mỉm cười với tôi một lần nữa và biến mất. Tôi giật mình thức dậy và tôi nói với bản thân mình: Giờ đây tôi đã cứu rỗi, bởi vì tôi chắc chắn rằng Marietta đến gặp tôi và trao cho tôi sự tha thứ của cô ấy. Kể từ ngày đó về sau trong cuộc đời mình, tôi không còn cảm thấy sự khủng khiếp của tội ác như trước đây nữa”.
Tiếp theo sau đó, vào ngày 10 tháng mười một năm 1910, anh đã gửi một bức thư cho Đức Giám mục Blandini, Giám mục Noto, trong đó, Alesandro biểu lộ sự ăn năn của mình và mong muốn được “đền tội”.

Alessandro ra khỏi nhà tù ở Alghero vào ngày 11 tháng 3 năm 1929, sau 27 năm thụ án và được tha vì đã có hành vi tốt.

Cuộc đời tu sĩ và sự tha thứ của Bà Assunta, mẹ của Maria Goretti

Cuộc đời Alessandro bước sang một trang mới khi các Tu Dòng anh em hèn mọn, Cộng đoàn Thánh Seraphino ở Ascoli Piceno chấp nhận lời thỉnh cầu của Alessandro và cho phép anh gia nhập tu viện. “Lúc đó, anh ấy không phải là một tu sĩ – theo lời của một tu sĩ trong Cộng đoàn - nhưng anh ấy đã sống giữa chúng tôi như một người con thực sự của Thánh Phanxico”. Quyết định mà Alessandro muốn dành phần còn lại của cuộc sống của mình trong tu viện được thực hiện một phần do khó khăn gặp phải trong quá trình hội nhập lại thế giới nơi mà mọi người vẫn còn phán xét anh theo những gì đã làm; nhưng trên tất cả, đó là sự trưởng thành tinh thần từ những thao thức và ý chí mong muốn hoàn thành việc sám hối của mình. Việc này đã diễn ra trong một chiều kích tâm linh và thực tiễn chưa từng có trong đời anh trước đây.
Đó cũng là giai đoạn mà Alessandro có thể làm thêm một điều quan trọng khác: cầu xin việc tha thứ từ Bà Asunta, mẹ của Marietta; và Alessandro làm điều này cách công khai vào ngày 25 Tháng 12 năm 1934, khi ông quỳ gối trước mặt bà và nói: “Hãy tha thứ cho tôi, Asunta”. “Nếu cô ấy đã tha thứ cho anh - Bà Assunta đáp - Thiên Chúa đã tha thứ cho anh, tôi cũng sẵn lòng tha thứ cho anh”.


Qua đời.
Alessandro ở trong Tu viện Dòng Các Anh em Hèn mọn Thánh Phanxicô cho đến khi ông qua đời vào ngày 6 tháng 5 năm 1970. Hãy đọc những dòng sau đây trích từ Di chúc của Alessandro Serenelli:

Tôi đã già gần 80 tuổi và sắp kết thúc ngày đời của tôi.
Nhìn vào quá khứ, tôi nhận ra rằng tuổi thanh niên của tôi đã đi vào con đường sai lầm: con đường của sự dữ, con đường dẫn tôi đến sự huỷ diệt. Tôi đã bị ảnh hưởng từ những gì mình nhìn thấy qua sách báo, qua các kiểu giải trí và từ nhiều gương mù gương xấu khác, điều mà nhiều người trẻ làm theo mà không biết dừng lại để suy nghĩ. Tôi cũng đã từng có lúc không bận tâm vì những điều như thế. Có nhiều người tốt, sống và thực hành đức Tin bên cạnh tôi, nhưng tôi không quan tâm và cứ để mình bị xô đẩy bởi một sức mạnh mù quáng vào con đường xấu.

 Tôi đã phạm một tội ác ở tuổi hai mươi, một tội ác của niềm đam mê mà chỉ để lại giờ đây nỗi kinh hoàng trong trí nhớ. Maria Goretti, giờ đây là một vị nữ thánh, là thiên thần mà Chúa quan phòng đã đặt trước mỗi bước tôi đi để cứu tôi. Tôi vẫn còn trong tim mình dấu ấn sâu đậm của những lời răn đe và cả sự tha thứ của cô ấy. Marietta đã cầu nguyện cho tôi, cầu thay cho kẻ đã giết mình. Tiếp theo đó là 30 năm tù tội.
Nếu tôi không phải là trẻ vị thành niên, chắc là tôi đã bị kết án hết đời. Tôi đã chấp nhận bản án xứng đáng, đã chấp nhận nó vì tôi nhận ra lỗi của mình.

Cô bé Maria thực sự đã trở thánh ánh sáng của đời tôi, là người bảo trợ của tôi; với sự giúp đỡ của cô ấy, tôi đã hành xử tốt trong 27 năm ở tù và đã cố gắng sống một cách trung thực khi xã hội tiếp tục đón nhận tôi trở lại giữa bao nhiêu thành viên khác. Các người con của Thánh Phanxicô, các Anh Em Hèn Mọn ở Marche, đã chào đón tôi với Đức Ái của các thiên thần, và ở giữa họ, tôi không phải là một người đầy tớ nhưng là một người anh em. Tôi đã sống với họ trong 24 năm nay. Và bây giờ tôi đợi chờ giây phút được nhận vào hàng những kẻ được nhìn ngắm tôn nhan Thiên Chúa, được đoàn tụ với những người thân yêu của tôi, được gần gũi với Thiên thần hộ mệnh của tôi và với Assunta, người mẹ thân thương của Marietta nữa. Xin những ai sẽ đọc bức thư này của tôi hãy tìm nơi đây lời răn dạy về con đường hạnh phúc để luôn biết tránh điều ác và luôn biết làm theo điều tốt ngay từ thưở còn thơ bé. Mọi người hãy biết rằng Đạo giáo của chúng ta với những giới luật kèm theo không phải là một cái gì đó mà bạn có thể giản lược hay xem thường, nhưng đó là sự an ủi và động viên thật sự, là con đường duy nhất chắc chắn để bước đi trong tất cả các trường hợp, cả lúc thử thách đau đớn nhất của cuộc đời. Nguyện chúc Bình an và mọi sự Thiện hảo cho mọi người” (Pace e bene!).

Macerata, ngày 5 tháng năm, 1961
Alessandro Serenelli (ký tên)

ĐỂ BIẾT THÊM VỀ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO VÀ NHỮNG SUY NGHĨ MỤC VỤ CỦA NGÀI. (BÀI 3)


 
Chúng tôi giới thiệu phần còn lại suy tư của Đức Thánh Cha Phanxico và những quan tâm của ngài cho đời sống Đức Tin và Giáo hội lúc ngài còn là Hồng y Tổng Giám mục Giáo phận Buenos Aires, qua cuốn sách Sobre el Cielo y la tierra,  (Tạm dịch là  Chuyện Trời và đất) xuất bản năm 2010 ở Buenos Ares.

Một trong những phần đánh động nhất của cuộc đối thoại là khi hai vị Giáo sĩ Skorka và Hồng y Giám mục Bergoglio bàn thảo về cầu nguyện. Rabbi Skorka khởi sự: “Cầu nguyện phải phục vụ cho việc hiệp nhất các tín hữu, đó là một thời điểm khi mà tất cả chúng ta nói một cách chính xác cùng một từ ngữ”. Rabbi Skorka bắt đầu nói về điều mà trên thực tế rất nhiều cá nhân cảm thấy khó khăn để thảo luận công khai, hoặc thật khó có thể nói rõ chỉ bằng một vài từ ngữ. Hồng y Bergoglio đồng lòng: “Cầu nguyện là một hành động tự do”. Ngài tiếp tục: “Cầu nguyện là thưa chuyện và lắng nghe. Có những khoảnh khắc đúng là của sự im lặng sâu xa, của lòng thờ kính, chờ đợi trong lúc thời gian vụt qua”. Sau đó, ngài trích dẫn ví dụ của Áp-ra-ham cầu thay cho dân thành  Sô-đôma và Gô-mô-ra, và ông Mose cầu nguyện cho dân Israel.

Với các giáo sĩ theo chủ trương Truyền thống (Nhóm của Giám mục Lefebvre - ở Argentina họ có một chủng viện và một số nhà thờ), sự phân định của Hồng y Bergoglio thật rõ ràng: ngài đùng lối định nghĩa “phái nhỏ của truyền thống” (tradizionalisti), “những ngươi chính thống” (fondamentalisti) và cho biết thêm: “Đây là kiểu thực hành tôn giáo có phần cứng nhắc, núp bóng đằng sau một học thuyết mà họ muốn đòi hỏi nhằm đáp ứng những biện minh có vẻ chính đáng, thực tế họ thiếu hẳn sự tự do và không để cho mọi người phát triển. Trong nhiều trường hợp nó đưa đến hậu quả tiến thoái lưỡng nan và một cuộc sống hai mặt”.

Khi bàn về những trào lưu tư tưởng lớn của thế kỷ XX, Đức Hồng Y nói: “Kitô giáo lên án cùng một cách thức đối với chủ nghĩa cộng sản cũng như với chủ nghĩa tư bản hoang dã. Một ví dụ rõ ràng là chuyện tiền bạc được chuyển ra nước ngoài. Tiền bạc thuộc về một quốc gia và những ai lấy tài sản được sản xuất tại một quốc gia để vận chuyển nó tới một nơi khác là một tội lỗi, bởi vì họ không làm vinh hạnh cho đất nước nơi sản sinh các nguồn lợi và cho những người dân đã làm việc để tạo ra tài sản đó”. Ngài có ý kiến thêm về việc rửa tiền từ buôn bán ma túy: “Đồng tiền vấy máu không thể chấp nhận được”.

Về sự giàu có của Giáo Hội, ngài nói: “Người ta luôn luôn bàn về sự giàu có của Vatican. Một Tôn giáo luôn cần tiền bạc để giữ cho các công cuộc của mình hoạt động và nếu tiền bạc được luân chuyển thông qua các tổ chức ngân hàng đứng đắn thì điều này không có gì là bất hợp pháp. Số tiền đi vào kho bạc của Vatican sau đó thường đi đến các nơi dành cho người bị bệnh phong, các trường học, các cộng đoàn ở châu Phi, châu Á, Nam Mỹ”. Ngài nhắc nhớ Thánh tử đạo Lorenzo và việc người đã bảo vệ những người nghèo của Roma ra sao rồi nói: “Người nghèo là kho tàng của Giáo Hội và chúng ta phải chăm sóc họ; nếu chúng ta không có tầm nhìn này, chúng ta sẽ xây dựng một Giáo Hội tầm thường, thờ ơ, không có sức mạnh”.

Cuộc đối thoại giữa một giáo sĩ Do thái và một hồng y Công giáo không thể không chạm đến các mối quan hệ giữa người Do Thái và Kitô hữu và bi kịch diệt chủng. Liên quan đến điều này Hồng y Bergoglio đã nhắc lại giáo lý của Công Đồng Vatican II: “ Người ta không thể, cách tuyệt đối, đổ lỗi cho một dân tộc đã giết chết con Thiên Chúa”. Sau đó, cùng với sự thẳng thắn, ngài đã thừa nhận rằng ở Argentina còn một số giáo sĩ có thái độ chống Do Thái, rồi kiên quyết tuyên bố: “Hôm nay, đường hướng của Giáo Hội ở Argentina là rõ ràng: đối thoại giữa các tôn giáo”.

Về tương lai của các tôn giáo, với khoé nhìn tiên tri bắt nguồn từ nền tảng lịch sử, ngài nói: “Nếu một người nhìn vào lịch sử, sẽ thấy rằng hình thức tôn giáo của đạo Công giáo đã thay đổi đáng kể. Ví dụ, chúng ta nói đến thời còn các nước thuộc Giáo hoàng, nơi mà quyền lực trần gian được kết hợp với sức mạnh tinh thần. Lúc đó ta thấy rõ sự biến thái của Kitô giáo và tất cả không có gì tương xứng với những điều mà Chúa Giê-su chờ đợi. Do đó chúng tôi nghĩ rằng, nếu trong lịch sử đã qua, Giáo Hội đã có được một sự tiến hóa tuyệt vời như vậy, thì trong tương lai, Giáo hội sẽ thích nghi với nền văn hóa của thời đại. Cuộc đối thoại giữa tôn giáo và văn hóa là một trong những chìa khóa của Công Đồng Vatican II. Nguyên tắc khác là sự hoán cải liên tục của Giáo Hội - Ecclesia semper reformanda - và sự biến đổi của Giáo hội sẽ mặc lấy các hình thức khác nhau trong thời gian mà không ảnh hưởng gì đến tín điều”.

Không thiếu trong cuốn sách này những giai thoại hay những tranh luận thú vị. Ví dụ, việc sử dụng hoặc không mặc áo chùng thâm của các linh mục. Hồng y Bergoglio trích dẫn lời đối thoại của ngài với một linh mục trẻ: “Vấn đề không phải là bạn mặc nó hay không, nhưng quan trọng ở chổ là bạn có xắn tay áo của mình để làm việc cho những người khác”.

Nghe lại những lời rõ ràng như vậy, chúng ta cũng đủ thấy những gì mà vị Giám Mục Roma và là Chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ đã lên tiếng cho đến hôm nay không phải là sự bất ngờ! Đó thực sự đã là thao thức và suy tư hành động từ lâu của ngài như một vị mục tử nhiệt thành.

(Lê An Phong, SDB – tổng hợp và chuyển ngữ)

ĐỂ BIẾT THÊM VỀ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO VÀ NHỮNG SUY NGHĨ MỤC VỤ CỦA NGÀI. (BÀI 2)


 
Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu suy tư của Đức Thánh Cha Phanxico và những quan tâm của ngài cho đời sống Đức Tin và Giáo hội qua cuốn sách Sobre el Cielo y la tierra - Tạm dịch là  Chuyện Trời và đất - xuất bản năm 2010 ở Buenos Ares. Bài này nói về quan điểm của Ngài về đời sống ơn gọi.

Việc đào luyện các linh mục là một trong những mối quan tâm của Cha Jorge Bergoglio  khi ngài là Bề trên của Dòng Tên và sau đó là Tổng giám mục Buenos Aires. Chúng tôi giới thiệu ở đây một cuộc đối thoại của ngài liên qua với thầy Abraham Skorka, vị rabbi của Do thái giáo, Giám đốc Chủng viện giáo sĩ Do Thái - châu Mỹ Latinh, quan đến ơn gọi của ngài và đời sống độc thân linh mục .


 Cha Bergoglio: Khi tôi còn là một chủng sinh, tôi bị một “tiếng sét tình yêu” bởi một cô gái tôi đã gặp tại đám cưới của một ông chú. Tôi đã ngây ngất bởi vẻ đẹp và trí thông minh của cô ... và tôi đã bị “mất hồn”; đầu óc tôi quay cuồng. Khi tôi trở lại Chủng viện sau đám cưới, tôi không thể cầm lòng cầm trí để cầu nguyện trong suốt một tuần; khi tôi chuẩn bị cầu nguyện,  lúc đó dường như chỉ có hình ảnh của cô gái trong tâm trí tôi. Tôi phải suy nghĩ lại những gì tôi đã làm. Tôi tự do vì đang là một chủng sinh, nên tôi có thể đi về nhà và chia tay tất cả mọi sự ở Chủng viện. Tôi đã phải suy nghĩ lại về sự lựa chọn của tôi. Tôi đã chọn lựa một lần -hoặc để tôi chọn một lần nữa - con đường tu sĩ.

Có thể sẽ là bất thường nếu sự việc xảy ra như thế. Mà khi chúng xảy ra, bạn phải thay đổi. Ta phải nhìn thấy điều cần thiết: hoặc phải làm lại sự lựa chọn tương tự ban đầu hay nói: “Không, điều mà tôi đang “thử” rất đẹp, tôi sợ rằng mình sẽ không trung thành với lời cam kết, tôi nên rời bỏ chủng viện”. Khi một việc như thế xảy ra với một chủng sinh, tôi giúp thầy ấy ra đi bình an, để là một Kitô hữu tốt hơn là một linh mục xấu.

Trong Giáo hội Roma (Tây Phương) mà tôi là thành viên, các linh mục không thể kết hôn như trong các Giáo hội Công giáo Byzantine, Ukraina, Nga hoặc Hy Lạp. Trong các Giáo hội này, các linh mục có thể kết hôn, riêng các giám mục phải sống độc thân. Họ là những linh mục tốt. Đôi khi tôi nói với những người anh em này rằng họ có một người phụ nữ trong nhà mà họ không nhận ra rằng thậm chí họ còn có một “bà mẹ vợ” nữa. Trong Giáo hội Tây phương, vấn đề này đã được bàn đến do ảnh hưởng của một số tổ chức. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn duy trì kỷ luật mạnh mẽ của đời sống độc thân. Một số người cho rằng, với những thách thức của thực tế chúng tôi đang mất dần “lực lượng lao động”. Nếu giả như Giáo hội Công giáo Tây phương phải thay đổi cách nhìn nhận về các vấn đề của đời sống độc thân, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ được thực hiện vì lý do văn hóa (như ở phương Đông), chứ không phải là một sự lựa chọn phổ quát. Vào thời điểm này tôi ủng hộ việc giữ luật độc thân, với tất cả những ưu và khuyết điểm mà nó mang lại, bởi vì chúng ta có mười thế kỷ của các kinh nghiệm tích cực chứ không phải là lỗi lầm. Điều thường xảy ra sau đó là các vụ bê bối. Dù sao truyền thống này có trọng lượng và giá trị của nó. Các thừa tác viên trong Giáo Hội đã chọn đời sống độc thân cách tiệm tiến. Cho đến năm 1100, có những người chọn đời sống độc thân và cũng có nhiều người không chọn. Sau đó, phương Đông đã theo truyền thống của việc lựa chọn đời sống độc thân như là một tùy chọn cá nhân; ở phương Tây thì ngược lại. Đó là vấn đề về kỷ luật, chứ không phải của đức tin. Người ta có thể thay đổi. Theo kinh nghiệm cá nhân, chưa bao giờ thoáng qua trong tâm trí của tôi ý tưởng về việc lập gia đình, nhưng cũng có nhiều trường hợp khác không giống vậy. Hãy nhớ lại Tổng thống Paraguay, Fernando Lugo, một mẫu người tuyệt vời. Khi đang là giám mục, Fernando đã chịu một “sự cố” và từ đó đã quyết định từ bỏ Giáo phận. Ông là người trung thực trong quyết định này. Trên thực tế, có nhiều linh mục rơi vào tình huống tương tự.


Rabbi Skorka: Vậy đâu là thái độ của Cha về điều này?

Cha Bergoglio: Nếu một trong số linh mục đến và nói với tôi rằng đã làm cho một phụ nữ có thai, tôi lắng nghe, tôi cố gắng để cho người anh em tìm thấy bình an và từng bước một, tôi giúp người ấy nhận ra rằng quyền tự nhiên đi trước quyền một linh mục. Từ đó khuyên người đó phải rời khỏi Thừa tác vụ và phải có chịu trách nhiệm với đứa trẻ của mình, ngay cả khi anh ta quyết định không kết hôn với người phụ nữ ấy, bởi vì một đứa trẻ có quyền có một người mẹ có quyền có khuôn mặt của một người cha. Tôi hứa sẽ hoàn tất các thủ tục ở Roma, nhưng người anh em đó phải rời bỏ tất cả mọi thứ. Trường hợp nếu một linh mục nói với tôi là ông đã “phải lòng” ai đó, và đã có một vài lần sa ngã, tôi cố gắng giúp anh ta để “sửa mình”. Có linh mục biết cách sửa chữa bản thân, số khác thì không. Một số người, không may phải nói đến đã là giám mục.


R. Skorka: Điều gì cha muốn nói khi đề cập đến chuyện “sửa mình”?

Cha Bergoglio: Đó là họ phải sám hối, để giữ đời sống độc thân của mình. Cuộc sống hai mặt là điều không tốt cho chúng tôi và tôi không thích, vì như thế là để tạo đất sống cho sự dối trá. Đôi khi tôi nói với họ, “Nếu anh không thể chịu đựng được yêu cầu của đời sống đọc thân, hãy tìm cách quyết định đi!”


R. Skorka: Hãy cho tôi hỏi rõ một điều là một linh mục người đang “phải lòng” với một cô gái và ông ta thú nhận, và các trường hợp khá khác biệt về “ấu dâm” (pedofilia). Các trường hợp này tất nhiên phải được ngăn chặn tại gốc, vì rất nghiêm trọng. Mà khi hai người lớn có mối tương quan, yêu nhau… lại là chuyện khác.

Cha Bergoglio: Đúng vậy, nhưng họ phải “sửa mình”. Việc xem đời sống độc thân kéo theo tệ lạm dụng trẻ em đã được loại trừ. Trong thực tế, hơn 70% các trường hợp lạm dụng trẻ em xảy ra trong gia đình và do người thân cận: ông bà, chú bác, bố mẹ kế, người hàng xóm. Vấn đề không liên quan đến đời sống độc thân. Nếu một linh mục ấu dâm, thường ông ta đã là người vướng tật này trước khi trở thành linh mục. Khi điều này xảy ra, bạn không bao giờ nên nhắm mắt làm ngơ. Bạn không thể ở yên trong một vị thế của quyền lực và hủy hoại mạng sống của người khác. Trong giáo phận của tôi, chuyện đó chưa bao giờ xảy ra; nhưng một lần kia, một giám mục gọi điện thoại cho tôi  và hỏi là phải làm gì trong một tình huống như thế ; tôi đã nói với ngài là hãy xoá bỏ việc thi hành Thừa tác vụ của đương sự, và bắt đầu một án theo Giáo luật tại tòa án Giáo phận và cấp tương đương. Đối với tôi đây là một việc cần được thực hiện, tôi không tin vào các vị có thẩm quyền mà chỉ muốn giữ tinh thần tương trợ để tránh làm tổn hại đến hình ảnh của Giáo hội như một định chế. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đôi khi đã đề xuất giải pháp này: thuyên chuyển các linh mục. Thật là dại dột vì theo cách này người linh mục luôn mang theo “vấn đề” với chính mình. Lối hành xử vì sự tương trợ dẫn đến hậu quả, vì vậy tôi không đồng ý với giải pháp ấy. Gần đây ở Irland người ta đã phải mang ra ánh sáng công luận nhiều trường hợp đã qua hai mươi năm, và Đức Giáo hoàng Benedicto XVI đã khẳng định rõ ràng: “Không khoan dung với tội phạm này”. Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm và sự ngay chính của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về điều này. (Còn tiếp)

(Lê An Phong, SDB tổng hợp và chuyển ngữ)

ĐỂ BIẾT THÊM VỀ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO VÀ NHỮNG SUY NGHĨ MỤC VỤ CỦA NGÀI. (BÀI 1)


T cuốn sách mang tựa đề “Sobre el Cielo y la tierra”- Tạm dịch: Chuyện Trời và đất - của Tổng giám mục Buenos Aires, Đức Hồng y Bergoglio và một Rabbi Do thái, Giáo sĩ Abraham Skorka. (Jorge Bergoglio y Abraham Skorka,  Sobre el Cielo y la tierra, Editorial Sudamericana, Buenos Aires 2010, pp. 220).

(Có tham chiếu bài viết của L.m Matteo Crimella. Lê An Phong,SDB tổng hợp và chuyển ngữ)

Cuốn sách 29 chương ngắn gọn, được ghi lại từ chính các cuộc đối thoại diễn ra giữa Đức Hồng y Bergoglio và giáo sĩ Do Thái Skorka về nhiều chủ đề khác nhau: nói về Thiên Chúa, người vô thần, tôn giáo và tương lai, các môn đệ, cầu nguyện, tội lỗi, sự chết, về phụ nữ, nạn phá thai, về giáo dục, chính trị, tiền bạc, cuộc tàn sát người Do thái, về đối thoại liên tôn…

Trong phần giới thiệu, Giáo sĩ Skorka nói: “Cuộc đối thoại của chúng tôi là một bài thực tập, trong đó tâm hồn của người này phản chiếu tâm hồn của người kia”. Ngoài ra, khi gợi lên ý tưởng từ một bức phù điêu trên ô cửa của Nhà thờ Chánh toà Thủ đô Buenos Aires, trên đó có hình ảnh ông Giuse, phó vương Ai Cập, đang ôm chầm lấy anh em mình, nhà lãnh đạo của cộng đồng Do Thái tái khẳng định giá trị của “văn hóa gặp gỡ”. Trong thực tế, nơi mỗi một cuộc đối thoại, từng người phải là chính mình, Đức Hồng Y với căn tính Công giáo và Thầy Abraham Skorka, giáo sĩ Do Thái, nhưng họ đã đối chiếu cùng nhau và cùng làm giàu cho nhau.

Điều gì gợi mở cho chúng ta trong cuộc đối thoại này?  Hồng y Bergoglio nói về chính mình, về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Ngài không che giấu việc mình đã thực hiện cuộc hành trình này, một chặng đường được đánh dấu bởi ánh sáng và bóng tối, bởi niềm an ủi và sự tủi sầu (với kiểu ngôn ngữ thường gặp của Thánh Ignatio và của một linh mục tu sĩ dòng Tên). Ngài nói: “Kinh nghiệm của tôi về Thiên Chúa là những gì tôi có được trong hành trình cuộc sống, trong nghiên cứu, và cả trong việc để cho bản thân mình kiếm tìm”. Từ kinh nghiệm cá nhân mạnh mẽ, Hồng y Bergoglio nhìn thế giới.

Về vô thần nói, ngài nói: “Khi tôi gặp gỡ với người vô thần, tôi chia sẻ với họ các vấn nạn về con người mà không đặt ra ngay từ đầu vấn đề về Thiên Chúa, trừ khi chính họ đưa ra ý tưởng đó với tôi. Nếu cần thiết tôi nói với họ vì sao tôi tin. Bản thân mỗi con người thật là phong phú để chia sẻ, và chúng ta mỗi một người, một cách bình thãn, có thể đóng góp phần mình vào tài sản chung. Kể từ khi tôi có niềm tin, tôi biết rằng sự giàu có ấy chính là món quà từ Thiên Chúa”.

Giáo sĩ Skorka, liên tưởng đến những suy nghĩ của Maimonides, nói rằng: “Chúng ta có thể biết một số mô thức để nói về Thiên Chúa, mà không phải là bản chất của Người”. Hồng y Bergoglio tiếp tục: “Tôi tin rằng, từ kinh nghiệm của mình, những ai thờ phượng Thiên Chúa phải có nhiệm vụ thực thi công bình với anh em của mình. Đó là một nền công lý có tính sáng tạo để từ đó phải làm phát sinh ra nền giáo dục, sự thăng tiến xã hội, việc bổn phận, việc chăm sóc người khác, vv. Vì lý do ấy, con người tôn giáo được gọi là người công chính. Trong ý nghĩa này, công lý tạo ra văn hóa. Và nét văn hoá ấy không giống nhau giữa một người tôn thờ ngẫu tượng và một người thờ phượng Thiên Chúa hằng sống. Hôm nay, người ta có thể thấy nền văn hoá sùng bái ngẫu tượng trong xã hội của chúng ta: chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa khoái lạc”.

Đức Hồng y đã nói đến tính trung tâm nơi mầu nhiệm của Thiên Chúa và mối quan hệ với Người khi suy nghĩ về các nhà lãnh đạo tôn giáo: “Các nhà lãnh đạo vĩ đại của dân Chúa là những người không để dành một chút không gian nào cho sự nghi ngờ. Môi-se là người đàn ông khiêm tốn nhất trên trái đất. Trước mặt Thiên Chúa, không gì quan trọng hơn cho bằng sự khiêm tốn, và điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo tôn giáo rằng hãy để một chút không gian cho Thiên Chúa; rằng họ phải làm điều này với kinh nghiệm “bước đi trong bóng tối”, trong trạng huống “không biết phải làm gì”. Một trong những đặc trưng của một lãnh đạo xấu là quá độc tài vì đặt sự chắc chắn hoàn toàn vào bản thân mình”. Rabbi Skorka lặp lại điều mà không thấy có bất kỳ vấn đề gì: “ Chính đức tin Do Thái cũng được thể hiện bởi một vài cảm giác nghi ngờ. Tôi có thể chắc chắn tới số 99,99 về Thiên Chúa, nhưng không phải là 100%, bởi vì chúng ta đang sống và đang tìm kiếm Người”.

Hồng y Bergoglio chứng tỏ đường nét của một con người rất cởi mở, nhưng ngài có một ý tưởng rõ ràng về Giáo Hội. Ngài giữ khoảng cách với những người muốn làm giảm thiểu vị thế của Giáo Hội như một cơ quan xã hội: “Tôi tin rằng một cộng đoàn tôn giáo không thể bị đồng hóa với một tổ chức phi chính phủ. Có một điều khác biệt chính là sự thánh thiện: một tổ chức phi chính phủ không có cửa cho sự thánh thiện. Trong đó, có hành vi xã hội thích hợp, có sự trung thực, có các ý tưởng về việc ​​làm thế nào để thực hiện tốt một nhiệm vụ, có một logic chính trị… Tất cả hoạt động đều theo kiểu trần thế. Trong tôn giáo không như thế, sự thánh thiện là điều không thể bỏ qua được cho các nhà lãnh đạo của mỗi một tôn giáo”.

Còn rất nhiều điểm tham chiếu về kinh nghiệm mục vụ của Hồng y Bergoglio, Tổng giám mục của Buenos Aires mà chúng ta tìm gặp. Về việc đào tạo của các ứng cử viên cho chức linh mục, Đức Hồng Y nhớ lại những lựa chọn đã được thực hiện trong giáo phận của ngài, và dòng suy nghĩ thậm chí còn đi xa hơn: “Chúng tôi chấp nhận việc các chủng viện chỉ có khoảng 40% con số những người xin gia nhập. Trong thực tế, có một hiện tượng tâm lý hoặc chứng loạn thần kinh của những người muốn tìm kiếm sự an toàn bên ngoài. Một số người không thể hiện thực hoá đời sống của mình nên tìm kiếm sự bảo bọc trong các hội đoàn tương trợ. Một trong những hội đoàn này là giáo sĩ đoàn (il clero – hàng giáo sĩ). Do đó, chúng tôi, với đôi mắt mở to, tìm cách để nhận biết những người đang quan tâm đến chức linh mục. Sau đó, suốt một năm, vào dịp cuối tuần, họ phải đến để chia sẻ cuộc sống chung trong cộng đoàn, và điều này cho phép chúng tôi phân biệt giữa những người có ơn gọi và những người chỉ đơn giản là đi tìm kiếm nơi trú ẩn hoặc là người có nhận thức sai lầm về lời mời gọi của Thiên Chúa”. (còn tiếp)

17 March, 2013

ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CÂU CHÂM NGÔN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAXICO


 
Trên huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Jorge Mario Bergoglio có ba chữ Latin mà người ta ngay lập tức không hiểu hết ý nghĩa: “Miserando atque eligendo”. Nếu ta đi đến tận nguồn để  biết từ đâu Đức Giáo hoàng đã chọn châm ngôn này, ta sẽ khám phá các nét quan trọng của một chương trình cho đời sống và sứ vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxico. Trong việc săn tìm kho báu này nhà thần học Inos Biffi đã cho chúng ta những khám phá thật là hữu ích, như  bài viết trong báo L'Osservatore Romano (Người quan sát Roma)số ra ngày 15 tháng 03 năm 2013.

Phương châm này xuất phát từ một bài giảng của Thánh Beda Khả kính (672-735). Ngài, một vị ẩn tu ở Wearmouth và Jarrow, tác giả của nhiều công trình chú giải Thánh Kinh, Bài giảng và lịch sử, trong số đó có bộ “Lịch sử Giáo Hội Dân tộc Anh” (Historia ecclesiastica gentis Anglorum), vì vậy Ngài  được gọi là "Cha đẻ của lịch sử nước Anh ".

Trong loạt bài giảng của ngài, ở bài thứ hai mươi, Thánh Beda có “luận bàn” về Tin Mừng, đoạn nói về ơn kêu gọi của vị tông đồ Mattheo, một kẻ thu thuế tội lỗi. Trong đoạn mà từ đó có nguồn gốc phương châm của Đức Thánh Cha Phanxico, ta đọc được những dòng sau:

 “Chúa Giêsu nhìn thấy một người đàn ông tên là Mattheo đang ngồi tại bàn thu thuế và nói với ông: “Hãy theo Ta "(Mt, 9, 9). Ngài nhìn thấy Mattheo không hoàn toàn với cái nhìn của đôi mắt nơi vẻ bên ngoài của hình thể, mà còn nhìn thấy cả tấm lòng tốt lành bên trong. Ngài nhìn một kẻ thu thuế và nhìn anh với lòng yêu thương để chọn lựa. Chúa Giê su nói: "Hãy theo tôi". Ngài nói với anh ta, “Hãy theo tôi”, tức là “Hãy học hỏi nơi tôi”. Trong lời mời "Hãy theo tôi," Đức Giê su  không nói quá nhiều về sự chuyển động của bàn chân theo Ngài cho bằng nói đến sự bước đi như là việc thực hành theo cuộc sống của Ngài. Thật đúng như vậy, theo lời của Thánh Gioan: “Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi“. (1 Gn, 2, 6).

Trong tiếng Latin, đoạn văn trên được viết như sau: Vidit ergo Iesus publicanum, et quia miserando atque eligendo vidit, ait illi, Sequere me. Sequere autem dixit imitare. Sequere dixit non tam incessu pedum, quam exsecutione morum”.

Như vậy trong huy hiệu giáo hoàng, phương châm "Miserando atque eligendo" có thể hiểuNgài muốn “đặt mình vào vị thế của Mattheo, được Chúa Giêsu nhìn với lòng thương xót và được chọn gọi làm môn đệ chomình là kẻ tội lỗi.

Điều quan trọng nữa là phần tiếp theo của đoạn văn trích dẫn, ch mà thánh Beda Khả kính giải thích những gì cần làm để bước theo Chúa Giêsu: Đó là “không mong muốn những thứ trần gian, không tìm kiếm lợi lộc tạm thời, tránh xa những vinh quang chóng qua, sẵn sàng đón nhận tất cả sự khinh miệt của thế giới vì vinh quang trên trời, mưu cầu lợi ích cho tất cả mọi người, yêu thương cả những lời lăng mạ từ phía thù địch và không làm tổn hại cho bất cứ ai, chịu đựng với sự kiên nhẫn những gì nhận được, luôn luôn tìm kiếm vinh quang của Đấng Tạo Hóa chứ không bao giờ của riêng mình. Thực hành những điều này và các việc tương tự khác đồng nghĩa với việc theo bước chân của Chúa Kitô”.

Nhà thần học Inos Biffi kết luận: "Đây là một chương trình của Thánh Phanxicô Assisi được viết trên huy hiệu của Đức Giáo hoàng Phanxico. Và chúng ta có trực giác rằng sẽ là chương trình sứ vụ của ngài, với tư cách là Giám Mục Roma và Mục tử của Giáo Hội hoàn vũ".

(Lê An Phong sưu tầm và chuyển ngữ)