Các NGUYÊN TẮC căn bản để biện phân TÍNH luân lý trong đời sống tính dục
Tính “toàn phần” (totality)
Cuộc sống của một
con người là một tổng thể hài hòa, liên kết nhiều mặt hay thành phần khác nhau.
Cuộc đời được xây dựng trên nền tảng của nhiều mối tương quan, không chỉ lệ thuộc
độc nhất vào tính dục. Tính dục chỉ là một phần của cuộc sống con người.
Như là một thành
phần cấu thành nhân cách, đời sống tính dục trưởng thành phải hòa điệu với các
mặt khác của đời sống tâm-sinh-thể lý của con người.
Cũng cần phân biệt
tính dục (sexuality) và sinh dục hay khả năng sinh sản (genitality). Khả năng về
tính dục (sống với giới tính của mình) là phần không thể tách rời hay chối từ của
một con người. Tuy nhiên đời sống tính dục không bị bó buộc hay lệ thuộc vào khả
năng sinh sản hay những quan hệ truyền sinh. Trường hợp của những người chọn lựa
sống độc thân vì một lý do nào đó, họ có thể từ chối sử dụng khả năng truyền
sinh (vì lý tưởng, vì sức khỏe, tuổi tác, văn hóa…) mà không bị mất đi tính
toàn vẹn của nhân cách.
Tính “chân thật”
(veracity)
Tính dục là sự rộng mở của một nhân cách hướng về các đối tượng
bên ngoài mình (tha nhân). Trong tất cả mọi mối tương quan, con người thể hiện
chính mình thông qua các biểu hiện về tính dục: nhu cầu yêu và được yêu, được
thông truyền, đối thoại, chia sẻ…Tự quy về mình hay làm giảm thiểu sự hiện diện
của người khác trong các mối tương quan ấy là biểu hiện tính ích kỷ, và chắc chắn
rằng đó không phải là hình thức đúng và thật của tính dục.
Trong tất cả các dạng thức biểu hiện hay đối thoại, tính
chân thật là một tiêu chuẩn nền tảng và cần thiết. Người thông truyền phải biểu
hiện những gì mình muốn nói, và thông điệp mà họ muốn nói (tình yêu, lòng tốt,
cảm xúc, sự đồng cảm, niềm hạnh phúc…) phải chân thật, nếu không tình yêu chỉ
còn là sự lừa dối, sự thỏa mãn.
Tính “trao ban” (oblative)
Một đời sống tính
dục chân thật và đúng đắn sẽ không khiến người ta đi tìm thỏa mãn cho chính
mình, trái lại sẽ hướng họ đến sự trao ban, dâng hiến; nghĩa là không sử dụng
chính mình hay người khác như là “phương tiện”, mà biến mình thành “quà tặng”
cho người khác: một sự trao ban mang nhiều ý nghĩa sâu xa bên trong hơn là những
gì thuộc về thân xác để “sử dụng”.
Tính chất quý giá
này của tình yêu thể hiện qua thân xác (thể lý) nhưng không bị giới hạn bởi
thân xác. Đó là sự hiệp thông sâu xa cả về tâm hồn và bao gồm cả việc trân trọng
chính mình hay người khác như “quà tặng quý giá” cần được gìn giữ, bảo vệ. Người
ta có thể “bán rẻ” thân xác mà chẳng trao ban được điều gì. Và ngược lại, chúng
ta có thể trao ban cho người khác thời gian, sức khỏe, sự hiểu biết và các tài
năng của mình thông qua việc phục vụ vô vị lợi, hy sinh vì ích lợi của người
khác mà không “bán rẻ” hay “đánh mất chính mình”.
Tính “phong nhiêu” (fecundity – “phong nhiêu”, “sinh sản thêm nhiều”)
Người ta vẫn hay
nhầm lẫn giữa việc sinh sản nhiều (lắm con, truyền sinh – reproduction) và tính
phong nhiêu hay “việc làm cho trở nên phong phú” của tình yêu. Có thể một đôi vợ
chồng sinh rất nhiều con, nhưng sự phong phú trong tình yêu của họ rất ít (thiếu
sự trao hiến, sự chia sẻ tâm tình, sự đồng cảm và đồng trách nhiệm, sự chung thủy,
sự chân thành).
Xét về mặt sinh học,
con người ta có thể được sinh ra như một loài vật, nhưng sự khác biệt rất lớn ở
họ là mỗi người được sinh ra luôn gắn với một “môi trường của tình yêu”. Nếu ta
được sinh ra bởi tình yêu thật, một tình yêu thật khác trong ta sẽ được tiếp tục
nảy sinh, là hoa trái mới và sẽ tiếp tục sinh nhiều hoa trái khác. Nếu ta chỉ
sinh ra vì một tính toán của một ai đó (có thể đúng có thể sai, lầm lẫn của cha
mẹ) hay một can thiệp thô bạo nào đó (về khoa học hay thể lý, hay xã hội…), thì
sự “hiếm muộn”, “khô cằn nơi trái tim” đã manh nha ngay từ đầu của một sự sống
mới rồi.
Sự phong phú của
đời sống tính dục khác xa với chuyện sinh sản hay “chuyện sản xuất ra những con
người”. Tình yêu đích thực làm nảy sinh những mầm sống mới, những sự sống không
lệ thuộc vào ý muốn hay đòi hỏi của bất cứ ai mà là kết quả của một tình yêu thật
và hiệp thông tròn đầy.
Tính “trung thành”
(fidelity: trung thành, trung thực, thủy chung)
Đời sống tính dục là đời sống rộng mở và trao ban của một cá
nhân với cá nhân khác, là đan kết của các mối tương quan liên nhân vị. Để các mối
tương quan này bền vững, cần đến sự chân thật và cũng cần đến sự trung thành.
Đói với đời sống tính dục hay tình, sự trung thành ở đây
không phải chỉ đơn giản là “không phản bội” hay là giữ y nguyên như cũ chuyện
đã ký kết (hôn nhân như là “nấm mộ chôn
đời đôi ta”. Đúng hơn đó là một tiến trình, một sự liên kết các nhân vị cho một
kế hoạch đời sống, cùng nhau xây dựng một tương quan sinh động trong một dự án
sự sống. Trong việc cùng xây dựng kế hoạch đời sống ấy, có thể có lúc này lúc
khác (thăng trầm, khó khăn, hạnh phúc, đau khổ, vui mừng…), có thể có những thử
thách và ngăn trở. Thực tế cho thấy là có nhiều cuộc chia tay vì người ta không
còn đủ kiên nhẫn để cảm thông , để tha thứ hay để “tin nhau” sau vài biến cố
đau thương, hay khi bị lừa dối. Nhưng thực tế tế ấy không đủ mạnh để ta nói rằng
“chẳng cần thiết” hay “không thể nào” có sự trung thành.
Trong đời sống
tính dục, khi con người đặt tính trung thành làm chất keo gắn kết tương quan, họ
sẽ có đủ sức mạnh để tìm lại chính mình và người khác sau mỗi lần bỏ mất cơ hội
trao ban, và họ có đủ khôn ngoan để nhận ra rằng mọi sự không chấm hết một cách
đơn giản. Con người luôn đi tìm kiếm và mở rộng các mối tương giao. Sự trung
thành sẽ tạo ra điểm xuất phát vững chắc từ đó người ta có thể tiếp tục xây dựng
các mối tương giao hay làm mới lại các mối quan hệ nhân vị.
Tính cộng đồng
(society: tính xã hội)
Mỗi nền văn hóa hay bối cảnh xã hội khác nhau sẽ có nhưng
quy luật về đời sống tính dục khác nhau: cá nhân sẽ theo cách đó để thể hiện mối
quan hệ, cách ăn mặc, cách tỏ bày cơ thể trước mặt mọi người. Có điều chung là
luôn hiện hữu một giới hạn nào đó về việc thể hiện đời sống hay hành vi tính dục
của cá nhân. Người ta nói đến “sự nết na” hay tính chất “đoan trang” hay “sự
kín đáo”. Các điều ấy không chỉ đơn thuần là kiểu nói bị gán cho những ai được
coi là “quá đạo đức” hay các nhà luân lý. Đúng ra, đó là nhân đức: là sự quân
bình trong cách thể hiện giới tính hay biểu hiện tính dục, giữa những gì là “của
riêng mình” (privacy) và môi trường chung hay đời sống cộng đồng (in public).
*Chuyện khiêu dâm: một hình thức của “ngoại tình tập thể”, của
chủ nghĩa tiêu thụ tình dục, theo đó, cơ thể con người được giới thiệu như một
món hàng để ngắm nhìn và lựa chọn. Thật ra, vẻ đẹp của cơ thể theo cái nhìn mỹ
học là một tác phẩm nghệ thuật đáng ngắm nhìn và tạo cảm hứng sáng tạo (nghệ
thuật tạc tượng, thời trang - mode) cũng như mang lại sức vươn tới vẻ đẹp hoàn
hảo hơn trong Đấng là Chân-Thiện-Mỹ. Khi vẻ đẹp cơ thể bị sử dụng để khơi gợi sự
ham muốn và để thỏa mãn đam mê nhục dục, nó mất đi tính chất nguyên tuyền và vẻ
đẹp thật mà Đấng Tạo hóa phú ban cho con người.
Tính khiết tịnh
(chastity: thanh khiết)
Đây là tính chất bị hiểu lầm khi trình bày như một nhân đức
luân lý tính dục, bị xem như là chuyện “diệt dục” hay ý muốn “triệt tiêu đời sống
tính dục” nơi con người. Có một sự khác biệt cần nói đến ở đây.
Theo truyền thống thần học luân lý kito giáo ( xem Thánh
Toma - S. Th., II-II, q. 151), Đức khiết tịnh được nhắc đến trong mối quan hệ với
tính thanh sạch. Đức khiết tịnh có liên quan đến việc sử dụng hay thỏa mãn các
cơ phận sinh dục, còn lòng thanh sạch liên quan đến việc sử dụng các giác quan
(nghe, nhìn, tiếp chạm…). Cả hai nhân đức được đạt trong sự tiết độ, liên quan
đến khả năng self control, làm chủ bản
thân mình trước những thúc đẩy của bản năng tình dục. Cả hai nhân đức cũng liên
quan đến Đức Ái: liên quan đến tình yêu Thiên Chúa và tình yêu thương anh chị
em. Đức Ái không phải là sự coi thường hay xóa bỏ đời sống tính dục nơi con người.
Đó là sự giải phóng khả năng yêu thương nơi con người bằng cách đặt vào đúng chổ
“kênh năng lượng”mà mỗi người có trong bản thân mình, cân bằng giữa những khía
cạnh của đời sống tính dục: thay vì chiếm đoạt thì biết trao ban, thay vì “sống
xả láng” theo bản năng thì biết tự chủ (dùng lý trí và ý chí), thay vì chỉ muốn
giành mọi sự cho riêng mình thì biết rộng mở và tôn trọng phẩm giá người khác…
Nếu chúng ta nói rằng Đức khiết tịnh liên quan đến khả năng
tự chủ và kiềm chế bản năng, thì nó sẽ không dành riêng cho một ai cả (“người
tu trì”, người độc thân, bà góa, bạn trẻ đang yêu và đính hôn). Mỗi người trong
điều kiện tâm sinh thể lý của mình đều phải có một dạng thức riêng (trong bậc sống
hay ơn gọi) để thể hiện khả năng này. Cũng như các nhân đức khác, khiết tịnh cần
nơi mỗi cá nhân việc luyện tập theo cách thức năng động, sáng tạo và có trách
nhiệm theo lương tâm mỗi người. Nhân đức khiết tịnh không thể được sở hữu một lần
là trọn đời mà luôn cần được hoàn thiện. Đó là việc thực hành từng bước khả
năng “tiết dục” – tiết chế dục vọng, ham muốn.
Trái ngược với đức
thanh khiết là tính đam mê dâm dục. Đam mê không là điều xấu, chỉ trở nên xấu
khi bị điều kiện hóa bởi cái xấu khiến người ta không còn tự do vươn lên và phá
hại sự hài hòa trong tương quan của mình với người khác. Theo nghĩa này, đam mê
chuyện tình dục chính là để cho khả năng tính dục của mình đi theo một hướng xấu,
không có mục tiêu lành mạnh, khiến mình bị nô lệ cho đam mê tình dục và tâm trí
luôn bị chi phối bởi điều đó (có lẽ đó cũng là một dạng lệch lạc tâm lý – tâm bệnh)
Nên nhớ rằng, in medio
stat virtus – nhân đức là sự trung dung. Sợ hãi và phủ nhận tính dục hay chỉ
biết sống chết vì tình dục là điều lệch lạc. Con người không là thánh hay thiên
thần, họ là một thể thống nhất, tinh thần và thể xác hòa quyện. Phủ nhận thể
xác với những đặc tính của nó hay phủ nhận linh hồn với tính chất siêu việt và khả
năng hoàn thiện hóa nơi con người là phạm một sai lầm lớn.
Sống với tất cả những gì là của chính bản thân mình, biết tự
chủ, tự trọng, nhận thức về phẩm giá làm người và trân trọng nó là điều cần thiết
phải làm (giáo dục). Mens sana in corpore
sano - một tinh thần minh mẫn trong một thể xác khỏe mạnh chính là món quà
mà Thiên Chúa ban cho ta. Hãy trân trọng món quà ấy nơi bạn.
(Barnaba Lê An Phong, SDB - Xuân Hiệp 12-2014).
*Sách tham khảo: Salvino Leone, Etica della vita affettiva, EDB, Bologna 2006.
No comments:
Post a Comment