12 February, 2015

DON BOSCO VÀ VIỆC GIÁO DỤC NGƯỜI TRẺ BẰNG NIỀM TIN VÀ TÌNH YÊU




Don Bosco đã sống và làm việc cho giới trẻ nghèo. Điều này được biết tới từ kết quả các công cuộc mà ngài đã làm và để lại trên toàn thế giới cho tới hôm nay. Nhưng Don Bosco đã sống và cống hiến cuộc đời mình cho giới trẻ không chỉ vì niềm đam mê con người và được nhắc đến như một người “có công trạng lớn”theo chủ trương nhân văn (humanism); trái lại ngài được nhắc đến trong Giáo Hội như là một vị thánh của nền giáo dục kitô giáo, là “cha - thầy - bạn giới trẻ”. Mọi sự với Don Bosco khởi đi từ Đức tin vào Thiên Chúa để xây dựng niềm tin và tình yêu thương cho con người. Chúng ta có thể nói điều này khi nhìn lại các điểm sau đây về cuộc đời của ngài - một nhà giáo dục Đức Tin và chứng tá của tình thương.

Một vài nét lịch sử
Đọc lại vài dòng lịch sử nước Italia và Châu Âu thời Cận-hiện đại, chúng ta có thể đối chiếu tên tuổi của Don Bosco (1815-1888) với những nhân vật nổi tiếng của thời đại mà ngài đã sống. Khi Hegel (1770-1831), triết gia của chủ nghĩa lý tưởng (idealism) qua đời, Don Bosco được 16 tuổi. A. Comte (1798-1857), người muốn tìm một “tôn giáo mới”, trường phái duy nghiệm (pratism) cho nhân loại, lớn hơn Don Bosco 17 tuổi. Feuerbach (1804-1872) lớn hơn Don Bosco 11 tuổi. Darwin (1809-1882) hơn 6 tuổi. K. Marx (1818-1883) nhỏ hơn Don Bosco 3 tuổi. Hai đại văn hào người Nga, Dostoevsky (1821-1881) nhỏ hơn 6 tuổi, L. Tolstoy (1828-1910), nhỏ hơn 8 tuổi.
Tại Ý, khi Don Bosco được sinh ra, nhà văn hóa Manzoni được 30 tuổi, Lãnh tụ Garibaldi được 8 tuổi. Những vị có tên tuổi khác như Đức Piô IX (1792- 1878), Đức Lêô XIII(1810-1903), Vua nước Italia - Vittorio Emanuele II, Bộ trưởng Cavour, Rattazzi, Chân phước Antonio Rosmini (1797-1855,linh mục và nhà triết học), có thể gọi là những “người cùng thời”.
Khi Don Bosco qua đời năm 1888, cùng năm đó, trong cùng một thành phố, ở Torino, Triết gia Nietzsche đã được đón tiếp cách nồng nhiệt bởi đám đông “phát rồ”, và cư dân thành phố “xôn xao” vì tư tưởng mới của ông, rằng cần giết chết Thiên Chúa để con người được tự do và để trở thành “siêu nhân”.
Nhiều người trong số những cái tên mà chúng ta vừa lướt qua, có thể Don Bosco không quen biết hết họ. Don Bosco có sự lựa chọn riêng và nét độc đáo trong hệ thống giáo dục của mình.[1]
Khác với những triết gia và những nhà cách mạng cùng thời, là những người đã ra sức cổ vũ cho sự tiến bộ xã hội – một sự tiến bộ chỉ xây dựng trên nền lý trí thực nghiệm hay chỉ dùng lý tưởng thuần nhân loại, không cần Đức Tin, loại trừ Thiên Chúa,… Don Bosco, một kitô hữu và là linh mục, đã đặt cuộc đời của mình vào “trò chơi cá cược” với Thiên Chúa, nói theo ngôn từ của Pascal.
Suy nghĩ của ngài cũng có nét khác với một số suy nghĩ tôn giáo cùng thời (nhiều người có vẻ bi quan khi nhìn thấy sự độc ác, tội lỗi và hư hỏng của con người, nền đạo đức truyền thống bị xâm hại và có nguy cơ đổ vỡ,…). Don Bosco có khóe nhìn tích cực về thân phận con người, về khả năng hướng thiện và năng lực làm thay đổi cuộc sống, xuất phát từ mỗi cá nhân, trong tương quan với Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài cho mỗi người: đó là việc sống trọn vẹn ơn gọi kitô hữu. Tư tưởng nhân bản này ngài chịu ảnh hưởng từ Thánh Phanxico Salesio và từ những vị thánh nổi tiếng khác về đạo đức và việc bác ái trong Giáo Hội trước thời của mình, như thánh Ignatio, thánh Philip Neri, Thánh Vinhsơn Phaolô,Thánh Anphongso, Thánh Giuse Cafasso.[2]

Niềm Tin của Don Bosco - Nhà giáo dục Đức Tin
Tin vào Thiên Chúa-Đấng yêu thương. Những từ ngữ thường được Don Bosco sử dụng khi nói chuyện và giải thích với mọi người về “lý do” hay “từ đâu” mà ngài có được sức mạnh để làm mọi chuyện lớn nhỏ và đủ sức vượt qua nhiều khó khăn, vân vân...chung quy đều liên quan đến một vị là THIÊN CHÚA. Don Bosco xác tín đó là Đấng yêu thương, là giá trị cao cả nhất của cuộc sống con người, là nền tảng cho việc giáo dục, cho gia đình, cho tương lai và sự sống còn của xã hội và Giáo Hội. Nếu vắng bóng Thiên Chúa, mọi sự sẽ trở nên hư hỏng, và con người sẽ bước đi trong đêm tối. Thiên Chúa, qua Đức Kitô và Giáo Hội, qua sự can thiệp của Mẹ Maria…tiếp tục tỏ lộ tình yêu thương và mong muốn con người trở nên những người cộng tác tốt lành vào chương trình cứu độ của Người. “Các con hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria Phù Hộ các Giáo hữu đi, rồi sẽ thấy thế nào là Phép lạ” (MB XI,359). Niềm tin vào Thiên Chúa với Don Bosco là đôi cánh để con người bay lên: “Hãy đến với Thiên Chúa như con chim đang đứng trên cành cây đung đưa trong gió; nó run rẩy và tưởng như có thể rơi xuống đất nhưng vẫn tiếp tục hót líu lo vì biết mình có đôi cánh nhỏ (MB XVIII, 281).
Tin vào giá trị nhân phẩm của con người. Don Bosco nhắc nhở rằng tất cả mọi người đến trong nhà ngài phải được hưởng sự tôn trọng (MB VII, 31). Don Bosco “trân trọng” con người vì tin rằng trong mỗi con người, nhất là nơi bạn trẻ, có “phần linh hồn quý giá và mỏng dòn”; họ là con cái của Thiên Chúa, là “hình ảnh Thiên Chúa”. Ngài tin rằng mỗi con người được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô trên Thập tự. Thật vậy, nét nhạy bén nơi tâm hồn tốt lành và những hiểu biết căn bản về nhân học mà Don Bosco hấp thụ từ nền giáo dục đạo đức theo truyền thống kitô giáo từ gia đình (như khả năng yêu thương, hòa đồng, biết tôn trọng phẩm giá mọi người, nhất là người nghèo,…) được gắn kết với suy tư sâu sắc hơn về mầu nhiệm Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu,… và được Don Bosco mở rộng trong chiều kích và tầm nhìn của ân sủng, của niềm vui trong sự thánh thiện, của sự phục vụ, của hy sinh và bác ái, của lòng tốt và sự khoan dung, của việc thực hành các nhân đức, của việc biết và sống đúng giá trị nhân phẩm theo “mô hình” mà Thiên Chúa chỉ dạy. “Chúng ta không phải được tạo ra để chỉ ăn và uống mà là để yêu mến Thiên Chúa và vì phần rỗi linh hồn” (MB III,586-587).
Tin vào tài năng và tương lai của người trẻ. Don Bosco khẳng định rằng tuổi trẻ là phần quý báu nhất, là  tương lai của xã hội và của Giáo Hội (MB III, 605). Ngài cũng nhìn thấy tương lai của một xã hội hệ tại nơi người trẻ và nền giáo dục mà họ thừa hưởng. “Từ một nền giáo dục với chọn lựa căn bản tốt hay xấu cho người trẻ sẽ kéo theo niềm vui hay nỗi buồn diễn ra sau này với nếp sống của toàn xã hội” (MB V, 931). “ Nếu tuổi trẻ hư hỏng thì xã hội trong tương lai sẽ trở nên tồi tệ (MB XVI,66).
Dù hiểu biết về cuộc sống của giới trẻ và có khả năng để gây ảnh hưởng trên họ (như có người nói rằng cậu thanh niên Bosco nếu không là linh mục thì sẽ trở thành một tay cầm đầu băng đảng!), nhưng Don Bosco không dùng điều này làm “chiêu bài chính trị” đối với người trẻ, bởi vì Ngài thấy ở nơi họ một phần của kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện cho nhân loại. Ngài luôn nhắc nhở họ: “Các con hãy nhớ rằng, tuổi trẻ là niềm vui của Thiên Chúa” (MB III, 607). Cũng từ đó, Don Bosco dành hết tâm huyết, hết sức lực cho họ và vì họ. “Cha đã cống hiến toàn bộ cuộc sống của cha vì lợi ích của tuổi trẻ, vì cha tin rằng từ việc nuôi dạy lành mạnh thế hệ trẻ sẽ kéo theo sự thăng tiến của một xã hội” (MB XII, 700).
Tin tưởng và yêu mến người trẻ bao nhiêu, ngài đã nhận lại từ họ lòng yêu mến và tin tưởng bấy nhiêu.

Giáo dục trong sự hoà điệu của Tin tưởng, yêu thương và hy vọng (sapientia cordis)
Giáo dục bao giờ cũng cần có mục tiêu, mô hình và phương pháp thích hợp. Với Don Bosco, chúng ta không thể bỏ qua mục tiêu là “hướng con người về với Thiên Chúa - nguồn Chân, Thiện, Mỹ đích thực;  mô hình của ngài là: “người Kitô hữu tốt lành và là công dân lương thiện”; và phương pháp giáo dục của ngài là “hệ thống Dự phòng” với ba yếu tố hòa quyện Ái, Trí, Đạo; cách thức mà Don Bosco chọn lựa để hiện thực hóa việc giáo dục là sự hiện diện của nhà giáo dục giữa người trẻ với lòng thương mến (sự đồng hành).
Xuất phát từ nền tảng căn bản trên, Don Bosco giới thiệu cho người trẻ biết rằng mục tiêu của mọi hoạt động, mọi cố gắng, hy sinh đều liên quan đến lòng Tin, Cậy, Mến; và việc giáo dục như thế bao giờ cũng mang chiều kích thánh thiêng. “Những gì làm cho một bạn trẻ trở nên đạo đức và trung thực, một người lương thiện và tốt lành thực sự, đó là việc thực hiện tất cả các bổn phận của một người con với Thiên Chúa, với chính mình và với anh em đồng loại; những điều ấy là lời chỉ dạy mà các con có thể tìm thấy trong Giáo Lý của Giáo Hội” (MB V, 515).
Giáo dục phải nhắm tới việc hoàn thiện con người, giúp người trẻ trưởng thành và có thể tìm thấy cách thức chọn lựa con đường hạnh phúc lâu bền từ cuộc sống hiện tại. Don Bosco tin rằng hạnh phúc thật phải gắn kết với Thiên Chúa – nguồn hy vọng và mục tiêu tối hậu của con người. “Hãy yêu cuộc sống và tôn trọng sự sống vì biết rằng cuộc sống hiện thời là dấu hiệu của sự sống đời đời” (MB XVII, 178). “Không  gì có thể làm các con phải phiền muộn: người có Thiên Chúa là có tất cả” (MB IV, 516). “Đấng đã cho chim trời có tổ, muông thú có hang sẽ không bao giờ bỏ rơi con người chúng ta” (MB II, 341).
Giáo dục không chỉ hướng con người đến những sự tốt lành; đúng hơn, phải giúp người trẻ thực hành những việc tốt lành, can đảm làm điều tốt, tin vào giá trị của việc mình đang làm. Don Bosco đã khuyên các bạn trẻ như sau:
“Nếu các con muốn sống hạnh phúc và được bảo bọc che chở bởi Thiên Chúa, muốn được mọi người yêu mến, tôn trọng… thì cần thiết phải biết sống yêu thương, tốt bụng với bạn bè, kiên nhẫn và rộng lượng với kẻ thù, khóc với người buồn rầu, không ghen tị với hạnh phúc của người khác, làm điều tốt cho tất cả mọi người và tránh làm bất cứ điều xấu nào cho người khác” (MB IX, 962).
“Khi một người tin tưởng vào sự tốt lành của mục tiêu mà mình đang hướng đến thì người ấy không sợ bất cứ điều gì” (MB III, 331).
“Hãy làm cho tốt việc con có thể làm mà không cần phải nghĩ nhiều đến việc mình sẽ được mọi người nhận biết ra sao. Bông hoa tím viole rất nhỏ và ẩn mình trong bụi cây, nhưng mọi người nhận ra ngay vì hương thơm của nó” (MB XVIII, 860).
Trước một thực tế đầy thử thách cho cả hai phía - nhà giáo dục và người được giáo dục, trong lúc niềm tin bị đánh cắp và đạo đức bị xói mòn vì nhiều nguyên nhân khác nhau, giáo dục vì niềm tin và với niềm tin là điều khó khăn. Dầu sao có một thực tế là, dù ở đâu hay làm gì, giới trẻ vẫn bị đánh động bởi những người “dám sống chết cho những điều thiện hảo”; và nhiều người trong họ tiếp tục muốn sống “vì con người thời nay” và cho “tương lai tươi sáng” của nhân loại. Kinh nghiệm lịch sử một thời cho ta thấy rằng sẽ là một thiếu sót lớn cho nhân loại, và mọi lỗi lầm cũ sẽ bị lặp lại, nếu con người “giành quyền của Thượng đế”. Ta cần ánh sáng của Đức Tin để con người bay lên và chúng ta cũng cần những chứng nhân biết bay lên với niềm tin của mình.

Một vài cách thức, phương tiện để áp dụng cho việc giáo dục giới trẻ hôm nay[3]
Việc học hành, công việc tay chân và việc đạo đức thiêng liêng (đời sống tinh thần): là những hoạt động thường ngày mà Don Bosco muốn các bạn trẻ thực hiện và ngài cũng chờ đợi nơi họ sự thăng tiến cách cụ thể qua việc thực thi các bổn phận căn bản. Đúng vậy, giáo dục không phải là sự thỏa hiệp hay nuông chiều nhưng là một sự đòi hỏi nơi người trẻ sự vươn lên hiện thực hóa bản thân mình, tùy theo khả thể và tính cách của từng cá nhân; và họ phải là nhân tố tích cực, năng động chứ không thụ động.
Sân chơi: là “không gian giáo dục” và chiếm một vị trí quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Với Don Bosco, sân chơi không chỉ là “phương tiện”để thỏa mãn niềm vui và phục vụ cho việc phát triển thể lý, tâm lý của trẻ (chạy nhảy, vui chơi thỏa thích miễn là không nguy hiểm về thể lý và luân lý), mà đó cũng chính là không gian tương tác và sáng tạo, phục vụ cho việc xây dựng tương quan liên vị giũa các trẻ với nhau và với cả các nhà giáo dục (sự hiện diện mang tính chủ đạo trong cuộc chơi, tổ chức trò chơi, tham gia và có những can thiệp khi cần…).
Hội bạn: là một kiểu giáo dục giữa những người bạn cùng trang lứa, “người trẻ cho người trẻ”. Don Bosco khuyến khích các bạn trẻ lập ra và tham gia các hội nhóm này với mục đích giúp nhau cùng sống tốt, sống vì lợi ích của người khác. Ngài giúp họ lựa chọn và thiết lập các nội quy cũng như cách thức điều hành và thực hiện các bổn phận hằng ngày hay cùng nhau chu toàn trách nhiệm được giao. Các bạn trẻ tham dự các nhóm này được huấn luyện về tinh thần trách nhiệm và biết cách chu toàn vai trò của mình. Đây là một kiểu hình tổ chức nằm trong kế hoạch giáo dục-muc vụ mà Don Bosco gặt hái nhiều thành công, giúp người trẻ trở thành “nhân vật chính” trong các công cuộc của ngài.
Âm nhạc và văn nghệ: Don Bosco nhìn thấy nơi hình thức sinh hoạt, âm nhạc, văn nghệ cuộc sống của chính người trẻ và là hình thức dễ thu hút họ nhất. Những buổi cử hành phục vụ trang trọng và sinh động với lời ca tiếng hát, ban nhạc; những ngày lễ hội đặc biệt tạo không khí sôi động, vui tươi; những buổi sinh hoạt văn nghệ, hát ca đoàn, ban nhạc,… là cơ hội để các bạn trẻ biết cộng tác với nhau và cùng chia sẻ niềm vui. Kịch nghệ cũng là một hình thức giáo dục về nhân bản, đạo đức, chuyển tải các thông điệp mang giá trị luân lý.
Lời nhắn nhủ trước khi đi ngủ “Buonanotte”: là lối trình bày đơn sơ và nhẹ nhàng một câu chuyện, lồng vào đó vài lợi nhận xét, nhắc nhở, gợi ý, hướng dẫn… khiến các bạn trẻ suy nghĩ và nhớ đến ý nghĩa cũng như ý thức hơn khi cần phải làm một công việc gì. Chỉ cần vài lời tâm tình đơn sơ trong giờ phút tĩnh lặng ấy, nhà giáo dục có thể chạm đến hay có thể tác động sâu nặng đến tâm hồn bạn trẻ.(Kinh nghiệm một lần, vì các trẻ mất trật tự suốt ngày, D. Bosco không nói lời nào và cũng không trách mắng, chỉ nói là “ngài không vui như mọi ngày”. Các bạn nhỏ đã đi ngủ với ấn tượng ấy và họ đã hối hận).
Lời thì thầm vào tai: là việc tiếp xúc cách cá nhân của nhà giáo dục với trẻ, trong một lúc gần gũi và thân tình, nói một lời riêng với em (khích lệ, nhắc nhở, gợi ý cụ thể, nêu lên một suy nghĩ, một nhận xét, một câu hỏi). Đây là cách thức tạo nên tương quan thân tình giữa nhà giáo dục với trẻ, biết rõ tâm thế của trẻ, nhằm gieo một hạt mầm nhỏ về các giá trị “đúng thời đúng lúc”, và chắc chắn sẽ làm một chồi non “đức hạnh”lớn mạnh sau đó.
Các buổi đi dạo: Đó là các buổi đi chơi, thăm quan, dã ngoại nhân các ngày lễ được tổ chức đàng hoàng, là một dạng “phần thưởng” cho các bạn trẻ “có công”. Đây là dịp “tổng dợt” về thể lý, sức sáng tạo, khảo sát giáo dục và huấn luyện về tinh thần cho trẻ (tự do, trách nhiệm, sự hiệp thông).
Trên đây là những cách thức mà Don Bosco đã áp dụng và ngài thu lượm được nhiều kết quả trong việc giáo dục người trẻ. Chắc chắn, hoàn cảnh của Ngài sẽ khác với chúng ta; nhưng những đường nét lớn mang tính nhân bản và mang giá trị đạo đức kitô giáo trong khi giáo dục người trẻ vẫn là nền tảng, vẫn đang là những mối bận tâm và là những thao thức của chúng ta, những người muốn đồng hành với người trẻ hôm nay. Chúng ta có thể học tập ở ngài những điều này trong giáo dục hôm nay vì tương lai cho người trẻ. Nói như Don Bosco, giáo dục là công việc của cõi lòng, giới trẻ vì vậy cũng rất cần tấm lòng của chúng ta. (Lê An Phong, SDB - Xuân Hiệp 01-2015).


[1] Cfr. Antonio Sicari, Chân dung của các vị thánh. Vol. 1, Jacabook, Milano 1987, tr. 102.
[2] Cfr. Giuseppe Buccelato, Alle radici della spiritualità di San Giovanni Bosco, LEV, Città del Vaticano 2013.
[3] Cfr. Colette Schaumont, Da mihi animas. La vita di Don Bosco tra scelte, sfide e passione, LDC, Torino 2012.

No comments:

Post a Comment