13 May, 2014

TỪ MỘT CUỘC TRÒ CHUYỆN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO VỚI SINH VIÊN CHỦNG SINH, LINH MỤC.



Hôm 12 tháng năm, Đức Thánh Cha Phanxico đã có cuộc gặp và nói chuyện với các chủng sinh, linh mục sinh viên đang du học ở Roma. Đây là một cuộc gặp gỡ, trao đổi rất tự nhiên và thân tình. Xin trích dẫn và giới thiệu vài điểm mà Ngài đã chia sẻ với các sinh viên chủng sinh, linh mục về vấn đề học hành, đào luyện và đời sống cộng đoàn.

Căn bệnh học vấn” (academicism)
Đức Thánh cha nhấn mạnh khi trả lời cho một câu hỏi về học tập và đào luyện: “Các giám mục không những đã gửi anh em đến đây để học tập và để anh em có một bằng cấp, mà còn để anh em trở về giáo phận, làm việc trong giáo phận, trong giáo xứ  như các linh mục”.
Trong ý nghĩa này, có bốn “trụ cột” mà theo đó các linh mục được đào tạo, theo Đức Thánh Cha: Việc đào tạo đời sống thiêng liêng, tri thức, đời sống cộng đoàn và việc tông đồ. Tại Rome, Đức Thánh Cha lưu ý, anh em được bồi đắp “tri thức”; nhưng chúng ta không được bỏ qua ba trụ cột khác bởi vì  “tất cả bốn trụ cột có quan hệ hỗ tương”.
“Cha sẽ không thể hiểu được, rằng một linh mục đến đây và muốn có một bằng cử nhân ở Roma, mà không có một đời sống cộng đoàn hoặc chẳng quan tâm đến đời sống thiêng, Thánh lễ và kinh nguyện hằng ngày, lectio divina, nguyện gẫm,  hoặc đời sống tông đồ. Chỉ có lo việc học thuần túy là không tốt. Chúa đã kêu gọi anh em làm linh mục, là linh mục: đây là nguyên tắc cơ bản”, Đức Thánh Cha nhắc lại .

Ngài cũng cảnh báo một nguy cơ khác: “Nếu anh em chỉ quan tâm đến mặt học thuật, sẽ có nguy cơ trượt dài trên ý thức hệ, và đây là căn bệnh. Ngoài ra, đó cũng là căn bệnh trong quan niệm về Giáo Hội”. Để hiểu được Giáo Hội, trên thực tế, “cần phải tìm hiểu bằng việc nghiên cứu, nhưng cũng cần đến lời cầu nguyện, đời sống cộng đoàn và việc tông đồ”. “Khi chúng ta trượt dài trên một ý thức hệ - Đức Thánh Cha giải thích - bởi vì chúng ta nghĩ mình là những người có “đầu óc vĩ đại” (macrocephaly) và đi theo con đường đó, chúng ta sẽ có sự diễn giải không mang tính Kitô giáo, một sự chú giải của Giáo Hội theo ý thức hệ.

Trong khi đó, Giáo Hội phải được quan sát với con mắt của một Kitô hữu, được suy tư với tâm trí của một Kitô hữu, được yêu thương với trái tim của kitô hữu. “Nếu không nó sẽ trở thành một lệch lạc, nếu không muốn nói là một “căn bệnh”, và Giáo Hội sẽ kết thúc trong sự hiểu lầm. “Vì lý do này cha nói với anh em, thực là tốt để nhấn mạnh vào công việc học tập, nhưng phải cẩn thận không vì đó mà đánh mất tầm quan trọng về đời sống tinh thần, cộng đoàn và việc tông đồ.

Chủng viện và đời sống cộng đoàn: một “luyện ngục” hữu ích.
Theo cùng một triền tư tưởng, Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi của một chủng sinh người Trung Quốc rằng làm sao để xây dựng đời sống ở Chủng viện, “trở thành một cộng đoàn cho sự tăng trưởng nhân bản và tinh thần và nơi thực hành đời sống bác ái của linh mục”. Ngài trích dẫn lời của một giám mục cao tuổi ở Châu Mỹ Latinh: “Một chủng viện chưa tốt thì vẫn tốt hơn là không có một chủng viện”. “Nếu một ứng sinh chuẩn bị cho chức linh mục chỉ có một mình, không có cộng đoàn, thì quả đây là một điều tệ hại, Đức Thánh Cha nhắc lại.

“Cuộc sống nơi Chủng viện, cha muốn nói đến đời sống cộng đoàn, là rất quan trọng, bởi vì có sự chia sẻ giữa anh em với nhau, đồng hành và cùng hướng về Chức thánh linh mục; nhưng bên cạnh đó cũng có những vấn đề, như tranh giành quyền lực, đấu tranh tư tưởng, thậm chí có cả những cuộc đấu đá ẩn tàng; và có cả bảy mối tội đầu: đố kỵ, ghen ghét, ... Tuy vậy, đời sống ấy không thiếu những điều tốt đẹp như: tình bạn, việc trao đổi ý tưởng ... Chúng ta có thể nói rằng “cuộc sống cộng đoàn không phải là thiên đường”, nhưng “ít nhất cũng là luyện ngục”. Đức Thánh Cha nói theo lời của một vị thánh Dòng Tên: “Việc đền tội lớn nhất lớn nhất là đời sống cộng đoàn”.

Dù sao đi chăng nữa “chúng ta phải tiến về phía trước, trong đời sống cộng đoàn”, Đức Thánh Cha khẳng định và nhắc tới một số quy tắc đơn giản sau đây để giúp sống đời huynh đệ cộng đoàn.

Không nói xấu nhau
Đầu tiên, “không bao giờ và đừng bao giờ nói xấu người khác!”. “Nếu anh em có bất cứ điều gì chống lại người khác, hoặc với người không cùng ý kiến​​, hãy đối thoại trực diện ngay! Chúng ta, giáo sĩ, chúng ta thường bị cám dỗ để không nói khi đối mặt, hoặc dùng thứ ngôn ngữ có tính chất ‘quá ngoại giao’, thứ ngôn ngữ văn phòng! Điều này làm chúng ta đau khổ”.

Còn nữa, đây là chuyện thông thường của những tin đồn hay chuyện vặt, thứ làm hỏng sự hài hòa của một cộng đoàn. Đức Thánh Cha Phanxico muốn giải thích khái niệm này với sự kiện cụ thể gắn với một kỷ niệm. Ngài kể rằng 22 năm trước đây, khi ngài được bổ nhiệm làm giám mục, ngài đã thực hiện “một số quyết định có tính chất ‘quá ngoại giao’, và điều này đã gây ra “những hậu quả đến từ những quyết định mà không phát xuất từ Thiên Chúa”. Ngài thử dò ý kiến ​​của cha thư ký vào thời điểm đó, một linh mục trẻ mới thụ phong được một vài tháng. Đức Thánh cha kể lại: “Cha ấy nhìn tôi và nói: Đức Cha đã làm sai. Đức Cha đã không đưa ra quyết định theo tâm tình một người cha”; rồi cha thư ký kể ra với Cha ba hay bốn trong những điều sai lầm đáng kể nhất; cha ấy đã nói rất mạnh mẽ nhưng trong thái độ tôn trọng, rồi sau đó, khi cha thư ký đã bỏ đi, Cha thầm nghĩ: “Đây chính là người mà tôi sẽ không bao giờ để mất như là cha Thư ký. Đây chính là một người anh em thật sự. Bởi vì có những người nói với anh em những điều tốt đẹp ở trước mặt mà sau lưng… mọi sự không đẹp như vậy”.

Một cách ngắn gọn, với một giai thoại cá nhân, Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng “Tin đồn nhãm hay chuyện ngồi lê xầm xì là bệnh dịch hạch của cộng đoàn”, và ngài khuyên rằng nếu có chuyện gì phải nói, hãy luôn luôn nói một cách trực tiếp, trực diện. “Nếu anh em không có can đảm để nói ra diện đối diện với một ai đó - Đức Thánh Cha mời gọi – hãy nói chuyện với Bề trên hoặc Cha Giám đốc, những người sẽ giúp chúng ta. Đừng đi qua các phòng của đồng bạn để thì thầm to nhỏ. Điều đó trong thực tế người ta hay nói “Đó là kiểu nói chuyện của phụ nữ - Đức Thánh Cha nói thêm với sự hài hước – nhưng thậm chí trong chúng ta, nam giới, chuyện ấy không phải là hiếm và việc này đủ để phá hủy bầu khí cộng đoàn”.

nhưng hãy cầu nguyện cho nhau
Một “nguyên tắc” tiếp theo, đó là “lời cầu nguyện cộng đoàn”. Đức Thánh Cha kể về một kỷ niệm cá nhân khác: Khi còn ở tuổi hai mươi, Bergoglio, sinh viên triết học, xưng tội với cha linh hướng của mình về thái độ giận dữ đối với một người. “Cha linh hướng hỏi Cha một câu duy nhất: “Hãy nói cho cha biết, con có cầu nguyện cho người ấy không? Không có gì hơn cha nói: “Không!”. Vị linh hướng im lặng, rồi ngài bảo cha “Chúng ta kết thúc mọi chuyện rồi!”.
 
Đức Thánh Cha khuyên bảo: “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện cho tất cả các thành viên của cộng đoàn, nhưng chủ yếu là để cầu nguyện cho những người mà tôi có vấn đề với họ, cầu nguyện cho những người mà tôi không yêu mến, bởi vì chuyện không muốn yêu một người đôi khi là vấn đề của bản tính tự nhiên; nhưng, hãy cầu nguyện đi và Chúa sẽ làm phần còn lại. “Không nói xầm xì và tăng thêm nhiều lời cầu nguyện, Cha đảm bảo với anh em, cộng đoàn sẽ tiến xa, anh em có thể sống tốt, có thể nói tốt, có thể tranh luận tốt, có thể cầu nguyện tốt với nhau”.

Chữa trị những hoang mang trong cõi lòng: hãy đến với Đức Maria, là “người mẹ” không chứ phải không “bà gia – bà mẹ vợ”.
Một sinh viên người Mexico hỏi Đức Giám Mục Roma làm cách nào để có thể canh chừng và trung thành với ơn gọi . “Sự tỉnh thức hay thận trọng - Đức Thánh Cha trả lời: - đó là một thái độ Kitô giáo. Các Giáo Phụ Đông khẳng định rằng phải thận trọng và cần thiết tự hỏi “những gì đang xảy ra trong trái tim tôi”. Anh em phải biết nếu trái tim của mình đang trong tình trạng hỗn loạn hay đang trong trạng thái bình lặng. Nếu trong tình trạng hỗn loạn, anh em có thể sẽ không nhìn thấy những gì bên trong, như khi biển gào thét ta không thấy cá vậy.

Có một thứ ‘thuốc giải độc’ cho những giây phút hoang mang trong tâm hồn là bước đi dưới làn áo choàng của Mẹ Thiên Chúa, như các giáo phụ bên Nga đề xuất: Điệp ca Latin đầu tiên “sub tuum presidium Sancta Dei Genitrix”. Về cơ bản, Đức Phanxico nói: “Trước hết, núp bóng bên Mẹ Maria, ta chờ đợi và sẽ có một chút bình tĩnh qua lời cầu nguyện, lòng tín thác vào Đức Mẹ”.

“Một số trong anh em sẽ nói với Cha: Nhưng thưa Đức Thánh Cha, trong thời gian này khi chúng ta có rất nhiều phương tiện hiện đại, sự phát triển của tâm thần học, tâm lý học, khi bị khủng hoảng có lẽ sẽ tốt hơn đi đến một bác sĩ tâm lý để nhờ họ giúp con”. “Đừng lãng phí thời gian vì chuyện đó, Đức Thánh Cha nói, nhưng việc đầu tiên là chạy đến với Đức Maria, Mẹ của mình, bởi vì một linh mục mà quên đi Mẹ, đặc biệt là trong thời gian bất ổn, là người ấy đang thiếu một cái gì đó. Linh  mục đó là một đứa trẻ mồ côi, một người đã quên Mẹ của mình. Và quên đi người mẹ của mình là một điều xấu” ... Nói một cách khác: nếu anh em không muốn Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ, Cha tin rằng anh em sẽ có một “bà gia”, một bà mẹ vợ xa lạ. Và điều đó không tốt lành chút nào! “Như vậy, trong thời điểm khó khăn nhất, anh em phải làm như trẻ em là chạy đến với Mẹ, bởi Mẹ là mãi mãi, và chúng ta là con. Trong đời sống thiêng liêng, điều này anh em sẽ không bao giờ được quên”.

Trả lời sau đó cho câu hỏi của chủng sinh, Đức Thánh Cha nói rằng cảnh giác hay thận trọng “không phải là chuyện vào phòng tra tấn”, nhưng là việc “nhìn vào trái tim mình”. “Chúng ta phải là chủ nhân của trái tim mình. Những gì trái tim tôi cảm thấy, những gì tôi đang tìm kiếm? Điều gì làm cho tôi hạnh phúc ngày hôm nay và những gì không làm cho tôi hạnh phúc? Anh em đừng để một ngày kết thúc mà không tra vấn hay thấy không cần thiết phải làm điều này”.

Từ khi là một giám mục, Cha luôn luôn hỏi các linh mục của mình xem họ kết thúc một ngày sống ra sao: “Các cha luôn luôn cảm thấy mệt mỏi vì công việc khó khăn trong giáo xứ, họ ăn tối nhanh chóng, xem một chút truyền hình để thư giãn. Trong nhiều lúc gặp gỡ, Cha hỏi: “Cha có một chút thời gian để tạt qua Nhà tạm và viếng Chúa trước không? Có những điều tỏ lộ cho chúng ta thấy đâu là nơi chúng ta đặt hết tâm tình của mình vào đó. Nó không phải là một đời sống nội tâm cằn cỗi, nhưng anh em biết được tình trạng của trái tim mình, cuộc sống của chính chúng ta trong hành trình với Thiên Chúa”.

Muốn trở thành một nhà lãnh đạo? Hãy phục vụ. Nếu không, chỉ còn là mùi hành tây...
Đến lượt của một sinh viên người Philippines, vị này đã bày tỏ mong muốn thấy các mục tử của Giáo hội là điểm tham chiếu cho thế giới hôm nay, có khả năng lãnh đạo, hướng dẫn và biết cách thông truyền. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng để có được loại “lãnh đạo tốt” chỉ có một con đường phía trước: “phục vụ”. “Chẳng có cách nào khác, Đức Thánh Cha giải thích. Nếu anh em có nhiều phẩm chất, nhưng không phải là người biết phục vụ, khả năng lãnh đạo của anh em sẽ suy giảm và trở nên vô dụng, không thể kêu mời hay tập hợp được ai cả”.

Trong trường hợp này Đức Thánh Cha kể lại một chuyện quá khứ: “Cha nhớ có một vị linh hướng rất tốt, mọi người đến với ngài nhiều đến mức độ cha ấy không thể cầu nguyện và hoàn tất các kinh Thần vụ. Vào giờ ban đêm, ngài đến viếng Chúa và nói: Chúa ơi, hãy nhìn đến con, con đã không làm theo ý của Người, cũng chẳng làm theo ý của con, phải vậy không? Con đã làm theo ý của những người khác! Lúc đó, cả hai người - Chúa và vị linh mục kia - họ an ủi nhau”.

“Đúng vậy, nhiều lần, Đức Thánh Cha nói thêm, phục vụ là làm theo ý muốn của người khác”. Người mục tử phải luôn luôn sẵn sàng vì đàn chiên của mình, phải giúp đỡ mọi người thăng tiến và đi tới. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ trở thành giống như những gì Thánh Augustinô ghê sợ: người mục tử đã ăn thịt cừu và lấy lông của chúng làm len để khoác lên mình.

“Có hai tội của các mục tử, Đức Thánh Cha cho biết, đó là tiền bạc và danh vọng; đó là các “mục tử kinh doanh” và các “mục tử cai trị”. Loại người đầu tiên thích làm những việc hái ra tiền, loại thứ hai tin rằng họ vượt trội so với người giáo dân của mình. Đó là những chủ chăn đang tìm kiếm chính mình vì con đường của tiền bạc và con đường của danh vọng, không theo lối sống của người đầy tớ-phục vụ, cũng chẳng phải là lãnh đạo thực sự.

“Trong khi đó, khiêm tốn là thứ “vũ khí” đầu tiên của người mục tử. Phần còn lại, đặc biệt là chuyện danh vọng, giống như “củ hành tây”, theo lời các vị khổ tu trong sa mạc: “Bạn lấy một củ hành và bắt đầu lột các lớp thân của nó. Điều này giống như khi bạn cảm thấy tự mãn và bắt đầu lột từng lớp của hư danh. Bạn lột đi một lớp, hai lớp, và tiếp tục, một lớp, lớp khác, lớp nữa... Cuối cùng, bạn đến cái lõi là “không có gì”, chỉ còn lại chính bạn và mùi của hành tây”.

“Để được trở nên khiêm tốn đó là một thử thách, là một việc khó khăn, Đức Thánh Cha thừa nhận, nhưng thậm chí còn khó khăn hơn để loại bỏ cái ham muốn danh vọng một linh mục. “Đừng quên rằng những người con của Thiên Chúa - giáo dân của anh em - có thể “tha thứ nhiều điều” cho anh em, nhưng họ sẽ  không tha thứ cho anh em nếu anh em là một mục tử quá dính bén với tiền bạc, hay nếu anh em là một mục tử đối xử với người khác với thái độ  kiêu ngạo, trịch thượng, bởi vì người ham lợi danh không phải là người tốt.

Làm thế nào để chữa trị và chống lại virus “tiền bạc, sự phù phiếm và lòng tự cao” - ba bước dẫn chúng ta đến tất cả tội lỗi”? Đức Thánh Cha chỉ ra một số đức tính tốt cần luyện tập: “sự gần gũi, khiêm tốn, nghèo khó và sự hy sinh” và đặc biệt là “phục vụ”. “Cha nhớ lại trong các giáo xứ cũ và nghèo ở Buenos Aires, khi chưa có điện thoại di động hay máy nhắn tin, các cha xứ ngủ trong phòng với điện thoại to tướng bên cạnh. Vậy mà không có một giáo dân nào chết mà không được nhận các bí tích. Họ gọi bất cứ lúc nào, các cha chỗi dậy và đi lập tức. Phục vụ, mục vụ ... Khi Cha là giám mục, cha gọi một giáo xứ, và một cái máy nhắn tin đã trả lời Cha... Vậy thì chẳng có lãnh đạo! Làm thế nào anh em có thể dẫn đưa một đoàn dân nếu anh em không nghe thấy họ, nếu anh em không ở trong tình trạng sẵn sàng phục vụ họ?”

Không thể rao giảng Tin Mừng mà không gần gũi
“Cùng một tinh thần của “phục vụ”, anh em phải đầu tư vào truyền giáo”, Đức Thánh Cha nói trong câu trả lời một linh mục người Mexico. “Truyền giáo được giả định là việc ra khỏi chính mình và có chiều kích của siêu việt: siêu việt trong sự thờ phượng Thiên Chúa, trong việc chiêm niệm và siêu việt đối với anh em, với người giáo dân. Sự gần gũi là  “trung tâm của Phúc âm hóa”. “Gần gũi với người dân, gần gũi với tất cả! Anh em không thể rao giảng Tin Mừng mà không gần gũi. Gần gũi và thân thiện, sự gần gũi của tình yêu thương.

Những bài giảng nhàm chán
Việc thiếu vắng sự gần gũi tạo ra nhiều vấn đề khác. Một trong những điều đầu tiên trong tất cả là “vấn đề của bài giảng nhàm chán”. “Chính bài giảng đo lường sự gần gũi của vị mục tử với giáo dân của mình”. Đức Thánh Cha nói thêm, “điều này đòi hỏi bài giảng ngắn và cụ thể, không phải là bài thuyết trình trong hội nghị, nhưng bắt đầu từ những nhận ​​thức của những người mà anh em muốn và đang hướng về họ, làm cách nào đó để mọi người có thể hiểu được”.

Thật tuyệt vời tình bạn của các linh mục!
Câu hỏi cuối cùng thật là cảm động của một sinh viên-chủng sinh người Ba Lan đặt ra với Đức Giám Mục Roma, liên quan đến “phẩm chất nhân bản” cần quan tâm để phát triển hình ảnh của Mục Tử Nhân Lành và để sống trong tương quan thần linh.

“Không hơn, không kém, đó là “khả năng cảm nhận, lắng nghe những người khác” và “ khả năng tìm kiếm con đường chung”. Đức Thánh Cha trả lời thêm: “Mục Tử Nhân Lành không phải lo ngại. Có lẽ linh mục sợ bên trong, nhưng không bao giờ tỏ ra sợ hãi hay nhát đảm. Phải biết rằng Chúa luôn giúp anh em”.

Trong viễn cảnh này, thật là tốt nếu vị linh mục biết nói chuyện và gặp gỡ giám mục của mình: “Tình bạn linh mục là một kho tàng cần được vun trồng trong anh em”, Đức Thánh Cha đề nghị. Tất nhiên, ngài thừa nhận, “không phải ai cũng có thể là những người bạn chí thiết”. Những gì thể hiện một tình bạn đáng yêu là khi các linh mục như hai, ba bốn anh em quen biết nhau, nói về các vấn đề của nhau, trao đổi với nhau niềm vui, mong đợi của mỗi người”.

“Nếu Cha tìm gặp một linh mục và người đó nói với Cha rằng “Con chưa bao giờ có một người bạn”, Cha sẽ nghĩ rằng vị linh mục này không có một trong những niềm vui tuyệt vời nhất của đời sống linh mục”.
Đức Thánh Cha kết thúc buổi trò chuyện theo “phong cách tự do” với tất cả mọi người có mặt: chủng sinh, sinh viên, hiệu trưởng, các linh mục. Ngài nói: “Hãy là bạn với những người mà Chúa đặt trước mặt anh em. Tình bạn linh mục là sức mạnh trợ lực cho sự bền đỗ trong ơn gọi, cho lòng can đảm và niềm vui tông đồ, thậm chí là một ích lợi cần thiết cho cảm xúc hài hước, hóm hỉnh. Tình bạn như thế thật đẹp!”. 
(Lê An Phong, SDB, tóm lược và chuyển ngữ)

No comments:

Post a Comment