“Tôn giáo không là một thí nghiệm mà là một
kinh nghiệm sống nhờ đó con người tham dự vào một cuộc thám hiểm mang tầm vũ
trụ” (Raimon Panikkar).
Xin giới hiệu với bạn Raimon
Panikkar (1918-2010), một nhà thần học Tây ban nha gốc Ấn
độ với ý tưởng của
ông về những gì không là Thiên Chúa, chính
xác hơn, những gì Thiên Chúa “không
phải là” theo những suy nghĩ áp đặt của con người.
Đây là những ý tưởng riêng của Raimon Panikkar mà chúng ta có thể tham khảo để
suy tư thêm trong đối thoại liên tôn.
Mục đích của chín
điểm sau đây là để giúp giải quyết một cuộc xung đột nơi nhiều người đương thời
của chúng ta. Thực tế cho thấy có rất nhiều người không thể giải quyết vấn đề
sau đây: có thể tin vào một hình họa về Thiên Chúa như một phóng chiếu của
những ham muốn chưa được thực hiện của con người hay không tin hoàn toàn vào
bất cứ điều gì, ngay cả chính bản thân không?
Ít nhất là từ thời
của triết gia Parmenides trở đi, hầu hết các nền văn hóa phương Tây đều tập
trung trên kinh nghiệm giới hạn về Hữu thể và về sự Viên mãn. Một phần lớn của văn
hoá phương Đông, ít nhất là từ Upanishads,
tập trung vào ý thức của Hư vô và Trống rỗng. Trào lưu tư tưởng đầu tiên (tây
phương) bị thu hút bởi thế giới của sự vật, bởi chúng hé lộ sự siêu việt của Thực
tại (Reality); trong khi trào lưu thứ hai (đông phương) bị thu hút bởi thế giới
của chủ thể hiểu biết vì cho thấy cảm nhận sự vô thường của Thực tại. Cả hai đều
có liên quan với những gì gọi là “tối hậu”, và đó cũng là những gì mà nhiều suy
tư truyền thống đã gán tên cho Thiên Chúa.
Chín suy tư ngắn
mà tôi muốn nhắc tới ở đây không nói gì về chính Thiên Chúa. Tôi hy vọng chín suy tư này chỉ là những hướng dẫn trong những bối cảnh mà những
tranh luận về Thiên Chúa có thể được thực hiện cách thích hợp và có hiệu quả, để cho cuộc sống của chúng ta tròn
đầy và tự do hơn. Tôi không bàn đến như một kiểu biện hộ, nhưng có lẽ là cái
nhìn theo chiều kích sâu sắc nhất: chúng ta không thể nói về Thiên Chúa như
chúng ta vẫn thường nói về những thứ khác trên đời này.
Điều quan trọng
là xem xét một thực tế, rằng phần lớn các suy tư truyền thống của con người nói
về Thiên Chúa qua cách xưng hô. Danh Thiên Chúa là một
lời xưng tụng. Tôi nỗ lực để xây dựng chín điểm và nghĩ rằng sẽ được chấp nhận
như là cơ sở cho một cuộc đối thoại mà người ta không thể áp đặt, trừ khi chúng
ta chấp nhận việc giảm trừ người khác không gì hơn một robot hoàn toàn được lập
trình. Tại mỗi điểm, tôi sẽ giải thích vài lời và kết thúc với lời dẫn Tin mừng như là
một ví dụ.
1. Người ta không thể nói về Thiên Chúa nếu trước
tiên chưa đạt được sự im lặng nội tâm.
Cũng như bạn cần
phải sử dụng một máy đo Geiger và học biết ma trận toán học để nói về các điện
tử và những hiểu biết về chúng, chúng ta cũng cần một độ tinh khiết của trái
tim để có thể lắng nghe Thực tại mà không
bị bất cứ sự giao thoa hay việc tự tham chiếu nào can thiệp. Nếu không có sự thinh
lặng tâm linh, ta không thể có bất kỳ sự triển khai một suy tư hay lý luận nào
về Thiên Chúa, vì Ngài không thể bị giản lược ở vòng ngoại suy tâm linh.
Độ tinh khiết của
cõi lòng tương đương với những gì truyền thống khác gọi là sự “Trống không”, là
biết giữ mình mở ra với Thực tại, không có mối quan tâm thực dụng hay kỳ vọng
về một mặt nào cũng không dành chổ cho tham sân si hay thành kiến về việc gì khác.
Nếu không có điều kiện như vậy, chúng ta chỉ phóng chiếu những quan tâm lo lắng
(tốt hay xấu) của chính mình. Nếu chúng ta cứ truy tìm Thiên Chúa và sử dụng Ngài
cho mục đích thần thiêng hay cho một điều nào khác, thì chúng ta sẽ làm đảo lộn
trật tự của Thực tại.
“Còn anh em khi cầu nguyện, hãy vào phòng
riêng , đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh em trong bí mật” (Mt 6,
6).
2. Phải nói về Thiên Chúa bằng ngôn
ngữ biệt loại (sui generis).
Luận bàn về Thiên
Chúa là việc hoàn toàn khác với bất kỳ bài thuyết giảng nào về sự vật, bởi vì
Thiên Chúa không phải là một sự vật. Biến Thiên Chúa thành một điều gì hay một
sự vật là làm cho ngài thành một ngẫu tượng, ngay cả khi cho ngài là một thần
tượng của tâm trí.
Nếu Thiên Chúa chỉ
đơn giản là một sự vật, ẩn tàng hoặc siêu phàm, một sự phóng chiếu từ suy nghĩ
của chúng ta, thì sẽ không cần thiết đặt cho ngài một tên gọi như thế. Chính
xác hơn chăng khi nói về Ngài như một siêu nhân, một siêu nguyên nhân, một siêu
năng lượng hay siêu ý tưởng, không cần phải gọi ngài là Chúa. Không cần thiết
để tưởng tượng một kiến trúc sư rất thông minh hoặc kỹ sư cực kỳ giỏi giang để
phải nại đến danh xưng “Thiên Chúa”; có lẽ sẽ là đủ để đề cập đến một “siêu vô
danh” nào đó là kẻ đứng đằng sau mọi sự mà chúng ta không thể nhận biết hoàn
toàn. Đó là Thiên Chúa của những khoảng trống, những thiếu vắng quan trọng
trong nhiều tiến trình hoặc mắt xích của chuỗi tiến hóa đã được phát hiện trong
vòng ba thế kỷ vừa qua.
“Chớ kêu tên của Thiên Chúa - Chúa của ngươi -
cách vô cớ” (Xh 20, 7).
3. Nói về Thiên Chúa là nói đến toàn bộ hiện hữu
của con người chúng ta.
Đó không chỉ là
vấn đề của cảm giác, lý luận, của cơ thể học, của triết lý trường lớp hoặc thần
học. Bài luận văn bàn về Thiên Chúa không phải là đặc sản của bất kỳ tầng lớp
ưu tú nào. Kinh nghiệm của con người trong mọi thời đại luôn luôn là sự cố gắng
để thể hiện “cái gì đó” của một trật tự khác, đồng thời đó cũng là cơ sở và là
cùng đích của tất cả những gì chúng ta có, mà không loại trừ bất cứ điều gì.
Thiên Chúa, nếu Ngài “tồn tại”, sẽ không ở bên phải hay trái,
không ở trên hoặc dưới, trong hàm ý của những từ ngữ này. Ý tưởng muốn đặt để Thiên Chúa bên cạnh chúng ta chỉ đơn giản là một
sự phạm thượng.
“Thiên Chúa không thiên vị bất cứ ai”,
Thánh Gioan đã nói vậy.
4 . Nói về Thiên Chúa không phải là bài phát biểu riêng
của bất kỳ giáo hội, tôn giáo, hoặc khoa học nào.
Thiên Chúa không
phải là độc quyền của bất kỳ truyền thống suy tư nào của con người, từ kẻ tự
xưng là vô thần hay kể cả những người tự gọi mình là người hữu thần hoặc tự coi
mình là có tôn giáo. Mỗi một phát biểu có xu hướng “bỏ tù Thiên Chúa” và bất cứ
điều gì về Ngài trong bất kỳ học thuyết nào chỉ đơn giản là của đầu óc bè phái.
Có lẽ là hoàn
toàn hợp lệ khi phải xác định hay phải giới hạn một sự gì
đó trong lĩnh vực ngữ nghĩa, nhưng đó sẽ là sai lầm khi giới hạn trong phạm vi
của ý tưởng con người rằng có một Thiên Chúa của một nhóm người
nhất định nhằm thực hiện mục đích là dùng Thiên Chúa để bảo
vệ một quan niệm bè phái.
Nếu có “một cái
gì đó” tương ứng với tên gọi “Thiên Chúa” thì chúng ta không thể giới hạn Ngài bằng bất kỳ thứ “phân biệt chủng tộc” nào.
Thiên Chúa là tất cả, trong Ngài tất cả được hiện
hữu, Kinh Thánh Cựu ước đã
nói và được Tân Ước lặp lại điều này.
5 . Nói về Thiên Chúa là lời phát ngôn bằng niềm
tin.
Chúng ta không
thể nói mà không có ngôn ngữ; cũng như không có loại ngôn ngữ mà không chuyển
tải những điều xác tín. Tuy vậy, chúng ta không bao giờ được nhầm lẫn giữa
Thiên Chúa thật với Đấng mà chúng ta nói đến qua ngôn ngữ của niềm tin hay qua
hạn từ được dùng để mô tả về Ngài.
Có một mối quan
hệ giữa Thiên Chúa siêu việt và Thiên Chúa biểu tượng được mô tả từ ngôn ngữ và
từ những gì chúng ta nói về Thiên Chúa. Các truyền
thống phương Tây thường nói về mầu nhiệm,
hạn từ này không đồng nghĩa một điều bí mật hoặc điều không được hiểu rõ. Mỗi
ngôn ngữ đều bị giới hạn và gắn liền với một nền văn hóa. Còn hơn thế, mỗi ngôn
ngữ phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể và những gì tạo ra ý nghĩa hay giới hạn của từ
ngữ.
Chúng ta cần
những ngón tay, đôi mắt và có thể cần thêm một chiếc kính thiên văn để xác định
vị trí mặt trăng, nhưng chúng ta không thể đồng nhất mặt trăng với các phương
tiện mà chúng ta sử dụng để quan sát nó. Cần phải lưu ý rằng bất kỳ kiểu hình
thức diễn đạt nào cũng đều hàm chứa tính bất cập vốn có của mình. Ví dụ, bằng
chứng cho sự tồn tại của Thiên Chúa được phát triển bởi Triết lý Kinh viện chỉ
có thể chứng minh sự hợp lý nơi việc tồn tại của Thiên Chúa cho những người đã
tin vào Thiên Chúa. Bằng không, làm sao họ có thể hiểu rằng các bằng chứng đưa
ra chính là để minh chứng cho Đấng mà họ đang tìm kiếm?
6 . Nói về Thiên Chúa là một bài phát biểu liên
quan đến tính biểu tượng, không phải là một khái niệm.
Thiên Chúa không
thể là đối tượng của bất kỳ kiến thức hay bất kỳ điều xác tín nào. Thiên Chúa
là một biểu tượng có cả hai mặt ẩn và lộ trong cùng một biểu tượng chúng ta
đang nói. Một biểu tượng tự nó mang nét tượng trưng, chứ không phải vì nó được
giải thích. Không có sự chú giải cho một biểu tượng vì nó là chính thông điệp. Những
gì mà chúng ta sử dụng để giải thích cái gọi là “biểu tượng” là chính các biểu
tượng thực sự.
Nếu ngôn ngữ chỉ
là một công cụ để mô tả các đối tượng, có thể sẽ không có cuộc thảo luận nào về
Thiên Chúa. Con người khi nói về Thiên Chúa, họ không chỉ nói để truyền tải
thông tin, nhưng bởi vì họ cảm thấy cần để được nói: đó là được sống trọn vẹn hơn
khi tham gia vào cuộc trao đổi về ngôn ngữ trong một khung cảnh nhất định.
“Không ai nhìn thấy Thiên Chúa”, Thánh
Gioan nói.
7 . Bài luận bàn về Thiên Chúa nhất thiết phải mang
nhiều ý nghĩa.
Người ta không
thể giới hạn Thiên Chúa trong một bài phát biểu loại suy. Bạn không thể có một “loại
suy đầu tiên” bởi vì không thể có một siêu hình văn hóa (meta-cultura) từ đó một
bài phát biểu được xác lập, mà sẽ phải có trước đó một nền văn hóa.
Thực tế, có rất
nhiều khái niệm văn hóa về Thiên Chúa, nhưng không ai “hiểu thấu” được Ngài.
Điều này có nghĩa
rằng mọi cố gắng để giới hạn, xác định hoặc nhận thức về Thiên Chúa sẽ là một công
việc ngược ngạo, và sẽ làm sản sinh ra trong công trình tạo dựng tinh thần của
con người một thụ tạo.
Hãy nhớ rằng “Thiên Chúa thì lớn hơn cõi lòng của chúng ta”,
Thánh Gioan đã viết như vậy.
8 . Thiên Chúa không phải là biểu tượng duy nhất
được phô diễn theo những gì mà hạn từ “Thiên Chúa” muốn nói đến.
Theo những phân
tích gần đây, tính đa nguyên (pluralismo) là điều nằm trong chính cuộc sống của
con người. Chúng ta không thể “hiểu” hoặc “giải nghĩa” những gì mà hạn từ “Thiên
Chúa” muốn nói đến theo một quan điểm duy nhất, thậm chí theo một nguyên tắc
duy nhất của sự hiểu biết. Tự bản chất, hạn từ “Thiên Chúa” không là sự bó buộc.
Bất kỳ nỗ lực nào
để tuyệt đối hóa biểu tượng “Thiên Chúa” không những sẽ phá hủy mối quan hệ với
mầu nhiệm (trong đó sẽ không còn là
tuyệt đối trong mọi mối quan hệ), mà còn phá hủy mối tương quan với những con người
của những nền văn hóa mà không cảm thấy sự cần thiết của biểu tượng ấy nữa.
Việc nhận biết
Thiên Chúa diễn tiến song song với kinh nghiệm và thực trạng của con người cũng
như với khả thể của chính chúng ta trong nhận thức và hiểu biết về Thiên Chúa.
Giáo lý Kitô giáo
tổng hợp điều này bằng lối nói rằng Thiên Chúa là vô hạn và không thể so sánh.
9. Nói về Thiên Chúa, một lần nữa, chắc chắn sẽ
phải là luận đề được hoàn tất trong sự thinh lặng.
Một Thiên Chúa
hoàn toàn siêu việt, có thể sẽ mâu thuẫn với hy vọng và có sẽ là không cần
thiết, nếu không muốn nói là tai ác. Một Thiên Chúa siêu việt hoàn toàn sẽ phủ
nhận tính nội tại (immanente) của Thiên Chúa và cùng một lúc tiêu diệt siêu
việt tính của con người.
Mầu nhiệm Thiên
Chúa là khôn tả và không có bài phát biểu nào có thể mô tả được Ngài. Đó là một đặc tính của kinh nghiệm nơi con người khi họ nhận ra hạn chế nơi hữu thể của mình, không chỉ bởi những gì sẽ đến từ tương lai, mà còn từ nơi nền tảng nhất định được trao ban từ khởi đầu. Nếu tình yêu và sự khôn ngoan, thể xác, tâm hồn,
không gian và thời gian không hợp lại với nhau, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm.
“Thiên Chúa” là
một hạn từ làm hài lòng một số người và làm đau lòng vài người khác. Hạn từ này
phá vỡ sự im lặng của hiện hữu, cho phép chúng ta tái khám phá nó một lần nữa.
Mỗi người chúng ta
là “kết quả sự đối kháng” của một “cuộc tranh đấu” cho phép chúng ta được kéo
dài (trong thời gian), được mở rộng (trong không gian) được hiện hữu (với phần
còn lại của vũ trụ ) khi chúng ta đấu tranh để sống và tiến về phía trước với những
truy cứu của chúng ta, chống lại sự hèn nhát và sự phù phiếm và tìm cách để tồn
tại trong mầu nhiệm mà nhiều người
gọi đó là Thiên Chúa và những người
khác lại không thích nêu tên này.
“Hãy dừng lại, và hãy biết rằng Ta là Thiên
Chúa”, có lời như thế trong một Thánh vịnh.
Chắc chắn một số người
có thể sẽ phê phán tôi, về những gì tôi nói, về ý tưởng chính xác những gì là
Thiên Chúa mà tôi có. Thay vào đó, tôi đã nói lên các ý tưởng về những gì không phải là Thiên Chúa, và rằng ý
tưởng này có thể lại chịu sự tấn công hay bị chỉ trích. Tuy nhiên, điều này
không tạo thành một vòng luẩn quẩn, mà đúng hơn, là một ví dụ mới của thực tế cuộc
sống.
Chúng ta không
thể nói về Thực tại trong khi đứng bên ngoài hoặc ra khỏi suy tư về nó, cũng
như chúng ta không thể sống mà không có tình yêu. Có lẽ là mầu nhiệm Thiên Chúa
là những gì mang lại ý nghĩa cho tất cả những hạn từ trên. Kinh nghiệm đơn giản
nhất về Thiên Chúa bao gồm cả ý thức về những gì lay động sự cô tịch của chúng
ta (thuyết duy ngã) và đồng thời cũng tôn trọng sự cô tịch của chúng ta (căn
tính).
(Lê An Phong,SDB - Sưu
tầm và chuyển ngữ)
No comments:
Post a Comment