Tháng Năm - Mùa hoa kính Mẹ. Là con cái của Don
Bosco, hãy xem Mẹ Maria đã hiện diện trong cuộc đời của Don Bosco thế nào.
Mẹ Maria trong nhịp sống ngày thơ ấu của Gioan Bosco
“Nhưng ngài là ai?” – “Ta là Con của người Phụ nữ mà mẹ con vẫn
nhắc nhở con chào Bà ấy ba lần mỗi ngày”. Câu chuyện của cậu bé Gioan trong
giấc mơ năm 9 tuổi dẫn chúng ta trở lại tuổi thơ của Don Bosco nơi căn nhà
nghèo hèn ở Moglia để biết rằng sự hiện diện của Mẹ Maria đã bắt đầu từ khi
Gioan Bosco còn thơ bé.
Theo truyền thống
nơi vùng quê Becchi, mỗi ngày ba lần, sáng, trưa và chiều, những người kitô hữu
đọc kinh Truyền tin. Khi nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên, họ ngưng mọi công
việc trong giây lát để chiêm ngắm ngắm mầu nhiệm Nhập thể và sống cùng với Mẹ
Maria chút thời khắc đáng nhớ. Cậu bé Gioan đã được mẹ nhắc nhở và cậu đã cầu
nguyện với mọi người cùng với Đức Trinh nữ Maria trong những thời khắc như thế.
Trong các gia
đình, sau giờ cơm tối, người ta lần hạt Mân Côi. Tâm tưởng già trẻ cùng hướng
về Mẹ Maria qua các mầu nhiệm và chuổi kinh Kính
mừng. Mẹ Maria trở thành Mẹ của tất cả, gần gũi tất cả trong mọi lúc, trên
đồng ruộng, trong nhà, ngoài sân… Trong bối cảnh gia đình đạo đức, Gioan đã
biết cầu nguyện với Mẹ Maria. Gioan Bosco đã mang trong tâm hồn tình yêu đối
với Mẹ Maria. Cậu đã bắt đầu các trò chơi hay công việc bằng lời kinh Kính Mừng Maria hay các lời nguyện tắt như
“Mẹ Maria mến yêu, xin hãy giúp con”,
“Ngai tòa của Sự Khôn ngoan, xin cầu cho
chúng con”…
Don Bosco đã
truyền lại việc thực hành và tâm tình đạo đức này cho những người xung quanh. Đến
lượt các bạn trẻ được ngài giáo dục sau này như Domenico Savio, họ tiếp tục lời
cầu nguyện hằng ngày trong tâm tình đơn sơ với Mẹ Maria, cùng với những Kinh kính mừng và lời nguyện tắt.
Mẹ Maria - Bà giáo gần gũi của Don Bosco
Trở lại với giấc
mơ 9 tuổi, chúng ta bắt gặp hình ảnh của Bà giáo tốt lành – người sẽ dạy Gioan
biết nhiều điều. Đây là những chỉ dạy đầu tiên và quan trọng cho cả cuộc đời và
sứ mệnh của Gioan Bosco: “Con đã thấy
những đứa trẻ hung dữ, hãy làm cho chúng trở nên tốt lành không phải bằng nắm
đấm và sự giận dữ mà bằng tình thương. Con hãy trở nên hiền lành, khiêm tốn và mạnh
mẽ”. Qua những lời này, chính Mẹ Maria đã chỉ cho Gioan Bosco biết sứ mệnh
và con đường phải đi.
Chúng ta vẫn thường
có thói quen suy nghĩ rằng “bà giáo” là người dạy cho trẻ sự hiểu biết, kiến
thức, luật lệ. Với cậu bé Gioan Bosco, Bà Giáo – Mẹ Maria là người muốn chỉ dạy
cậu cách thức cư xử, thái độ sống. Bà giáo này không đứng trên bục giảng với
thước kẻ và sách vở, mà là người chia sẻ và hướng dẫn kinh nghiệm sống hơn là
lý thuyết. Bà giáo giới thiệu một “mô hình” và chỉ cho biết cách thức để hiện
thực hóa mô hình ấy. Bà giáo ấy là một người mẹ hiện diện ở bên cạnh, gần gũi
và khích lệ tinh thần Gioan Bosco. Cho đến phút cuối đời, Don Bosco vẫn còn cảm
nghiệm sự gần gũi này: “Chúng ta đã không
đi một bước hay làm một việc gì mà thiếu bóng dáng của Mẹ Maria” (MB XIII,
169; MB XVIII, 436).
Mẹ Maria – Đấng Sáng lập các công cuộc salêdiêng
Chúng ta có thể
lược qua một vài điểm mốc và chi tiết lịch sử để hiểu thêm về sự hiện diện cách
đặc biệt của Mẹ Maria trong việc hình thành và phát triển Tu hội.
Đây là lời đơn sơ
mà Don Bosco viết vào ngày 26 tháng giêng năm 1854: “Mẹ Maria muốn rằng chúng ta bắt đầu một Tu hội. Chúng ta sẽ được gọi là
các salêdiêng”. Đến năm 1864, trong khi kể chuyện về dàn hoa hồng, Don
Bosco nói đến điều này: “Chính Đức Mẹ là
người đã muốn khai sinh Tu hội”. Năm 1862, khi viết cho Gioan Cagliero, Don
Bosco nhắc lại: “Đức Trinh nữ rất thánh
Maria là Đấng sáng lập và là Đấng Bảo trợ cho toàn thể công cuộc của chúng ta”
(MB VIII, 334).
Tất cả sự tin
tưởng và khẳng định trên xuất phát từ kinh nghiệm của Don Bosco về sự hiện diện
của Mẹ Maria trong cuộc đời của ngài. Đây là các biến cố đáng nhớ:
Ngày 8 tháng 12 năm 1841, cuộc gặp gỡ của Don
Bosco với cậu bé Bartolomeo Garelli. Đó là ngày lễ Mẹ Vô nhiễm, cũng là ngày mà
sau 45 năm, hai năm trước khi Don Bosco qua đời, ngài vẫn còn nhớ và tin tưởng
rằng “Tất cả là công việc của Mẹ Maria.
Tất cả bắt đầu từ Kinh Kính mừng được đọc lên với tất cả tâm tình và lòng nhiệt
thành”.
Ba năm sau ngày
gặp Bartolomeo Garelli, ngày 12 tháng 10 năm 1844, Don Bosco phải chuyển Nguyện
Xá Thánh Phanxico d’Assisi sang một mảnh đất nhỏ cạnh khu nhà bà Bá tước
Barolo, bên cạnh Valdocco. Ngài không chắc là trẻ chấp nhận di dời cùng mình
hay là chúng sẽ bỏ đi đây đó và khó quy tụ lại. Don Bosco thuật chuyện:
“Việc chuyển đến một nơi mới với con người và
phương tiện mới khiến tâm trí cha lo lắng. Ngay đêm hôm đó, cha mơ tiếp một
phần của giấc mơ trước đây ở Becchi lúc được 9 tuổi. Cha thấy một con số đông
đúc các con sói hung tợn. Cha sợ và muốn chạy trốn. Lúc đó, một Bà Quý phái
xuất hiện trong bộ dạng của một người chăn chiên, bà ra hiệu cho cha tiến theo
đoàn vật dữ tợn mà bà đang đi trước dẫn đường. Chúng tôi dừng lại ở ba điểm. Ở
mỗi chặng dừng, nhiều con sói biến đổi thành cừu. Sau một hồi bước đi mệt mõi,
cha muốn ngồi xuống nghỉ ngơi, nhưng Bà Chăn chiên ấy mời gọi cha tiếp tục. Và trước
mặt cha, xuất hiện một sân lớn được bao quanh với các cánh cổng, phía xa xa có
một nhà thờ. Con số của chiên ngày càng tăng thêm. Xuất hiện bên cạnh chúng
nhiều người chăn chiên. Cảnh tượng thật tuyệt vời khi đàn chiên nô đùa bên các
mục đồng và chạy nhảy bên nhau. Bà Chăn chiên mời cha nhìn ra xa, cha thấy một
cánh đồng, và rồi một ngôi nhà thờ cao lớn được bao viền xung quanh bởi một
giải khăn trắng trên đó có dòng chữ: “Hic domus mea, inde gloria mea” - Đây là
ngôi nhà của ta, từ đây sẽ tỏa sáng vinh quang của ta (MB II, 298).
Ngày 12 tháng 4
năm 1846, Don Bosco chuyển Nguyện Xa tơi nhà kho Pinardi. Sau ba tháng làm việc
ngài bị ốm nặng và gần như tới lúc tàn hơi kiệt sức. Các bạn trẻ bắt đầu cầu
nguyện và kêu cứu Mẹ Maria. Họ thay phiên nhau cầu nguyện suốt đêm nơi Đền thờ Đức
Mẹ An ủi ở gần đó (sau một ngày họ đã làm việc 12 giờ). Phép lạ đã xảy ra, Don
Bosco đươc bình phục và hứa “trả ơn” các bạn trẻ nghèo này suốt đời.
Năm 1847, Don
Bosco có một giấc mơ thật đặc biệt: giấc mơ giàn hoa hồng, và ngài đã thuật lại
giấc mơ ấy vào năm 1864 cho các salêdiêng đầu tiên (don Rua, don Cagliero, don
Barrberis). Don Bosco mở đầu câu chuyện: “Một
ngày vào năm 1847, trong khi cha đang mãi bận tâm về chuyện làm thế nào để có
thể làm việc tốt hơn để giúp trẻ, Mẹ Maria – Nữ vương các tầng trời hiện ra (Tước
hiệu này rất ít khi Don Bosco dùng, thông thường ngài chỉ gọi Mẹ Maria là “bà
xinh đẹp”). Đức Mẹ đưa cha đến một khu
vườn xinh tươi với mái vòm có cây giăng đan chen đầy hoa lá và những nụ hồng
chớm nở. Mặt đất cũng phủ đầy những bông hồng tuyệt đẹp. Đức Mẹ nói với cha: “Đây
là con đường mà con phải bước qua”.
Và Don Bosco tiếp
tục kể câu chuyện đi trên giàn hoa hồng, khi chân bị gai cào xước và làm ngài
bị thương. Nhiều người ở ngoài nhìn vào và thích thú vì thấy Don Bosco bước
trên lối đầy hoa; rồi bạn bè và những người muốn đi theo ngài cảm nhận sự đau
khổ khi bước đi trên dàn hoa hồng tươi đẹp mà đầy gai ngọn, đã trách cứ Don
Bosco là “lừa dối” họ… Số ít ỏi bền chí và đủ sức chịu đựng tiếp tục theo ngài
đi cho đến hết đoạn đường. Họ gặp nhau trong một khu vườn nhỏ với gió nhẹ và
hương hoa thoang thoảng…
“Lúc đó, Don Bosco tiếp tục kể, Đức Mẹ
lại hiện ra và hỏi cha: Con có biết ý
nghiã của những gì mình vừa thấy không?”. Cha trả lời rằng không. Đức Mẹ lại nói
với cha: “Con đường mà con đi qua giữa hoa hồng và gai nhọn chính là cách mà
con phải làm việc cho giới trẻ. Con phải bước đi với đôi giày của sự khổ chế.
Gai nhọn là biểu trưng của sự thử thách, đau đớn và những khổ cực. Nhưng con
đừng lo lắng và nhát đảm. Với tình yêu thương và khổ chế, các con sẽ bước đi
trên hoa hồng không còn gai nữa”. Khi Đức Mẹ vừa nói xong những lời này, cha
bừng tỉnh và thấy mình đang ở trong phòng. Cha kể lại cho các con nghe để biết
một điều chắc chắn là Đức Mẹ muốn thành lập Tu hội chúng ta và Mẹ cũng mong
muốn rằng chúng ta dấn thân để làm việc vì vinh danh cao cả của Thiên Chúa”.
Trải qua những khó
khăn và những giây phút gian nan thử thách, Don Bosco đã cảm nghiệm sâu sắc hơn
nữa tình yêu thương thiêng liêng từ mẫu của Mẹ Maria. Niềm an ủi lớn lao mà
ngài có được trong những thiếu thốn, nghèo khó, nhọc mệt, căng thẳng, lo âu
chính là Mẹ Maria.
“Lạy Mẹ Maria Vô nhiễm uy quyền rất cao sang,
một mình Mẹ phá tan mọi bè rối trên gian trần. Mẹ Phù hộ các Giáo hữu giữa biển
đời lắm nguy nan, trong cơn phấn đấu cơ cùng, Mẹ thương dắt dìu.
Phù hộ con thơ giữa nơi trần gian…
Một niềm tin yêu kính dâng lên Mẹ.
(Lê An Phong, SDB.
Bài viết có tham khảo sách của Teresio
Bosco, Conversazioni su Don Bosco,
ElleDiCi, Torino 2011)
No comments:
Post a Comment