12 February, 2015

TẢN MẠN XUÂN 2: AI CHO EM MÙA XUÂN




“Ngàn hoa thắm tươi khoe môi cười mừng đón xuân”… Người người, nhà nhà chờ đón Tết, và trong số đó có cả người vui lẫn người buồn. Tôi cũng háo hức chờ đợi tết. Và vì lý do đó mà tôi viết những dòng này trong những ngày gần đến Tết, môt cái tết khá đặc biệt của một người đã hơn 10 năm “không được ăn Tết” vì xa nhà. Và tôi hiểu thế nào là tâm tình của người trông chờ Tết họp mặt gia đình mà không biết Tết thế nào hay Tết sẽ ra sao...

Mùng 5 tết năm 1962, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã viết bài ca xuân có tựa đề “Anh cho em mùa xuân”, phổ từ lời thơ của Kim Tuấn. Lời bài hát có đoạn như sau:
Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ.
Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vĩa phố ,mắt buồn vịn ngọn cây.
Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá.
Lời thơ thương cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi…
Lời bài ca đậm chất thơ, tình yêu và niềm vui. Con người thật hạnh phúc khi có tất cả cuộc sống trong khung trời mùa xuân, và tình người cũng đẹp hơn khi họ cũng muốn trao cho nhau tất cả những gì tươi mới thuộc về mùa xuân. Cuộc đời tuyệt đẹp làm sao khi tất cả là mùa xuân!

Tôi thoáng nghe đâu đó nhiều câu chuyện thương tâm vì nhiều bạn trẻ, nhiều em nhỏ, nhiều người già không thể đón Tết vì các lý do xem ra bình thường mà chẳng bình thường tý nào trong thời gian của thể kỷ 21. Phần nào trong họ ít nhiều liên quan đến chuyện “vì không có tiền về quê”, “vì không còn ai thân thích”, “vì cha mẹ đang ở trong trại giam”, “vì công việc mấy ngày Tết có thể kiếm thêm một chút đỉnh tiền lương, làm trong ít ngày mà bù lại có số tiền thưởng bằng “cày” một hoặc hai tháng”… Lại chỉ có chuyện liên quan đến “người nghèo”. Tội cho người nghèo, vì cả đến chút hạnh phúc ít ỏi nhất của mùa xuân mà nhiều khi họ cũng phải đành ngậm ngùi nhìn người khác trọn vẹn vui với mùa xuân trong đầm ấm, hạnh phúc. Những lúc như thế, khi mà người ta chỉ cần những gì gọi là “nhu cầu căn bản và đơn sơ nhất”, ai mang đến cho họ một chút trợ giúp hay nâng đỡ là người ấy đã giúp họ tìm thấy “mùa xuân”. Không biết tôi và bạn có thể làm chút gì được không?

Tôi biết rằng trần gian này không thiếu những người tốt bụng. Trong số những người đã mang lại “mùa xuân” cho những người bất hạnh, nhất là cho bạn trẻ nghèo, tôi muốn kể cho bạn về một con người tên là Gioan Bosco. Cách đây 200 năm, con người ấy đã được sinh ra tại một làng quê nghèo miền Bắc nước Italy. Cậu bé mồ côi cha đã trãi qua những lúc khổ cực nhất, đã nếm mùi của sự thiếu thốn cơm áo, của lạnh giá mùa đông, lúc phải xa nhà và cô thế cô thân nơi phố thị. Có lẽ vì thế mà cậu biết và hiểu người nghèo hơn. Cậu đã quyết tâm học hành và trở thành một linh mục, một linh mục vì trẻ em nghèo.

Điều gì đã khiến cậu bé Gioan Bosco nghĩ đến điều này? Tại sao lại là linh mục? Ngoài những ước mơ bình thường như bao nhiêu người khác, có thể đây là một ước mơ “hơi đặc biệt” – làm một linh mục. Lý do mà chúng ta có thể nghĩ tới là: có thể do bối cảnh văn hóa kitô giáo thời đó, có thể do truyền thống đạo đức gia đình, có thể do cảm tình vì sự trợ giúp và hướng dẫn từ các cha xứ…Nhưng chắc chắn có một điều mà chỉ có Gioan Bosco cảm nếm và xác tín, đó là do chính lời mời gọi cậu dấn thân của Chúa Giêsu và Mẹ Maria “biến những con sói dữ thành những chiên ngoan bằng lòng yêu mến”, như lời cậu kể lại trong giấc mơ năm cậu lên 9 tuổi.

Và cứ như thế, giữa bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc và thách đố của thời gian, với lòng tốt của con người cộng với ân sủng của Thiên Chúa, Gioan Bosco, sau này là cha Gioan Bosco, hay Don Bosco, đã sống hết mình với các bạn trẻ nghèo và bị bỏ rơi, hay với người trẻ bị gạt ra bên lề xã hội và gặp nguy hiểm trong cuộc sống. Cũng chính ngài đã mang lại “mùa xuân” cho cuộc đời họ. Mùa xuân đó không là nắng, là hoa, là bướm vàng, là chồi non xanh tươi. Đó chỉ là mái nhà đơn sơ của ngài, nơi hàng nghìn bạn trẻ có thể trú ngụ, có cơm ăn qua ngày, được học nghề nghiệp để có thể tự kiếm sống cách lương thiện, được dạy dỗ để biết luân thường đạo lý. Đó là sân chơi bình dị, nơi các bạn trẻ có chổ để tụ họp nhau và vui chơi, nơi họ tìm thấy tình bạn, sự cảm thông, niềm vui và hạnh phúc vì được chia sẻ sức sống trẻ của mình. Đó là một góc yên tĩnh để họ có thể đắm mình với lời kinh nguyện đơn giản mà phát sinh từ chính cõi lòng; nơi đó người trẻ, với ngỗn ngang trăm mối đường đời, với hàng nghìn lời mời mọc của thế gian mà họ phải chọn lựa và tranh đấu, có thể bình tâm hơn để biết mình là ai, đang đi về đâu và mình cần thực sự điều gì.

Chúng ta có thể kể ra bằng con số thống kê bao nhiêu bạn trẻ đã tìm thấy mùa xuân cuộc đời mình nhờ sự hy sinh và công nghiệp của Don Bosco, với một lực lượng tu sĩ theo Don Bosco (SDB) làm việc với bạn trẻ, cùng với nhiều thành phần khác thuộc Gia đình Salêdiêng đang dấn thân vì người trẻ tại hơn130 quốc gia trên khắp hoàn cầu. Nhiều bạn trẻ đã sống và cảm nhận hồng ân này, và họ muốn dấn thân để tiếp tục mang niềm vui, hy vọng và “mùa xuân cuộc đời” cho các bạn trẻ nghèo khắp nơi. 

Đâu đó vẫn còn những mảnh đời không có mùa xuân. Đâu đó vẫn có những người trẻ không có sức sống vì họ bị người khác đánh cắp hay tự mình đánh mất. Họ sẽ còn cần đến một ai đó. Và…biết đâu khi đọc được những dòng này, chính bạn, có thể là một người trẻ hay già,  sẽ cảm nhận từ trong tâm hồn mình lời tâm sự này: “Bên em đã có ta! Tôi sẽ cố gắng để cho em – một người trẻ nghèo – có được mùa xuân!” Chúc bạn năm mới đầy ắp niềm vui và bình an! (Lê An Phong, SDB)

TẢN MẠN XUÂN 1: SỨC SỐNG CỦA MỘT THẾ HỆ




Chuyện của hai thế hệ
Một lần nọ, tôi gặp lại người bạn cũ. Sau vài câu chào hỏi, với vẻ mặt thoáng buồn, anh nói với tôi: “Mấy hôm nay nay có chuyện “hơi bị buồn”! Vợ mình mới mua cho cái điện thoại Nokia loại có màn hình “chạm và lướt” làm qua sinh nhật. Tuổi đời trên 50 lần đầu tiên được xài điện thoại “đời mới” nên cứ lóng nga lóng ngóng, loay hoay mãi mà chẳng kiếm ra sự gì. Muốn gọi cho bạn bè mà chẳng biết các số điện thoại quen thuộc nằm ở đâu! Hơi bị ngượng, nhưng cuối cùng, mình cũng đành phải hỏi thằng nhóc con út cách sử dụng. Nó bấm và lướt các ngón tay lia lịa, miệng tự nhiên bảo rằng: “Bố già rồi, làm gì mà sử dụng cái của hiện đại này, xài cái “cùi bắp” đi cho tiện!”. Lòng tự ái của kẻ làm bố trổi dậy, tôi định quát cho nó một trận, nhưng thôi! Mình là người lớn, và thực sự mình không được cập nhật kịp thời với các thứ đồ chơi hi-tech kia. Rồi còn bao nhiêu thứ khác nữa, nào computer, nào game station, iPad, facebook... Nghe tụi nhỏ nói mà mình chỉ “đoán mò”! Đành phải im lặng mà lắng nghe thôi!
Những trăn trở của các ông bố như trên chắc là còn nhiều, vì mấy người được “đào tạo”, biết cập nhật, là “dân kỷ thuật” hay “dân trong nghề” để theo kịp các thứ “công nghệ cao”. Khoảng cách giữa hai thế hệ, hay sự khác biệt giữa già và trẻ, giờ đây có lẽ đang tăng theo đà tiến của kỷ thuật. Thế hệ U40 hay U50 đã bắt đầu nghiệm ra rằng: thật là khó khăn và rắc rối để hiểu và để đối thoại với thế hệ 8X, 9X, hay tuổi “teen” bây giờ. Đành phải im lặng và lắng nghe thôi! Và đôi khi lại phải “ngậm đắng nuốt cay mà chạy theo thời”.

Chuyện của một thế hệ được mang tên @ - "A còng"
Chỉ ít năm năm gần đây, thế giới thay đổi nhanh hơn về nhiều mặt, với nhiều điều được và mất, thuận lợi và thách đố. Một thế hệ trẻ được tiếp cận thật nhanh và thật gần với các tiến bộ khoa học, nhất là trong lãnh vực truyền thông. Chúng ta chẳng cần phải mô tả dài dòng, chỉ cần nhìn các học sinh mầm non với các trò chơi làm quen với máy tính hay với apad, iPad cũng đủ “khâm phục” rồi! Đó là điều mà vài năm trước đây, ngay cả giáo sư đại học cũng chỉ là biết sơ qua.
Không chỉ riêng “dân sành điệu” ở phố thị mà ngay cả các anh chàng, cô nàng “phố núi” vùng cao xa xôi, hay miền quê hẻo lánh, cũng không “thua chị kém em” bao nhiêu về sử dụng công nghệ cao. Họ luôn “phấn đấu” trở thành “cư dân mạng”, để cũng biết “xôn xao” cùng mọi người vì tin này việc kia trên khắp thế giới; và cũng biết “sửng sốt, thẫn thờ” vì những dòng “like” trên facebook cá nhân, từ nhiều người khác đang dõi theo mình. Tuy nhiên, sức mạnh hay sức sống của tuổi trẻ không nằm ở đó, vì rất ít người trong họ làm chủ được công nghệ cao, cho dù “rất sành điệu” và biết xài “hàng khủng”.
Bạn sẽ có lý khi nói rằng “chúng tôi chỉ là “người trẻ” bây giờ. Vài năm nữa chúng tôi là “người già” mất rồi! Trẻ là “hiện tại” chứ không là “tương lai!”. Sống “trẻ” là sống cho hiện tại. Vậy là đủ rồi!”. Sức sống trẻ kiểu “chạy đua và chụp giật” như thế e rằng sẽ không bền cho tương lai. Bản thân tôi tin rằng các bạn trẻ đã “thừa trí khôn” mà hiểu rằng cuộc sống là một chuyến hành trình thám hiểm, khám phá những chân trời mới; và để đủ sức cho một cuộc thám hiểm, người ta phải tập luyện, nghiên cứu, chuẩn bị, chịu thử thách và rút kinh nghiệm. Chỉ biết rằng chúng ta khó mà “lập trình” cho tương lai, nên chuẩn bị tốt từ hiện tại với kinh nghiệm của quá khứ là cách thế khôn ngoan nhất, để khi cần phải đối diện với một vấn đề của hiện tại, chúng ta có thể tự tin và trụ lại vững vàng hơn.

Chuyện của tôi, thế hệ trung gian
Tôi thấy rằng người trẻ bước ra từ một nền văn hóa đề cao cá nhân, những kinh nghiệm chủ quan và những cuộc tìm kiếm cách tân; trong khi đó, người già lại nặng về một quá khứ, một truyền thống, và kinh nghiệm sống của họ nhiều khi “chựng lại”, không được cập nhật kịp thời. Ngoài ra còn phải nói đến cá tính, bối cảnh gia đình, quan điểm cá nhân và nhiều thứ ngoại cảnh đặc biệt khác nữa. Tất cả tạo ra một sự ngăn cách hay tương phản khá rõ với đặc trưng của từng thế hệ.
Trong cuộc đời của mình, tôi đã học được nơi những người lớn tuổi, những “bậc thầy” nhiều kinh nghiệm phong phú và “đắt giá” theo nhiều nghĩa. Chính họ đã truyền cho tôi sức sống cháy lên từ lửa nhiệt tình, từ một kế hoạch làm việc và “chu toàn bổn phận hằng ngày trong vui vẻ”; họ khỏi cần nhờ đến việc lập trình hay xử lý của bất kỳ máy vi tính nào nhanh nhất mà vẫn đâu vào đấy! Chính họ cho tôi học biết cách thức biểu lộ tình yêu thương, phục vụ và niềm say mê khám phá, hơn bất kỳ cuốn sách giáo khoa của các học giả nổi tiếng về nhân bản hay đạo đức nào. Cũng chính họ cho tôi học biết kiểu lý luận và chứng minh “bằng cuộc sống” - Không dài dòng văn tự, không phức tạp về câu chữ, không hô hào hay đả phá, nhưng bản thân cuộc đời của họ chính là thông điệp hàm chứa một sức mạnh cuốn hút và đã được khẳng định qua thử thách của thời gian, và vì những giá trị cao đẹp mà họ theo đuổi.
Tôi cũng nhận ra sức sống nơi người trẻ. Họ có cách biểu lộ của riêng mình. “Sống trẻ” là vươn lên, đổi mới không ngừng; “trẻ” với niềm mê say yêu đời không ngại gian khổ. “Trẻ”: thực sự sôi động mà không quá náo nhiệt hay hỗn loạn. “Trẻ”: phải xốc vác, dám quên mình và dấn thân. “Trẻ”: phải quảng đại và mở rộng tâm hồn. “Trẻ”: không có nghĩa là bất chấp và coi thường tất cả. “Trẻ”: cũng không đồng nghĩa với sự kiêu căng, khẳng định mình, tự mãn vì thành công, ích kỷ và chiếm đoạt, chà đạp người khác để lớn lên. “Trẻ”: dễ dàng phạm một số sai lầm nhưng không đồng nghĩa với việc đầu hàng những đam mê xấu, thú vui tầm thường, sống không mục đích hoặc chỉ sống với mục đích theo các giá trị “bậc thấp”.Và còn nhiều điều khác nữa…
Tôi bỗng nhớ lời một bài hát ngoại quốc mà mình nghe được đâu đó. Lời bài ca có nhiều ý tưởng táo bạo thế này:

Không ai có thể ngăn chặn sức sống trẻ
Vì mỗi người đều biết: sức sống đó được viết trong trái tim tôi.
Sức mạnh đó là sự chân thành.
Niềm tin của chúng tôi muôn hình muôn vẻ.
Chúng tôi muốn bay lên tầm cao mới với sự can đảm.
Lao về phía những giấc mơ sẽ được hiện thực hóa,
và cảm thấy nơi mình một sự khích lệ lớn lao,
vì có những người khác đã để lại di sản.
Có người đã kết án hay muốn chế ngự sức sống ấy,
nhưng đó sẽ là một điều không tưởng.
Và không có nghĩa vì thế mà cơ hội sẽ biến mất khỏi mặt đất này.
Với niềm tự hào của người trẻ,
chúng tôi tạo nên lịch sử chính mình.
Và đó là cuộc mạo hiểm đối với chúng tôi,
là việc thử thách lòng dũng cảm và sự chân thành,
khi phải chấp nhận những điều dạy khuyên mà đốt cháy tự do của chúng tôi,
khi phải nghe nói về đời sống huynh đệ, tinh thần yêu nước, danh dự và nhân phẩm,
ý thức công lý, công bằng, tự do…
Nhưng, không ai có thể ngăn chặn sức sống trẻ.
Vì mỗi người đều biết: sức sống đó được viết trong trái tim tôi.
Chúc bạn có nhiều cảm nghiệm và hãy sống sức sống đã “được viết trong chính trái tim bạn”.
(Lê An Phong, SDB)

Năm Thánh Đời sống Thánh hiến, nghĩ về Cộng đoàn của Chúa Phục sinh



Cộng đoàn của Đấng Phục sinh (Cv 2, 5-47)


Dẫn nhập
Trong tất cả các cộng đoàn mà chúng ta đang sống, những thử thách và khó khăn bên trong cũng như bên ngoài là điều dễ nhận thấy. Các cộng đoàn kitô hầu như phải đối mặt thường xuyên với nhiều vấn đề liên quan đến “con người”.
Chúng ta cũng nghe nói nhiều đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và những đặc sủng, hay quà tặng của Thần khí, theo nhu cầu của cộng đoàn và tùy tình trạng tâm linh khác nhau của người tín hữu, giúp họ bền sức đấu tranh và chống lại sự dữ trong cuộc hành trình đầy gian khó để tiến về nhà Cha. Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội và can thiệp cách đặc biệt khi Giáo Hội phải đối mặt với thời khắc khó khăn nhất.
Ngày nay, Giáo Hội phải hoạt động trong một thời gian được “đánh dấu bởi sự nghèo đói tinh thần”: Con người có vẻ như không cần Thiên Chúa để có thể tự do hơn cho cuộc sống và hạnh phúc của họ. Những người kitô hữu trong Giáo Hội thì sao? Giáo hội, một cộng đoàn gồm các tín hữu đặt niềm tin của mình vào Đấng Phục sinh, cần sống với thái độ nào trong lời cầu nguyện và lối chứng tá nơi cuộc sống hàng ngày? Chúng ta thử ngược dòng thời gian về với cộng đoàn tiên khởi để suy nghĩ về điều này.

I.       Hoạt động của cộng đoàn tiên khởi
Theo các tường thuật Tin mừng, nhóm môn đệ đầu tiên sống trong nghi ngờ, đau buồn, thất vọng sau biến cố Thương khó (xem Mt 28, 16-20; Mc 14, 16-18; Lc 24, 36-39). Họ đã quy tụ bên nhau, “đóng kín cửa nhà vì sợ”. (xem Ga 20, 19). Việc Chúa Giêsu Phục Sinh đã khơi mào một sức sống mới. Thần khí của Đấng phục sinh đã làm tăng trưởng sức sống này, biến họ từ những kẻ nhát đảm, sợ sệt thành những người can đảm, hăng say, vui tươi, năng động. Họ đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm Đức tin. Đó việc thực hành với thái độ kiên trì bốn việc bổn phận, hay là việc tham gia cùng nhau các hoạt động cơ bản sau:

1.      Lắng nghe giáo huấn (bài giảng) của các tông đồ.
Điểm quan trọng đầu tiên được dành cho việc giảng dạy (Didaché) và giáo dục về Đức Tin từ các tông đồ. (Catechism- giáo lý, từ tiếng hy lạp, κατηχισμός (katechéo – kata, từ cao xuống thấp echos, tiếng vọng âm thanh của giọng nói): làm cho ngân vang một lời nói, một âm thanh, hướng dẫn bằng lời nói, lời tóm tắt hoặc giải thích một học thuyết).
Lời dạy dỗ hay việc rao giảng của các tông đồ là hoạt động nền tảng, vì các ngài chính là các nhân chứng đích thực, đã dạy dỗ bằng kinh nghiệm sống gần gũi với Chúa Giêsu, và là những người được huấn luyện trực tiếp từ Thầy Giêsu.
Sự tham gia cách siêng năng và chăm chỉ của các tín hữu trong việc lắng nghe lời giảng dạy của các tông đồ cũng đồng nghĩa với việc cam kết liên tục, nơi các cộng đoàn chúng ta hôm nay, trong việc lắng nghe và đáp lại giáo huấn của Chúa Kitô và Giáo Hội.

2.    Việc phục vụ
Ngoài việc giảng dạy, lắng nghe giáo lý giáo lý, công đoàn kitô hữu tiên khởi còn sống cách mạnh mẽ việc phục vụ và mối tương quan huynh đệ (koinonia, agape). Họ dấn thân trong việc liên kết, hợp tác, hiệp thông, nâng đỡ nhau cả tinh thần lẫn vật chất.

3. Việc Bẻ bánh – Cử hành Thánh thể
Việc bẻ bánh (klasis tou artou, fractio panis): là một thuật ngữ nói về bữa ăn tối” hay “tiệc ly”, về Thánh Thể”. Theo kiểu nói của người Do Thái, bẻ bánh mì có nghĩa là dùng bữa trưa hoặc ăn tối với nhau, vì vào bắt đầu bữa ăn, người đứng đầu của gia đình cầm lấy bánh mì, bẻ ra, đồng thời nói một lời chúc tụng. Thường đó là một công thức ngắn thế này: “Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả, chính Chúa đã ban cho chúng con bánh này làm thức ăn”. Đó là một công thức của việc chúc lành để bắt đầu các bữa ăn, nhưng nó cũng rất quan trọng trong nghi thức của ngày lễ Vượt qua. Có lẽ vì vậy các kitô hữu trong cộng đoàn tiên khởi đã tái cử hành “Bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu”. Đó là bữa ăn lễ Vượt Qua theo truyền thống, nhưng mang một ý nghĩa tưởng niệm mới của Thánh thể. Vào thời điểm khởi đầu bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho họ nói, “Đây là thân thể của Thầy”.
Việc bẻ bánh trở thành thuật ngữ của Thánh Lễ, hay việc cử hành Thánh Thể. Sự tham dự nghi lễ bẻ bánh cách thường xuyên là một cam kết lâu dài của cộng đoàn tiên khởi trong việc gặp gỡ nhau (sống với anh em) cho việc cử hành Thánh Lễ (sống với Chúa Kitô). Đó là hai điểm then chốt trong mối tương quan của đời sống kitô hữu.

4.    Việc cầu nguyện.
Các kitô hữu đầu tiên có một thái độ cầu nguyện “đặc biệt”. Đó là sự kế tục truyền thống Do Thái, và đồng thời, họ có được những bổ sung khác từ nội dung mới của Đức tin kitô giáo. Còn hơn thế nữa, họ còn có sức mạnh mới do Thần khí của Đấng Phục sinh ban cho.
Các hoạt động mà Thánh Luca - tác giả sách Tông đồ công vụ - trình bày về công đoàn kitô hữu đầu tiên cũng chính là đời sống của Giáo Hội chúng ta ngày nay. Đó những chủ đề xuất hiện trong các chương trình mục vụ, giáo lý, phụng vụ và bác ái, của giáo xứ, trong các giáo phận và trong toàn thể Giáo Hội.
Hoa trái từ những hoạt động trên là sự hiệp thông. “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv, 43-44).
Có thể nói hiệp thông chính là hệ quả của Đức tin vào Chúa Kitô Phục sinh. Những người đã trở thành Kitô hữu, những người đã gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, tập trung mọi sự vào Ngài và tin tưởng trao cho Ngài cuộc sống của họ, họ đã hợp nhất với nhau.

II.      Đặc nét của cộng đoàn kitô hữu tiên khởi
Cộng đoàn của Đức Kitô Phục sinh có ba đặc tính chính sau:

1. Cộng đoàn có Chúa Kitô làm trung tâm.
Cộng đoàn của Chúa Giêsu Phục Sinh đặt Ngài làm trung tâm của việc cầu nguyện Tạ ơn và Bẻ bánh. Chúa Giêsu chính là “Chủ sự” và là “Lễ vật” (xem Hr 10,10).
Phát xuất từ kinh nghiệm của “Nhà Tiệc Ly”, cộng đoàn các kitô hữu đầu tiên cũng nhận thức mình là Thân Thể Chúa Kitô Phục Sinh. Cộng đoàn này loan báo và làm chứng tá về sự hiện diện hữu hình của Chúa Kitô giữa dân Người. Cuộc sống mới do Chúa Giêsu Kitô mang lại không thể là cuộc sống tách biệt họ với những người khác; cuộc sống ấy phải được chia sẻ với các anh em khác trong đức tin và mở rộng cho tất cả mọi người.
Trong Giáo Hội, là cộng đoàn các tín hữu, có một cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với con người qua Đức Kitô. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là Con người thật, là Đền thờ mới, nơi gặp gỡ và hội tụ mãi mãi thiên tính và nhân tính. Chúng ta, những viên đá sống động, được dùng để xây dựng tòa nhà Giáo Hội- Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Và nếu chúng ta không tháp nhập với Đầu của Thân thể mầu nhiệm này, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa.

2. Cộng đoàn có sự hiện diện của Mẹ Maria.
Các môn đệ, sau khi chia tay với Thầy mình, đã cùng nhau “chuyên cần cầu nguyện” trong Nhà Tiệc Ly, “với Bà Maria thân mẫu Đức Giêsu” (xem Cv 1, 14). Và như thế, đối với các môn đệ trong thời sơ khai, sự hiện của Đức Maria góp phần nâng đỡ cho lời cầu nguyện của họ.
Lời cầu nguyện của Đức Maria là gì? Đó là lời ngợi khen, là những lời cầu nguyện của toàn dân tộc Israel, những người đã chờ đợi lời hứa về Đấng Thiên Sai và nhớ lại sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử của mình, từ những kỳ công của Tạo dựng đến những hồng ân nhận được.
Mẹ Maria đã chờ đợi Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa với dân của Ngài và Mẹ tin rằng Người sẽ thực hiện lời hứa đó. Trong thực tế, Mẹ Maria đã sống với đức tin vào Đấng Cứu Thế - Đấng đã nhập thể, mang thân xác con người qua thân xác tinh tuyền của Mẹ - nhờ đặc ân của Thiên Chúa – Mẹ đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ. Mẹ cũng tràn đầy ân sủng Thiên Chúa, và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự xuống trên Mẹ (xem Lc 1, 26-45).
Vào ngày lễ Ngũ tuần, trong lúc cầu nguyện cùng với các môn đệ của Chúa Giêsu, Thánh thần của Chúa một lần nữa đã ngự xuống trên Mẹ. Từ nơi Mẹ và từ các tông đồ, Thần Khí hoạt động một cách tự do, biểu hiện sức mạnh của Sự sống mới từ Đấng Phục sinh nơi nhiều diện mạo khác nhau của sự thánh thiện.
Thánh Thần của Thiên Chúa nơi Đức Maria còn đặt người kitô hữu trong mối tương quan sống động với “Đức Maria của vinh quang thiên quốc” - của “Người phụ nữ mặc áo mặt trời” theo lời sách Khải huyền. Mẹ sinh ra Chúa Cứu thế, Ánh sáng thế gian. Mẹ chiến thắng sự dữ. Mẹ đã được đưa lên cùng Thiên Chúa trong ánh sáng và được tặng ban vinh quang là Nữ vương thiên quốc. “Người phụ nữ mặc áo mặt trời”, trong lời cầu nguyện liên tục của cộng đoàn kitô hữu đã làm chổ dựa cho đời sống và đức tin của họ. Mẹ Maria, ngay từ buổi ban đầu, đối với các tín hữu, là Mẹ của Chúa Kitô và của Giáo Hội.

3. Cộng đoàn đón nhận nhiều Đặc Sủng Thánh Thần, có sự khác biệt nhưng sống  trong hiệp thông.
Cộng đoàn kitô hữu tiên khởi đã trở thành một khí cụ đầy sức mạnh của Chúa Kitô Phục sinh. Sức mạnh ấy trong cộng đoàn được thể hiện thông qua những “món quà đặc biệt” mà Chúa Thánh Thần ban tặng.
Được sinh động bởi Thánh thần của Đấng Phục Sinh, cộng đoàn này tỏa sáng, khiến người khác nhận ra nơi họ sự cứu rỗi hữu hình của Chúa Giêsu. Đó là một cuộc sống chung, thống nhất bởi sự ràng buộc của tình yêu và có Đức ái là mục tiêu chung; sống theo lời chỉ dạy của Phúc Âm cùng mối hiệp nhất và tương giao mật thiết giữa những người kitô hữu với nhau, cùng bước đi trên con đường hoán cải. Chúa Kitô Phục Sinh ban sự sống và kết nối tất cả mọi người: cá nhân đặt trong sự hiệp thông với người khác bởi Thánh Thần của Chúa Kitô (xem Rm 12, 4-5).
Trong cộng đoàn, với sự đa dạng và được bổ sung nhờ nhiều hồng ân của Chúa Thánh Thần, mỗi người, với công việc của mình, cống hiến “món quà của mình” (đặc ân) vì lợi ích của cả cộng đoàn.
Nhờ nhận thức sâu sắc mình là một phần của Thân Thể Đức Kitô mà cộng đoàn này đã tiếp tục chiến đấu với sự ích kỷ và chiếm hữu nơi con người xác thịt để sống với con người được đổi mới cùng Chúa Kitô Phục sinh (xem 1 Cor 12,4-30).

Để kết
Chúng ta, những Kitô hữu của ngày hôm nay, đang chứng kiến một hiện tượng trái với điều đã xảy ra tại nơi sinh của Giáo Hội sơ khai. Hai mươi thế kỷ trước đây, nhiều người Do thái và dân ngoại đã bước theo Chúa Kitô, vì các Kitô hữu đầu tiên đã làm chứng bằng cách sử dụng tất cả các tặng ân của Chúa Thánh Thần. Giờ đây Giáo Hội đang bị tổn thương vì chia rẽ, bè phái.
Ngay sau Lễ Ngũ Tuần, một nhóm người sợ hãi và thất vọng đã có được ý thức của một cộng đoàn là Giáo Hội, là nhiệm thể của Chúa Kitô (xem Cv 1, 12-14). Họ đã làm chứng với lòng can đảm và rao giảng điều đó cách nhiệt tình. Giáo Hội đã được sinh ra, và vào ngày Lễ Ngũ Tuần, đã được chính thức giới thiệu bởi Chúa Thánh Thần, để con người thuộc mọi ngôn ngữ và quốc gia nhận biết. Đó là Giáo Hội của Chúa Kitô và là ân huệ của Chúa Thánh Thần (xem Cv 2, 1-36).
Đối với các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, Chúa Thánh Thần là phần sức mạnh, cuộc sống và đức tin của họ (xem Cv 4, 31-34). Đây là những gì mà các cộng đoàn chúng ta hôm nay cần làm để Chúa Giêsu Phục Sinh tiếp tục là sức mạnh của Cộng đoàn: việc Phúc âm hóa mới với sự tái khám phá sức mạnh của Chúa Thánh Thần nhờ vào việc sử dụng các tặng ân và đặc sủng mà Ngài ban cho mỗi người. (Lê An Phong, SDB)