06 November, 2012

Lời cảnh báo đáng suy tư: Tâm sự của một cựu Linh Mục

     Đây là lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục, được  đăng trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia. Có đôi điều khiến ta phải suy tư...
     (Trích lại từ nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/100870.htm)


Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.

"Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này. Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.

Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì ? ”.

Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần. Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên. Chuyện gì đến cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt. Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.

Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính. Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.

Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” :

Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.

Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi".

CHA MẸ - NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC GƯƠNG MẪU

Từ một câu chuyện về Don Bosco

Trên đường đi dạo với các học sinh của mình, Don Bosco thường hay đặt ra những câu hỏi vừa để đùa vui vừa để tạo nên sự thân mật. Một lần nọ, Ngài hỏi một bạn nhỏ: "Điều gì lớn lao nhất mà con gặp được trên đời này?". Bạn trẻ trả lời không chút đắn đo: "Don Bosco".[1]
Chúng ta hãy khoan bàn đến tính chất lịch sử của câu chuyện (vì thật khó mà viết hết những chuyện kể, đúng hơn là những kinh nghiệm lịch sử của những người trong cuộc - những người đã có cơ may chia sẻ cuộc sống với cha Bosco và đã gìn giữ nó trong ký ức cùng với những cảm xúc mạnh mẽ), nhưng hãy để ý đến tính chất sư phạm qua lời đối thoại hay qua câu trả lời của người bạn nhỏ với Don Bosco. Bạn trẻ này cũng như nhiều bạn trẻ khác sống cùng thời đã thể hiện một sự kính trọng, tin tưởng vào người đã giáo dục họ. Don Bosco đã có một chổ đứng quan trọng trong cuộc đời các bạn trẻ. Đối với họ, được gặp gỡ ngài là điều may mắn nhất trên đời, và là niềm hạnh phúc lớn lao vì đã tìm được một người bạn, người thầy, người cha.

Điều gì lớn lao nhất mà con gặp được  hôm nay?

Trong thời buổi hiện tại, nhiều bạn trẻ đang đi tìm những mẫu gương cho đời họ nơi đây nơi đó không chừng: Có thể là những ngôi sao sân khấu, thể dục thể thao, có thể là những "thần tượng" âm nhạc... Tuy "thần tượng" lắm khi làm cho các bạn trẻ "điên lên", nhưng nhiều lúc chính các "ngôi sao" ấy  làm họ thất vọng vì những chuyện "xi can dan" (scandal) không đâu vào đâu cả. Thật khó mà nói ai sẽ trở thành "người lớn lao" hay trở thành "chuyện quan trọng" mà các bạn trẻ gặp trong đời họ, vì hoặc là họ có quá nhiều hoặc là "tìm không ra" giữa bộn bề vàng thau lẫn lộn.
Qua một cuộc điều tra nhỏ mà bản thân chúng tôi thực hiện cách đây một năm với các bạn trẻ tuổi từ 14 đến 24, có một điều khác đáng làm chúng ta phải quan tâm. Đây là một trong những câu hỏi dành cho họ: "Trong khi gặp khó khăn, bạn đặt niềm tin tưởng vào ai?". Trả lời cho câu hỏi trên cùng với việc sắp theo chọn lựa ưu tiên (từ 1-5) với các đối tượng sau: cha mẹ, thầy cô, bạn bè, Thượng đế, những người khác, phần đông các bạn trẻ trả lời: cha mẹ (đối tượng ưu tiên hàng đầu và được chọn lựa nhiều nhất, chiếm 915/1500 phiếu). Đây chỉ là kết quả thăm dò cùng một vài con số thống kê nhỏ, nhưng câu trả lời của các bạn trẻ lại cho chúng ta một suy nghĩ: Với họ, cha mẹ vẫn luôn là người được tin yêu và luôn có một chổ đứng quan trọng trong đời mình.
Một cách tự nhiên, vì người trẻ vẫn còn ở dạng "bị lệ thuộc" nhiều mặt vào gia đình, nên chuyện "gắn kết với cha mẹ", "sống chết với cha mẹ", "ba mẹ là số một trong đời con" ... là bình thường. Mặt khác, ngoài cha mẹ ra, còn có bạn bè và thầy cô - hai dạng đối tượng gắn liền với đời sống người trẻ theo lứa tuổi với những đặc trưng tâm lý của tuổi vào đời, với việc hội nhập xã hội,... (Ví dụ theo thống kê kể trên so với các đối tượng còn lại tính theo thứ tự ưu tiên, bạn bè - đối tượng được xếp thứ 2, được chọn với 484/1500 phiếu; thầy cô - xếp thứ 3 với số phiếu 535/1500...). Những thành phần khác trong xã hội chưa có vai trò đáng kể hay quan trọng, nên với bạn trẻ, việc đặt niềm tin vào đó ở mức độ "rất ít" là chuyện dễ hiểu. (Ngay cả Thượng đế cũng "bị" xếp vào vị trí thứ 6 với số phiếu 481/1500). Và như thế "điều lớn lao" đối với nhiều bạn trẻ dù sao đi nữa vẫn là cha mẹ, chổ dựa vững chắc nhất.

Cha mẹ - những khó khăn để trở thành "điểm tựa"

Về phía cha mẹ, qua những cuộc trao đổi từ nhiều phía, người ta bắt đầu hé lộ những ưu tư, đúng hơn, phải nói đến những vấn nạn trong việc giáo dục con cái mình. Có hai điều xem ra nổi bật hơn cả.
Thứ nhất, làm sao "cập nhật" hay bắt kịp ngôn ngữ "trẻ" của thời hiện đại, của chatTwitter , Facebook, internet, SMS, điện thoại di động,... để có thể đồng hành với con cái và để có thể hướng dẫn, chỉ dạy những khi cần thiết hay ngăn ngừa những nguy cơ xấu có thể đến từ các phương tiện truyền thông văn minh, hiện đại này. Thật ra chẳng ai tài giỏi để có thể chạy theo hết đời máy này đến mốt điện thoại kia; hoặc phải "đầu tắt mặt tối" vì mưu sinh thì làm gì có thời gian mà "cập nhật" hoặc "nghiên cứu". Nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng học hỏi hoặc tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn để có cách thích ứng. Nhưng đôi khi họ quá bận tâm vì những chuyện có tính "kỷ thuật". Có lẽ cần lưu tâm hơn một chút để dạy cho con cái "tiêu chuẩn" khi sử dụng của cải vật chất, cách thức thăng tiến nhờ vào việc học hỏi từ những gì là có giá trị và đáng tin cậy, nhờ vào kinh nghiệm và gương sáng của chính  bản thân cha mẹ hơn là việc chạy theo kiểu hợp thời - "người sao ta vậy" là "thành công" - như nhiều người vẫn tin tưởng. Ai có thể phủ nhận rằng: một chiếc xe honda ôm của người cha gương mẫu và chân chính, một đôi quang gánh đơn sơ của bà mẹ tần tảo không thể làm điểm tựa làm cho những đứa con nên khôn ngoan và đạo đức? Nhiều khi vì người ta quá tin vào sức mạnh của đồng tiền và vật chất mà đánh mất chính điểm tựa cần thiết phải có là tình yêu thương, sự quan tâm và những bước đồng hành hằng ngày với con cái.
Thứ hai, làm sao để "làm gương sáng" cho con cái. Thật khó trong thời buổi mà gia đình chịu một áp lực khá nặng trong bối cảnh xã hội có nhiều dấu hiệu suy thoái về đạo đức. Nhiều  khi với các bạn trẻ, khó khăn của họ ở chổ là: điều cha mẹ dạy trong gia đình không "hợp" với những gì người ta sống ngoài xã hội. Nhiều bạn trẻ cảm thấy "bối rối" khi phải chọn lựa giữa điều chân thật và giả dối được bày biện gần nhau và có thể tìm thấy nhan nhản giữa đời thường.  Trong khi đó, họ đã được cha mẹ dạy cho từ tấm bé những điều cao đẹp về tình người, lòng trung thực, sự tôn trọng người khác... Còn hơn thế nữa, các bậc phụ huynh cảm thấy áy náy về trách nhiệm giáo dục, vì xem ra họ bất lực trước những đổi thay của "chân lý thời hiện đại và tự do". Lắm lúc, họ có thể bị xem là "khó tính"; hoặc tệ hại hơn, nhiều khi người ta dạy dỗ con cái những điều rất hay và lý tưởng lại là điều mình cảm thấy khó thực thi nhất. "Lời nói gió bay", việc giáo dục không đi kèm theo gương sáng hay chứng tá sống động chẳng đem lại hoa trái gì. Và kết quả là "thượng bất chính, hạ tắc loạn".

Để kết...
Trở lại với câu chuyện cuộc đời của Don Bosco, nhà giáo dục của người trẻ, chúng ta có thể nghe thêm những câu nói của Ngài: "Giáo dục là chuyện của trái tim". "Không có sự cảm thông, không thể có lòng tin tưởng. Không có lòng tin tưởng thì đừng nói đến chuyện giáo dục". Việc đồng hành với con cái là chuyện trách nhiệm của cha mẹ. Tuy vậy sống cho con cái không chỉ dừng lại ở trách nhiệm mà còn ở tình yêu thương nữa.
Người ta vẫn hay nói "Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính". Giữa những thử thách của cuộc đời hiện nay, phó thác mọi số phận cho "Trời sinh tính" chẳng phải là một giải pháp có tính nhân bản. Ngược lại, nếu quá chăm chú vào việc lo cho cái ăn cái mặc hoặc quá đề cao vật chất mà bỏ qua những giá trị tinh thần khác trong khi giáo dục, ta có thể làm hư hỏng cả một thế hệ và "đánh mất cả nhân tính".
Còn hơn thế, với những bậc làm cha mẹ là Kitô hữu, họ cần phải biết học cách thức bày tỏ một chút tình yêu thương và trở nên chổ dựa cho con cái. Họ phải là dấu chỉ biểu lộ tình yêu của Đấng Tốt lành là Cha ngự trên trời, là dấu chỉ của sự lo lắng và chăm sóc trong yêu thương. Lời mời gọi đó của Tin mừng vẫn còn vang vọng: " Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người"(Lc11, 12-13).
(Lê An Phong, SDB)


[1] Cfr. ENZO BIANCO, Educare oggi come educava Don Bosco? Quasì una sfida nel centenario del santo dei giovani, LDC, Torino 1988, 7.

25 August, 2012

CẢM XÚC TỪ LỜI KINH CỦA THÁNH TOMA D’AQUINO.

Trên con đường theo Chúa, bạn bè con người bỏ người theo.
Giữa những thăng trầm và sóng gió cuộc đời, chọn lựa với Ngài kẻ ra đi người ở lại.
Đường dài, con bước… Thành công, thất bại…
Ngước mắt lên trời, lòng khấn nguyện lời kinh hôm mai, như một ai đó đã từng cầu khấn Ngài...

 
 
 
Lạy Chúa!
 
Xin đừng quên con,
khi con không nhớ Ngài.
Xin đừng bỏ rơi con,
khi con lìa bỏ Ngài.
Xin đừng xa rời con,
khi con lãng tránh Ngài.

 Xin hãy gọi tên con,
nếu con toan chạy trốn.
Xin hãy kéo con về,
nếu con đang cầm cự.
Xin hãy nâng con dậy
Nếu con sắp ngã nhoài
Giữa chán chường, u mê.

 Lạy Chúa!
 
Xin hãy ban cho con
Trái tim biết tỉnh thức,
để không toan tính nào
khiến đời con xa Chúa.

Xin hãy ban cho con
Một cõi lòng chính trực,
để không cám dỗ nào
khiến con đi lạc loài.

Xin hãy ban cho con
Một tâm tình kiên vững,
để con ngẩng đầu lên
trong những phút bão bùng.
 
Xin hãy ban cho con
Một tâm hồn tự do,
để không đam mê nào
biến con thành tội nô.

Xin hãy ban cho con
Sự khôn ngoan, suy biết,
để con đi tìm Ngài
giữa muôn hướng trần ai.

Xin hãy ban cho con
Ý chí và nghị lực,
để con đi tìm Ngài
trên vạn nẽo chông gai.

Xin hãy ban cho con
lòng tin yêu, hy vọng,
để mỗi ngày con sống
Thánh ý Ngài – Đời con. Amen

( Lê An Phong, SDB – Lễ Thánh Bartolomeo)

 

09 August, 2012

"Tôi đi tìm Chúa Kitô và Ngài là Chân lý của đời tôi" (Edith Stein)


Ngày 09 tháng Tám 2012, Giáo Hội mừng lễ Thánh nữ Teresa Benedicta Thánh giá, Nữ tu, Tử đạo, Thánh Bổn mạng của Châu Âu. Có lẽ cũng là cơ hội để ta cảm nghiệm sức mạnh biến đổi từ Đức Kitô qua cuộc đời của vị thánh này.

Edith Stein được sinh ra tại Breslavia, thủ đô của Silesia – nước Phổ (cũ), vào ngày 12 Tháng Mười năm 1891, trong một gia đình Do Thái ở nước  Đức. Lớn lên trong các giá trị của các tôn giáo Do Thái, đến tuổi 14 cô bé Edith Stein đã vất bỏ đức tin của cha ông mình và trở thành một người vô thần.
Cô thiếu nữ thông minh theo học triết học tại Göttingen, trở thành một đệ tử của Edmund Husserl, triết gia và người sáng lập của trường phái Hiện tượng luận. Cô cũng trở nên nổi tiếng như một nhà triết học xuất sắc.

Năm 1921, Edith Stein theo Đức Tin Công giáo, được rửa tội vào năm 1922. Cô đã dạy học tám năm ở Speyer (1923-1931). Năm 1932, cô giảng dạy tại Học viện sư phạm ở Münster, Westphalia, nhưng hoạt động của cô bị đình chỉ sau khoảng một năm bởi vì các luật phân biệt chủng tộc.
Năm 1933, như mong muốn từ lâu hằng ấp ủ trong lòng, cô Edith Stein xin vào Hội dòng Camêlô ở Cologne và trở thành một nữ tu với tên gọi Teresa Benedicta Thánh Giá.

Ngày 2, năm 1942 chị Teresa Benedicta Thánh giá bị các mật vụ người Đức, trong cuộc truy tìm và tiêu diệt người Do thái phát hiện, và chị bị bắt đến các trại diệt chủng Auschwitz-Birkenau, nơi đó chị đã qua đời ngày 09 tháng 8 trong phòng hơi ngạt.

Năm 1987, Nữ tu Teresa Benedicta Thánh giá được phong chân phước, và ngày 11 tháng 10 năm 1998 được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô phong thánh.

Năm 1999 Thánh nữ Teresa Benedicta Thánh giá được tuyên bố là Đấng Bổn mạng của Châu Âu, cùng với  Thánh nữ Brigita của Thụy Điển và Thánh nữ Caterina thành Siena của Ý.
(Lê An Phong,SDB)

(Xin trích thêm một phần tài liệu của tác giả Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 8/2/2007 về vài điều liên quan đến cuộc đời vị thanh nữ này)
Câu truyện vị thánh nữ này trở về với Giáo Hội Công Giáo cho tới nay vẫn được cho rằng xẩy ra khi cô bất chợt đọc hạnh tích Thánh Têrêsa Avila. Cô đã đọc thâu đêm hết cuốn sách và cô đã quyết định gia nhập Công Giáo khi cô đọc xong tác phẩm ấy vào buổi sáng hôm sau.
Trong cuộc ra mắt cuốn tổng hợp các tác phẩm của vị thánh nữ này tại Đại Học Latêrô của Tòa Thánh ở Rôma, cha Ulrich Dobhan, một đan sĩ Carmêlô và là chuyên viên về vị thánh nữ ấy, vị đặc trách ấn bản Đức ngữ tác phẩm tổng hợp này, đã trình bày cho thấy những khám phá của ngài về cuộc hoán cải của vụ thánh nữ. Vị linh mục này tin rằng vị thánh nữ ấy đã biết được sự hiện hữu của cuốn sách về Thánh Têrêsa Avila và tìm đọc cuốn này.
“Vào khóa học 3 tháng mùa hè năm 1918, trong khi giáo sư Husserl đang thuyết giảng ở Đại Học Freiberg về vấn đề cuốn sách của Rudolf Otto là ‘Das Heilige’, có lẽ cô Edith đọc thấy tên của Thánh Têrêsa Avila, vì tên này được đề cập tới trong cuốn sách ấy”.
Sau đó, vào ngày 24 hay 25/5/1921, tại nhà của Anne Reinach và của chị dâu Pauline của cô ở Geottingen, Đức quốc, cô chọn đọc cuốn tự truyện ‘Cuộc Đời Thánh Têrêsa Avila’ từ tủ sách của họ.
Việc đọc tác phẩm về Thánh Têrêsa Avila là những gì quyết liệt cho việc hướng cô về Công Giáo thay vì về Thệ Phản Tin Lành, thế nhưng vị linh mục vẫn cho biết nhận định: “ở đây chúng ta không nói về việc tiến từ vô thần đến Kitô Giáo”.
Câu hô lên "Sự thật đây rồi!" thường được đặt lên môi miệng của cô Stein khi cô đọc tự truyện của vị thánh ấy không tương hợp với những gì cô nói, cũng không phản ảnh tiến trình tu đức của cô Stein”.
Việc tra vấn của cô Stein về Kitô Giáo đã từ từ tiến triển qua giòng thời gian. Là một triết gia, cô bị ảnh hưởng sâu xa bởi tác phẩm của triết gia Max Scheler trong giai đoạn Công Giáo của ông, cũng như bởi chứng từ anh hùng của Anne Reinach, người vợ góa của vị triết gia đồng bạn Adolf Reinach, người đã chết trong cuộc chiến vào tháng 11/1917.
Cho dù không phải là nguồn mạch duy nhất đối với cuộc hoán cải của vị thánh nữ này, tác phẩm tự truyện của Thánh Têrêsa Avila cũng thực sự đã dẫn ngài đến quyết định trở thành một nữ tu dòng kín Carmêlô, và đã lấy tên dòng là Têrêsa Benedicta Thánh Giá.


06 August, 2012

CUỘC TRANH TÀI VÀ NHỮNG TIÊU CHUẨN



Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý về Thế vận hội đang diễn ra ở nước Anh. Nhiều vận động viên từ các nước khác nhau tập trung về đây và cùng sống những giây phút căng thẳng đầy mồ hôi và nước mắt trong các cuộc thi tài. Nhiều màu cờ sắc áo đã tạo ra cho ngày hội ngộ nét đẹp và sự hoành tráng.
Phải nói rằng vận động viên nào cũng tài, ai cũng nhanh, ai cũng mạnh cả. Tất nhiên rồi vì họ toàn là những người tài ba hơn người và được chọn lựa. Trước khi đến thi đấu ở cấp thế giới, họ đã từng phải thao dợt và thử sức bao nhiêu lần. Có vậy họ mới đủ bản lĩnh để thi đua và giành các giải thưởng đúng với khả năng.

Dù muốn hay không thì giữa hàng trăm kẻ đi thi chỉ có vài ba người giật được giải. Huy chương vàng hay bạc hay đồng có thể được đúc hàng tá nhưng chỉ có giá trị cho ít người thôi. Vận may thì có thể nhiều nhưng chỉ rất ít “kẻ may mắn” và chiến thắng. Người tài cũng có nhiều nhưng rốt cuộc người ta phải nói đến những “người xứng đáng hơn”, “vượt trội hơn”.

“Nhanh hơn, mạnh hơn, chính xác hơn, đẹp hơn, chuẩn hơn, dẽo dai hơn, khỏe hơn…” là những lời nhận xét và ca ngợi các vận động viên từ phía ban giám khảo cũng như khán giả. Tất nhiên trên thế giới này không thiếu kẻ mạnh, kẻ đẹp, kẻ nhanh nhẹn.., mà luôn có số khỏe hơn, đẹp hơn, nhanh hơn. Người ta lấy mức bình thường để xem xét mọi sự theo kiểu “chuẩn hóa” và luôn chờ đợi nhưng gì vượt trội trên bình thường để đánh giá “tài năng”. Đó là những kỷ lục thế giới!

Tôi lại nghĩ lan man một chút… Hóa ra trong một thế giới mà người ta ngày càng chuộng sự “tương đối” cho “dễ sống” lại cũng cần nhưng điểm chuẩn để so sánh đến thế sao! Việc chuẩn hóa từ những gì bình thường đã khó thì chắc là việc vượt lên trên cái bình thường để trở thành thiên tài còn khó hơn. Đó là chưa nói đến các tiêu chuẩn đạo đức mà xem ra ngày càng “bị bỏ rơi”. Sống tốt, sống bình thường giờ này đang trở thành khó khăn cho nhiều người vì đang thiếu dần những chuẩn mực đạo đức căn bản. Vậy thì sống tốt lành và thánh thiện, đạo đức hơn chắc là phải “vượt chuẩn” đây! Mà làm sao vượt qua chuẩn? Khó khăn thật! nên chăng hạ thấp một chút tiêu chuẩn đạo đức vì làm người ai mà chẳng có khi yếu đuối, ai mà hoàn thiện trăm phần trăm? Có khi đặt tiêu chuẩn đạo đức cao quá lại hại đời nhau!

Loanh quanh suy nghĩ, rốt cuộc tôi chẳng có điều gì mới. Thánh Phaolo từ lâu đã viết rằng: “Anh em chẳng biết sao : trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư ; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín ; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1.Cor, 24-27).

Tôi biết là bắt mình phải theo những chuẩn mực đạo đức thì “hơi bị khó”, nhưng có như vậy, người ta mới có thể phân biệt anh hùng và tên hèn hạ, thánh nhân và kẻ tội đồ. Nghĩ cũng cần thiết thay những chuẩn mực đạo đức căn bản để từ đó người ta có thể lớn lên, vươt trội hơn từ những cái tầm thường và trở thành những bậc vĩ nhân và những gương mặt thánh thiện cho nhân loại! Và thực lòng, tôi không muốn và mãi mãi không muốn mình bị “loại ra khỏi cuộc chơi” để rơi vào sự hư nát muôn đời!
( Lê An Phong, SDB)

VIẾT CHO BẠN VỀ Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI


Trên đời này có hàng ngàn câu hỏi “tại sao”. Hình như con người đã bắt đầu đặt câu hỏi, từ những ngày thơ bé, khi đứng trước một thế giới đầy những điều thú vị, cho đến khi về già, khi phải đối diện với những nỗi đau và những ngày còn lại của kiếp người.

Nhiều bạn trẻ khi phải đối diện với những khó khăn đầu đời đã gần như gào lên “Tại sao đời phức tạp thế? Tại sao cuộc đời lại phủ phàng thế! Tại sao tôi lại phải sống cái kiếp người như vậy chứ?...” Tôi không có tham vọng đưa ra đây câu trả lời vì chính mình cũng có nhiều khi bối rối trước những vấn nạn cuộc đời. Tôi chỉ muốn kể cho em nghe hai câu chuyện, đúng ra hai sự kiện mà tôi được xem trên tivi nơi xứ người, đã làm cho tôi phải suy nghĩ.

Chuyện thứ nhất: Những cái chết cuối tuần.

Sau một tuần chạy theo vòng quay cuộc đời ăn-ngủ-đi học-đi làm, T. cũng như tất cả bạn bè mình cảm thấy mệt mỏi và cũng thấy cuộc sống thật đơn điệu. Những ngày cuối tuần đúng là kỳ “xả xì-tret” (stress). Nhóm kéo nhau đi ăn tối. Nhóm hẹn hò đi xem phim hay ca nhạc. Nhóm đi vào các phòng nhảy. Cuộc vui chơi ở đây thường kéo dài đến hai ba giờ sáng. Sau nhiều giờ ngất ngây cùng với âm nhạc ở cường độ mạnh và cùng với một chút hơi men trong máu, họ chếch choáng trở về nhà. Xe hơi chỉ biết chạy theo người lái. Người lái chỉ biết đạp ga theo cơn say trên xa lộ vắng vẻ. Và tai nạn…Và nước mắt khóc cho những người bạc mệnh phải ra đi khi tuổi còn xuân xanh.

Ống kính truyền hình cho xem những gì còn sót lại của một chiếc xe hơi đời mới. Tôi lắng nghe trong âm thanh tiếng khóc lóc khe khẽ của một ai đó lời phát biểu chua xót và thất vọng của một bạn trẻ như một lời giải thích vì sao họ làm chuyện đó: “Cuộc đời thật đáng kinh tởm. Sống làm gì cơ chứ!”.

Chuyện thứ hai: Sống một ngày mới như chưa từng được sống bao giờ.

Trong một phóng sự, người ta phỏng vấn mọi người về ý nghĩa cuộc đời. Trong số đó, có một người trên 60 tuổi, một nhà báo và là một tín hữu công giáo. Ông bị mắc bệnh ung thư và được các bác sỹ cho biết là ngày đời của ông chỉ còn có thể đếm trên đầu ngón tay. Câu hỏi dành cho ông là: “Mỗi sớm mai thức dậy ông có cảm tưởng gì khi phải đếm ngược những ngày mình sống?” Tôi hồi hộp chờ câu trả lời.

Ống kính truyền hình cho xem một khuôn mặt nhợt nhạt nhưng đầy niềm vui. Lời nói không mạnh bạo nhưng đầy xác tín: “Tôi mỉm cười vì biết mình vẫn còn sống và tôi biết mình đang sống một ngày đầy những điều bất ngờ, thú vị mà chưa ai trên thế giới này đã từng nếm hưởng, cho dù đó là một vị vua, một anh hùng, một tổng thống hay một đức thánh cha. Tôi nghiệm ra đây là một ngày của  sự sáng tạo mới, một sự sống được bắt đầu và của sự sống lại. Tôi có thể làm thêm được một điều gì đó cần thiết và chính yếu khi biết thời gian của mình có hạn. Cuộc đời thật tuyệt vời cho dù có những đau khổ. Và bản thân tôi, trong đau khổ của chính mình, đã học được cách im lặng mà chiêm ngắm vẻ đẹp của nó ”.

Chuyện của tôi và bạn?

Chắc chắn là tôi và bạn sẽ có cách nhìn khác nhau về ý nghĩa cuộc đời và lý do vì sao ta phải sống, và thật là vô lý khi một ai đó áp đặt cho bạn điều mà với bạn là vô nghĩa và không có giá trị. Tuy nhưng ta sẽ có một điểm chung để chia sẻ là ai cũng biết đặt ra câu hỏi về ý nghĩa trước những biến cố cuộc sống. Về điều này, chúng ta có thể đọc lại với nhau lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nói với giới trẻ tại Denver (Canada 1993): «Cuộc sống luôn chất chưa những điều kỳ diệu. Khoa học và công nghệ thời nay đã có những bước tiến vượt bậc trong việc giúp chúng ta khám phá những điều kì lạ trong sự sống tự nhiên. Mà con tim chúng ta luôn đi tìm những gì nằm bên kia những giới hạn của con người; ánh mắt của chúng ta luôn đăm đăm dõi theo những chân trời mới nằm ngoài những kinh nghiệm và khao khát nhân loại. Giữa những nghịch cảnh cuộc đời chúng ta đi tìm ý nghĩa cuộc sống và định mệnh sau cùng. Chúng ta luôn tự hỏi mình rằng: Tại sao? Tại sao tôi lại hiện hữu? Tại sao tôi ở đây? Tôi phải làm gì? Nhân loại trong cuộc tìm kiếm của mình đang cảm thấy sự cần thiết phải có một ý nghĩa để sống, nhất là trong thời buổi phức tạp và khó khăn để tìm thấy hạnh phúc. Trong những chuyển biến gần đây, có rất nhiều người còn đặt ra nhiều vấn nạn căn bản khác nữa: Người ta có thể đóng góp gì cho xã hội và điều gì ta có thể chờ đợi nơi xã hội? Điều gì sẽ còn lại sau cuộc sống này?... Việc chối bỏ các câu hỏi này hay không muốn đặt ra câu hỏi nữa về cuộc sống đồng nghĩa với thái độ khước từ cuộc khám phá chân lý về sự sống”.

Tìm đâu câu trả lời?

Trong xu thế hiện nay, chúng ta có thể nói với nhau hai hướng giải quyết, liên quan đến kiểu sống cá nhân và theo thời hiện đại.

Nhiều người vẫn thích suy nghĩ: “Việc tôi, tôi tự giải quyết”. Đúng là “chuyện cá nhân” thì chỉ có cá nhân mới hiểu và biết cách tìm lối thoát, nhưng vẫn thật khó tin là tự thân mỗi chúng ta có thể giải quyết những khó khăn riêng mình, bởi vì luật nhân quả vẫn hay đưa người ta vào lối chằng chịt của nhiều mối tương quan. Ngoài ra, không phải là “người trong cuộc” luôn luôn sáng suốt và đủ khách quan nhìn nhận vấn đề. Lắm khi ta than phiền nhiều về các vấn đề của mình vì bị trói buộc với những gì là “của mình” và không biết nhìn người khác. Một ai đó đã chia sẽ kinh nghiệm này: Ta đã kêu trách vì mình không có những đôi dày đẹp để đi cho đến khi ta nhìn thấy một người khác không có đôi chân như mình… Trong trường hợp này, những người sống quanh ta sẽ là nguồn động viên lớn; và việc tìm cách giúp đỡ người khác trong những khó khăn của họ sẽ làm thay đổi cuộc đời của bạn

Nhiều người khác suy nghĩ: “Con người sẽ đủ sức để giải quyết mọi vấn đề của mình”. Lối suy nghĩ này ít nhiều có liên quan đến việc sống niềm tin tôn giáo. “Thần, thánh, thiên, địa… có thể làm gì được cho con người?”. Thật đáng nghi ngờ nếu người ta tin rằng con người có thể giải quyết hết mọi vấn đề cuộc sống hay tự tìm thấy mọi giải pháp cho các vấn nạn của chính mình. Kinh nghiệm cho thấy rằng trong những lúc khó khăn không thể vượt qua, chúng ta cần và sẽ tìm kiếm hay sẽ chân nhận một “Ai đó” siêu phàm hơn mình và có thể cứu giúp mình. Có thể bạn sẽ bị xếp vào loại “ngu ngốc”, dễ bị lừa gạt và bị “mê hoặc” hay “không thức thời”, nhưng cuộc sống luôn dạy cho chúng ta những bài học theo kiểu “khi bị ngộp thở thì mới biết không khí cần thiết thế nào dù nó vô hình”. Trong trường hợp này, nhìn xem những người khác qua cách thức họ sống trong khó khăn, hay cách họ vượt qua đâu khổ với niềm tin ra sao, bạn sẽ thay đổi lối suy nghĩ của mình.

Nếu như bạn là người đang sống với niềm tin, tôi chỉ xin bạn một điều nho nhỏ như lời nhạc của Hoài An: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, người cho tôi một khúc kinh cầu…”, và không chỉ một câu kinh cho riêng tôi mà là một lời kinh cho cả thế giới này nữa.
(Lê An Phong, SDB)

10 June, 2012

Từ những lời cám ơn...




Như mọi năm,  những ngày cuối học kì và vào hè là lúc anh em đây kia chịu chức Phó tế hay được thụ phong Linh mục hoặc khấn dòng. Nghi lễ nối tiếp nghi lễ với những cử hành dài và trang trọng. Tiếp theo đó là những Thánh lễ Tạ ơn thánh thiện và cảm động; những bữa tiệc thân thiện và hào hứng; những lời chúc mừng và cám ơn trong hạnh phúc và vui tươi. Tất cả hòa quyện trong bầu không khí của lễ hội và niềm vui.
Như tất cả mọi nghi lễ, phần cuối bao giờ cũng kết thúc bằng lời cám ơn. Lời cám ơn có đủ mọi hình thức, ngắn hay dài, trang trọng hay đơn sơ, giọng Bắc, Trung, Nam hay kèm cả tiếng Tây tiếng Mỹ…Lời cám ơn có cả những nụ cười và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Những tân chức hướng về cha mẹ, giọng nói như bị ghìm lại bởi xúc cảm trào dâng từ tấm lòng biết ơn công đức sinh thành, dưỡng dục. Các bậc cha mẹ thì nghẹn ngào, xúc động và thầm dâng niềm cảm mến Thiên Chúa vì đã “ban cho hoa trái lòng mình trở nên tốt lành” và được chúc phúc giữa muôn người. Người ta khóc vì niềm vui tràn ngập cõi lòng.

Như một điều tự nhiên, các bậc cha mẹ  luôn mơ ước con cái mình có một ngày thành đạt; các bạn trẻ mơ ước có một ngày mình có thể nói với cha mẹ “lời cám ơn từ đáy lòng”. Sau một cuộc hành trình dài của việc học hành, phấn đấu, tới lúc họ biết là mình đã qua những ngày gian khổ và đã sống những khoảnh khắc cuộc đời có ý nghĩa. Niềm hạnh phúc lúc đó không chỉ cho riêng họ mà còn cho nhiều người khác. Niềm vui lúc đó không chỉ của riêng mình ta nhưng được nhân lên nhiều lần trong tâm hồn mọi người. Hãy xem những ánh mắt hân hoan và rạng vẻ hài lòng của các bậc cha mẹ trong khi tham dự các nghi lễ tốt nghiệp của con em mình; nhìn những cái bắt tay chúc mừng và nghe những lời khích lệ của bạn bè gần xa … ta sẽ cảm thấy giá trị của những nổ lực, qua việc hy sinh, sức vươn lên của bản thân trong hành trình gian khổ đi tìm “các giá trị làm người” ra sao!

Đôi điều tâm sự
Như một thực tế không bình thường và không như mong ước, tôi cũng đã nhiều lần đọc được “thông điệp buồn” qua những giọt nước mắt của các bậc cha mẹ có những đứa con hư. Họ buồn vì “kết quả” của máu thịt mình trở nên hư hỏng. Họ buồn vì công sức bỏ ra không đem lại kết quả như lòng mong muốn và chỉ biết ngậm ngùi: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính. Biết làm sao được!”. Họ tủi thân và cảm thấy hổ thẹn trước mặt mọi người vì mang tiếng “Nuôi con chẳng dạy chẳng răn…”. Họ đau xót vì cảm nghiệm rằng chữ “trách nhiệm” mà mình được Ông Trời trao phó chưa được làm tròn đúng nghĩa. Thực tế cũng đáng buồn thật khi hằng ngày báo chí thường xuyên nói đến một vài hình ảnh ông bố bà mẹ vô trách nhiệm và tàn nhẫn với con cái. Nhưng có phải tất cả đều như vậy? “Tại ông, tại bà hay tại chúng ta”? Nguyên nhân sâu xa có thể là một chuỗi những mắt xích về giáo dục gia đình, về những băng hoại đạo đức xã hội, về việc coi thường các giá trị thiêng liêng của con người. Một điều mà chúng ta phải nói với nhau thực lòng là chẳng bậc cha mẹ nào muốn con mình hư đốn hay trả ơn cho mình bằng những điều khốn nạn và độc ác. Nhiều bậc phụ huynh, trước những cảnh “con dại cái mang” đã tự vấn lòng mình và than rằng đó là “quả báo”; họ còn bị đánh giá là “gieo gió thì gặt bão”, “cây nào quả ấy, rau nào sâu ấy”. Tới đây, tôi lại chợt nghĩ đến hai chữ “trách nhiệm” và “biết ơn”.  

Nếu người ta thực sự sống có trách nhiệm với nhau, thì có lẽ việc chuẩn bị cho một “tương lai xa” luôn bắt đầu từ những “ngày thật gần”, từ những tiếng đầu đời, từ những lời ru trên vành nôi, từ những miếng cơm manh áo hằng ngày và lời răn dạy đơn sơ nhất về tình người và về đạo đức,  sau đó mới nói tới đến những bài thuyết trình trên giảng đường hay những phát minh mang tầm thời đại. Sống có trách nhiệm với nhau bắt đầu từ nơi “gia đình nhỏ” đến “xã hội to”…
Thêm một điều nữa, người ta sẽ sống lòng biết ơn khi cảm nghiệm rằng: điều mà mình được hưởng là nhờ công sức của nhiều người hay những ai có trách nhiệm. Điều mà mình có được hôm nay nằm ngoài “khả năng”, là điều “làm sao dám mơ”, là điều vượt xa tầm tay với nhưng đã trở thành hiện thực nhờ sự trợ giúp của một Ai đó. Ta sẽ có lòng “biết ơn” khi nhận ra rằng cuộc sống là một món quà quý giá và tất cả những gì đơn sơ nhất luôn mang trong mình các giá trị, dù là một tấc đất, một giọt sương, một ngọn cỏ hay cành hoa, một tia nắng hay ánh trăng, một chút không khí trong lành hay một làn gió mát trong ngày nóng bức, một ngày trôi qua với những giây phút mạnh mẽ, yên bình hay cùng một chút lo lắng, một ai đó đang sống bên cạnh ta… Và như thế, nếu ta biết rằng “tất cả đều là hồng ân”, thì lời tạ ơn sẽ trở nên nhịp đập của tâm hồn và sẽ là lời vang lên mãi trên môi miệng. Lúc đó, lòng biết ơn sẽ giúp con người biết trân trọng và biết sống “hết mình” với những gì mình có , từ những gì nhỏ bé đơn sơ nhất như hạt gạo, ngọn rau đến những điều cao quý, vinh dự, hạnh phúc, may mắn, thành công trong cuộc đời.

Giữa cảnh sống chụp giật và vội vàng, không thiếu những con người biết sống và trao ban cuộc đời mình cho người khác với trách nhiệm; cũng như có không ít những con người biết sống với lòng biết ơn và biết trân trọng những gì mình được lãnh nhận. Lòng biết ơn và lối sống có trách nhiệm quý giá như những hạt ngọc mà người ta vẫn có thể tìm thấy nơi tâm hồn tốt lành, trong cuộc đời còn nhiều toan tính. Có lẽ như thế lời cám ơn sẽ còn tiếp tục ngân vang. Có lẽ sẽ luôn còn đó lời cám ơn chân thành và cảm động, vì thế giới này không chỉ rặt những kẻ vô ơn hay vô trách nhiệm. Hy vọng vậy!
( Lê An Phong, SDB )

07 June, 2012

"Hãy cảm thông và hiểu tôi"...

Lại một chuyện buồn xảy ra, khi ở Giáo xứ nơi tôi đi giúp mục vụ những ngày Chúa Nhật, có một bạn trẻ nam 15 tuổi tự tử.
Mọi người quanh tôi nghe tin, trầm ngâm, buồn rười rượi...

Không ít tiếng thở dại cùng với dòng suy nghĩ miên man và câu hỏi "Vì sao em lại ra đi"...

Chắc là chẳng ai tìm cho ra câu trả lời thỏa đáng "vì sao em ra đi"...

Những người thân cận và bạn bè (với con số rất ít, đếm trên đầu ngón tay) chỉ nhớ lại rằng thời gian gần đây, bạn mình hơi có vẻ trầm ngâm và khép kín. Người ta vẫn cứ nghĩ là đây chỉ là những biểu hiện cảm xúc đang thay đổi bên trong một cậu thiếu niên đang tuổi lớn. Và bình thường như bao nhiêu thiếu niên khác, chuyện buồn vui thoáng qua của tuổi mới lớn có lẽ cũng "bình thường" thôi. Tiếc là chuyện đã xảy ra, và mọi sự kết thúc thật đau lòng.

Những dòng tâm tư sau cùng mà cậu để lại trong lá thư tuyệt mệnh phần nào giúp mọi người xung quanh hiểu thêm một chút. Cậu bắt đầu yêu và có một vài lúc xao nhãng chuyện học hành. Có lẽ việc này cũng như bao nhiêu cô cậu tuổi "teen" trên đời. Chỉ khác là trong trường hợp này, cậu bị cô bạn gái từ chối hay tỏ thái độ lạnh nhạt cách nào đó. Và rồi, tất cả như sụp đổ. Tất cả đóng kín. Tất cả kết thúc trong tuyệt vọng. Cậu viết cho bố mẹ  một lời xin lỗi vì quyết định của mình làm cho họ đau khổ. Nhưng cậu không muốn tiếp tục cuộc sống nơi thế giới mà người ta không hiểu cậu, nơi người ta không đón nhận tâm tình của cậu. Cậu hy vọng sau cái chết sẽ tìm thấy một "nơi nào đó"dễ sống hơn.

Nỗi đau sẽ còn đó cho người ở lại, cho cha mẹ, cho bạn bè và những người thân quen. Và ai cũng nghĩ: Giá như có ai đó hiểu được cậu, gần gũi và chia sẻ một chút kinh nghiệm về cảm xúc đầu đời, nâng đỡ và khuyến khích cậu sau những lần vấp váp đầu tiên, thì có lẽ tình hình sẽ khác đi. Giá như...và...giá như...Một ngàn cái "giá như..." rồi chẳng còn giải quyết được gì nữa vì đã muộn!

Khi một người bạn trẻ không muốn sống nữa, họ có lý do để từ chối cuộc sống. Mà nhiều khi lý do "để chết" chỉ bắt đầu từ những điều cỏn con. Kinh nghiệm cuộc sống cho ta thấy rằng khi con người được bảo bọc che chở quá mức, khả năng chịu đựng và thích nghi của họ giảm đi. Có nhiều bạn trẻ từ khi sinh ra đến tuổi trưởng thành chưa nếm qua một chút khốn khó nào. Nhiều bậc cha mẹ đã làm mọi cách để cho con họ "vừa lòng" với những đòi hỏi cho "bằng chúng bàng bạn" và quên đi rằng con người ta cần được rèn qua một chút gian lao mới mong lớn lên được. Đây cũng là một khía cạnh cần lưu tâm trong lối giáo dục của thời tiêu thụ. Nhiều bạn trẻ "cần là được, ước là có" và xem việc đó như là "điều tự nhiên" mà người khác phải dành cho mình. Bởi vậy, chỉ cần gặp một trục trặc nhỏ nào, họ cũng dễ dàng cảm thấy trời đất sụp đổ, cuộc đời vô nghĩa. Mà có đúng hoàn toàn như vậy không chỉ vì thiếu một chút gì đó ta yêu thích mà đời đáng chán?

Tôi lại muốn chuyển câu hỏi "vì sao em ra đi" sang hướng khác: "Làm sao để em không ra đi". Tôi lại lục lọi trong ký ức của mình.. Hình như đã có một khoảng thời gian nào đó, cách đây mấy chục năm về trước, mình  đã từng có cảm giác rằng hình như ai cũng "ghét" mình, ai cũng bắt mình làm điều này điều nọ mà mình chẳng thích; rồi thì điều này cấm không được làm, điều nọ phải xin phép...Tuổi mới lớn thật dễ "nổi loạn"vì những cảm xúc này. May thay, có anh, chị, em, bạn bè bên cạnh, người này người nọ đã giúp mình hiểu ra rằng: cuộc sống còn có nhiều vẻ đẹp khác nữa và còn đó một tương lai để bước tới. Nếu thực sự chỉ có một mình lúc đó, khi mọi người xung quanh bận rộn với công việc của họ, khi chẳng có một ai quan tâm và lắng nghe, thì cuộc đời này thực sự "khó sống".

Tôi lại phải suy nghĩ "làm sao để em không phải ra đi..." và viết những dòng tản mạn này.

(Lê An Phong, SDB - Torino 7-6-12)


05 June, 2012

CÁC MỐI PHÚC CỦA BẠN TRẺ


Phúc cho bạn là người trẻ, nếu bạn can đảm sống trung thực và làm chứng cho sự thật trong khi biết rằng sự dối trá và thỏa hiệp cho bạn nhiều cơ hội hơn,  Sự Thật sẽ giải thoát bạn.

Phúc cho bạn là người trẻ, nếu bạn biết xây đắp tuổi thanh xuân của mình với thái độ tôn trọng sự sống và quan tâm đến nhân loại đang bước đi trong thế giới hiềm thù và đầy nghi nan, bạn sẽ là Tiên tri của niềm Hy vọng.

Phúc cho bạn là người trẻ, nếu trong một thế giới mà nhiều người chỉ biết đến quyền lợi riêng mình, bạn biết rộng mở cõi lòng với người khác và can đảm trả giá bằng sự hy sinh, bạn sẽ làm biến đổi thế giới này.

Phúc cho bạn là người trẻ, nếu bạn biết thể hiện qua những hành vi cụ thể sự hợp tác và đối thoại giữa các thế hệ, bạn sẽ gặp gỡ mọi người trong sự Khôn ngoan nơi chân trời mới.

Phúc cho bạn là người trẻ, nếu bạn biết xăn tay áo lên và hành động trong những tình huống thương tâm, đâu khổ, thất bại, bạn sẽ trở nên như Mẹ Maria, trong sự hiện diện thầm lặng trao ban tình yêu nhưng không cho người khác.

Phúc cho bạn là người trẻ, nếu bạn không ngại khó khăn để đi tìm các giá trị đích thật cho cuộc sống trong sự chân thành và đầu óc thực tế, bạn sẽ chung tay dựng xây với mọi người một cuộc đời mới.

Phúc cho bạn là người trẻ, giữa một thế giới mất dần định hướng về sự thiện hảo, nếu bạn có can đảm để nói lên rằng Chúa Kitô là điểm tựa chắc chắn cho cuộc đời chúng ta, bạn sẽ là ánh sáng và muối cho trần gian này.

(Lê An Phong, SDB - Sưu tầm và chuyển ngữ từ tài liệu của Emma Colombatti, Educhiamo ai diritti umani con il cuore di Don Bosco, Animazione Missionaria VIS, Roma 2009).

TỪ NHỮNG CHUYỆN ĐỜI VÀ TÌNH YÊU THẬT - GIẢ, LÝ TƯỞNG - THỰC TẾ.



Sau mỗi lần đi giúp mục vụ các giáo xứ trở về, nhất là sau các mùa lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh, lòng tôi lại “ngổn ngang trăm mối”. Có lẽ hơn ai hết, người linh mục trong những dịp như thế, qua những lời tâm sự và những điều vui buồn của người khác, họ có được những cảm nghiệm nội tâm và được “tiếp chạm” tâm hồn con người, nơi mà chỉ có Thiên Chúa biết rõ cách đặc biệt.

Bạn có thể hỏi tôi: “Chuyện của người ta thì có gì ăn nhập với tôi hay chuyện của chúng ta?” Tôi xin trả lời: Có đấy! Đó là tất cả niềm vui, nỗi buồn, sự hạnh phúc, điều khó khăn và ưu tư của cuộc đời làm người, đúng hơn là “thao thức làm người tốt” mà tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng đôi lần trăn trở giữa những thử thách hằng ngày và giữa thế sự đổi thay và đảo điên. Và câu chuyện khó khăn hằng ngày của “người ta” lắm khi trở thành “chuyện của mình” chỉ vì những lời đề nghị chân thành sau cùng, đại loại như: “Tôi không biết phải làm sao đây, xin cho tôi một lời khuyên”; “Xin Cha cầu nguyện cho con”…Nhân vì thế mà tôi chia sẻ với bạn trẻ kinh nghiệm này.

Từ những chuyện đời…

Trong những tâm tình tôi được nghe từ mọi người quanh mình, nhiều hơn hết có lẽ là vấn đề gia đình và hiện trạng “sống tình yêu” của họ. Tôi tạm chia ra làm hai nhóm: nhóm lớn (già và trung niên), nhóm trẻ (lớp thanh niên đã và đang “tuổi yêu”) cùng với những đặc điểm riêng biệt về suy nghĩ và cảm xúc. Người đã có tuổi cũng vẫn còn đó những lúc cãi cọ, cau có, giận hờn vì những chuyện nho nhỏ trong nhà, dù “tổ chim câu” của họ chỉ còn hai người vì con cái đã khôn lớn và đã đi lập nghiệp riêng. Dù sao “giận thì giận mà thương thì thương”, đi đâu cũng có nhau. Số đông người lớn tuổi còn lại trong cảnh “góa bụa” cảm thấy cô đơn thật sự khi mà người bạn đời sau bao nhiêu năm gắn bó và cùng nhau chia sớt ngọt bùi đã từ giả cõi trần, ra đi bỏ lại một phần đơn côi. Rất nhiều người trong số đó nói rằng họ vẫn luôn cảm thấy “hình bóng người bạn đời” bên cạnh mình “rất gần” và “rất thực”. Và dù rằng chuyện buồn đã xảy nhiều tháng năm, người ta vẫn tưởng như là hôm qua... Họ nghĩ rằng hình như mình được sinh ra trên cõi đời này là “để cho nhau” và tình yêu như là sự kết hợp hai “số phận” với nhau mãi mãi. Họ chờ ngày sum họp trên trời.

Trong lớp trung niên và nhiều người sau vài năm chung sống, có nhiều trường hợp vì nhiều lý do khác nhau đã phải chia tay bạn đời, một thân một mình lo gia đình, công việc, con cái. Không thiếu cảnh thương tâm và “đáng giận” nữa như kiểu “bỏ của chạy lấy người”: khi biết bạn đời bị bệnh nan y, đã âm thầm cắt đứt tình yêu, bỏ nhà cửa, để lại con cái mà ra đi biền biệt; hay tệ hại hơn là “sống vui vẻ” với một người khác trẻ trung hơn ngay trước mặt “bạn đã cùng thề nguyền sống chết trăm năm” của mình. Chuyện đã xảy ra rất lâu, mà với họ, nỗi đau vẫn mới như hôm qua và vẫn luôn còn đó. Tệ hại hơn nữa khi người ta tiếp tục “làm khổ” nhau bằng nhiều trò “độc chiêu”, khi lấy con cái ra để vòi tiền bạc, để tranh chấp tài sản và để… trả thù nhau.

Nhóm trẻ thì sao? Chuyện tình yêu là đề tài muôn thuở, ai mà chẳng biết vậy! Đa phần người trẻ vẫn “yêu dễ dàng” và thích những cuộc tình lãng mạn. Nhưng ngày nay, không ít trong số họ cảm thấy “yêu thật khó”, vì chứng kiến thực tế đầy vướng mắc của tình yêu thương trong gia đình và những đổ vỡ xung quanh mình. Họ buộc lòng phải đi tìm, phải lựa chọn và phải cân nhắc đủ điều khi yêu. Ngay cả những bạn đã từng “sống chung”, “sống thử” cũng gặp phải vấn nạn, vì sau thời gian chung sống xem ra có vẻ ổn định, đến lúc cảm thấy cần phải đề nghị “lập một tổ ấm thực sự bằng một khế ước hôn nhân” thì người kia trả lời gọn gàng: “Không!”. Mọi sự lại cứ luẩn quẩn theo vòng thử thách hồi hộp, và chẳng biết lúc nào sẽ chia tay.

Ngoài ra không thiếu trường hợp bạn trẻ gặp “khó khăn tình yêu” từ phía gia đình, từ sự khác biệt niềm tin, từ phong cách đến quan niệm sống cùng trình độ học vấn và nghề nghiệp. Có người phải lo công việc và sự nghiệp đến độ “không còn thời gian để yêu”, hoặc đến lúc thành công thì đã qua “tuổi yêu đương lãng mạn” rồi! Họ bảo rằng sau một ngày làm việc mệt nhọc và căng thẳng, chỉ cần một “chầu nhậu” với bạn bè, một chút âm nhạc, một máy vi tính nối mạng internet để xem ít phim hay đọc ít tin tức là đủ. Và cứ thế ta sống “riêng một góc trời”, ta cần yêu đương làm chi cho phiền toái và dễ mang của nợ…Xem ra đây cũng là mode sống thời hiện đại; một sự chọn lựa “hợp thời” của những người thích “khoảng trời bình yên” cho riêng mình trước thực tế phủ phàng và phức tạp; một cuộc sống an nhàn, tiện nghi với công việc ổn định và ít lo toan lặt vặt, nhưng chưa ai dám nói là luôn tươi vui và sẽ hạnh phúc.

Những tâm tư cùng bạn…

Đành rằng bạn và tôi đều có quyền lựa chọn mọi sự cho mình, nhưng cuộc sống phong phú và chính con người - nơi chất chứa đam mê cùng nhiều mơ ước - không dậm chân một chổ như thế. Người ta vẫn phải cứ tiến lên dù biết khó khăn còn nhiều ở phía trước mặt. Người ta vẫn cứ yêu thương dù biết mặt trái của nó là sự phản bội và biết rằng luôn ẩn nấp đâu đó trong lòng người sự bạc bẽo, đổi thay và dối lừa. Mà làm người là để sống với con người. “Khốn cùng thay con người cô đơn”, như lời sách Giảng viên. Làm người là bước đi cùng người khác. Chúng ta cũng luôn luôn cần người khác vì họ giúp ta hiểu chính mình hơn. Khi có một ai bên cạnh nâng đỡ và làm điểm tựa cho ta, cuộc sống sẽ có phần dễ dàng hơn và những ước mơ sẽ dễ thực hiện hơn. Còn hơn thế, người ta vẫn phải sống, phải yêu thương nhau, phải biết buồn, biết vui, phải chịu đựng và biết hy sinh cho nhau vì tin và hy vọng rằng đằng sau mọi sự trên đời còn có điều gì đó tồn tại vĩnh cửu – Đó là Tình yêu cùng những giá trị tuyệt vời khác nữa. (Nhạc sỹ Từ Công Phụng đã viết trong lời bài hát “Mãi mãi bên em”, bạn có thể tìm nghe).

Có thể bạn còn trẻ và có thể bạn sẽ chẳng suy nghĩ như tôi hay những ai mà tôi đã gặp. Dù sao rồi cũng sẽ đến lúc bạn phải tìm giải pháp cho mình hoặc cho cả người khác, khi bạn phải đối diện với chính mình và với cuộc sống, giữa ranh giới của sự chân thật và giả dối, giữa điều lý tưởng và thực tế. Và với tình yêu - phần thiết yếu của con người và luôn mang bộ mặt đa dạng của cuộc sống - chắc rằng bạn phải phân định và chọn lựa.

Chắc là bạn sẽ đồng ý rằng: có tình yêu thật và có tình yêu giả dối. Thông thường, thứ tình yêu vội vàng, hay chỉ chạy theo dáng vẻ bên ngoài rất chóng qua và dễ trở thành trò “lừa dối nhau”. Người ta cần thời gian để biết và hiểu nhau, như quan niệm của nhiều người. Tuy nhiên, từ những “khúc mắc” về tình duyên của nhiều người, ta có thể thấy một điều đáng nói khác: sự chân thành nơi tâm hồn lại là yếu tố căn bản hơn cả thời gian. Thật thế, từ những kẻ xa lạ, “một ai đó” bỗng trở thành thân quen chỉ qua ánh mắt hoặc nụ cười thân thiện, chỉ sau vài lời chào hỏi đơn sơ hay dăm ba câu chuyện “trải lòng mình”. Trong một thoáng thời gian, người ta hiểu ngay rằng: có một sự đồng điệu, như là “thiên duyên tiền định”, có thể từ một phút thành trăm năm. Có nhiều trường hợp người ta lại trở thành xa lạ hay “người dưng nước lã” dù đã qua thời gian thề non hẹn biển, dù đã nhiều lần “đến bên nhau”, “đến với nhau” và “đến trong nhau” (nói theo lời nhạc  của Đức Huy – bài hát “Như đã dấu yêu”). Đúng là qua dòng thời gian, mọi sự có thể thay đổi (ngay cả lòng dạ con người) và sự thật (hay sự dối trá) đều có thể bị phơi bày; mà qua thời gian, ta cũng có thể hiểu thêm được nhiều điều quý giá đang ẩn sâu nơi tâm hồn người khác nếu ta thực sự biết khám phá. Như thế tình yêu thật cần một chút thời gian (không thể yêu “vội vàng”) và phải được xây dựng từ hai tâm hồn chân thành: “biết mình, biết người”, biết tìm sự hòa điệu trong nét khác biệt. Bạn đừng đòi hỏi có được một tình yêu thật nếu bạn dối lòng mình và lừa dối người khác từ lúc khởi đầu một tình yêu. Bạn cũng đừng mơ có sự hòa điệu nếu không dành thời gian cần thiết để quan tâm và để hiểu người khác, hoặc luôn muốn người khác phải “như mình”, “vì mình”, “cho mình”.

Chắc là bạn cũng đồng ý rằng có thứ tình yêu lý tưởngtình yêu thực tế. Sự cao đẹp của tình yêu làm say mê lòng người và đã làm tốn bao nhiêu bút mực; và người ta không thể lột tả hết cảm xúc. Tuy vậy, vẻ đẹp của tình yêu không hoàn toàn đúng theo kiểu nói: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”( Hồ Dzếnh). Hai khái niệm “tình đẹp” và “đời vui” có lẽ được hiểu theo nhiều kiểu, đúng hơn là những cảm nghiệm rất riêng và có thể gây tranh cãi. Điểm chung là ta chẳng thấy ai thích “tình dang dỡ” và “đời chia xa”. Người ta vẫn hay than trách số phận vì  sự không may đó sao?

Có người quan niệm rằng tình yêu đẹp và đời hạnh phúc thật đơn giản: Một túp lều tranh + Hai trai tim vàng. Đúng là cuộc sống vẫn luôn tồn tại những cái đơn giản mà lại có khả năng làm nên lịch sử lớn. Hạnh phúc có thể là những điều đơn giản hơn bạn nghĩ. Tình yêu mong manh và dễ vỡ nhưng có lúc lại rất mạnh và vẫn giữ được sắc màu giữa những giông bão và trò ái ố của cuộc đời. Thực sự, nếu trong túp lều tranh có “hai trái tim vàng đúng nghĩa” và cả hai gặp nhau trong sự hòa điệu, cùng nhau định hướng cho một cuộc sống mới, một tương lai, thì tình yêu của họ sẽ mạnh hơn cả sự nghèo khổ và “mãnh liệt hơn cả sự chết”. Còn tình yêu của hai kẻ thích phiêu lưu và lãng mạn, của hai trái tim chỉ muốn cùng nhau tận hưởng một chút tự do và vui thú dưới một mái nhà mà chẳng cần biết “sẽ ra sao ngày mai” thì có thể là một “tai họa”, bởi vì “yêu không phải là ngồi nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng” (Saint Exupery). Hai kẻ thích tự do, say mê ngẫu hứng và không ưa “chuyện ràng buộc” thì khó mà đi cùng nhau hết một đoạn đường, nói gì đến chuyện “cùng nhau nhìn về một hướng”. Tình yêu có hương vị ngọt ngào của nó mà cũng có vị đắng cay. Bởi vậy, bạn cũng chẳng cần phải “phát điên lên” vì phải “nếm mùi” thật của nó. Đừng để cho con tim của bạn trở nên chai đá vì chuyện “thật”, “đời thường”. Hãy để cho con tim của bạn rung động theo nhiều cung bậc với vẻ đẹp và cảm xúc phong phú của cuộc sống. Nhưng bạn cũng hãy nhớ để cho trí óc mình “làm việc” khi yêu để biết rằng “có ngày nắng có ngày mưa”, có lúc buồn có lúc vui, có phút thoáng qua có đời lâu dài...

Trong tất cả những yếu tố quan trọng của tình yêu như thời gian, sự chân thành, hòa điệu, quan tâm tìm hiểu, biết người biết ta,… cần phải nói tới trách nhiệm. Đó là sự đón nhận và trao ban tình yêu trong ý thức rằng nó không là một trò đùa, một lời hứa suông, một hệ quả của bản năng, một chút ham thích thoáng qua. Nhận lấy trách nhiệm cho một tình yêu là bước chuyển từ việc “ham thích” đến chọn lựa và làm những quyết định “cần và đủ” cho sự dấn thân và trao ban lâu dài. Mối nguy hiểm cho tình yêu là trong chọn lựa hay có nhiều tính toán. Nhiều người vẫn nghĩ: sòng phẳng với nhau thì “dễ sống” và tự do hơn để đến với nhau và để yêu nhau. Tình yêu thật sự tuy vậy không nằm trong “sự toan tính hơn thua” hay những tương giao “do ut des” – cho để nhận lại. Sự tính toán như thế luôn sớm giết chết tình yêu hơn là người ta nghĩ.

Chúng ta cũng cần suy tư thêm một điều này nữa: tinh thần trách nhiệm luôn khoác cho tình yêu tấm áo bảo vệ chắc chắn và giữ gìn hạnh phúc. Người ta sẽ nghĩ đến nhau, sống vì nhau và cùng nhau dành tâm lực cho những gì mà cả hai cùng hoạch định. Tuy nhiên trách nhiệm mà thiếu tình yêu sẽ phá đổ hạnh phúc thật. Vì quá lo toan và mệt mỏi vì trách nhiệm, người ta có thể trở nên cục cằn, khô cứng, dễ “bức xúc” và có thể cảm thấy người khác như là “gánh nặng” của cuộc đời mình. Sự chia sẻ vui buồn và những vấn nạn trong cuộc sống, hay ta gọi đó là đồng trách nhiệm, là cách thức quan trọng và hữu hiệu để sống và nuôi dưỡng tình yêu cùng hạnh phúc chân thật.

Còn đó nhiều chuyện khác nữa của tình yêu. Còn đó một cuộc hành trình mà bạn phải đi tiếp để khám phá rằng: tình yêu có chiều kích nhiệm mầu và linh thánh. Con đường trọn hảo của tình yêu và cho tình yêu có thể vượt qua những gì tôi và bạn đang suy nghĩ, nằm ngoài những chuyện thân xác và chuyện lo toan cuộc sống. Đó là một “kế hoạch sống” cho hai con người mà Thiên Chúa muốn họ hiện thực hóa cùng nhau và với Ngài. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II khi nói về tình yêu và trao ban tình yêu giữa ngươi nam và nữ, đã diễn tả theo khóe nhìn thần học: Tình yêu là một sự hiệp thông trọn vẹn (thể xác và tâm hồn) của hai người (nam và nữ) theo những gì Thiên Chúa đặt để trong họ (sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu). Và giữa bao nhiêu lo toan về đường đời cùng chuyện nợ nần tình duyên, cảm nghiệm về “điều nhiệm mầu và linh thánh của tình yêu” sẽ giúp ta can đảm hơn để yêu và biết trân trọng hơn giá trị của tình yêu. (Lê An Phong, SDB – Torino, 06/2012).

21 May, 2012

Tản mạn ngày Kỷ niệm thụ phong linh mục


Lại một ngày lễ kỷ niệm đến với tôi - ngày 20 tháng Năm - ngày thụ phong linh mục...
Tiếc rằng ngày lễ nào rồi cũng  qua, và mỗi chúng ta phải trở lại với đời thường. Và đời thường của linh mục đây cũng sẽ như bao nhiêu người khác, nhưng không thể như mọi người được, vì như lời Don Bosco, nơi sân chơi, trường học, nhà nguyện và bất cứ nơi đâu, tôi là và phải luôn là linh mục của Chúa Kitô, một mục tử theo gương Don Bosco. Điều này trở thành một đòi hỏi của việc sống căn tính người mục tử nhân lành và cũng là một thách đố, một “đau khổ” như lời mẹ Magarita nói với Don Bosco: “Con hãy nhớ rằng, ngày con bắt đầu dâng thánh lễ, là con bắt đầu chịu đau khổ”.

Sáu năm trôi qua...
Mỗi một chọn lựa đều ngầm chứa một đòi buộc hay một “giá phải trả” bằng những hy sinh và nỗ lực không ngừng. Cách cụ thể, với một linh mục, tôi đã phải sống trong tư cách "mục tử" với "đàn chiên" được giao phó bằng kinh nghiệm mà có lẽ chưa bao giờ mình trải nghiệm trong đời; kinh nghiệm đó đôi khi còn là những vấp váp, những sai phạm, những yếu hèn ngay chính bản thân mình. Linh mục phải nói lời Chúa trong khi ngôn ngữ và kiến thức của mình không đủ đễ diễn đạt; phải nói những điều về Chúa giữa những người không muốn nghe về Chúa và nói về Đức Tin với những người không hay chưa muốn tin. Linh  mục phải giữ những cam kết và kỷ luật đời thánh  hiến giữa một thế giới luôn đề cao tự do cá nhân quá đáng và muốn loại bỏ những gì là luân thường đạo lý ra ngoài lề. Linh mục  phải lắng nghe những kêu than và trách cứ của nhiều người mà không thể chối từ hay làm ngơ, và phải bày tỏ sự quan tâm ân cần cảm thông trong khi lòng mình nặng trĩu nhiều ưu tư và chưa thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Linh mục không được quyền sống giả dối dù phải chấp nhận thua thiệt giữa cuộc đời nhiều giả dối. Linh mục phải làm những công việc linh thánh trong khi cảm nghiệm rằng chính mình không luôn luôn xứng đáng để thực hiện những việc ấy. Và còn nhiều điều thử thách hơn thế nữa khi phải chạm đến đau khổ của bản thân và gia đình mình, của những thử thách về niềm tin và những gì liên quan đến tình yêu, danh dự, thành công, thất bại, cô đơn, bị hiểu lầm, bị lừa dối, bị cô lập và bị loại trừ …

Xem ra đời linh mục như thế cam go và ảm đạm quá? Thưa không! Hạnh phúc mà người linh mục cảm nghiệm được thật khó mà so sánh và giải bày. Hãy thử nghĩ xem: hằng ngày, tôi được cử hành thánh lễ, và chính trong đôi tay cùng lời truyền phép khiêm hèn của mình, bánh và rượu trở nên Máu thịt Chúa Giê-su. Khi rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí tích khác, người linh mục cảm thấy sức mạnh của chính Thiên Chúa trao ban cho mình, một khí cụ tầm thường nhưng được Chúa sử dụng để làm nhiều việc vĩ đại. Khi sống giữa mọi người, người linh mục  cảm thấy sự hiện diện của mình, dù còn nhiều điều khiếm khuyết và giới hạn, vẫn luôn mang lại niềm vui, sự bình an, tình hiệp thông và có giá trị trong việc xây dựng những tương quan bác ái, có sức mạnh làm biến đổi tâm hồn nhiều người. Tắt một lời, người linh mục được cảm nếm những gì vượt quá sức của mình: đó là mầu nhiệm và đặc ân từ chính Thiên Chúa, được kêu mời và được chọn lựa từ giữa muôn người cùng với sự biến đổi trong tâm hồn như là một Alter Christus –một Chúa Ki tô khác cho anh em mình! Bởi vì đó mà ta vẫn hay nghe: Cao quý thay chức linh mục.

Vâng, cao quý thay ơn gọi làm người mục tử. Sự cao quý đó bắt nguồn từ tình yêu Chúa, từ khuôn mẫu là chính Chúa Giêsu, từ sự hiệp thông trong lòng Mẹ Giáo hội cùng với các cử hành phụng vụ và bí tích. Đậy cùng chính là các giá trị mà linh mục phải chọn và sống. Thật vậy, linh mục là người được yêu, được chọn để làm chứng nhân tình yêu và trao ban tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Bởi thế với người linh mục nếu cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa không đủ mạnh thì họ sẽ chẳng bao giờ bước tiếp dù một nữa bước với Chúa. Rời xa tình yêu Thiên Chúa là đời khô héo và tàn lụi…

Với người linh mục, Chúa Kitô người mục tử nhân lành là khuôn mẫu duy nhất để noi theo. Nếu Đức Kitô không là hình ảnh duy nhất và sáng chói trên mọi thứ ánh vàng lấp lánh của thế gian, thì người linh mục sẽ chẳng thể nào dấn thân thực sự: Họ chẳng tìm thấy ý nghĩa nào của sự hy sinh, của lòng thương xót, của việc quan tâm đến người khác, của niềm tín thác vào thánh ý Chúa, và hơn tất cả, của việc sống tinh thần nhập thể của Ngài - sống cùng, chovới mọi người, trao ban chính cuộc sống mình như chính Đức Kitô đã làm. Bỏ thầy Giêsu, linh mục sẽ trở thành thợ săn và kẻ giết thịt đàn chiên.

Linh mục được chọn để tiếp tục công trình cứu độ của Thiên Chúa trong Giáo hội. Nếu Mẹ Giáo hội và đời sống cộng đoàn không là mối hiệp thông và trở thành tương quan nền tảng của người linh mục, thì muôn đời họ là là người cô đơn và tội nghiệp nhất giữa thế giới; và như vậy, thay vì rao giảng về tình huynh đệ và sự hiệp thông cho thế giới, nơi luôn cần sự hiệp thông, họ trở thành phản chứng tá giữa thế giới bằng sự tách biệt và kiểu sống có vẻ lập dị của chính mình.

Đặc biệt, với linh mục theo gương Don Bosco – linh mục salesien, "yêu thương và sống cho giới trẻ nghèo và gặp khó khăn" là định hướng mục vụ và con đường thánh thiện của mình. Nếu lòng yêu thương và quan tâm đến người trẻ không là ngọn lửa hun đúc nhiệt thành tông đồ, thì sớm hay muộn họ sẽ là những kẻ thờ ơ với những vấn nạn của giới trẻ và chỉ tìm vui nơi những công việc khác ngược với lời cam kết là sống cùng Don Boscocho giới trẻ.

Linh mục người là ai? Câu trả lời đang là sự thật sống động trước mắt tôi, khi cử hành hiến lễ tạ ơn hôm nay và mỗi ngày, khi cảm nghiệm rằng sự hiện của mình là dấu ấn của tình yêu mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội, cho Tu hội, cho thế giới và cho giới trẻ. Xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của mẹ Maria, Don Bosco cùng các thánh, ban cho con mọi ơn lành, để từ giờ phút này trở đi khi con thầm hát “Từ đó vâng từ đó Chúa đã gọi con”, con luôn  biết rằng  lúc “ấn tín trao tay là lời hứa sắt son” và là lúc một cuộc sống mới khởi sự từ lời xin vâng và kết thúc bởi việc chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày.  Amen
Torino 20/05/2012 Le An Phong,SDB

27 April, 2012

Nhìn lại và đổi mới chính mình


Lời Chúa:
“Nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy hoán cải và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 14-15)
Những từ ngữ cần để ý:
Nước Thiên Chúa: nơi Thiên Chúa ngự trị, bằng tình yêu, sự công chính, thái bình muôn thuở, nước ấy không thuộc về thế gian này. Nước Thiên Chúa vượt ra khỏi mọi giới hạn không gian thời gian …
Hoán cải:Hối cải, trở lại,  từ tiếng hy lạp metanoia
(Hy lạp = metanoi = thay đổi tâm trạng) = sự thay đổi não trạng, ý thức, tâm trạng: cuộc trở về bên trong, với sự xưng thú các tội bên ngoài, sự cải thiện, cải tà qui chính (x. Gr 8,4tt; 31, 18t; Ed 2,18)
Ý nghĩa thực của sự hoán cải theo tinh thần ki tô giáo còn phải được gắn kết với ĐỨC TIN. Tin vào Tin mừng (thông điệp cứu độ qua Đức Ki tô) để tìm thấy con đường hoán cải, cách thức để biến đổi tâm hồn. Tin mừng của Đức Ki tô trở nên điểm qui chiếu cho việc hoán cải của chúng ta. Trước khi Chúa Giê su bắt đầu loan báo Tin mừng, các tiên tri, tính cho đến vị cuối cùng là Gioan Tẩy giả, cũng đã lên tiếng kêu gọi dân chúng hoán cải rồi. Điểm khác biệt là lời kêu gọi hoán cải của Chúa Giê su nhấn mạnh hơn vào hồng ân của ơn Tha thứ từ phía Thiên Chúa – người cha giàu lòng xót thương hơn là một thượng đế uy quyền và khắc nghiệt, dùng quyền năng để trừng phạt. Việc hoán cải theo giao ước mới không phải chỉ là hình thức, mà còn là chiều sâu bên trong con người: thay đổi cõi lòng, thay đổi trái tim bằng đá bằng trái tim biết yêu thương, tha thứ, cảm thông và thật lòng thống hối.
Gợi ý suy tư
1.    Lời kêu gọi hoán cải.
Lời Chúa Giê su trong Tin mừng Marco hướng về đám đông dân chúng hiếu kỳ. Họ đã chờ đợi Ngài từ lâu và sự xuất hiện của vị Cứu tinh đã được các tiên tri loan báo. Thông điệp đầu tiên của Ngài, sau khi được Gioan Tẩy giả giới thiệu với mọi người cùng phép rửa trong dòng nước sông Giodan, là lời kêu gọi hoán cải. Với chúng ta lúc này, đó cũng là một lời mời gọi, một tiếng thức tỉnh cho sự đổi mới chính cuộc sống mỗi người. Hãy hoán cải! Lời kêu gọi cho mọi người, mọi thời.
Người ta chẳng bao giờ lưu tâm đến một điều gì đó, nếu không nhận được một lời thông báo, một lời mời gọi, một chỉ dẫn cần thiết. Cuộc sống thường ngày với trăm ngàn chuyện để lo lắng và bận tâm. Nhiều người thậm chí không tìm ra thời giờ nghỉ ngơi, lấy đâu ra đây thời gian hay cơ hội mà nhìn lại mình! Với nhịp độ sống và làm việc tốc độ như hiện tại, con người cảm thấy khó khăn hơn nữa khi thấy mình bị trói buộc vào gánh năng của hiện tại và quá khứ có thể làm cho cuộc sống nặng nề hơn. Biết làm sao bây giờ?  Mà tại sao lại phải cứ nhìn lại? Tại sao không nhìn lên phía trước đi, và cứ thế mà thẳng tiến! Đây là cơn cám dỗ của sự phát triển, của bước tiến bộ mà con người mọi thời hay gặp phải. Chỉ đến khi ta đụng đầu với những khủng hoảng nhiều mặt của thực tế càng lúc càng khó khăn, lúc đó mối thấy phát triển cũng cần có chừng có mực và cần những giới hạn nhất định.
Thử hỏi ai trong chúng ta có can đảm để nói rằng cuộc đời tôi luôn luôn là bước tiến lên? Thử hỏi người biết nhìn lại quá khứ có phải là kẻ lạc hậu không? Rồi người ta sẽ về đâu nếu cứ đi tới mà không có định hướng? Một khoảnh khắc dừng lại để ta biết mình đang ở đâu,đang sống trong tình trạng nào …chắc chắn là cần  thiết và có nhiều ích lơi tinh thần, nhất là cho việc lên một chương trình sống mới cho tương lai sắp tơi. Và như vậy hoán cải không phải là quay đầu về lại với quá khứ mà là làm một cuộc kiểm tra quá khứ bằng việc dừng lại một bước trong hiện tại rồi sau đó tiến hai, ba bước về tương lai.
2. Hoán cải bằng cách nào?
Một chuyện mà người ki tô hữu vẫn thường làm là đi xưng tội, là ăn chay hãm mình, là làm việc bác ái, là thay đổi cách sống, lối suy nghĩ và hành động. Mùa Chay là một cơ hội lớn để thay đổi cuộc sống bằng nhiều cách. Giáo Hội dạy chúng ta các phương thức kể trên để thay đổi cuộc sống và hoán cải theo Tinh thần Tin mừng.
Tuy nhiên một cách chân thành mà nói với nhau, ai trong chúng ta cũng cảm thấy sau một mùa hoán cải, hình như “mọi sự lại đâu vào đấy”, một quỷ ra đi sau đó lại trở về kéo theo bảy quỷ khác nữa như câu chuyện trong Tin mừng! Bỏ được một tật xấu này lại sinh ra một tật xấu khác. Chúng ta không những phải hoán cải, mà còn cần phải hoán cải liên tục.
Có những người buộc phải thay đổi cuộc sống chỉ vì không thể tiếp tục sống như trước được. Người ta phải bỏ đi du lịch hàng năm ở nước ngoài vì không dư dật tiền bạc nữa trong thời khó khăn kinh tế. Người ta không thể ăn các sơn hào hải vị chỉ vì đã đến tuổi ăn kiêng. Hoán cải chắc chắn phải cần một sự thay đổi và đổi mới trong tâm hồn, bằng không chỉ là chuyện hình thức mà thôi.
Trong năm mà Giáo Hội dành để sống và suy tư về Đức tin, chúng ta được nghe lại âm vang của lời Chúa: “Tin vào Tin mừng”. Đây là điểm mà chúng ta có thể sống trong sự đổi mới liên tục và nhận được sự nâng đỡ không giới hạn từ phía Thiên Chúa qua lời của Ngài.

Gơi ý xét mình và tìm phương hướng hành động
- Với tôi Nước Thiên Chúa có giá trị gì không?
- Tôi có dành một chút thời gian cần thiết để nhìn lại bản thân mình, những gì mình đã và đang làm?
- Tôi có cảm thấy nhu cầu thay đổi kiểu cách sống của mình không theo lời mời gọi của TIN MỪNG?