07 May, 2014

Lectio 1 - DON BOSCO - CON NGƯỜI THẦN NGHIỆM



Lời Chúa

Thiên Chúa gọi ông Mô-sê từ bụi cây bốc cháy (Xh 3,1- 6)

1Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. 2Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. 3Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi? " 4ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Mô-sê! Mô-sê! " Ông thưa: "Dạ, tôi đây! " 5Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh." 6Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp." Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.


GỢI Ý SUY NIỆM

Chúng ta hãy bắt đầu bằng hoàn cảnh của Mose: ông chạy trốn khỏi Aicập sau khi giết một người Aicập và bị lùng bắt, đi chăn chiên cho bố vợ ở xứ Madian, không định hướng tương lai, không biết mình có sứ mạng gì.

Mose đã gặp gỡ Đức Chúa nơi sa mạc, trên núi Khoreb: những nơi có tính chất đặc trưng được Kinh thánh nhắc tới cho những cuộc thần nghiệm, cho sự gặp gỡ Thiên Chúa.

Thái độ của Mose: tò mò nhìn bụi gai cháy mà không bị thiêu rụi ( hình ảnh sự giàu có của Tình yêu Thần linh, dù trao ban vẫn không hao mòn, mất mát), tự nhủ là mình phải đến xem thực hư (sự thao thức tìm kiếm chân lý của con người, khởi đầu cho những cuộc khám phá tâm linh).

Thái độ của Thiên Chúa: Ngài thấy ông Mose, gọi Mose, ra lệnh không cho ông lại gần chổ bụi gai vì sự thánh thiện của Thiên Chúa cần được tôn trọng, buộc ông cởi dép ra. Đối với những ai đang trên hành trình, đôi dép là dấu hiệu của sự an toàn, sự giàu có, sở hữu của con người, cởi dép ra: đông nghĩa với việc từ bỏ sự an toàn nhờ vật chất mà mình sở hữu.

Mose nghe tiếng và nhận ra Thiên Chúa; Mose che mặt vì sợ nhìn phải Thiên Chúa: Thiên Chúa, cùng với sự thánh thiện vô song, đòi buộc con người phải trở nên khiêm cung trước mặt Ngài. Chỉ có trong sự khiêm cung con người mới hiểu biết những yếu đuối của chính mình và sự vĩ đại nơi những mạc khải của Thiên Chúa.

***
Đời sống chúng ta hôm nay cũng có nhiều nét để suy nghĩ cùng với Lời Chúa. Như Mose, chúng ta “lang thang đây đó” trong trần gian với nhiều lầm lỗi và thất bại, với nhiều lo toan và vướng bận trong đời, nhiều quyết định ra đi, chạy trốn, thoái lui, tiến tới không định hướng. Nhiều lần ta thử tìm gặp Thiên Chúa nhưng không phải vì thực sự muốn tìm kiếm Ngài, mà lắm khi chỉ vì tò mò hay thấy chuyện đây kia là lạ, và nhiều khi vì thế mà chẳng còn biết Thiên Chúa thực sự Ngài  là ai và có chổ đứng ở đâu trong đời mình. Hậu quả là chúng ta đang đánh mất ý thức “tôn trọng sự thánh thiêng của Thiên Chúa nơi chính ơn gọi của mình” – nơi con người mang hình ảnh Thiên Chúa - imago Dei.

Các luồng gió độc của tục hóa đã và đang len lỏi, thấm nhiễm vào đời sống người tu sỹ. Tục hóa đã khiến cho nhiều tu sỹ không còn thấy điều gì là linh thánh nữa và xem thường tất cả. Cảm thức về ân sủng dường như phai mờ; cảm thức về tội lỗi và về những điều bất xứng đã dần nhạt phai. Kết quả kéo theo là “chất đời” đã chiếm lĩnh tất cả hoạt động của họ.

Riêng Thiên Chúa thì sao? Chúa đang nhìn thấy chúng ta, ngài vẫn gọi chúng ta cùng với những đòi hỏi nhất định như đã làm với Mose (gọi tên, ra lệnh cởi dép ra, không tiến lại quá gần...)

Đâu là thái độ cần có của chúng ta với Chúa? Nghe tiếng gọi, đáp lại, đến gần hơn, cởi bỏ những vướng bận và những tính toán của mình, phải che mặt đi vì sợ đối diện với Thiên Chúa thánh thiện, vì những bất xứng trong đời sống ơn gọi của chính mình.

Với anh chị em: là hình ảnh Thiên Chúa, mỗi một con người là một cõi linh thánh cần được khám phá và tôn trọng, và vì vậy, vẫn luôn cần những thái độ căn bản như đến gần, quan sát, lắng nghe, tự tháo bỏ những gì làm cho ta xa cách người khác như lòng tự cao tự đại, sự tò mò, thiếu tôn trọng hay xem thường người khác... để nhận ra điều tốt đẹp nơi anh em của mình.


TỪ KINH NGHIỆM CỦA DON BOSCO

Don Bosco đã từng sống “như thể nhìn thấy Đấng Vô hình” (HL 21) – Ngài đã cảm nhận về Thiên Chúa và sự can thiệp của Ngài trong từng biến cố của cuộc sống.
Trong bối cảnh của Thành phố Torino thời kỳ công nghiệp và thành thị hóa cùng với sự kỳ thị, tục hóa và triệt phá tôn giáo, Don Bosco đã bắt đầu các cuộc phiêu lưu với người trẻ. Các công cuộc của Ngài đã không khởi sự từ một sự chắc chắn theo cách suy nghĩ nhân loại, mà từ một gợi hứng thần linh, một giấc mơ. Giấc mơ 9 tuổi ban đầu cũng chỉ là một định hình mơ hồ cho tương lai và cho cuộc hành trình dài tìm kiếm phương cách cứu rỗi các linh hồn và giới trẻ. Don Bosco đã nghiệm lại và đã hiểu lời trong giấc mơ “Rồi con sẽ hiểu” sau nhiều năm, và chắc chắn là Ngài đã hiểu thánh ý Chúa sau nhiều thăng trầm của thời cuộc và sau nhiều kinh nghiệm đủ mùi vị của cuộc sống: trong thất bại, đau khổ, thứ thách, hiểu lầm, nghi kỵ...

Don Bosco đã cảm nghiệm sự gần gũi của Thiên Chúa: Đấng luôn bên cạnh mình trong mọi biến cố của cuộc đời. Với ngài, Thiên Chúa luôn là Đấng yêu thương và quan phòng mọi sự. “Chúa nhìn con” và “con sẽ làm tất cả mọi sự vì Chúa và vì phần rỗi các linh hồn”. Cảm thức này gợi hứng cho một lối sống tinh thần sâu xa trong tương quan mật thiết và đầy kính trọng đối với sự thánh thiêng của Thiên Chúa; một khóe nhìn về tha nhân đầy tràn tình mến và lòng trắc ẩn. «Cha luôn lấy điều này làm nền tảng cho tất cả mọi công việc của mình: Trước hết tìm cách để hiểu rằng công việc này mang đến vinh quang lớn hơn cho Thiên Chúa vàlợi ích các linh hồn không; nếu mọi sự đúng như vậy, cha sẽ tiến bước cách an toàn phía trước và tin rằng Chúa không bỏ rơi cha bao giờ» (MB VI, 585).
       
Gợi ý hành động:
-  Tôi đang trong tình cảnh nào để gặp Chúa và anh em (buồn chán, thất vọng, nghi nan)?  
-  Đâu là “đôi dép an toàn” mà tôi cần phải tháo ra trước khi gặp Chúa và mọi người?
(Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment