Cộng đoàn của Đấng Phục sinh (Cv 2, 5-47)
Dẫn nhập
Trong tất cả các
cộng đoàn mà chúng ta đang sống, những thử thách và khó khăn bên trong cũng như
bên ngoài là điều dễ nhận thấy. Các cộng đoàn kitô hầu như phải đối mặt thường
xuyên với nhiều vấn đề liên quan đến “con người”.
Chúng ta cũng
nghe nói nhiều đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và những đặc sủng, hay quà
tặng của Thần khí, theo nhu cầu của cộng đoàn và tùy tình trạng tâm linh khác
nhau của người tín hữu, giúp họ bền sức đấu tranh và chống lại sự dữ trong cuộc
hành trình đầy gian khó để tiến về nhà Cha. Chúa Thánh Thần hiện diện trong
Giáo Hội và can thiệp cách đặc biệt khi Giáo Hội phải đối mặt với thời khắc khó
khăn nhất.
Ngày nay, Giáo Hội
phải hoạt động trong một thời gian được “đánh dấu bởi sự nghèo đói tinh thần”: Con
người có vẻ như không cần Thiên Chúa để có thể tự do hơn cho cuộc sống và hạnh
phúc của họ. Những người kitô hữu trong Giáo Hội thì sao? Giáo hội, một cộng
đoàn gồm các tín hữu đặt niềm tin của mình vào Đấng Phục sinh, cần sống với thái
độ nào trong lời cầu nguyện và lối chứng tá nơi cuộc sống hàng ngày? Chúng ta
thử ngược dòng thời gian về với cộng đoàn tiên khởi để suy nghĩ về điều này.
I. Hoạt động của cộng đoàn tiên
khởi
Theo các tường
thuật Tin mừng, nhóm môn đệ đầu tiên sống trong nghi ngờ, đau buồn, thất vọng
sau biến cố Thương khó (xem Mt 28, 16-20;
Mc 14, 16-18; Lc 24, 36-39). Họ đã quy tụ bên nhau, “đóng kín cửa nhà vì sợ”.
(xem Ga 20, 19). Việc Chúa Giêsu Phục
Sinh đã khơi mào một sức sống mới. Thần khí của Đấng phục sinh đã làm tăng trưởng
sức sống này, biến họ từ những kẻ nhát đảm, sợ sệt thành những người can đảm,
hăng say, vui tươi, năng động. Họ đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm Đức tin. Đó là việc thực hành với thái độ kiên trì bốn việc
bổn phận, hay là việc tham gia
cùng nhau các hoạt động cơ bản sau:
1.
Lắng nghe giáo huấn (bài
giảng) của các tông đồ.
Điểm quan trọng đầu tiên được dành cho việc giảng dạy (Didaché) và giáo dục về Đức Tin từ các
tông đồ. (Catechism- giáo lý, từ tiếng hy lạp, κατηχισμός (katechéo –
kata, từ cao xuống thấp và echos, tiếng vọng âm thanh của giọng nói): làm
cho ngân vang một lời nói, một âm thanh, hướng dẫn bằng lời nói,
là lời tóm tắt hoặc
giải thích một học thuyết).
Lời dạy dỗ hay việc rao giảng của các tông đồ là hoạt
động nền tảng, vì các ngài chính là các nhân chứng đích thực, đã dạy dỗ bằng
kinh nghiệm sống gần gũi với Chúa Giêsu, và là những người được huấn luyện trực
tiếp từ Thầy Giêsu.
Sự tham gia cách siêng năng và chăm chỉ của các tín hữu trong
việc lắng nghe lời giảng dạy của các tông đồ cũng đồng nghĩa với việc cam kết
liên tục, nơi các cộng đoàn chúng ta hôm nay, trong việc lắng nghe và đáp lại giáo
huấn của Chúa Kitô và Giáo Hội.
2.
Việc phục vụ
Ngoài việc giảng
dạy, lắng nghe giáo lý giáo lý, công đoàn kitô
hữu tiên khởi còn sống cách mạnh mẽ việc phục vụ và mối tương quan huynh
đệ (koinonia, agape).
Họ dấn thân trong việc liên kết, hợp tác, hiệp
thông, nâng đỡ nhau cả tinh thần lẫn vật chất.
3. Việc Bẻ bánh – Cử hành Thánh thể
Việc bẻ bánh (klasis
tou artou, fractio panis): là một thuật ngữ nói
về “bữa ăn tối”
hay “tiệc ly”, về “Thánh Thể”. Theo
kiểu nói của người Do Thái, bẻ bánh mì có nghĩa là dùng bữa trưa hoặc ăn tối
với nhau, vì vào bắt đầu bữa ăn, người đứng đầu của gia đình cầm lấy bánh mì, bẻ
ra, đồng thời nói một lời chúc tụng. Thường đó là một công thức ngắn thế này: “Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa đã tạo dựng tất
cả, chính Chúa đã ban cho chúng con bánh này làm thức ăn”. Đó là một công
thức của việc chúc lành để bắt đầu các bữa ăn, nhưng nó cũng rất quan trọng trong
nghi thức của ngày lễ Vượt qua. Có lẽ vì vậy các kitô hữu trong cộng đoàn tiên
khởi đã tái cử hành “Bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu”. Đó là bữa ăn lễ Vượt Qua
theo truyền thống, nhưng mang một ý nghĩa tưởng niệm mới của Thánh thể. Vào
thời điểm khởi đầu bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho họ nói, “Đây
là thân thể của Thầy”.
Việc bẻ bánh trở thành thuật ngữ của Thánh Lễ, hay việc
cử hành Thánh Thể. Sự tham dự nghi lễ bẻ bánh cách thường xuyên là một cam kết
lâu dài của cộng đoàn tiên khởi trong việc gặp gỡ nhau (sống với anh em) cho
việc cử hành Thánh Lễ (sống với Chúa Kitô). Đó là hai điểm then chốt trong mối
tương quan của đời sống kitô hữu.
4.
Việc cầu nguyện.
Các kitô hữu đầu tiên có một thái độ cầu nguyện “đặc
biệt”. Đó là sự kế tục truyền thống Do Thái, và đồng thời, họ có được những bổ
sung khác từ nội dung mới của Đức tin kitô giáo. Còn hơn thế nữa, họ còn có sức
mạnh mới do Thần khí của Đấng Phục sinh ban cho.
Các hoạt động mà Thánh Luca - tác giả sách Tông đồ công
vụ - trình bày về công đoàn kitô hữu đầu tiên cũng chính là đời sống của Giáo
Hội chúng ta ngày nay. Đó những chủ đề xuất hiện trong các chương trình mục vụ,
giáo lý, phụng vụ và bác ái, của giáo xứ, trong các giáo phận và trong toàn thể
Giáo Hội.
Hoa trái từ những hoạt động trên là sự hiệp thông. “Tất
cả các tín hữu hợp nhất với nhau. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân
thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv,
43-44).
Có thể nói hiệp thông chính là hệ quả của Đức tin vào
Chúa Kitô Phục sinh. Những người đã trở thành Kitô hữu, những người đã gắn bó
với Chúa Giêsu Kitô, tập trung mọi sự vào Ngài và tin tưởng trao cho Ngài cuộc
sống của họ, họ đã hợp nhất với nhau.
II.
Đặc nét của cộng đoàn kitô hữu tiên khởi
Cộng đoàn của Đức
Kitô Phục sinh có ba đặc tính chính sau:
1. Cộng đoàn có Chúa Kitô
làm trung tâm.
Cộng đoàn của
Chúa Giêsu Phục Sinh đặt Ngài làm trung tâm của việc cầu nguyện Tạ ơn và Bẻ
bánh. Chúa Giêsu chính là “Chủ sự” và là “Lễ vật” (xem Hr 10,10).
Phát xuất từ kinh
nghiệm của “Nhà Tiệc Ly”, cộng đoàn các kitô hữu đầu tiên cũng nhận thức mình là
Thân Thể Chúa Kitô Phục Sinh. Cộng đoàn này loan báo và làm chứng tá về sự hiện
diện hữu hình của Chúa Kitô giữa dân Người. Cuộc sống mới do Chúa Giêsu Kitô
mang lại không thể là cuộc sống tách biệt họ với những người khác; cuộc sống ấy
phải được chia sẻ với các anh em khác trong đức tin và mở rộng cho tất cả mọi
người.
Trong Giáo Hội,
là cộng đoàn các tín hữu, có một cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với con người qua Đức
Kitô. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là Con người thật, là Đền thờ mới,
nơi gặp gỡ và hội tụ mãi mãi thiên tính và nhân tính. Chúng ta, những viên đá sống
động, được dùng để xây dựng tòa nhà Giáo Hội- Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Và nếu chúng ta không tháp nhập với Đầu của Thân thể mầu nhiệm này, chúng ta sẽ
không bao giờ có được sự kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa.
2. Cộng đoàn có sự hiện diện
của Mẹ Maria.
Các môn đệ, sau khi
chia tay với Thầy mình, đã cùng nhau “chuyên cần cầu nguyện” trong Nhà Tiệc Ly,
“với Bà Maria thân mẫu Đức Giêsu” (xem Cv
1, 14). Và như thế, đối với các môn đệ trong thời sơ khai, sự hiện của Đức
Maria góp phần nâng đỡ cho lời cầu nguyện của họ.
Lời cầu nguyện của
Đức Maria là gì? Đó là lời ngợi khen, là những lời cầu nguyện của toàn dân tộc
Israel, những người đã chờ đợi lời hứa về Đấng Thiên Sai và nhớ lại sự can thiệp
của Thiên Chúa trong lịch sử của mình, từ những kỳ công của Tạo dựng đến những
hồng ân nhận được.
Mẹ Maria đã chờ đợi
Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa với dân của Ngài và Mẹ tin rằng Người sẽ thực
hiện lời hứa đó. Trong thực tế, Mẹ Maria đã sống với đức tin vào Đấng Cứu Thế -
Đấng đã nhập thể, mang thân xác con người qua thân xác tinh tuyền của Mẹ - nhờ đặc
ân của Thiên Chúa – Mẹ đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ. Mẹ cũng tràn đầy ân
sủng Thiên Chúa, và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự xuống trên Mẹ (xem Lc 1, 26-45).
Vào ngày lễ Ngũ
tuần, trong lúc cầu nguyện cùng với các môn đệ của Chúa Giêsu, Thánh thần của
Chúa một lần nữa đã ngự xuống trên Mẹ. Từ nơi Mẹ và từ các tông đồ, Thần Khí hoạt
động một cách tự do, biểu hiện sức mạnh của Sự sống mới từ Đấng Phục sinh nơi
nhiều diện mạo khác nhau của sự thánh thiện.
Thánh Thần của Thiên
Chúa nơi Đức Maria còn đặt người kitô hữu trong mối tương quan sống động với “Đức
Maria của vinh quang thiên quốc” - của “Người phụ nữ mặc áo mặt trời” theo lời
sách Khải huyền. Mẹ sinh ra Chúa Cứu thế, Ánh sáng thế gian. Mẹ chiến thắng sự
dữ. Mẹ đã được đưa lên cùng Thiên Chúa trong ánh sáng và được tặng ban vinh
quang là Nữ vương thiên quốc. “Người phụ nữ mặc áo mặt trời”, trong lời cầu
nguyện liên tục của cộng đoàn kitô hữu đã làm chổ dựa cho đời sống và đức tin của
họ. Mẹ Maria, ngay từ buổi ban đầu, đối với các tín hữu, là Mẹ của Chúa Kitô và
của Giáo Hội.
3. Cộng đoàn đón nhận nhiều Đặc Sủng Thánh Thần,
có sự khác biệt nhưng sống trong hiệp
thông.
Cộng đoàn kitô hữu
tiên khởi đã trở thành một khí cụ đầy sức mạnh của Chúa Kitô Phục sinh. Sức mạnh
ấy trong cộng đoàn được thể hiện thông qua những “món quà đặc biệt” mà Chúa
Thánh Thần ban tặng.
Được sinh động bởi
Thánh thần của Đấng Phục Sinh, cộng đoàn này tỏa sáng, khiến người khác nhận ra
nơi họ sự cứu rỗi hữu hình của Chúa Giêsu. Đó là một cuộc sống chung, thống nhất
bởi sự ràng buộc của tình yêu và có Đức ái là mục tiêu chung; sống theo lời chỉ
dạy của Phúc Âm cùng mối hiệp nhất và tương giao mật thiết giữa những người kitô
hữu với nhau, cùng bước đi trên con đường hoán cải. Chúa Kitô Phục Sinh ban sự
sống và kết nối tất cả mọi người: cá nhân đặt trong sự hiệp thông với người
khác bởi Thánh Thần của Chúa Kitô (xem Rm
12, 4-5).
Trong cộng đoàn, với
sự đa dạng và được bổ sung nhờ nhiều hồng ân của Chúa Thánh Thần, mỗi người, với
công việc của mình, cống hiến “món quà của mình” (đặc ân) vì lợi ích của cả cộng
đoàn.
Nhờ nhận thức sâu
sắc mình là một phần của Thân Thể Đức Kitô mà cộng đoàn này đã tiếp tục chiến đấu
với sự ích kỷ và chiếm hữu nơi con người xác thịt để sống với con người được đổi
mới cùng Chúa Kitô Phục sinh (xem 1 Cor
12,4-30).
Để kết
Chúng ta, những Kitô
hữu của ngày hôm nay, đang chứng kiến một hiện tượng trái với điều đã xảy ra tại
nơi sinh của Giáo Hội sơ khai. Hai mươi thế kỷ trước đây, nhiều người Do thái
và dân ngoại đã bước theo Chúa Kitô, vì các Kitô hữu đầu tiên đã làm chứng bằng
cách sử dụng tất cả các tặng ân của Chúa Thánh Thần. Giờ đây Giáo Hội đang bị tổn
thương vì chia rẽ, bè phái.
Ngay sau Lễ Ngũ
Tuần, một nhóm người sợ hãi và thất vọng đã có được ý thức của một cộng đoàn là
Giáo Hội, là nhiệm thể của Chúa Kitô (xem
Cv 1, 12-14). Họ đã làm chứng với lòng can đảm và rao giảng điều đó cách
nhiệt tình. Giáo Hội đã được sinh ra, và vào ngày Lễ Ngũ Tuần, đã được chính thức
giới thiệu bởi Chúa Thánh Thần, để con người thuộc mọi ngôn ngữ và quốc gia nhận
biết. Đó là Giáo Hội của Chúa Kitô và là ân huệ của Chúa Thánh Thần (xem Cv 2, 1-36).
Đối với các cộng
đoàn Kitô hữu đầu tiên, Chúa Thánh Thần là phần sức mạnh, cuộc sống và đức tin
của họ (xem Cv 4, 31-34). Đây là những gì mà các cộng đoàn chúng ta hôm nay cần
làm để Chúa Giêsu Phục Sinh tiếp tục là sức mạnh của Cộng đoàn: việc Phúc âm
hóa mới với sự tái khám phá sức mạnh của Chúa Thánh Thần nhờ vào việc sử dụng
các tặng ân và đặc sủng mà Ngài ban cho mỗi người. (Lê An Phong,
SDB)
No comments:
Post a Comment