12 February, 2015

TẢN MẠN XUÂN 2: AI CHO EM MÙA XUÂN




“Ngàn hoa thắm tươi khoe môi cười mừng đón xuân”… Người người, nhà nhà chờ đón Tết, và trong số đó có cả người vui lẫn người buồn. Tôi cũng háo hức chờ đợi tết. Và vì lý do đó mà tôi viết những dòng này trong những ngày gần đến Tết, môt cái tết khá đặc biệt của một người đã hơn 10 năm “không được ăn Tết” vì xa nhà. Và tôi hiểu thế nào là tâm tình của người trông chờ Tết họp mặt gia đình mà không biết Tết thế nào hay Tết sẽ ra sao...

Mùng 5 tết năm 1962, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã viết bài ca xuân có tựa đề “Anh cho em mùa xuân”, phổ từ lời thơ của Kim Tuấn. Lời bài hát có đoạn như sau:
Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ.
Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vĩa phố ,mắt buồn vịn ngọn cây.
Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá.
Lời thơ thương cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi…
Lời bài ca đậm chất thơ, tình yêu và niềm vui. Con người thật hạnh phúc khi có tất cả cuộc sống trong khung trời mùa xuân, và tình người cũng đẹp hơn khi họ cũng muốn trao cho nhau tất cả những gì tươi mới thuộc về mùa xuân. Cuộc đời tuyệt đẹp làm sao khi tất cả là mùa xuân!

Tôi thoáng nghe đâu đó nhiều câu chuyện thương tâm vì nhiều bạn trẻ, nhiều em nhỏ, nhiều người già không thể đón Tết vì các lý do xem ra bình thường mà chẳng bình thường tý nào trong thời gian của thể kỷ 21. Phần nào trong họ ít nhiều liên quan đến chuyện “vì không có tiền về quê”, “vì không còn ai thân thích”, “vì cha mẹ đang ở trong trại giam”, “vì công việc mấy ngày Tết có thể kiếm thêm một chút đỉnh tiền lương, làm trong ít ngày mà bù lại có số tiền thưởng bằng “cày” một hoặc hai tháng”… Lại chỉ có chuyện liên quan đến “người nghèo”. Tội cho người nghèo, vì cả đến chút hạnh phúc ít ỏi nhất của mùa xuân mà nhiều khi họ cũng phải đành ngậm ngùi nhìn người khác trọn vẹn vui với mùa xuân trong đầm ấm, hạnh phúc. Những lúc như thế, khi mà người ta chỉ cần những gì gọi là “nhu cầu căn bản và đơn sơ nhất”, ai mang đến cho họ một chút trợ giúp hay nâng đỡ là người ấy đã giúp họ tìm thấy “mùa xuân”. Không biết tôi và bạn có thể làm chút gì được không?

Tôi biết rằng trần gian này không thiếu những người tốt bụng. Trong số những người đã mang lại “mùa xuân” cho những người bất hạnh, nhất là cho bạn trẻ nghèo, tôi muốn kể cho bạn về một con người tên là Gioan Bosco. Cách đây 200 năm, con người ấy đã được sinh ra tại một làng quê nghèo miền Bắc nước Italy. Cậu bé mồ côi cha đã trãi qua những lúc khổ cực nhất, đã nếm mùi của sự thiếu thốn cơm áo, của lạnh giá mùa đông, lúc phải xa nhà và cô thế cô thân nơi phố thị. Có lẽ vì thế mà cậu biết và hiểu người nghèo hơn. Cậu đã quyết tâm học hành và trở thành một linh mục, một linh mục vì trẻ em nghèo.

Điều gì đã khiến cậu bé Gioan Bosco nghĩ đến điều này? Tại sao lại là linh mục? Ngoài những ước mơ bình thường như bao nhiêu người khác, có thể đây là một ước mơ “hơi đặc biệt” – làm một linh mục. Lý do mà chúng ta có thể nghĩ tới là: có thể do bối cảnh văn hóa kitô giáo thời đó, có thể do truyền thống đạo đức gia đình, có thể do cảm tình vì sự trợ giúp và hướng dẫn từ các cha xứ…Nhưng chắc chắn có một điều mà chỉ có Gioan Bosco cảm nếm và xác tín, đó là do chính lời mời gọi cậu dấn thân của Chúa Giêsu và Mẹ Maria “biến những con sói dữ thành những chiên ngoan bằng lòng yêu mến”, như lời cậu kể lại trong giấc mơ năm cậu lên 9 tuổi.

Và cứ như thế, giữa bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc và thách đố của thời gian, với lòng tốt của con người cộng với ân sủng của Thiên Chúa, Gioan Bosco, sau này là cha Gioan Bosco, hay Don Bosco, đã sống hết mình với các bạn trẻ nghèo và bị bỏ rơi, hay với người trẻ bị gạt ra bên lề xã hội và gặp nguy hiểm trong cuộc sống. Cũng chính ngài đã mang lại “mùa xuân” cho cuộc đời họ. Mùa xuân đó không là nắng, là hoa, là bướm vàng, là chồi non xanh tươi. Đó chỉ là mái nhà đơn sơ của ngài, nơi hàng nghìn bạn trẻ có thể trú ngụ, có cơm ăn qua ngày, được học nghề nghiệp để có thể tự kiếm sống cách lương thiện, được dạy dỗ để biết luân thường đạo lý. Đó là sân chơi bình dị, nơi các bạn trẻ có chổ để tụ họp nhau và vui chơi, nơi họ tìm thấy tình bạn, sự cảm thông, niềm vui và hạnh phúc vì được chia sẻ sức sống trẻ của mình. Đó là một góc yên tĩnh để họ có thể đắm mình với lời kinh nguyện đơn giản mà phát sinh từ chính cõi lòng; nơi đó người trẻ, với ngỗn ngang trăm mối đường đời, với hàng nghìn lời mời mọc của thế gian mà họ phải chọn lựa và tranh đấu, có thể bình tâm hơn để biết mình là ai, đang đi về đâu và mình cần thực sự điều gì.

Chúng ta có thể kể ra bằng con số thống kê bao nhiêu bạn trẻ đã tìm thấy mùa xuân cuộc đời mình nhờ sự hy sinh và công nghiệp của Don Bosco, với một lực lượng tu sĩ theo Don Bosco (SDB) làm việc với bạn trẻ, cùng với nhiều thành phần khác thuộc Gia đình Salêdiêng đang dấn thân vì người trẻ tại hơn130 quốc gia trên khắp hoàn cầu. Nhiều bạn trẻ đã sống và cảm nhận hồng ân này, và họ muốn dấn thân để tiếp tục mang niềm vui, hy vọng và “mùa xuân cuộc đời” cho các bạn trẻ nghèo khắp nơi. 

Đâu đó vẫn còn những mảnh đời không có mùa xuân. Đâu đó vẫn có những người trẻ không có sức sống vì họ bị người khác đánh cắp hay tự mình đánh mất. Họ sẽ còn cần đến một ai đó. Và…biết đâu khi đọc được những dòng này, chính bạn, có thể là một người trẻ hay già,  sẽ cảm nhận từ trong tâm hồn mình lời tâm sự này: “Bên em đã có ta! Tôi sẽ cố gắng để cho em – một người trẻ nghèo – có được mùa xuân!” Chúc bạn năm mới đầy ắp niềm vui và bình an! (Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment