12 February, 2015

TẢN MẠN XUÂN 1: SỨC SỐNG CỦA MỘT THẾ HỆ




Chuyện của hai thế hệ
Một lần nọ, tôi gặp lại người bạn cũ. Sau vài câu chào hỏi, với vẻ mặt thoáng buồn, anh nói với tôi: “Mấy hôm nay nay có chuyện “hơi bị buồn”! Vợ mình mới mua cho cái điện thoại Nokia loại có màn hình “chạm và lướt” làm qua sinh nhật. Tuổi đời trên 50 lần đầu tiên được xài điện thoại “đời mới” nên cứ lóng nga lóng ngóng, loay hoay mãi mà chẳng kiếm ra sự gì. Muốn gọi cho bạn bè mà chẳng biết các số điện thoại quen thuộc nằm ở đâu! Hơi bị ngượng, nhưng cuối cùng, mình cũng đành phải hỏi thằng nhóc con út cách sử dụng. Nó bấm và lướt các ngón tay lia lịa, miệng tự nhiên bảo rằng: “Bố già rồi, làm gì mà sử dụng cái của hiện đại này, xài cái “cùi bắp” đi cho tiện!”. Lòng tự ái của kẻ làm bố trổi dậy, tôi định quát cho nó một trận, nhưng thôi! Mình là người lớn, và thực sự mình không được cập nhật kịp thời với các thứ đồ chơi hi-tech kia. Rồi còn bao nhiêu thứ khác nữa, nào computer, nào game station, iPad, facebook... Nghe tụi nhỏ nói mà mình chỉ “đoán mò”! Đành phải im lặng mà lắng nghe thôi!
Những trăn trở của các ông bố như trên chắc là còn nhiều, vì mấy người được “đào tạo”, biết cập nhật, là “dân kỷ thuật” hay “dân trong nghề” để theo kịp các thứ “công nghệ cao”. Khoảng cách giữa hai thế hệ, hay sự khác biệt giữa già và trẻ, giờ đây có lẽ đang tăng theo đà tiến của kỷ thuật. Thế hệ U40 hay U50 đã bắt đầu nghiệm ra rằng: thật là khó khăn và rắc rối để hiểu và để đối thoại với thế hệ 8X, 9X, hay tuổi “teen” bây giờ. Đành phải im lặng và lắng nghe thôi! Và đôi khi lại phải “ngậm đắng nuốt cay mà chạy theo thời”.

Chuyện của một thế hệ được mang tên @ - "A còng"
Chỉ ít năm năm gần đây, thế giới thay đổi nhanh hơn về nhiều mặt, với nhiều điều được và mất, thuận lợi và thách đố. Một thế hệ trẻ được tiếp cận thật nhanh và thật gần với các tiến bộ khoa học, nhất là trong lãnh vực truyền thông. Chúng ta chẳng cần phải mô tả dài dòng, chỉ cần nhìn các học sinh mầm non với các trò chơi làm quen với máy tính hay với apad, iPad cũng đủ “khâm phục” rồi! Đó là điều mà vài năm trước đây, ngay cả giáo sư đại học cũng chỉ là biết sơ qua.
Không chỉ riêng “dân sành điệu” ở phố thị mà ngay cả các anh chàng, cô nàng “phố núi” vùng cao xa xôi, hay miền quê hẻo lánh, cũng không “thua chị kém em” bao nhiêu về sử dụng công nghệ cao. Họ luôn “phấn đấu” trở thành “cư dân mạng”, để cũng biết “xôn xao” cùng mọi người vì tin này việc kia trên khắp thế giới; và cũng biết “sửng sốt, thẫn thờ” vì những dòng “like” trên facebook cá nhân, từ nhiều người khác đang dõi theo mình. Tuy nhiên, sức mạnh hay sức sống của tuổi trẻ không nằm ở đó, vì rất ít người trong họ làm chủ được công nghệ cao, cho dù “rất sành điệu” và biết xài “hàng khủng”.
Bạn sẽ có lý khi nói rằng “chúng tôi chỉ là “người trẻ” bây giờ. Vài năm nữa chúng tôi là “người già” mất rồi! Trẻ là “hiện tại” chứ không là “tương lai!”. Sống “trẻ” là sống cho hiện tại. Vậy là đủ rồi!”. Sức sống trẻ kiểu “chạy đua và chụp giật” như thế e rằng sẽ không bền cho tương lai. Bản thân tôi tin rằng các bạn trẻ đã “thừa trí khôn” mà hiểu rằng cuộc sống là một chuyến hành trình thám hiểm, khám phá những chân trời mới; và để đủ sức cho một cuộc thám hiểm, người ta phải tập luyện, nghiên cứu, chuẩn bị, chịu thử thách và rút kinh nghiệm. Chỉ biết rằng chúng ta khó mà “lập trình” cho tương lai, nên chuẩn bị tốt từ hiện tại với kinh nghiệm của quá khứ là cách thế khôn ngoan nhất, để khi cần phải đối diện với một vấn đề của hiện tại, chúng ta có thể tự tin và trụ lại vững vàng hơn.

Chuyện của tôi, thế hệ trung gian
Tôi thấy rằng người trẻ bước ra từ một nền văn hóa đề cao cá nhân, những kinh nghiệm chủ quan và những cuộc tìm kiếm cách tân; trong khi đó, người già lại nặng về một quá khứ, một truyền thống, và kinh nghiệm sống của họ nhiều khi “chựng lại”, không được cập nhật kịp thời. Ngoài ra còn phải nói đến cá tính, bối cảnh gia đình, quan điểm cá nhân và nhiều thứ ngoại cảnh đặc biệt khác nữa. Tất cả tạo ra một sự ngăn cách hay tương phản khá rõ với đặc trưng của từng thế hệ.
Trong cuộc đời của mình, tôi đã học được nơi những người lớn tuổi, những “bậc thầy” nhiều kinh nghiệm phong phú và “đắt giá” theo nhiều nghĩa. Chính họ đã truyền cho tôi sức sống cháy lên từ lửa nhiệt tình, từ một kế hoạch làm việc và “chu toàn bổn phận hằng ngày trong vui vẻ”; họ khỏi cần nhờ đến việc lập trình hay xử lý của bất kỳ máy vi tính nào nhanh nhất mà vẫn đâu vào đấy! Chính họ cho tôi học biết cách thức biểu lộ tình yêu thương, phục vụ và niềm say mê khám phá, hơn bất kỳ cuốn sách giáo khoa của các học giả nổi tiếng về nhân bản hay đạo đức nào. Cũng chính họ cho tôi học biết kiểu lý luận và chứng minh “bằng cuộc sống” - Không dài dòng văn tự, không phức tạp về câu chữ, không hô hào hay đả phá, nhưng bản thân cuộc đời của họ chính là thông điệp hàm chứa một sức mạnh cuốn hút và đã được khẳng định qua thử thách của thời gian, và vì những giá trị cao đẹp mà họ theo đuổi.
Tôi cũng nhận ra sức sống nơi người trẻ. Họ có cách biểu lộ của riêng mình. “Sống trẻ” là vươn lên, đổi mới không ngừng; “trẻ” với niềm mê say yêu đời không ngại gian khổ. “Trẻ”: thực sự sôi động mà không quá náo nhiệt hay hỗn loạn. “Trẻ”: phải xốc vác, dám quên mình và dấn thân. “Trẻ”: phải quảng đại và mở rộng tâm hồn. “Trẻ”: không có nghĩa là bất chấp và coi thường tất cả. “Trẻ”: cũng không đồng nghĩa với sự kiêu căng, khẳng định mình, tự mãn vì thành công, ích kỷ và chiếm đoạt, chà đạp người khác để lớn lên. “Trẻ”: dễ dàng phạm một số sai lầm nhưng không đồng nghĩa với việc đầu hàng những đam mê xấu, thú vui tầm thường, sống không mục đích hoặc chỉ sống với mục đích theo các giá trị “bậc thấp”.Và còn nhiều điều khác nữa…
Tôi bỗng nhớ lời một bài hát ngoại quốc mà mình nghe được đâu đó. Lời bài ca có nhiều ý tưởng táo bạo thế này:

Không ai có thể ngăn chặn sức sống trẻ
Vì mỗi người đều biết: sức sống đó được viết trong trái tim tôi.
Sức mạnh đó là sự chân thành.
Niềm tin của chúng tôi muôn hình muôn vẻ.
Chúng tôi muốn bay lên tầm cao mới với sự can đảm.
Lao về phía những giấc mơ sẽ được hiện thực hóa,
và cảm thấy nơi mình một sự khích lệ lớn lao,
vì có những người khác đã để lại di sản.
Có người đã kết án hay muốn chế ngự sức sống ấy,
nhưng đó sẽ là một điều không tưởng.
Và không có nghĩa vì thế mà cơ hội sẽ biến mất khỏi mặt đất này.
Với niềm tự hào của người trẻ,
chúng tôi tạo nên lịch sử chính mình.
Và đó là cuộc mạo hiểm đối với chúng tôi,
là việc thử thách lòng dũng cảm và sự chân thành,
khi phải chấp nhận những điều dạy khuyên mà đốt cháy tự do của chúng tôi,
khi phải nghe nói về đời sống huynh đệ, tinh thần yêu nước, danh dự và nhân phẩm,
ý thức công lý, công bằng, tự do…
Nhưng, không ai có thể ngăn chặn sức sống trẻ.
Vì mỗi người đều biết: sức sống đó được viết trong trái tim tôi.
Chúc bạn có nhiều cảm nghiệm và hãy sống sức sống đã “được viết trong chính trái tim bạn”.
(Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment