05 June, 2011

“Hãy cho tôi ý nghĩa cuộc sống và tôi sẽ sống!” – Học hỏi kinh nghiệm sinh hoạt với trẻ.



 
Có lẽ các SDB khi gặp gỡ người trẻ thường hay hỏi đến tình hình công việc, học hành, gia đình và các mối bận tâm của họ một cách chung chung. Đó là cách tiếp cận thông thường và bằng cách này chúng ta có thể hiểu tâm tư người trẻ. Tuy nhiên nhiều nơi và nhiều lúc khác nhau các bạn trẻ không cảm thấy “an tâm” vì ngay chính bản thân họ nghĩ rằng mình không có vấn đề, hoặc “chuyện cần nói” có tính cách tế nhị, và người trẻ không muốn nói ra. Có lẽ chỉ với những ai họ tin tưởng thì người trẻ mới tâm sự. 

Không ít các trường hợp người lớn cảm thấy mình khó xử hay thiếu chuẩn bị để trả lời các thắc mắc của người trẻ. Đôi khi câu trả lời của người lớn lại trở nên xa lạ và không thể hiểu được. Phải chăng các bạn trẻ cần một thứ ngôn ngữ của họ? Họ cần chứng tá của những người cùng lứa tuổi, cùng sống trong một hoàn cảnh tương tự mình mà có những kinh nghiệm riêng biệt khác mình. 

Nhận thấy nhu cầu này, trong các giờ sinh hoạt nhóm, nhiều saledieng đã giúp các bạn trẻ chia sẻ tâm tư và những quan niệm của người trẻ về cuộc sống. Họ đặt vấn đề bằng cách đưa ra một số câu hỏi gợi ý, chẳng hạn: Bạn có suy nghĩ gì về cuộc sống? Thế nào là sống có ý nghĩa? Sự thành công, tiền bạc, lạc thú, quyền lực có thể là ý nghĩa đích thực của cuộc sống? Tình yêu làm cho cuộc sống có nghĩa hơn, và chỉ cần tình yêu nhân loại là đủ để sống có ý nghĩa, bạn nghĩ thế nào? Cái chết là kết thúc sau cùng của kiếp người, như vậy cuộc sống có ý nghĩa không?...
Qua các gợi ý này, người trẻ thảo luận và trình bày cho người khác nghe suy nghĩ của mình. Chúng ta có thể hiểu thêm thế giới của họ qua những chia sẻ thẳng thắn từ nhiều khoé nhìn khác nhau về cuộc sống.

Một số bạn trẻ tỏ ra “vô tư” và không mấy quan tâm đến chuyện suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống hay sống làm sao cho có ý nghĩa. Họ chia sẻ như sau:
-          “ Với tôi ý nghĩa cuộc sống là SỐNG, đơn giản vậy thôi”.
-          “Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện này. Tôi còn trẻ và còn nhiều thời gian để sống hoặc tìm một ý nghĩa nào đó để sống. Tôi hy vọng là sau này tôi sẽ tìm thấy một ý nghĩa đích thực và đúng đắn cho cuộc sống của mình”.
-          “Tôi không có một ý tưởng cố định về chuyện này. Hôm nay tôi nghĩ đến một mục tiêu; ngày mai, có lẽ tất cả sẽ thay đổi”.

Một số bạn trẻ khác thì có thái độ “nghi ngờ” về cách đặt vấn đề tại sao lại cần ý nghĩa để sống. Cũng dể hiểu thái độ của họ, vì khi người ta sống trong hoàn cảnh xã hội đa dạng của chủ nghĩa tương đối, của tự do cá nhân quá trớn, của chủ nghĩa hư vô, việc tìm cho mình một định hướng sống không phải là dễ dàng. Đây là những chia sẻ của các bạn trẻ:
-          “Tôi thấy rằng phần đông không có một mục tiêu để sống, họ chỉ sống cho qua ngày. Người ta không có cơ hội dừng lại và tự hỏi vì sao mình hành động như thế. Người ta sống chỉ vì được sống. Một ai đó có thể nói với tôi: Bạn nên làm điều này, hoặc nên làm điều kia trong những trường hợp cụ thể nào đó, nhưng rốt cuộc họ không biết vì sao. Và tôi tự hỏi có tồn tại một ý nghĩa nào chung cho tất cả mọi người không? Người ta có thể sống mà không cần đến một mục tiêu nhất định và sau cùng chăng?”.
-          “Tại sao chúng ta hiện hữu? Để thăng tiến ư? Mà thăng tiến gì cơ chứ? Làm sao có thể có chuyện “kiến giết voi”! Tôi khóc cho cái thế giới đói khát này, khóc cho cuộc đời mình. Tôi không thể giả vờ vui vẻ, giả vờ hạnh phúc. Tôi không tin là có sự hạnh phúc; hạnh phúc không thuộc về thế giới này. Hạnh phúc chỉ là một thứ hy vọng hão huyền”.
-          “Tôi mệt mỏi lắm rồi vì trò đùa nghiệt ngã của cuộc đời. Tôi nhớ nụ hôn của Paola, bởi vì tôi chỉ còn lại duy nhất kỷ niệm ấy. Bánh xe vận tải đã cướp mất cuộc đời người tôi yêu khi cô ấy vừa tròn 16 tuổi”.

Có bạn trẻ “trăn trở” thực sự về cuộc sống và muốn tìm kiếm một giá trị để sống.
-          “Tôi thấy mình cần một sức mạnh để đạp đổ bức tường ngăn cản tôi sống, để tôi sống khác mình bây giờ: cô đơn, thất vọng, không muốn tin tưởng một ai cả, không có mục tiêu, lý tưởng. Tôi không sống thực là mình, tôi đang sống như cỏ cây. Tôi cần một ý nghĩa đích thực để sống và tôi đang day dứt tìm kiếm nó. Cứ mỗi ngày trôi qua với cuộc sống vô nghĩa, tôi cảm thấy mình đánh mất một ngày”.

Một số khác có niềm tin thì suy nghĩ khác hơn. Với họ cuộc sống mang một sắc màu khác. Có thể niềm tin cho người ta một chút hy vọng và một định hướng sống cũng như sức mạnh để vượt qua những khá khăn nhất định.
-          “Tôi được 17 tuổi và thời gian trôi qua phần lớn là ở nhà và ở trường. Tôi hiểu rằng mình vẫn còn non trẻ. Tôi tin vào Chúa nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc dâng hiến đời mình để phục vụ Chúa Kitô và yêu thương mọi người. Tôi tin là Thiên Chúa luôn ở với tôi ngay cả khi tôi không có ý thức về Người. Tôi luôn tìm cách để sống và hành động một cách cụ thể, trong sự sẵn sàng, bởi vì ngày Chúa lại đến không phải là “chuyện bên lề cuộc đời”.
-          Tôi vừa tròn 14 tuổi. Chỉ ít thời gian trước đây thôi, cuộc sống đối tôi thật kinh khủng. Mọi người xua đuổi và chối từ tôi. Cuộc đời tôi chỉ đầy những thứ ngu xuẩn và tôi là một kẻ vô thần. Cuộc sống tôi thay đổi từ khi tôi tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa. Tôi muốn nói với những ai nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa rằng: Bạn hãy tự vấn lòng mình: phải chăng thế giới tuyệt đẹp này tự nhiên mà có? Không, bạn thân mến! Có bàn tay của một “Ai đó” làm nên tất cả, và đã điểm tô cho thế giới này một tạo vật hoàn hảo giữa mọi tạo vật – con người!”.
-          “ Với tôi cuộc sống có một sức mạnh lớn lao…Cuộc sống là suy tư, tâm sự, cảm xúc. Cái chết không tồn tại và không ý nghĩa gì để chỉ nói đến nó. Con người sợ cái chết và tìm cách chạy trốn nó. Nhưng cuộc sống là tất cả, kể cả những xung đột giữa thiện và ác, tình yêu và hận thù, hạnh phúc và đau khổ… Và chính vì điều này mà cuộc sống mang nét hào hùng tuyệt vời”.
-          “Các bạn hãy suy nghĩ xem, ngoài sự đau khổ chúng ta còn nhiều điều khác hay hơn và đáng sống: Ta có thể ra đường gặp gỡ bạn bè, lắng nghe một đĩa nhạc, hát một ca khúc, làm một bài thơ, lên giường nằm ngủ với hàng ngàn suy nghĩ thú vị; và nếu cần hãy khóc đi nếu bạn cảm thấy buồn, cô đơn và bị bỏ rơi. Dù sao đi chăng nữa chúng ta vẫn sống một cách mạnh mẽ”.

Một ai đó đã nói rằng: “Cuộc sống không có mục đích là một cái chết trước kì hạn”. Các suy tư của người trẻ giúp chúng ta nhận ra rằng dù thế này hay thế khác, cuối cùng người ta vẫn cần một lý do để sống. Tôi bổng dưng chợt nghĩ: nếu một bạn trẻ nào đó hỏi tôi rằng anh có lý do để sống không; anh có thể giúp tôi tìm một ý nghĩa đích thực để sống không, tôi sẽ trả lời sao đây? Hình như mình vẫn chưa tìm ra một thứ ngôn ngữ thích hợp với thời đại và vẫn còn cảm thấy “thiếu chuẩn bị”. Cần thiết phải có một nổ lực không ngừng trong việc tìm kiếm và sống ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình. Cần thiết phải có sự kiên nhẫn vậy. 
Lê An Phong, SDB.
(Có sử dụng các lời trích dẫn từ Tài liệu muc vụ giới trẻ “Datemi un senso e vivrò” NXB LDC, Torino)



Tình trạng bạo lực nơi người trẻ và việc giáo dục



Thời gian gần đây ở nhiều nơi, người ta nói nhiều đến hiện trạng đáng báo động về bạo lực nơi người trẻ: chuyện các băng đảng “đại bàng” hoành hành nơi trường học, chuyện đánh nhau nơi các sân vận động, việc các nhóm quá khích kỳ thị chủng tộc và khủng bố đang nổi lên lại tại nhiều nơi. Ngoài những vấn đề cần bàn về trật tự an toàn xã hội hay về tính cách luân lý của hiện tượng này, chúng ta suy nghĩ đến nguyên nhân và nhu cầu cấp bách của việc giáo dục người trẻ nơi các môi trường salêdiêng. Xin chuyển đến mọi người một vài suy tư của tác giả Giuseppe Casti  trong Nguyệt san Mục vụ giới trẻ Salêdiêng - Nota pastorale giovanile – số 04/07.

Để hiểu về tình trạng bạo lực nơi người trẻ
Trong xã hội ngày nay, bạo lực mang nhiều bộ mặt khác nhau và gây ra hậu quả phức tạp. Người trẻ muốn thể hiện điều gì khi sử dụng bạo lực? Nhà giáo dục cần hiểu thực trạng của giới trẻ và cần thiết có những thẩm định chính xác dựa trên các giá trị đạo đức nền tảng. Bạo lực luôn tạo ra tiếng vang mà ta không thể làm ngơ được. Đó là một thông điệp từ những ai bị loại ra ngoài lề xã hội, hoặc của những người cảm thấy không thể đồng hành cùng mọi người, hoặc của người trẻ không có cơ hội để biểu lộ chính mình. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ đến những vấn đề sau đây về môi trường giáo dục.
Phía gia đình: việc giáo dục trong sự che chở và “bảo vệ” quá mức làm cho người trẻ không thể phát triển và trưởng thành về trí óc cũng như tinh thần, đông thời chỉ gia tăng nơi họ nhu cầu vật chất và sự tìm kiếm các phương tiện để giải quyết cho nhu cầu ấy.
Phía xã hội: nền văn hoá của hưởng thụ và việc tôn thờ sự thành công như một chuẩn mực sống đã khiến nhiều người thất vọng khi không thể vượt qua một khó khăn nhỏ, hay xem là một “sai lầm lớn” nếu mình bị xem là “vô danh”. Đây cũng là một điều đáng nói liên quan đến vấn đề thế nào là ý nghĩa cuộc sống.
Thường một bạn trẻ bước vào con đường bạo lực vì thiếu ý nghĩa để sống, cảm thấy thất vọng và không thèm suy nghĩ cũng chẳng tin rằng cuộc đời mình sẽ đạt hạnh phúc nơi những điều tốt lành và trong an bình trật tự. Rất nhiều bạn trẻ nghĩ rằng cuộc sống luôn kết thúc buồn thảm, nên trong họ, niềm ước mơ xây dựng một xã hội tốt đẹp bị dập tắt và sự xác tín rằng cuộc sống là “thứ không thể chịu đựng hay tin được” cứ ngày một làm gia tăng tính cách nổi loạn nơi họ.
Chúng ta không thể không nói đến một lần nữa môi trường gia đình. Đó là nơi duy nhất và là chổ an toàn cho người trẻ, nơi làm cho họ cảm thấy tự tin và cảm thấy mình “có giá trị” trong mắt mọi người xung quanh. Chính cha mẹ là những người đầu tiên cho con cái mình cảm nhận ấy. Người mẹ với sự hiền dịu vốn có sẽ tăng thêm phần khích lệ cho con cái, thúc đẩy chúng biết sống ôn hoà và học biết cách tha thứ. Người cha cho con cái một chổ dựa vững chắc và thúc đẩy chúng lòng can đảm để đương đầu với những khó khăn bên ngoài. Theo những quan sát tâm lý, những đứa trẻ cảm thấy an toàn và tự tin trong gia đình có khả năng cao hơn để sống tình huynh đệ và tương thân tương ái với mọi người. Tuy nhiên việc giới hạn hay đóng kín trong gia đình nhỏ cũng là một điều tiêu cực. Thật vậy, bảo vệ con cái hay trao ban cho chúng những điều kiện tiện nghi tối đa sẽ biến chúng thành đối tượng của mọi vấn đề và sẽ làm cho chúng trở nên thụ động. Cần thiết phải mở rộng cho chúng cơ hội để trở thành chủ thể hoạt động tích cực trong các môi trường xã hội, giáo hội, văn hoá, chính trị kinh tế …  
Bạo lực nơi người trẻ biểu hiện phần lớn nơi công việc hay đời sống thường ngày. Trong thời mà người ta sống và nghĩ rằng con người là Alpha và Omega của chính mình, những gì là siêu nhiên về vũ trụ, về Thượng đế, về quốc gia, về thăng tiến nhân bản được xem như là giáo điều và ảo tưởng…, thì mọi sự sẽ kết thúc nhanh chóng nơi chủ trương vật chất là tối thượng. Thực tế có nhiều người chỉ biết tìm trong công việc sự an toàn cho tương lai. Một số chịu nạn bấp bênh hay thử thách trong công ăn việc làm thì lại lo sợ cho tương lai. “Tương lai” đối với thế hệ trẻ hôm nay  trở nên một sự đe doạ sống còn hơn là một niềm mơ ước và hy vọng. Chúng ta chẳng nghi ngại gì để khẳng định rằng: một công việc tốt và ổn định là sự bảo đảm chắc chắn cho tương lai. Điều đáng nói là nơi tư tưởng của nhiều bạn trẻ, có một sự lẫn lộn khi phân biệt “cuộc sống thành công về mặt xã hội” và “cuộc sống hạnh phúc”. Có một sự khác biệt rất lớn giữa người khôn ngoan thật và những người chạy theo “tôn giáo của sự thành công”. Người ta không thể giới hạn hạnh phúc thật trong những gì thụ hưởng cá nhân và nơi quyền hành, địa vị, chức tước, tiền tài, danh vọng… Tuy nhiên, giải thích cho người trẻ hiểu sự khác biệt giữa “tiện nghi, an nhàn” và “hạnh phúc thật” là một điều rất khó. Đối với các nhà giáo dục, theo gương Don Bosco, bước song hành trong nhiệm vụ chuẩn bị cho người trẻ khả năng chuyên nghiệp nào đó để bay vào tương lai và khơi dậy ước ao đi tìm niềm vui sống đích thực là điều không thể tách rời được.
Bạo lực nơi người trẻ còn biểu hiện nơi việc giải trí và thể thao. Sân chơi là môi trường nơi các bạn trẻ có thể trải qua thời gian tự do trong tinh thần vui tươi và huynh đệ đang trở nên “điểm ngắm” của những quan tâm kinh tế và chính trị. Thể thao bị thao túng bởi tính cách chuyên nghiệp, bởi quyền lực và lợi nhuận không còn đơn thuần là trò chơi, giải trí hay là “lễ hội” nữa. Thể thao như thế sẽ chẳng còn là dịp để gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và đua tài, mà trở thành dịp đấu đá hay thoả hiệp vì lợi nhuận. Thể thao không còn là lễ hội đã nhường chổ lại cho bạo lực. Và bạo lực đã xảy ra không chỉ nơi sân vận động quốc gia hay địa phương mà ngay cả nơi sân bóng nhỏ của Nguyện Xá nữa. Bởi thế các Nguyện Xá phải bằng cách nào đó tìm lại nét mặt tươi đẹp trong các hoạt động vui chơi hằng ngày của trẻ và cứu vãn tình hình sinh hoạt thể dục-thể thao-văn hoá đang bị xem như là một dịch vụ và xa dần tầm tay của việc giáo dục salêdiêng.

Người salêdiêng đối diện với vấn đề bạo lực nơi người trẻ
Trước thực tế này, chúng ta không thể dừng lại ở việc phân tích theo kiểu xã hội học về thực trạng đời sống của người trẻ, cho dù trong trách nhiệm của các nhà giáo dục, bổn phận của chúng ta là phải học biết các yếu tố cấu thành và tình trạng đời sống của người trẻ để từ đó có những can thiệp thích hợp. Cần thiết phải nhìn lại tinh thầncách sống của nhà giáo dục.
Trở về với con tim - Khi Don Bosco nói rằng “giáo dục là công việc của trái tim” chắc chắn ngài không nhắm đến những gì thiên về cảm xúc. Don Bosco muốn nói đến chiều sâu của việc giáo dục, điều đòi hỏi phía các nhà giáo dục sự thức tỉnhquan tâm nhiều hơn tới tình trạng sống của người trẻ. Đó không là một thứ công việc tâm lý đơn thuần mà là một nỗ lực tìm kiếm nền tảng trên đó chúng ta xây dựng và điều chỉnh mọi sự. Việc “trở về với con tim” nhắc nhở chúng ta khởi đi từ những kinh nghiệm của người trẻ, lắng nghe, khuyên bảo và thanh lọc những kinh nghiệm của họ trong những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Người trẻ giàu tiềm năng, quan trọng là những năng lực của họ phải được đưa dẫn vào các nẽo đường thích hợp của sự tự do, từ tự do cá nhân đến tự do của nhân loại, từ cuộc sống riêng tư đến việc rộng mở cùng thế giới nơi còn nhiều người nghèo khổ và thiếu thốn. Khi giáo dục có khả năng khơi dậy những tiềm lực của tự do và cũng là sức mạnh của Sự Sống lại, thì lúc đó việc giáo dục sẽ làm sống lại những gương mặt mới nơi Nguyện xá, trường học, giáo xứ…
Tìm kiếm gương mặt của Thầy Annia - Hãy thử nghĩ xem Phaolô trên đường đi Damas sẽ ra sao nếu không có thầy Anania và cộng đoàn kitô hữu nhỏ bé đầu tiên? Có thể có chăng vị thánh trẻ Domenico Savio nếu không có Don Bosco - người đã đón nhận và giáo dục người bạn nhỏ tuổi này nơi Nguyện Xá? Phải tìm lại gương mặt của thầy Anania ngày nay. Nhiều vị mục tử hay các nhà giáo dục đã đặt những kinh nghiệm sống của các bạn trẻ ngoài tầm ngắm mục vụ và chỉ quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức các hoạt động, các chương trình, các cử hành của riêng mình. Vai trò của họ cần phải được thể hiện khác đi. Họ phải là những Anania lắng nghe, đón nhận và chữa lành.
Tìm kiếm những lời giải đáp hay làm một cuộc đồng hành? Vấn đề bạo lực nơi người trẻ gợi nhắc chúng ta nhớ đến sức mạnh và việc chọn lựa hệ thống giáo dục dự phòng của Don Bosco. Chuyện thay đổi con người hay xã hội cần thiết phải từ nội tâm, từ bên trong mỗi một hành vi, ngôn ngữ, thói quen cá nhân sau đó mới đến cấu trúc hay luật lệ xã hội. Đừng tin là sống trong một thế giới có cấu trúc tương hợp và hài hoà con người có thể sống hạnh phúc mà không cần đến việc chính mình trước hết phải là người tốt lành và hạnh phúc.
Tất cả phụ thuộc vào khả năng đồng hành với người trẻ của nhà giáo dục. Nhiều khi chúng ta tìm cách đưa ra những câu trả lời giải đáp thắc mắc trong lúc người trẻ cần ai đó bước đi với họ. Tất nhiên thật khó mà lên đường nếu ta không biết sẽ đi đâu và sẽ đến đâu. Người trẻ chờ đợi một cuộc gặp gỡ có thể giúp họ  khám phá chính mình nhiều hơn và mong ước tìm gặp ý nghĩa đích thực nơi cuộc phiêu lưu của kiếp nhân sinh. Họ không mong đợi tìm thấy kho tàng những điều chắc chắn và may mắn, nhưng họ cần một sự trợ giúp. Họ muốn tìm gặp các nhà đạo sĩ trên đường tìm ngôi sao lạ hơn là các thầy thông luật ngồi ở Giêrusalem.
Đáng tiếc là nhiều khi chúng ta có quá ít sự nhạy cảm với những thao thức của người trẻ. Nhiều người trong họ không còn hỏi chúng ta điều gì cần phải tin mà là vấn đề vì sao phải tin. Ai trong chúng ta cảm thấy mình tự do thực sự trong Đức tin để có thể truyền rao một niềm tin có sức sáng tạo những nét mới mẻ từ hống ân chúng ta nhận được? (Lê An Phong, SDB - tóm lược và chuyển ngữ).

SDB - Cách nào để họ nói với người trẻ về Thiên Chúa?



“Nói về Thiên Chúa”, hay cách khác, “truyền giáo” là nét đặc biệt căn bản trong các công cuộc saledieng. Don Bosco đã từng hứa hẹn với nhưng ai cộng tác với Ngài ba điều: cơm ăn, việc làm và Thiên đàng. Mục đích chính trong giáo dục mục vụ tông đồ saledieng là vì phần rỗi các linh hồn, và các hoạt động tông đồ luôn quy chiếu về Thiên Chúa.
Cha ông ta ngày xưa hay nói “có thực mới vực được đạo”. Các môn đệ của Marx thì quả quyết “Vật chất quyết định ý thức”.
Một thực tế về “thực” và “đạo”làm tôi suy nghĩ là: tại sao ở những nơi  nghèo khổ thì lòng đạo đức vẫn còn mạnh mẽ; còn những nơi đã ăn dư mặc đủ thì Thiên Chúa bị “đuổi” ra khỏi đời sống con người? Có “thực” (vật chất) nhiều lắm rồi, nhưng “đạo” (tinh thần) không thể nào vực lại được. Phải chăng theo như nhiều người suy nghĩ, Thiên Chúa chỉ do con người tạo nên; và nếu như con người không còn nghĩ tới ngài nữa, thì Thiên Chúa cũng biến mất luôn khỏi cuộc sống của họ? Phải chăng của cải vật chất làm con người no thỏa và lòng họ không còn mong ước gì thêm nữa, kẻ cả Thiên Chúa? Chúng ta không đủ thời gian để tranh luận dài dòng về Thiên Chúa và sự hiện hữu của Ngài, nhưng có thể xác tín rằng thế giới vật chất không là tất cả của con người; con người cần đến Thiên Chúa. Tuy nhiên, giữa Người và thế giới này có một vực thẳm cách biệt. Cũng vì thế, sự lựa chọn giữa Thiên Chúa và “thế giới của Cesare” là một việc “sinh tử” của kiếp người.
Ai cũng muốn mình được sống tự do, nhưng hình như con người bị vật chất ràng buộc suốt cả cuộc đời, và người ta khó thoát ra khỏi sự nô lệ vật chất. Chính Chúa Giêsu đã khuyến cáo các môn đệ người rằng: hãy tỉnh thức, vì tinh thần thì mạnh mẽ nhưng  thể xác thì yếu đuối.
Người Bulgari có câu ngạn ngữ: “Nếu tôi có hai ổ bánh mì, tôi sẽ bán một ổ để lấy tiền mua một nhánh hoa hồng”. Tôi nghĩ ngay: sao mà người ta “chảnh” thế nhỉ, ăn chưa đủ no mà bày đặt chuyện tiêu phí! Nhưng người ta có lý: con người không chỉ sống vì nhu cầu vật chất mà còn cần đến các nhu cầu tinh thần. Chúa Giêsu  cũng đã dạy rằng người ta sống không nguyên bởi “bánh”, bởi của ăn thức uống, nhưng còn bởi Lời của Thiên Chúa nữa.
Qua các thông tin về truyền giáo ở Mông cổ, tôi cảm nhận một điều là người nghèo ở đó họ cần trợ giúp vật chất, nhưng việc hoán cải và lãnh nhận đức tin Kitô giáo nơi họ không phải vì nhu cầu “đi đạo có gạo để ăn” như một thời; mà phải vì một thôi thúc nào đó sâu xa hơn từ nhu cầu được cảm thông và hiệp nhất trong tình yêu thương liên đới giữa con người, từ những cảm nhận về niềm tin và sức sống nơi các kitô hữu đang sống bên cạnh họ.
Cha Fabio Attard, Tổng Cố vấn mới về Mục vụ giới trẻ, khi dạy ở Đại Học Saledieng UPS, có kể về kinh nghiệm mục vụ của ngài ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài đã từng làm việc trong một trường salêdiêng. Theo qui định dân sự, ở đó người ta không cho phép nói gì về Chúa Kitô, không được biểu lộ niềm tin công giáo. Trường học saledieng đón nhận các trẻ em Hồi giáo để dạy dỗ họ nhiều thứ, nhưng “nói về Thiên Chúa” thì không được phép. Chỉ có một cách là sống chứng tá niềm tin bằng những gì nhân bản nhất và âm thầm nhấ, một cách “nội bộ”…
Trong thực tế, nơi nhiều Nguyện Xá saledieng, các bạn trẻ đến sinh hoạt hằng ngày phần lớn không mang niềm tin Kitô giáo. Vấn đề về niềm tin ở đây đôi khi rất tế nhị: với một số bạn trẻ theo tôn giáo khác, hình thánh giá hay Chúa Giêsu gây “dị ứng”; hoặc giờ cầu nguyện vắn tắt của một Kinh Lạy Cha trong lúc giải lao mà các SDB vẫn làm với giới trẻ của mình chẳng mang một ý nghĩa hay giá trị nào với họ. Dù sao người trẻ cần được nhắc nhở để nhận ra rằng “người khác đang cầu nguyện và họ cũng như bạn, cần có một sự tôn trọng nào đó vì niềm tin của chính mình”. Dần dần các bạn trẻ cũng nhận ra đây là điểm đặc biệt của Nguyện xá: với họ không chỉ là sân chơi mà còn là trường họcnhà thờ nữa. Trong tất cả mọi sự người ta cần một chút kiên nhẫn vậy!
Trong bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo, người ta phải làm quen dần với một thực tế mà trước đây chưa phải là vấn đề, một thực tế của đối thoại liên tôn. Từ đó, một số cũng hay nói rằng, với tôi không quan trọng Thiên Chúa của bạn là ai, nhưng quan trọng là với bạn Ngài là ai, và Ngài có chổ đứng ở đâu trong cuộc đời bạn; với Ngài bạn sống thế nào.
Nói về Thiên Chúa cho người khác là bổn phận của mỗi kitô hữu. Với một tu sĩ SDB thì sao?  Có lẽ như bao người kitô hữu khác, chúng ta phải trở về với điểm căn bản này: Thiên Chúa là ai, và Người có chổ đứng nào trong cuộc sống con người. Điểm khác biệt hơn cho bản thân các saledieng là: với tôi Chúa Kitô là ai, và tôi phải nói về ngài thế nào với người trẻ. Việc Phúc Âm hoá như thế là sứ mệnh của Giáo Hội, nhưng đôi khi được gắn với nhiệm vụ của các nhà truyền giáo hoặc những ai có bổn phận giáo dục đức tin. Và người ta hay bàn đến cách thức, hay kiểu truyền thông về Đức tin ngày nay, nhất là cho người trẻ. Điều đó thật căn bản và cần thiết. Chúng ta thử tưởng tượng xem: làm sao một người trẻ có thể chấp nhận Thiên Chúa là Cha yêu thương trong khi bố em đã bỏ rơi gia đình, và ra đi tìm một phương trời mới khi em vừa chào đời? Làm sao có thể nói với người trẻ về một cộng đòan hiệp nhất và yêu thương trong khi họ đã có quá nhiều kỷ niệm đau thương về sự chia lìa trong gia đình? Làm sao người trẻ tin là tồn tại đức ái và niềm vui của sự trao ban - cho thì có phúc hơn là nhận, nếu họ tiếp xúc với những người đang sống bên cạnh mình, như cha - thầy - bạn luôn tỏ ra mệt mõi, căng thẳng, buồn rầu?
Con người của thời đại nào sử dụng ngôn ngữ của thời đại ấy. Mà đời sống một cá nhân thánh thiện gương mẫu cũng là một thứ ngôn ngữ gây tiếng vang mạnh mẽ và lâu dài. Lại một đòi hỏi nữa về đời sống chứng tá Tin mừng đối với các salêdiêng, một đời sống “với những dấu chỉ khả tín” cho một niềm tin siêu nhiên vậy!
Lê An Phong, SDB (Genova 2008)

SDB và thời đại – Một chút tâm tình với các bậc phụ huynh

 

 
Có lẽ với các salêdiêng lão thành và là người làm việc mục vụ lâu năm, chuyện các ông bố bà mẹ đến tâm sự về con cái mình không khi nào thiếu. Có người thì hãnh diện vì con cái mình ngoan hiền, đạo đức. Cũng có người cảm thấy đau khổ và buồn rầu vì những “đứa con hoang đàng, lỗi đạo”. Với các salêdiêng trẻ tuổi, các ông bố bà mẹ thường hay “khuyên” rằng nên đi tu thì hay hơn, vì lập gia đình thì vợ chồng con cái như “của nợ đời ”. Thực tế, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái lắm khi như một cái gánh nặng trên vai.
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Các bậc cha mẹ thường thú nhận điều này khi cảm thấy “bó tay” vì con cái của mình đi ra ngoài tầm kiểm soát. Nơi các gia đình có đông anh chị em, người ta dễ dàng nhận ra rằng: cho dù mọi người cùng sống trong một hoàn cảnh nhất định, nhưng tính tình mỗi người mỗi khác; anh này chị kia mỗi người là một “mầu nhiệm”; mỗi người là một tiểu vũ trụ đầy những bí ẩn mà chỉ có Chúa mới biết tận cùng ra sao.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp cha mẹ sinh con và sinh cả… tính tình nữa! Con cái chịu ảnh hưởng từ cha mẹ; hay nói cách khác, trẻ thay đổi tính tình hoặc trở nên hư hỏng vì thiếu giáo dục hay vì thụ hưởng một sự giáo dục sai lạc từ cha mẹ. Cha ông ta ngày xưa đã có kinh nghiệm này: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Người ta cũng hay nói :”Cha nào con nấy”, hoặc “rau nào sâu ấy”.
Chuyện nuôi dạy con cái là chuyện “xưa như trái đất”, nhưng luôn là mối bận tâm của mọi thời. Nếu ai đọc qua một lần “Gia huấn ca” của cụ Nguyễn Trãi, thì có thể nhận ra rằng cái lý của người xưa đến nay vẫn còn gợi nhắc chúng ta suy nghĩ.
Ngày con đã biết chơi biết chạy,
Đừng cho chơi cầm gậy, trèo cao,
Đừng cho chơi búa chơi dao,
Chơi vôi, chơi lửa, chơi ao có ngày.
Lau cho sạch không hay dầm nước,
Ăn cho vừa, đừng ước cao lương,
Mùa đông tháng hạ thích thường,
Đừng ôm ấp quá, đừng suồng sã con.
Dạy từ thủa hãy còn trứng nước,
Yêu cho đòn bắt chước lấy người,
Trình thưa, vâng dạ, đứng ngồi,
Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên.
Gần mực đen, gần đèn thì sáng,
Ở bầu tròn, ở ống thì dài,
Lạ gì con có giống ai,
Phúc đức tại mẫu là lời thế gian.
Làm mẹ chớ ăn càn, nói dở,
Với con đừng chửi rủa quá lời,
Hay chi thô tục những người,
Hôm nay cụ cụ, ngày mai bà bà.
Gieo tiếng ra chết cây, gãy cối,
Mở miệng nào có ngọn có ngành,
Đến tay bụt cũng không lành,
Chồng con khinh rẻ, thế tình mỉa mai!
Ấy những thói ở đời ngông dại,
Khôn thì chừa, mới phải giống người,
Sinh con thì dạy thì nuôi,
Biết câu phải trái lựa lời khuyên răn.
(Xin xem thêm Gia huấn ca).
Người xưa đã từng dạy thế, người của thời hiện đại ngày nay ở một phương trời khác cũng có chung một kiểu suy tư. Linh mục Antonio Mazzi, một tu sĩ thuộc Tu hội Các Tôi tớ của Chúa Quan phòng, một nhà giáo dục và là một chuyên gia tâm lý tuổi trẻ, làm việc ở Cộng đoàn giáo dục mang tên Exodus, đã cho xuất bản mới đây  một cuốn sách mang tựa đề Mười cách để làm hư hỏng con cái của bạn (NXB San Paolo). Trong cuốn sách này, với tất cả tâm tình của một mục tử và kinh nghiệm sống với người trẻ như một nhà giáo dục, ngài tâm sự với các bậc cha mẹ về các mối nguy cơ của việc giáo dục sai lạc trong gia đình – các nguy cơ dẫn đến việc làm hư hỏng con cái như cách thức giao tiếp, cách tổ chức thời gian, cách biểu tỏ tình cảm, cách sử dụng của cải tiền bạc, lối sống đạo đức - tinh thần, việc chia sẻ, nâng đỡ và đồng trách nhiệm trong gia đình… Có người đã hỏi cha Antonio: “Cha là một linh mục và cha chưa bao giờ giáo dục con cái của chính mình…”. Ngài trả lời rằng: “Tôi bị nhiều người hỏi vậy rồi, và tôi không là một người cha về mặt sinh học, nhưng sống và làm việc trong một cộng đoàn với các bạn trẻ, người ta có thể dễ dàng tạo nên một tương quan của tình phụ tử thật mạnh mẽ. Nên biết rằng giáo dục con cái người khác bao giờ cũng khó khăn hơn là với con cái của mình. Mà tôi, thật là “kém may mắn”, phải làm cha cho những đứa con của người khác, và tôi phải thực sự là người cha đối với chúng. Mỗi buổi chiều tôi phải tự hỏi mình “bọn trẻ đang ở đâu, làm gì; và tôi sẽ làm gì cho chúng”. Cha Antonio nói thêm “Con cái của bạn như những cây non. Khi bạn trồng chúng, bạn đã phải chuẩn bị cho sự sống lâu dài sau này. Hãy cho chúng mảnh đất tươi tốt và giúp chúng cắm rể sâu vào lòng đất, vì sau này chúng phải tự mình lo kiếm nguồn nhựa sống”.
Tuy bối cảnh xã hội mà ngài nói đến thuộc các nước phát triển, nhưng thiết nghĩ một vài điểm cũng khiến chúng ta suy nghĩ trong  hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.

  1. Về thời gian rảnh rỗi hay thời gian “tự do” của trẻ
Thường thì trẻ cần nhiều thời gian cho việc học hành ở trường cũng như ở nhà. Tuy nhiên nhu cầu nghỉ ngơi và chơi đùa rất cần thiết cho trẻ. Một số phụ huynh vì không có thời gian trông nom nên gởi trẻ đi bất kì nơi đâu, học hết môn năng khiếu này đến hoạt động ngoại khoá khác. Một số khác thì để cho trẻ “free” hoàn toàn để làm những gì các em muốn.
“Thời gian rảnh rỗi của trẻ là một vấn đề - cha Antonio viết - và chúng ta (các bậc cha mẹ) đã không quan tâm đúng mức đến điều này. Thực tế người trẻ có khá nhiều thời gian rỗi và họ bị mất hút vào cái gọi là “không làm gì cả”. Don Bosco, một trong những bậc thầy về giáo dục, đã thử “thời vận” phương pháp giáo dục của mình, áp dụng trong cách sử dụng thời gian rảnh rỗi của trẻ. Đó là sân chơi Nguyện xá. Người lớn chúng ta phải suy nghĩ lại cách lên chương trình cho thời gian nhàn rỗi của trẻ và phải đảm trách việc này một cách có trách nhiệm; gia đình phải giúp người trẻ phân biệt đâu là lối vui chơi theo kiểu “băng đảng” và đâu là tình bạn thực sự…”
Chúng ta biết rằng thời gian rảnh rỗi không đơn thuần là khoảng thời gian trống giữa các hoạt động, hay là lúc “không làm gì cả”. Đó là lúc con người thay đổi một chút hoạt động. Người ta có thể “thư giãn” bằng cách nghe nhạc, đi dạo, trò chuyện, gặp gỡ thân mật trong gia đình, xây dựng tương quan với người khác, hay sống với khoảng không gian tự do của mình để tìm lại chính mình và để chuẩn bị cho một bước đi mới. Khi một người “không biết làm gì” cả thì thời gian rảnh rỗi không còn giá trị và tất cả thời gian quí như vàng bạc rồi cũng trôi đi vô ích. “Người bị mất vàng bạc sẽ tìm lại được bằng cách này hay cách khác, nhưng ai đánh mất thời gian vì những chuyện vô bổ trên đời này sẽ mãi mãi không tìm được nữa” - Amma Teodora, một nữ đan tu đã viết như vậy.

  1. Về cách sử dụng phương tiện giải trí, truyền thông
Liên quan phần nào đến việc sử dụng thời gian rảnh rỗi, cha Antonio nói đến mối nguy hiểm của Tivi, phim ảnh và việc tiêu tốn thời gian quá mức cho những hoạt động giải trí vô bổ.
Chúng ta cũng có thể nói thêm theo triền tư tưởng của ngài về nhiều thứ nguy cơ liên quan đến internet hay điện thoại di động. Việc sử dụng điện thoại di động ngay nay đã trở thành phổ biến, và nhiều người phải dùng đến như một phương tiện truyền thông cần thiết. Với người trẻ, hơn thế nữa, đó là “mốt” và là đồ chơi của dân sành điệu. Không ít người trẻ đã xài phí hoặc đã trở thành nạn nhân của bao nhiêu sự quấy rầy. Bao nhiêu chuyện đời tư được mang ra chốn công đường cho mọi người nghe; và các âm thanh vui tai của đủ mọi thứ nhạc chuông gây chia trí và làm nhiều người xung quanh bực mình. Tốt hơn chăng nếu bạn trẻ được giáo dục và biết cách sống một chút văn minh của điện thoại!
Chuyện về internet, có lẽ khó khăn hơn khi người trẻ lạm dụng về phương tiện truyền thông giải trí này, để - thay vì học hỏi nghiên cứu và mở mang trí tuệ - họ lại đi tìm tòi và bị đầu độc bởi nhiều thứ rác rưởi khác. Thời nay, người ta sẽ không thể chết vì thiếu vi tính hay internet, nhưng người ta sẽ khó sống vì không có chúng. Điều cần thiết bây giờ là hướng dẫn và giúp cho người trẻ có một thái độ lựa chọn đúng đắn và có trách nhiệm trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, vì tự thân các phương tiện này chẳng có gì xấu, mọi sự hệ tại nơi người sử dụng. 

  1. Về tinh thần gia đình
Đối với nhiều gia đình hiện nay, việc họp mặt mọi người một cách đầy đủ trong các bữa ăn là chuyện khó. Có khi bữa ăn chỉ là lúc vội vàng “nạp” vài thứ vào bụng để tranh thủ thời gian theo dõi một bộ phim truyện, hay một chương trình giải trí trên truyền hình. Cha Antonio đề nghị là nên dành thời gian thích hợp cho các bữa ăn, và hãy xem đó như là khoảnh khắc thân mật, không nên vội vã, và tránh bầu khí căng thẳng lạnh lùng. Thực vậy, đó chính là lúc con cái cha mẹ quan tâm đến nhau và có thể chia sẻ nhiều điều. Có thể câu chuyện một ngày sống và công việc vất vả của cha mẹ sẽ là “thông điệp” để con cái biết cảm thông hơn, biết sống có trách nhiệm hơn và có khả năng chịu đựng hay vượt qua thử thách sau này.
Nhiệm vụ giáo dục con cái thật khó khăn, nhưng nói theo Kinh thánh, trong một Thánh vịnh,  “bầy con bạn sinh hạ thời son trẻ giống như nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào đeo đầy loại ống tên như thế”. Hạnh phúc thay người nào mà hậu duệ của họ được Chúa chúc lành. Công trạng của họ sẽ được ca ngợi ngàn thu. (Lê An Phong, SDB – Genova 2008)

Tâm tình của người SDB


SDB – nói với các gia đình công giáo trẻ
Xin chia sẻ với mọi người tâm tình và kinh nghiệm của một SDB lão thành về việc giáo dục con cái. Xem ra có những điều đòi hỏi hơi cao đối với các bậc cha mẹ, nhưng thiết nghĩ, với các gia đình công giáo trẻ thời nay, người saledieng có thể giúp họ một chút định hướng để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Để giáo dục con cái mình…
Trước tiên bạn hãy chân nhận điều này: việc giáo dục con cái là bổn phận hàng đầu và không thể chối từ của các bậc cha mẹ. Nếu có ai đó quan tâm đến con cái của bạn, thì họ chỉ có thể phụ giúp bạn trong chừng mực nào đó. Không ai có thể thay thế vai trò làm cha mẹ của bạn.
Bạn hãy bắt đầu việc giáo dục con cái từ…trong lòng mẹ: cha mẹ phải chăm lo thể xác và tinh thần của mình trước tiên để có một sự quân bình tâm-thể lý cần thiết, hầu có thể lưu truyền cho con cái sự sống tròn đầy và mạnh mẽ.
Khi con cái bạn phạm lỗi, đừng giận giữ la mắng ngay mà cần tìm cách giải thích cho chúng hiểu ra những sai lầm bằng một thái độ dứt khoát mà rộng lượng, nhẹ nhàng mà nghiêm khắc.
Hãy tìm cách dự phòng, ngăn ngừa mọi việc sai phạm hơn là cấm đoán, bởi vì trong giáo dục, ai biết dự phòng và đi bước trước sẽ được yêu mến. Ai cấm đoán cùng với thái độ cay nghiệt sẽ nhận được sự oán ghét và bất tuân từ phía con cái.
Không nên cung phụng cho con cái tất cả vì chỉ muốn biểu lộ lòng tốt của mình, vì như thế bạn sẽ tạo nên thói hư cho con cái và bạn sẽ là người gánh chịu hậu quả sau này: chúng chỉ biết đòi hỏi mọi sự mà không biết trao ban.
Không nên “cho phép”trong trường hợp cần phải nói là “không”, và cũng đừng nói “không được phép” trong trường hợp có thể. Được phép hay không được phép làm một chuyện gì đó phải được cân nhắc từ phía cha mẹ, và quan trọng hơn nữa là cả hai phải đồng ý với nhau, tránh trường hợp “ông nói gà, bà nói vịt”.
Khi con cái bạn đặt ra những câu hỏi “hóc búa”, nên tìm cách trả lời, đừng có thái độ loanh quanh không rõ ràng, hay cố nói sai sự thật. Bạn phải là người đầu tiên dạy cho con cái bạn sự thật, cho dù nhiều khi “câu trả lời bằng sự thật” có thể gây cho bạn “khó xử”.
Bạn đừng bảo con rằng “Con đi nhà thờ đi”, mà nên nói “Chúng ta cùng đi nhà thờ”. Con cái bạn sẽ yêu mến Chúa theo cách thức mà bạn thể hiện, và sẽ yêu mến bạn bằng lòng yêu mến Chúa.
Khi có chuyện cần phải “can thiệp” với con cái, hãy biết cách nói ít lời và chọn lựa ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, tránh xúc phạm chúng. Sự thiếu tôn trọng trong lúc giận dữ sẽ làm cho con cái khiếp nhược và không trưởng thành về tâm lý sau này, hoặc chúng sẽ trở nên những “kẻ nổi loạn”.
Bạn hãy biết cách kiên nhẫn chờ đợi nơi con cái, bởi vì bạn không thể thu lượm tức thời hoa trái của việc giáo dục, hoặc nhiều khi thành quả có được sẽ không như ý bạn muốn hay như ước mơ của bạn. Hãy luôn bình tĩnh và hy vọng.
Nếu bạn muốn làm hư hỏng con cái mình…
Hãy cho con cái bạn tất cả những gì chúng muốn. Và như thế bạn sẽ làm cho con cái bạn tin rằng: tất cả thế giới này có bổn phận phải chăm lo cho chúng.
Hãy vui cười tán thưởng khi nghe con bạn đùa giỡn bằng những lời lẽ thô tục. Như thế bạn sẽ làm cho chúng tin rằng những chuyện xấu xa đó là bình thường, hấp dẫn và vui vẻ.
Hãy xem là “bình thường” hay là “hợp lý” những gì là sai trái và mất trật tự mà con cái bạn đang làm. Như thế chúng sẽ nghĩ rằng người ta có thể làm tất cả mọi sự, và mọi người khác đều có trách nhiệm trong trong tất cả mọi chuyện sai trái chúng làm.
Hãy đưa cho con cái bạn tiền bạc như chúng muốn mà không cần thiết phải kiểm tra xem chúng sử dụng thế nào. Như thế bạn sẽ giúp chúng xác tín luôn rằng “bố mẹ mình làm ra tiền và mình là con nhà khá giả”.
Hãy cho rằng con cái bạn luôn luôn “có lý” trong những trường hợp đụng chạm với hàng xóm, bạn bè, thầy cô. Như thế bạn sẽ làm cho con cái mình tin rằng chúng luôn là những người tốt lành; mọi người xung quanh là những kẻ hay kiếm chuyện và gây sự trước.
Hãy làm cho con bạn thoả mãn với mọi thứ thức ăn, đồ chơi…Bạn sẽ làm cho chúng tin tưởng mạnh mẽ rằng sống hạnh phúc là như thế và sẽ tránh được mọi thứ phức tạp, đau khổ, hiểm nguy, thiếu thốn trên đời.
Hãy “tự nhiên” to tiếng cải vã với mọi người trong gia đình khi có sự hiện diện của con cái bạn. Như thế chúng sẽ không còn phải ngạc nhiên nữa nếu một ngày nào đó gia đình của mình tan nát.
Hãy luôn luôn nhận lấy trách nhiệm những sai phạm của con cái là của bạn. Như thế bạn sẽ giúp con cái cảm thấy nhẹ nhàng hơn và quen dần với việc trút lên đầu người khác nhưng lỗi lầm do chúng gây ra.
Không cần thiết phải dạy con cái bạn cầu nguyện và cũng chẳng nên đưa chúng đi nhà thờ vào ngày lễ. Như vậy bạn sẽ giúp con cái mình sống và phát triển tự do hơn, không cần phải sợ sệt, gắn bó, hay phải tỏ lòng tôn trọng một ai đó cao trọng hơn chúng.
Hãy luôn luôn khen ngợi và tán dương con cái mình trước mặt mọi người, đừng để ý gì đến những khuyết điểm của chúng. Như thế bạn sẽ giúp con cái mình tự tin, khôn ngoan hơn, và luôn nghĩ rằng mình là người hoàn hảo, không phạm sai lầm nào, cũng có nghĩa là người mà không một ai có thể chạm tới được.
(Genova 2008. Lê An Phong, SDB, sưu tầm và chuyển ngữ)

Tản mạn về Ơn gọi

Cần chăng một lời mời gọi của các salêdiêng với người trẻ?


Một hiện tượng đang được nhiều người quan tâm là sự “bùng nổ” về ơn gọi nơi các quốc gia thuộc Châu Á và châu Phi. Từ bên ngoài, những nơi thiếu vắng ơn gọi, người ta có hai thái độ khác nhau về hiện tượng này. Một số cho rằng, đây là thời điểm mà hạt giống Tin mừng ở Châu Á, Châu Phi lớn mạnh; và như thế là một đấu hiệu đáng mừng. Số khác thì có vẻ hoài nghi về  sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng và lo ngại cho chất lượng nơi các ơn gọi mới. Người ta dùng một kiểu chơi chữ giữa “ơn gọi” (vocazione) và “kiếm ăn” (bocca-zione – từ chữ boccacái miệng) để bày tỏ thái độ này.
Thực tế việc gia tăng về lượngphẩm của ơn gọi ra sao, thì những ai có nhiệm vụ chăm sóc và đào tạo nơi các dòng tu và chủng viện biết rõ hơn. Tuy nhiên cũng dễ dàng nhận ra rằng đâu đó trong lựa chọn ơn gọi, thường cũng có những động cơ hay toan tính của con người xen vào. Điều có thể tin được là chắc chắn tiếng Chúa mời gọi đã một lần vang lên trong tâm hồn các ứng sinh; và họ đã nghe thấy theo một kiểu nào đó, rồi tìm cách đáp lại bằng những thử nghiệm đầu tiên nơi môi trường tập tành tu đức. Ai cũng biết rằng con người ta không phải lúc nào cũng đã “là” người hoàn toàn, mà phải học biết để “trở thành” người hơn. Bởi thế người ta mới cần đến việc đào luyện.
Có nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng khá mạnh đến một ơn gọi. Môi trường gia đình, giáo xứ, hội đoàn là những nơi giúp bạn trẻ nhận ra ơn gọi của mình trước tiên. Tuy nhiên ngày nay, hoàn cảnh sống trong gia đình và ngoài xã hội cũng là một trong những tác nhân làm thay đổi quan niệm về đời sống ơn gọi nhiều nơi.
Một lần, trên chuyến tàu điện, tôi tình cờ gặp một cha dòng Phanxicô. Chúng tôi ngồi chổ gần nhau và trò chuyện về tình hình ơn gọi, cuộc sống tu sĩ…Bất chợt có một người gọi điện thoại cho ngài. Sau khoảng 15 phút nghe điện thoại, ngài  có vẻ buồn rầu và kể lại với tôi chuyện vừa xảy ra. Có một thanh niên đang theo lớp ơn gọi của dòng, anh sắp học xong Đại học và dự định sẽ vào Nhà Tập. Khi anh nói về ý định của mình cho gia đình biết thì bị “phản đối”. Mẹ anh “khuyến cáo” rằng nếu anh “đi tu” thì bà sẽ “từ” anh luôn! Cha bạn dòng Phanxicô thở dài và buông một câu: “Vậy đó, chỉ còn cách duy nhất là cầu nguyện thôi, để xin Chúa làm thay đổi lòng người!”
Thực tế, rất nhiều ơn gọi salêdiêng đã được nuôi dưỡng và lớn lên nơi các bạn trẻ- những người hoạt động trong nhóm ca đoàn, huynh trưởng, linh hoạt viên trong các công cuộc saledieng…Tuy nhiên tỉ lệ ơn gọi là người ngoài các xứ saledieng, hay “tình cờ” gặp gỡ và nghe biết các saledieng vẫn cao hơn số thuộc các giáo xứ hay trường học saledieng. Vì sao có chuyện này? Phải chăng vì “Bụt nhà không thiêng”? Phải chăng vì “gần quá hoá nhàm”? Cũng là một chuyện đáng suy nghĩ.
Một vài bạn trẻ hỏi tôi vì sao lại đi tu, và sau khi nghe tôi giải thích lý do họ chỉ nói “Lạ lùng thật! Người ta cũng có thể làm việc như anh mà chẳng cần đi tu”. Một số khác thì trêu chọc rằng đi tu chỉ lo kiếm tiền, ăn uống và “to người tốt tướng” lên thôi. Một số bạn nhỏ khi được hỏi tại sao không muốn đi tu, họ trả lời thẳng thắn rằng “không thể sống thiếu đàn bà”, hoặc họ sợ làm việc tất bật vất vả quanh năm và kinh lễ suốt ngày, không được đi đây đi đó tự do khi còn trẻ, về già sợ cô đơn...Biết làm sao được khi cuộc sống tiện nghi và hưởng thụ cá nhân không cho phép người ta suy nghĩ khác hơn được.
Cũng có nhiều bạn trẻ tích cực trong các hoạt động với giới trẻ, cộng tác nhiệt tình và đắc lực với các saledieng trong nhiều phong trào tông đồ, nhưng khi được mời gọi để “thử nghiệm” sống đời tu hay trở thành saledieng, họ rút lui vì sợ một sự ràng buộc nơi lời khấn hay lời hứa có tính cách lựa chọn nghiêm túc và trường kỳ mà họ lo ngại rằng mình không đảm đương được.
Có bạn trẻ lại lựa chọn một hướng ơn gọi khác vì lý do như trong câu chuyện mà cha Bề trên Cả có lần thuật lại. Lần nọ, Ngài về thăm một nhà saledieng, nơi ngài đã từng làm việc. Tình cờ ngài gặp một một tu sĩ, cũng là một cựu học sinh thân quen. Anh đã từng là người cộng tác đắc lực với các saledieng trong  nhiều lãnh vực tông đồ giới trẻ và có ý định trở thành tu sĩ. Cha Bề trên Cả  lúc đó ngạc nhiên hỏi anh: “Sau bao nhiêu năm ở với saledieng, tôi nghĩ anh trở thành saledieng chứ, sao lại thế này?”. Anh trả lời : “Con đã chờ đợi mà có thấy ai đề nghị với con về việc trở thành saledieng đâu, nên cuối cùng con đã quyết định…” (Ghi lại qua lời kể của Cha A. Lorenzelli)
Don Bosco đã từng mời các bạn trẻ cộng tác với ngài trong các công cuộc khởi đầu, và cũng nhiều lần đề xuất với họ về việc trở thành tu sĩ. Một số đã trở nên chủng sinh, linh mục của các giáo phận; số khác đã trở thành các saledieng tiên khởi. Người saledieng có thể xác tín rằng tiếng Chúa mời gọi không bao giờ ngừng âm vang qua mọi thời đại, nơi tâm hồn người trẻ. Nhưng giữa một thế giới đang mỗi lúc mỗi tràn ngập nhiều thứ âm thanh hỗn tạp, họ khó mà nghe được tiếng của Người. Có thể có những lúc các bạn trẻ lẫn lộn lời mời gọi dấn thân với một thứ “ngôn ngữ người phàm” khác.
Có lẽ điều cần thiết trước hết, chúng ta phải có những lời đề xuất chân tình với các bạn trẻ. Phần còn lại hãy… để cho Chúa Thánh thần làm việc!  Trong lúc nhiều người trẻ đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, ai có thể giúp họ biện phân và lực chọn để sống ơn gọi một cách tròn đầy? Không biết giữa bao nhiêu nỗi bận tâm hằng ngày,  chúng ta còn có đủ can đảm, kiên nhẫn và cả sự nhạy bén nữa để nói với họ một lời đề nghị dấn thân chăng? (Lê An Phong, SDB - Genova 2008)

VỊ TU SĨ BỀ TRÊN

Vị tu sĩ bề trên thi hành quyền bính của mình trong một nhóm hoặc trong một cộng đoàn. Tất cả những người dưới quyền phải kính nể, tôn trọng và tuân phục vị bề trên.

Nếu vị Bề trên nói năng rõ ràng và quyết đoán thì bị xem là “độc tài”. Nếu ngài xin được cố vấn một vài điều thì được xem là “thiếu khả năng”. Nếu ngài tỏ ra một chút hài hước thì sẽ bị nói là đang “diễn kịch”; còn trong trường hợp ngược lại thì bị chê là một con người “không thể chịu đựng được”.

Nếu vị Bề trên mong muốn một chút trật tự thì được xem là thuộc loại quá “nghiêm khắc”. Nếu ngài chấp nhận một chút mất trật tự thì bị xem là dễ dãi. Nếu ngài tỏ ra một chút vui nhộn thì bị xem là “không đủ trí thông minh”. Còn nếu ngài thiếu một chút vui đùa thì bị đánh giá là thuộc loại “khô khan tình cảm”.

Nếu ngài dể dàng bắt chuyện thì cho rằng đây là trò của một nhà chính trị; trường hợp ngược lại thì bị xem là thuộc loại “khó tính”. Nếu ngài trình bày thẳng thắn quan điểm của mình thì bị cho là “ngang bướng”. Nếu ngài thuộc loại suy tư và thận trọng thì bị xếp vào loại “không xác quyết”. Nếu ngài nhân nhượng thì bị xem là “mềm yếu”. Nếu ngài diễn tả niềm xác tín riêng thì bị xem là “thiếu tế nhị”. Nếu ngài muốn một thay đổi tốt cho cộng đoàn thì bị xem là “ bị bệnh lý tưởng hóa không thể chữa trị”. Nếu ngài để cho mọi chuyện yên vị thì bị tố cáo là bi quan và vô trách nhiệm.

Như thế một vị tu sĩ bề trên cần thiết phải có tất cả các phẩm chất siêu hạng sau đây: việc đào luyện của một trưởng khoa đại học, khả năng của một giám đốc ngân hàng, tính khiêm nhượng của một vị thánh, khả năng thích ứng của một con tắc kè hoa, niềm hy vọng của một người theo chủ nghĩa lạc quan , lòng can đảm và các nhân đức của một anh hùng, sự tinh ranh của một con rắn, sự hiền lành và dịu dàng của một con chim bồ câu, tính nhẫn nại của ông Giop, ân sủng dồi dào của Thiên Chúa và sự kháng cự mạnh mẽ của ma quỉ.

Và nếu như ngài không có các phẩm chất nói trên anh em hãy cầu nguyện cho ngài.



(Lê An Phong,SDB - Lược dịch từ bài viết của một Cha bề trên dòng Thánh Phanxico – Tỉnh dòng New York )



HÔN NHÂN THEO KIỂU “SỐNG THỬ - SỐNG CHUNG” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ (phần cuối)

Bài 4. Thử suy nghĩ để tìm giải pháp cho vấn đề


Theo những gì đã trình bày, chúng ta có thể thấy “chuyện có vẻ riêng tư” của tình yêu và gia đình không là “độc quyền” của cá nhân mà liên quan đến cả đời sống cộng đồng.

Có thể có một giải pháp nào chăng từ phía cộng đồng cho vấn đề sống thử - sống chung ngoài hôn phối?

Nếu chúng ta xem “hiện tượng” này như là một lối sống theo thời đại, vấn đề chắc không đáng bận tâm để tìm giải pháp, vì như nhiều người suy nghĩ, nếu nó hợp thời thì sẽ tồn tại còn nếu không thì tự đào thải. Các nhà tạo mẫu thường nghĩ ra các “mốt” (mode) mới để cho cuộc sống “bớt nhàm chán và đơn điệu”, rồi mọi sự cũng trở lại như ban đầu và xoay vòng; chuyện tình yêu cũng vậy thôi, để tránh đi sự nhàm chán và đơn điệu, người ta cần phải thay đổi một chút hương vị, rồi mọi sự cũng trở lại như ban đầu (?).

Nếu suy nghĩ một cách nghiêm túc, thì chúng ta phải xem lại kiểu sống “theo thời” này. Sự nhàm chán không hệ tại hoàn toàn nơi cuộc sống “có vẻ đơn điệu”, “một ngày như mọi ngày” mà hệ tại con người. Thay đổi mọi sự bên ngoài nhưng không thay đổi chính cách suy nghĩ, tâm tư của mình thì người ta vẫn cảm thấy đơn điệu mãi thôi. Biết bao nhiêu người đã và đang khám phá sự phong phú và tươi đẹp của cuộc sống qua những gì nhỏ bé trôi qua từng ngày.

Chuyện đơn điệu trong tình yêu không phải bắt đầu từ sự đơn giản hóa tình cảm hay lập đi lập những gì thường ngày giữa hai người (người ta khi yêu nhau họ có thể nghe nhắc đi nhắc lai hàng ngàn lần câu “anh yêu em” hoặc “em yêu anh” mà không biết chán!), mà từ việc thiếu quan tâm đến người khác hay từ suy nghĩ đơn điệu và lạnh nhạt theo kiểu “mình đã biết hết mọi sự rồi, không cần tìm hiểu gì thêm nữa”. Trong các cẩm nang về xây dựng hạnh phúc gia đình, các nhà nghiên cứu tâm lý cách nghiêm túc có đề cập nhiều đến vấn đề nhàm chán trong tình yêu và của cuộc sống hôn nhân, nhưng không ai khuyên chọn giải pháp tránh nhàm chán và tìm sự mới lạ trong tình yêu bằng cách sống thử một gia đình hay sống tạm thời một tình yêu. Người ta luôn khuyên các đôi bạn hãy tìm kiếm và khám phá những điều còn tiềm ẩn trong cảm xúc, tâm tư, mơ ước… nơi người bạn của mình, qua những lần gặp gỡ, tâm tình, chia sẻ, trao đổi, gần gũi và quan tâm đến nhau nhiều hơn. Khám phá trong tình yêu là công việc thực sự của những ai đang trong cuộc và đang quan tâm tìm kiếm mục tiêu sau cùng, dù có thể chưa rõ ràng mười mươi nhưng đã được suy nghĩ và chọn lựa, hơn là chuyện may rủi của những kẻ lang thang dò tìm không định hướng.

Người ta luôn nói đến “kế hoạch cuộc sống” và tầm quan trọng của nó cho tương lai một đời người. Cuộc sống muôn mầu muôn vẻ và cuộc sống ngày nay cho ta nhiều cơ hội để có thể chọn lựa, thăng tiến và vươn tới tương lai. Dù vậy, chúng ta chỉ có thể chọn lựa một vài cơ hội quan trong mà thôi cho cả đời mình. Việc chọn lựa và quyết định của cá nhân luôn mang tính chất nền tảng. Yếu tố ngoại cảnh tiêu cực tác động đến lối sống của mỗi người, nhưng, như cánh hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, con người có khả năng siêu việt hơn chứ! Hãy đừng đổ lỗi hoàn toàn cho thời đại và hoàn cảnh để biện minh cho những sai phạm và những tính toán cá nhân nơi ta (với lý do: người ta vẫn sống thử đầy dẫy ra đó, tại sao tôi không thể làm theo? Người ta sao tôi vậy!).

Chúng ta có thể chân nhận với nhau điều này: mọi hành vi của con người luôn liên quan đến tự do và lương tâm của họ. Vậy khả năng để bạn chọn lựa sẽ phụ thuộc vào đâu: “theo như người ta làm” hay theo lương tâm, tự do và trách nhiệm của chính bạn? Vấn đề sống thử - sống chung, xét cho cùng, là sự lựa chọn cá nhân có liên quan đến các giá trị đạo đức nhân bản và chuẩn mực hành xử của xã hội. Nếu vậy, chúng ta cần phải nhắc đến vai trò của việc giáo dục. Đây là tiến trình hội nhập cá nhân vào đời sống cộng đồng thông qua việc truyền đạt những giá trị và mô thức hành xử giữa các thế hệ. Ai sẽ có trách nhiệm trong việc này?

Việc giáo dục không là việc riêng của một cá nhân hay một nhóm xã hội nào, mà là của tất cả mọi người; từ môi trường gia đình, trường học, công sở, sinh hoạt cộng đồng đến cả việc tự giáo dục nữa. Trong tất cả, giới trẻ là thành phần tiếp thụ nhiều ảnh hưởng từ phía xã hội, chúng ta không thể quy trách mọi sự cho giới trẻ vì họ đang cần hoàn thiện chính mình. Bởi thế, họ cần được sự trợ giúp và hướng dẫn nhiều hơn về mặt giáo dục từ những ai có trách nhiệm. Họ cần được chuyển giao những định hướng sống, những chuẩn mực, cách hành xử, cách lựa chọn các giá trị. Ở đây chúng ta cần có và cần đến việc xây dựng một hệ thống chuẩn mực các giá trị chung mà các bạn trẻ có thể chấp nhận và chia sẻ được như: tự do, lương tâm, trách nhiệm, lòng trung thực, tình yêu chân thật, sự tôn trọng,…

Cần thiết phải nghĩ đến việc cổ võ để sống các giá trị này thông qua thực tế đời sống trong gia đình và mối tương quan tình cảm cha mẹ-con cái, thông qua các phương tiện truyền thông và các hình thức tư vấn, trao đổi với các chuyên viên tâm lý- giáo dục xã hội, để các bạn trẻ có cách nhìn đúng dắn và trưởng thành hơn trong đời sống tình cảm và trong việc chọn lựa hướng đi cho hạnh phúc tương lai.

Để kết luận, chúng ta có thể tâm sự vài lời với các bạn trẻ: tình yêu và sự tôn trọng phẩm giá lẫn nhau là điểm căn bản để xây dựng hôn nhân và gia đình. Nếu các bạn trẻ không đặt tình yêu chân thật làm nền tảng cho việc thiết lập gia đình tương lai, thì dù có sống thử đến 10 năm hay 20 năm, họ sẽ chỉ tìm thấy sự lừa dối và đổ vỡ. Nếu các bạn trẻ không thành thật và nghiêm túc với lòng mình trong khi làm những quyết định quan trọng về tình cảm và chọn lựa bạn bè-tình yêu, thì những giây phút lỡ làng sẽ không còn là “chuyện để quên đi” trong một năm hay hai năm mà là “chuyện không thể quên được” của cả đời người. Hãy bắt đầu mọi sự từ chính bản thân mình một cách nghiêm túc và hãy suy nghĩ luôn rằng: điều bạn đang làm hôm nay và nay mai sẽ để lại đấu ấn trong suốt cuộc đời của chính bạn và cho cả mọi người đang sống quanh bạn nữa. Một trách nhiệm thực sự khó khăn đấy, nhưng đã sinh ra làm kiếp người thì không thể sống khác được!

Lê An Phong, SDB (08-09)


HÔN NHÂN THEO KIỂU “SỐNG THỬ - SỐNG CHUNG” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ (phần tiếp theo)

Bài 3. Những hậu quả về mặt xã hội


Những hậu quả về luân lý, tâm lý trong việc sống thử trước hôn nhân hay sống chung ngoài hôn thú trên thực tế biểu hiện hậu quả tiêu cực, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân và các chuẩn mực đạo đức khác của công đồng.

Trong bối cảnh của đời sống tự do và hiện đại, người ta nói nhiều đến những gì liên quan đến “quyền cá nhân”, và nhiều người rất dễ “bị dị ứng” với những gì được gọi là nguyên tắc đạo đức trong đời sống cộng đồng. Về mặt luân lý kitô giáo, chúng ta không dễ dàng chia sẻ những nhận xét có tính chất đạo đức với những ai không tin nhận các giá trị luân lý “mang tính chất tôn giáo” như nhiều người vẫn quan niệm. Tuy vậy, một cách chung và tự nhiên mà nói, mỗi cá nhân con người, với tất cả những gì là khôn ngoan và thiện hảo mà Đấng Tạo hóa ban cho mình, với tất cả quyền và bổn phận được sở hữu, tự mình phải biết lượng định đâu là con đường đúng đắn - “con đường làm người” - để bước đi và biết đảm nhận trách nhiệm chính mình trong cuộc hành trình đó.

Tôn trọng quyền chính đáng này của con người, chúng ta không có quyền kết án một ai vì đời sống riêng tư của họ, ngay cả khi họ nhầm lẫn. Trái lại, hãy dành tất cả cho Sự thật và Lòng Mến, và điều này hệ tại nơi việc xây dựng mối tương quan tình người như thái độ quan tâm và lắng nghe, cảm thông và chia sẻ, giúp đỡ và gần gũi,…

Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải nhắc đến tác hại lâu dài về mặt xã hội của việc sống thử hoặc sống chung ngoài giá thú mà bất kỳ một cá nhân nào đó, dựa vào quyền riêng của mình (lạm dụng ), có thể gây ra hậu quả cho đời sống và cho lợi ích chung của cộng đồng.

Chúng ta biết rằng xã hội hình thành từ khi gia đình bắt đầu được xây dựng (Lévis Strauss, 1969). Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình là một định chế, được xã hội chuẩn nhận và bảo vệ bằng pháp luật.

Các luật lệ mà xã hội thiết lập phát xuất tự lợi ích chung và nhằm bảo vệ cho quyền lợi mỗi cá nhân. Quy định về hôn nhân và về các chuẩn mực trong đời sống gia đình (hôn nhân nam nữ; việc kết hôn và những gì liên quan đến độ tuổi, huyết thống; quan hệ vợ chồng, việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái v.v…) cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy.

Khi hai người lựa chọn để sống thử hoặc sống chung, tức là chung sống không hôn thú theo luật định, họ sẽ không có mối liên quan bó buộc gì với nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trước mặt cộng đồng; có chăng chỉ là một thỏa thuận ngầm mang tính “riêng tư”. Một cách nào đó đây là hình thức sống “bất hợp pháp”; và về lâu về dài, những ai sống trong tình trạng ấy đang từ chối trách nhiệm và bổn phận pháp lý đối với cộng đồng, về mặt xã hội, kinh tế và cả chính trị nữa (những cam kết về hưởng lợi tức, đóng góp về thuế, trách nhiệm của người người kết hôn với nhau và của cha mẹ với con cái...).

Trên thực tế, chính quyền và những người có trách nhiệm về mặt dân sự không biết con số chính xác bao nhiêu người đang sống thử hoăc sống chung, vì tất cả đều nằm ngoài vòng kiểm soát của các thủ tục hành chính pháp luật và dân sự.

Về phần mình, nhưng người sống trong tình trạng trên sẽ mất đi quyền lợi từ phía xã hội (chẳng hạn thuế thu nhập cá nhân người độc thân khác với người có gia đình, quyền thừa kế trong trường hợp người bạn đời mất đi), và vấn đề này đang làm nảy sinh những khó khăn về mặt pháp lý trong xã hội. Tại nhiều nơi người ta đấu tranh rất mạnh để làm áp lực đòi được pháp luật công nhận những người sống thử-sống chung như một “gia đình thực thụ”. Đối diện với “chuyện đã rồi”, nhà nước phải giải quyết bằng luật, nhưng xem ra thực tế cũng không sáng sủa gì mấy, vì người ta cho rằng đó cũng chỉ là lựa chọn cá nhân và vấn đề riêng tư, trong khi pháp luật luôn phải dựa trên lợi ích chung và phải được áp dụng bình đẵng cho tất cả mọi người.

Ở các nước Châu Âu, theo suy nghĩ của Pierpaolo Donati, đang khi phải đối mặt với tình trạng dân số già đi vì giảm thiểu sinh suất, người ta cũng có mối lo ngại khác liên quan đến việc gia tăng con số các cặp sống thử và sống chung ngoài hôn phối (coppie conviventi), vì họ thuộc vào nhóm có tỉ lệ sinh con thấp nhất (phần lớn họ còn trẻ và không muốn có con cái, hoặc đã có tuổi và sợ phiền phức khi có thêm con cái. Xin xem bảng thống kê dưới đây, cột màu xanh lá cây). Nếu như kiểu sống này phổ biến và được chấp nhận, có thể dẫn đến một sự thay đổi tận gốc rể về dân số, kinh tế, văn hóa và xã hội của một quốc gia.

(Senza figli: Không con cái; Con 1,2,2 o + figli: Có 1, 2,3 con trở lên; Coppie coniugate: các cặp kết hôn; Coppie convivneti: các cặp sống thử sống chung)
Tình trạng sống thử - sống chung liên quan khá mật thiết với động thái “bất ngờ, không lường đón trước” với những “người trong cuộc” và sẽ tạo ra tình trạng “sự cố bất ngờ không tiên liệu được” cho cả cả cộng đồng (chẳng hạn việc giải quyết tình trạng trẻ em sinh ra từ hôn nhân ngoài giá thú, nhà cửa cho các cặp sống chung, việc ky kết các dạng hợp đồng hành chính cần sự đồng thuận của vợ chồng,…).

Với người trẻ, nếu nhiều người trong số họ chọn kiểu sống may rủi này, thì tương lai chẳng có chi là bảo đảm, và họ khó mà đi đến quyết định chắc chắn nghiêm túc về gia đình, nơi ăn chốn ở, công việc, con cái. Với thời gian, khi họ trở nên những người đứng tuổi, nếu tiếp tục chọn lối sống này, thì họ sẽ tiếp tục mãi cuộc hành trình thử nghiệm. Hậu quả sẽ ra sao? Sẽ có một xã hội đầy dẫy những sự bất ngờ và tạm thời từ những con người sống tạm bợ, luôn chờ đợi những bất trắc mà không muốn tìm giải pháp cách nghiêm túc và chẳng một ai có quyền bắt buộc họ theo một luật lệ hay định chế nào.

Xã hội cần những định chế như gia đình vì nhu cầu của sự an toàn chung và việc bảo đảm cho cộng đồng về nguồn lợi nhân sự cho sự sống còn của cộng đồng. Nhân loaị sống còn sau những biến cố bất trắc, nhưng chắc chắn không ai muốn tạo ra sự cố để tìm cơ hội sống còn. Một tương lai có thể chuẩn bị trước và có thể tiên liệu được là điều nhiều người mong muốn hơn là chuyện bất trắc và ngoài ý muốn. (Xin xem tiếp bài 4)

Lê An Phong,SDB

HÔN NHÂN THEO KIỂU “SỐNG THỬ - SỐNG CHUNG” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ (phần tiếp theo)

Bài 2.  Những hậu quả về mặt tâm lý

Nói về tính chất “tạm thời” trong quan niệm “sống thử”, chúng ta có thể nhắc đến nhưng suy nghĩ của nhà nghiên cứu xã hội Pierpaolo Donati liên quan đến những ảnh hưởng xấu về mặt tâm lý của việc “thử nghiệm” trong đời sống cá nhân và gia đình, nhất là đến tính cách trưởng thành của một nhân vị.

Thông thường, một điều gì đó đang trong thời kỳ thử nghiệm luôn mang tính tạm thời, chưa hoàn hảo và cần phải tiếp tục hoàn thiện trong thời gian. Cá nhân con người cũng phải trải qua những giai đọan phát triển tự nhiên và dần dần hoàn thiện về mặt sinh lý cũng như tâm lý. Mức độ hoàn thiện hay trưởng thành nhân vị cách chung được phân định theo thời gian của tuổi đời và thông qua việc giáo dục. Người ta sẽ đánh giá tính cách trưởng thành trọn vẹn khi một người có khả năng đảm đương trách nhiệm của chính bản thân và thực thi vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với xã hội.

Trong trường hợp của việc thiết lập mối quan hệ hôn nhân, các xã hội dân sự đều có quy định về tuổi đời để được kết hôn, cũng có nghĩa là người ta chấp nhận một mức độ nhất định nào đó về sự trưởng thành (cả tâm lý lẫn thể lý).

Việc “sống thử” là quyết định của hai người yêu nhau và đây là quyết định của những gì liên quan đến “chuyện người lớn”. Họ đã là người trưởng thành theo luật tự nhiên cũng như luật dân sự, nhưng xem ra quyết định “thử” của họ không mấy “trưởng thành” theo nghĩa chính xác của từ “quyết định”, vì họ không dựa trên một cơ sở chắc chắn nào. Cái mà người ta vẫn thường nhắc tới như là căn bản của đời sống hôn nhân là tình yêu thì ở đây chỉ là “trò chơi hên xui may rủi”chứ không là một sự tìm kiếm được định hướng nghiêm túc. Cái không thể thiếu trong việc thiết lập mọi mối quan hệ giữa con người là sự tôn trọng phẩm giá và tinh thần trách nhiệm đối với người khác thì ở đây xem ra không hiện diện hoàn toàn, vì người ta đã xem thường ngay từ đầu tính chất huyền nhiệm “cần được khám phá” nơi con người của người bạn đời ( hiểu theo kiểu nói thông thường: Chúng tôi muốn hiểu rõ về con người của nhau để có thể yêu nhau nhiều hơn hoặc để có thể tránh những điều đáng tiếc xảy ra khi chung sống,v.v…), và người ta bỏ qua ngay cả dấu hiệu bên ngoài đơn sơ nhất của một cam kết, hoặc có chăng chỉ làm một sự thỏa thuận ngầm mà thôi và từ đó không thể quy kết trách nhiệm cho bất kỳ một ai.

Tình trạng sống thử như thế biểu lộ dấu hiệu một cuộc hôn nhân không trọn vẹn và không hy vọng có ngày trở nên trọn vẹn (điều mà chẳng mấy ai mơ ước); biểu lộ dấu hiệu của một gia đình luôn sống trong tình trạng thử thách và chờ đợi những điều bất thường xảy ra mà không nhất thiết phải chuẩn bị đương đầu làm gì cho phức tạp ngoài giải pháp “sẵn sàng chia tay” (điều mà trong thực tế chẳng mấy ai mong chờ); biểu lộ dấu hiệu tình yêu của những người chưa có đủ khả năng trao ban và đón nhận cách chính chắn lại cứ đòi hỏi sự hoàn hảo và trao hiến trọn vẹn nơi người khác (tính ích kỷ và chủ nghĩa cầu toàn), biểu lộ dấu hiệu của một sự lựa chọn để xây dựng tương quan tình người bị “điều kiện hóa” thường xuyên (muốn yêu thương nhưng lại “sợ ràng buộc”, muốn cho đi nhưng lại “sợ mất mát”, muốn có hạnh phúc sung sướng nhưng lại “sợ vất vả”,…).

Trong thực tế, tình trạng “thử” để có những trãi nghiệm trong đường tình yêu và tìm hạnh phúc gia đình thường để lại cho người ta những hậu quả không lường đoán trước, và chưa hẳn những “kỷ niệm” theo kiểu đó luôn là những điều hạnh phúc, bất ngờ và thú vị. Có một nhà thơ người Anh viết rằng “cái na ná của tình yêu thì có vô số mà đích thực tình yêu thì chỉ có một”. Phải chăng vì khao khát sở hữu một tình yêu đích thật mà nhiều người vẫn thích phiêu lưu trong trò chơi tìm kiếm nó giữa vô số tình yêu “na ná”, để rồi chẳng còn đủ sức để phân biệt đâu là cái thực sự mình cần và tìm kiếm.

Trên một phương diện nào đó, lý do“biết rõ về nhau để yêu thương nhau và sống cho hòa hợp hơn” có thể được nhiều người chấp nhận và cho rằng việc sống thử là cần thiết trước khi kết hôn “vĩnh viễn”, nhưng thực tế các điều tra xã hội cho thấy: con số những trường hợp ly dị nơi các cặp đã từng sống thử trước hôn nhân thường cao hơn các trường hợp còn lại. Từ điểm thực tế này, ta có thể thấy hôn nhân theo kiểu sống thử rất mong manh vì không có điều gì nghiêm túc cả: tất cả chỉ để thử nghiệm thôi! Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm khi phải chọn lựa tình yêu. Tình yêu không đơn giản là trò chơi cút bắt! (Xin xem tiếp bài 3)

Lê An Phong, SDB

HÔN NHÂN THEO KIỂU “SỐNG THỬ - SỐNG CHUNG” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ

Chủ đề mà chúng ta sẽ bàn tới trong bài chia sẻ này có lẽ không có gì mới mẽ, bởi vì chuyện tình yêu, trao hiến, sống chung, chia sẻ cơm áo gạo tiền… đang trở thành một điều gì đó “bình thường” và được coi là “mode” mới trong nếp sống hiện đại, nhất là với thế hệ trẻ và với nhiều người lớn đang sống trong các nước phát triển.

Thực tế cuộc sống của giới trẻ Việt nam, nhất là trong giới sinh viên và lớp công nhân trẻ xa nhà sống trong các khu công nghiệp, từ cảnh “góp gạo thổi cơm chung” để chia sẻ gánh nặng kinh tế, đến cảnh thuê nhà sống theo kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” trong các khu nhà trọ đang được nhiều người nói đến. Báo chí và các chương trình phát thanh trong nước cùng đã đề cập đến tình trạng này.

Về vấn đề này, ý kiến của các bạn trẻ cũng rất khác nhau: Có nhiều bạn trẻ đồng ý và cho rằng chuyện đó không xấu xa tội lỗi gì mà còn hợp thời nữa, giống như trào lưu “sống thử”, “sống chung ngoài hôn phối” ở các nước phát triển; số khác (nhất là các bạn nữ) thì không đồng ý, vì nhìn thấy những hậu quả về mặt tâm lý, thể lý và nhiều vấn nạn khác nữa từ việc sống thử trước hôn nhân.

Ở nhiều nơi trên thế giới chuyện hôn nhân thử nghiệm khá phổ biến phổ biến, nhưng không luôn được xem là hợp thời và tốt đẹp vì nó tạo ra những vấn nạn cho xã hội. Nếp sống văn hóa Việt nam vẫn còn giữ được những nét đẹp truyền thống về gia đình, nhưng liệu với cánh cửa rộng mở ra thế giới, chúng ta có thể đón nhận những kinh nghiệm gì từ hiện tượng xã hội nói trên?

Xin chia sẻ cùng mọi người một vài suy nghĩ cá nhân, cùng với những nhận định tham khảo từ quan điểm của nhà xã hội học Pierpaolo Donati, một chuyên gia nghiên cứu xã hội học về gia đình ở Italy và Châu Âu trong nhiều năm nay, và từ những thống kê xã hội của Cộng đồng chung Châu Âu C.E năm 2007-2008, qua 4 loạt bài nhỏ.

Bài 1. Sống thử - sống chung có phải là một kiểu sống hiện đại và hợp thời, một sự lựa chọn tình yêu theo tự do và phù hợp lợi ích cá nhân?

Hạn từ “ sống thử” hay đi xa hơn “chung sống ngoài giá thú” muốn nói tới cuộc sống của một cặp nam nữ theo kiểu gia đình “kết hợp tự do” trong một thời gian và không gian nhất định, nhưng không có ràng buộc hôn nhân bằng giá thú trước mặt pháp luật và cộng đồng.

Những người lựa chọn sống chung thường vì mục tiêu chia sẻ tình cảm và kinh nhiệm sống (và cả nhu cầu tình dục nữa!), hoặc đang trong thời kỳ chờ đợi giải quyết vướng mắc từ một vụ hôn phối đã ly dị mà chưa có sự đồng thuận từ phía khác. Họ muốn chia sẻ cả những khó khăn và gánh nặng về kinh tế, tuy nhiên trong nhiều trường hợp đây không là vấn đề thiết yếu. Phần lớn, nhất là người trẻ, muốn sống theo kiểu tự do, không muốn bị ràng buộc bởi một khế ước, ngay cả khế ước tình yêu.

Mục tiêu ban đầu của việc sống thử hay chung sống tự do ngoài hôn nhân xem ra rất “hợp lý”: đó là việc tìm kiếm sự hòa hợp (hay tìm kiếm khả thể hòa hợp cao nhất) giữa hai nhân vị để xây dựng hạnh phúc, với mơ ước có được một tình yêu thực sự bền lâu. Nhưng trong cách thực hiện lối sống này, ta có thể thấy phát lộ ngay từ đầu một sai lầm khá nghiêm trọng trong cách suy nghĩ: làm sao có thể xây dựng một giá trị bền lâu nếu ngay từ đầu người ta đã nghĩ ngay là nó sẽ không tồn tại lâu dài hoặc sẽ đổ vỡ nhanh chóng.

Dù tình yêu và gia đình có thay đổi kiểu cách hay khuôn mẫu, thì đó luôn là những giá trị nhân bản trường tồn và đòi hỏi chúng ta phải sống trong sự chuẩn bị bản thân, cùng với những kế hoạch và những dự tính nghiêm túc. Để một tình yêu bền vững lâu dài cần có sự vun đắp liên tục từ phía những người yêu nhau, đòi hỏi từ hai phía sự phân định, cân nhắc, lựa chọn một cách nghiêm túc và có trách nhiệm hơn là cứ chơi trò “thử rồi sẽ biết” và “biết rồi sẽ tính”.

Về tính nghiêm túc trong chọn lưa tình yêu và xây dựng gia đình, ở đây chúng ta không muốn nhấn mạnh đến những qui ước có tính chất khắt khe hay những luật lệ bị xem là cổ hủ và không hợp thời (điều mà phần lớn các bạn trẻ bị “dị ứng” và hay ao ước “làm cuộc cách mạng” để thay đổi) cho bằng nhắc lại nền tảng căn bản để xây dựng một tình yêu và gia đình bền vững. Nơi các nền văn hóa khác nhau, chúng ta sẽ bắt gặp những khóe nhìn khác nhau về cách sống và những biểu hiện riêng biệt nơi tình yêu và gia đình, nhưng hầu như trong mọi nơi và mọi thời, dù được biểu hiện một cách rõ rệt hay tiềm tàng, người ta vẫn luôn chân nhận nguyên tắc để xây dựng tình yêu-hôn nhân và gia đình là sự tôn trọng nhân vị, tinh thần trách nhiệm và lòng ao ước đạt được hạnh phúc có tính trường cửu.

Nhiều người nói rằng nguyên nhân của trào lưu “sống thử” là việc hiện đại hóa xã hội và xu hướng tiêu thụ. Ngày nay, xã hội tiêu thụ thời hiện đại cho phép người ta “sử dụng và bỏ đi”, “dùng thử trước và lựa chọn sau” với các thứ đồ vật và hàng tiêu dùng các loại. Xu hướng này đang lan vào ngay cả trong sự lựa chọn tình yêu và gia đình. Nhiều người đang quên đi một điều quan trọng: dù cuộc sống có hiện đại đến mấy, người ta cũng không cho phép chối bỏ con người và những quyền lợi căn bản của họ. Con người, với phẩm giá của mình, luôn cần được tôn trọng và bảo vệ. Như vậy, liệu có “hợp thời” và “hiện đại” hay không nếu bạn xem người mình yêu như một “món hàng dùng thử”, nếu thích hợp thì chọn, không thích hợp thì bỏ qua và tiếp tục chọn lực một món mới? Thử hỏi ai có quyền xem bạn là “cổ hủ” nếu bạn muốn yêu một người và bạn muốn gần gũi, tìm hiểu người đó với tất cả tâm hồn, ao ước được cùng chung sống với người đó đến trọn đời và sẵn sàng chấp nhận cả những “rủi ro” trong cuộc hành trình tìm tình yêu thật sự với người mình yêu?

Bạn muốn tìm một người để trăm năm chung chia tình cảm và mọi thứ khác cho cuộc đời bớt cô đơn, nhưng trong thâm tâm bạn đã không muốn sống hết mình và sống có trách nhiệm với người ấy thông qua một lời thề hứa nghiêm túc và chân thành. Sự dối trá đã nhen nhúm từ đây, ngay từ lúc khởi đầu, và bạn thử suy nghĩ xem, trên nền tảng của sự giả dối liệu người ta có thể xây dựng được gì to lớn và bền vững chăng?

Khi sống với người khác, chuyện xung đột ít nhiều sẽ xảy ra và khó khăn trong tương quan sẽ không bao giờ thiếu. Trong những lúc ấy, người ta sẽ rất dễ dàng chọn lựa và thỏa thuận điều có lợi cho đôi bên, nhưng từ căn bản và tự nhiên ai cũng thích chọn điều có lợi cho mình hơn, phần thiệt hại còn lại thì…ai dại nấy chịu! Một sự chọn lựa hoàn toàn vì lợi ích nhỏ nhoi và có tính tự do cá nhân như thế là một điều tiêu cực, ngay cả khi nó núp dưới danh nghĩa lớn lao của lòng tốt: “vì không muốn làm khổ đời nhau mãi mãi nên tốt nhất chỉ tạm thời thôi!”.

Điều đáng nói là chuyện tình yêu của một người không là chuyện cá nhân nhỏ bé vì nó chạm tới ít nhất là hai người và liên quan tới cả một thế hệ (trong trường hợp hai người “lỡ”có con cái với nhau). Gia đình nhỏ bé mà mỗi người chúng ta xây dựng là viên đá cần thiết để kiến tạo tòa nhà xã hội to lớn nên không sẽ là chuyện nhỏ và chuyện riêng tư cách hoàn toàn.

( Xin xem tiếp bài 2)