Lời Chúa
Chúa đến trong cơn gió thoảng (1Các Vua 19,9-14)
1Vua A-kháp kể cho
I-de-ven nghe mọi chuyện ông Ê-li-a đã làm và tất cả sự việc ông dùng gươm hạ
sát hết các ngôn sứ. 2Bà I-de-ven liền sai sứ giả đến nói với ông
Ê-li-a rằng: “Xin các thần minh làm cho ta thế này, và còn hơn thế nữa, nếu giờ
này sáng mai ta không biến mạng ngươi ra như mạng một trong các người ấy”. 3Thấy
vậy, ông Ê-li-a trỗi dậy, ra đi để thoát mạng. Khi tới Bơ-e Se-va thuộc Giu-đa,
ông để đứa tiểu đồng lại đấy, 4còn ông thì đi một ngày đường trong
sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: “Lạy
ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì
cha ông của con”. 5Rồi ông nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi.
Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn!” 6Ông
đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá
nung và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống. 7Thiên
sứ của ĐỨC CHÚA trở lại lần nữa, đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn, vì
ngươi còn phải đi đường xa” 8Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ
lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là
núi của Thiên Chúa.
9Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời ĐỨC
CHÚA phán với ông: “Ê-li-a ngươi làm gì ở đây?” 10Ông thưa: “Lòng
nhiệt thành đối với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con, vì con cái
Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn
sứ của Ngài. Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống
con”. 11Người nói với ông: “Hãy
ra ngoài và đứng trên núi trước mặt ĐỨC CHÚA. Kìa ĐỨC CHÚA đang đi qua”. Gió to
bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan ĐỨC CHÚA, nhưng ĐỨC CHÚA không ở
trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong trận động
đất. 12 Sau động đất là lửa, nhưng ĐỨC CHÚA cũng không ở trong lửa.
Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. 13 Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy
áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi
ông: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?” 14 Ông thưa: “Lòng nhiệt thành
đối với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã
bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài.
Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con”.
15 ĐỨC CHÚA phán với
ông: “Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sa mạc cho tới Đa-mát mà về.
Tới nơi, ngươi sẽ xức dầu phong Kha-da-ên làm vua A-ram; 16còn
Giê-hu con của Nim-si, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Ít-ra-en. Ê-li-sa
con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ
thay cho ngươi.
GỢI Ý
SUY NIỆM
Tình cảnh
của Ngôn sứ Elia thật bi đát: bị lùng bắt và đoạt mạng vì dám nói sự thật và
chống lại cường quyền để bảo vệ Danh Chúa và sự công chính của Ngài. Êlia mệt
mõi vì cuộc đời cô thân, vất vả và “không thấy tương lai”. Điều buồn hơn là ông
cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi; sức lực già nua đã tàn nhưng vẫn phải lang
thang trong sa mạc để tìm gặp Chúa trên núi Kho-rep và để hoàn tất sứ mệnh được
giao phó. Ông đã xin cho được chết, xin chấm dứt mọi sự cho được yên thân, xin
thoái lui khỏi bổn phận làm ngôn sứ.
Thiên Chúa vẫn theo sát
bước vị ngôn sứ của Ngài. Tiếng Chúa mời gọi Elia trong cơn nhọc mệt: Dậy mà ăn và bước đi vì đường vẫn còn xa và phải đến nơi gặp gỡ Chúa. (Hình ảnh
đặc trưng cho sức mạnh của Bí tích Thánh thể “của ăn đàng”, “bánh thiên thần” được nhắc đến
sau này trong Phụng vụ).
Khi đến nơi, Êlia muốn nằm lại trong hang vì mệt mõi và đuối
sức. Chúa lại gọi mời ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Chúa”: Hãy ra
khỏi nơi ẩn nấp an toàn của chính mình, hãy đứng lên cao khỏi mọi sự sợ hãi và sự
trốn chạy thực tế khó khăn.
Tâm hồn Êlia được thôi
thúc bởi “lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa”: đây là điều duy nhất khiến ông thao
thức tìm kiếm lối ra; và vì thế ngay khi gặp khó khăn, vào lúc tưởng chừng như
phải kết thúc tất cả, ông còn có khả năng để lắng nghe tiếng Thiên Chúa mời
gọi.
Elia đã gặp Thiên Chúa
khi đứng lên, bước ra ngoài khỏi nơi ẩn nấp, tìm cách lắng nghe và phân định trong
gió bão dấu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đến với ông không phải trong cơn
giông bão, động đất, lửa cháy mà trong “cơn gió hiu hiu”: Thiên Chúa luôn là sự
an ủi dịu ngọt cho những ai cần đến Ngài. Và chỉ ai biết tìm kiếm Ngài trong
mọi hoàn cảnh, người đó mới mong học biết các dấu chỉ và thông điệp mà Thiên
Chúa muốn thông truyền.
***
Như Elia, chúng ta đã
không thiếu những lúc chán nãn, lo âu, sợ hãi vì nhiều thứ tác hại đến đời sống
của mình. Có nhiều lúc chúng ta muốn buông xuôi và có suy nghĩ: chết đi cho
xong! Nhiều lúc ta muốn kiếm một góc nào
đó để núp bóng và được yên thân. Mà điều đó không dễ, nhất là đối với những ai
vẫn còn một chút trắc ẩn “vì lòng nhiệt thành nhà Đức Chúa”.
Cuộc sống xã hội văn minh hiện đại đã và đang cuốn hút
nhiều người vào trong vòng xoáy lốc của tranh đua và nghi kỵ. Người kitô hữu nhiều
khi cũng bị lôi cuốn vào tiện nghi vật chất, lo lắng sao cho có thật nhiều của
cải và sự thụ hưởng, an nhàn. Điều này cũng không là ngoại lệ đối với tu sỹ,
linh mục và là nguyên nhân khiến nhiều người sao nhãng, sợ trách nhiệm, dần xa
rời đời sống cộng đoàn vì những toan tính riêng, thiếu hẳn cảm nghiệm về đời
sống tâm linh, sống khô khan nguội lạnh và cuối cùng đánh mất lửa của Đức tin và
của Hy vọng.
Giữa bao xáo động của cuộc sống, chúng
ta phải chạy trốn hay cần phải sống những giây phút thanh tịnh trong sự cảm
nghiệm “đấu tranh với chính mình” và “đối
diện với Thiên Chúa”?
Sống trong cầu
nguyện, hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh thể là những giây phút quý báu giúp ta
có được thứ “vũ khí” hầu chiến thắng trong cuộc chiến nội tâm với sự sợ hãi, xa
tránh, buông trôi, vượt qua những khó khăn cuộc đời, vững vàng hơn trong tin yêu
và hy vọng.
Hy
vọng vẫn còn nếu một người biết lắng nghe lời mời gọi để đi gặp gỡ Chúa. Ta sẽ
gặp Ngài ở đâu? Trong sa mạc, trên núi cao, sau hành trình dài gian khó của
công việc mục vụ hay trong ồn ào của cuộc sống, hay trong sự cô đơn của con
người? Thiên Chúa chắc chắn sẽ không nói với chúng ta qua gió bão, động đất và
lửa (thế giới của sự ồn ào, quay cuồng và tranh đua không ngừng, chiến tranh,
bom đạn kết quả của sự nóng giận, tham lam quyền lợi), mà Ngài sẽ nói với chúng
ta trong làn gió nhẹ của tha thứ, yêu thương, quan tâm, cảm thông, tình huynh
đệ.
Chúng ta có thể gặp Ngài
khi biết “bước ra ngoài cửa hang”- nơi môi trường sống và nơi cộng đoàn với
nhiều vấn đề khúc mắc, trục trặc; biết “đứng trên núi cao” - vượt trên những
toan tính vụn vặt, đam mê tầm thường; biết đón chờ ngài trong cơn gió nhẹ của
cõi lòng yêu thương và tha thứ; biết can đảm hơn để nhận biết sự yếu đuối của
chính mình để rồi “lấy áo choàng che mặt trước Chúa” như Elia. Hãy lắng nghe
Thiên Chúa nói với ta qua các biến cố, lắng nghe với tất cả sự khiêm cung, chân
thành của cõi lòng
TỪ KINH NGHIỆM CỦA DON BOSCO
Don Bosco đã kinh qua sự khổ nhọc của sứ mạng được giao phó,
và có những khi Ngài tưởng như không thể vượt qua được. Chính tình yêu Thập giá
là sức mạnh của Don Bosco. Ngài chia sẽ kinh nghiệm này bằng câu chuyện từ Kinh
thánh:
«Có lẽ sẽ có lúc xảy ra nhiều chuyện
với các con
cũng như chuyện của người Do Thái trong sa mạc, khi họ phải đối đầu với các thứ thiếu
thốn, đắng
cay, thử thách, bệnh tật và cám dỗ. Vâng, cách khắc phục đã được giao phó cho Mose: đặt cây gậy gỗ vào vùng đất cứng và nhiều cay
đắng để làm tan chảy ra nước mát ngọt ngào; cha muốn nói
tới ý nghĩa cây gỗ là Thánh Giá, đó
là Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu
và sự hy sinh thiêng liêng của Ngài, và điều đó đang tiếp diễn hàng ngày trên bàn thánh của chúng ta». (MB XII, 600).
Từ kinh nghiệm
đức tin và niềm phó thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, Don Bosco khích lệ:
«Chẳng có gì có thể làm xao xuyến lòng các con. Ai có Thiên Chúa ở cùng, sẽ có
tất cả!» (MB IV, 516). «Ích lợi gì nếu cứ ngồi than van cho những vấn đề tồi tệ
đang xảy ra với các con? Tốt hơn là chúng ta tìm cách giải trừ chúng đi với sức
lực của mình. Cả những ai muốn gầy phiền hà cho chúng ta cũng cần đến tấm lòng
bao dung của chúng ta đấy: hãy nhớ là Thiên Chúa công bằng vô cùng». (MB XIV, 116).
Gợi ý hành động
- Tôi đã học biết nơi các dấu chỉ của thời đại hôm nay sự hiện diện của Thiên Chúa chưa?
- Như một SDB/VN tôi có thể làm gì để giúp người khác, nhất là các bạn trẻ, để họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa bằng chính thái độ sống của tôi: than trách, buông trôi hay dấn thân?
(Lê An Phong,SDB)
No comments:
Post a Comment