Chúng tôi giới thiệu phần
còn lại suy tư của Đức Thánh Cha Phanxico và những quan tâm của ngài cho đời sống
Đức Tin và Giáo hội lúc ngài còn là Hồng y Tổng Giám mục Giáo phận Buenos
Aires, qua cuốn sách Sobre el Cielo y la tierra, (Tạm dịch là
Chuyện Trời và đất) xuất bản năm 2010 ở Buenos Ares.
Một trong
những phần đánh động nhất của cuộc đối thoại là khi hai vị Giáo sĩ Skorka và Hồng
y Giám mục Bergoglio bàn thảo về cầu nguyện. Rabbi Skorka khởi sự: “Cầu nguyện
phải phục vụ cho việc hiệp nhất các tín hữu, đó là một thời điểm khi mà tất cả
chúng ta nói một cách chính xác cùng một từ ngữ”. Rabbi Skorka bắt đầu nói về
điều mà trên thực tế rất nhiều cá nhân cảm thấy khó khăn để thảo luận công
khai, hoặc thật khó có thể nói rõ chỉ bằng một vài từ ngữ. Hồng y Bergoglio đồng
lòng: “Cầu nguyện là một hành động tự do”. Ngài tiếp tục: “Cầu nguyện là thưa
chuyện và lắng nghe. Có những khoảnh khắc đúng là của sự im lặng sâu xa, của
lòng thờ kính, chờ đợi trong lúc thời gian vụt qua”. Sau đó, ngài trích dẫn ví
dụ của Áp-ra-ham cầu thay cho dân thành Sô-đôma và Gô-mô-ra, và ông Mose cầu nguyện
cho dân Israel.
Với các giáo
sĩ theo chủ trương Truyền thống (Nhóm của Giám mục Lefebvre - ở Argentina họ có
một chủng viện và một số nhà thờ), sự phân định của Hồng y Bergoglio thật rõ
ràng: ngài đùng lối định nghĩa “phái nhỏ của truyền thống” (tradizionalisti), “những
ngươi chính thống” (fondamentalisti) và cho biết thêm: “Đây là kiểu thực hành tôn
giáo có phần cứng nhắc, núp bóng đằng sau một học thuyết mà họ muốn đòi hỏi nhằm
đáp ứng những biện minh có vẻ chính đáng, thực tế họ thiếu hẳn sự tự do và
không để cho mọi người phát triển. Trong nhiều trường hợp nó đưa đến hậu quả tiến
thoái lưỡng nan và một cuộc sống hai mặt”.
Khi bàn về
những trào lưu tư tưởng lớn của thế kỷ XX, Đức Hồng Y nói: “Kitô giáo lên án
cùng một cách thức đối với chủ nghĩa cộng sản cũng như với chủ nghĩa tư bản
hoang dã. Một ví dụ rõ ràng là chuyện tiền bạc được chuyển ra nước ngoài. Tiền bạc
thuộc về một quốc gia và những ai lấy tài sản được sản xuất tại một quốc gia để
vận chuyển nó tới một nơi khác là một tội lỗi, bởi vì họ không làm vinh hạnh
cho đất nước nơi sản sinh các nguồn lợi và cho những người dân đã làm việc để tạo
ra tài sản đó”. Ngài có ý kiến thêm về việc rửa tiền từ buôn bán ma túy: “Đồng
tiền vấy máu không thể chấp nhận được”.
Về sự giàu
có của Giáo Hội, ngài nói: “Người ta luôn luôn bàn về sự giàu có của Vatican. Một
Tôn giáo luôn cần tiền bạc để giữ cho các công cuộc của mình hoạt động và nếu tiền
bạc được luân chuyển thông qua các tổ chức ngân hàng đứng đắn thì điều này
không có gì là bất hợp pháp. Số tiền đi vào kho bạc của Vatican sau đó thường
đi đến các nơi dành cho người bị bệnh phong, các trường học, các cộng đoàn ở
châu Phi, châu Á, Nam Mỹ”. Ngài nhắc nhớ Thánh tử đạo Lorenzo và việc người đã
bảo vệ những người nghèo của Roma ra sao rồi nói: “Người nghèo là kho tàng của
Giáo Hội và chúng ta phải chăm sóc họ; nếu chúng ta không có tầm nhìn này,
chúng ta sẽ xây dựng một Giáo Hội tầm thường, thờ ơ, không có sức mạnh”.
Cuộc đối
thoại giữa một giáo sĩ Do thái và một hồng y Công giáo không thể không chạm đến
các mối quan hệ giữa người Do Thái và Kitô hữu và bi kịch diệt chủng. Liên quan
đến điều này Hồng y Bergoglio đã nhắc lại giáo lý của Công Đồng Vatican II: “
Người ta không thể, cách tuyệt đối, đổ lỗi cho một dân tộc đã giết chết con
Thiên Chúa”. Sau đó, cùng với sự thẳng thắn, ngài đã thừa nhận rằng ở Argentina
còn một số giáo sĩ có thái độ chống Do Thái, rồi kiên quyết tuyên bố: “Hôm nay,
đường hướng của Giáo Hội ở Argentina là rõ ràng: đối thoại giữa các tôn giáo”.
Về tương
lai của các tôn giáo, với khoé nhìn tiên tri bắt nguồn từ nền tảng lịch sử,
ngài nói: “Nếu một người nhìn vào lịch sử, sẽ thấy rằng hình thức tôn giáo của
đạo Công giáo đã thay đổi đáng kể. Ví dụ, chúng ta nói đến thời còn các nước
thuộc Giáo hoàng, nơi mà quyền lực trần gian được kết hợp với sức mạnh tinh thần.
Lúc đó ta thấy rõ sự biến thái của Kitô giáo và tất cả không có gì tương xứng với
những điều mà Chúa Giê-su chờ đợi. Do đó chúng tôi nghĩ rằng, nếu trong lịch sử
đã qua, Giáo Hội đã có được một sự tiến hóa tuyệt vời như vậy, thì trong tương
lai, Giáo hội sẽ thích nghi với nền văn hóa của thời đại. Cuộc đối thoại giữa
tôn giáo và văn hóa là một trong những chìa khóa của Công Đồng Vatican II.
Nguyên tắc khác là sự hoán cải liên tục của Giáo Hội - Ecclesia semper reformanda - và sự biến đổi của Giáo hội sẽ mặc lấy
các hình thức khác nhau trong thời gian mà không ảnh hưởng gì đến tín điều”.
Không thiếu
trong cuốn sách này những giai thoại hay những tranh luận thú vị. Ví dụ, việc sử
dụng hoặc không mặc áo chùng thâm của các linh mục. Hồng y Bergoglio trích dẫn lời
đối thoại của ngài với một linh mục trẻ: “Vấn đề không phải là bạn mặc nó hay
không, nhưng quan trọng ở chổ là bạn có xắn tay áo của mình để làm việc cho những
người khác”.
Nghe lại
những lời rõ ràng như vậy, chúng ta cũng đủ thấy những gì mà vị Giám Mục Roma và
là Chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ đã lên tiếng cho đến hôm nay không phải là sự
bất ngờ! Đó thực sự đã là thao thức và suy tư hành động từ lâu của ngài như một
vị mục tử nhiệt thành.
(Lê An Phong,
SDB – tổng hợp và chuyển ngữ)
No comments:
Post a Comment