05 June, 2011

Tình trạng bạo lực nơi người trẻ và việc giáo dục



Thời gian gần đây ở nhiều nơi, người ta nói nhiều đến hiện trạng đáng báo động về bạo lực nơi người trẻ: chuyện các băng đảng “đại bàng” hoành hành nơi trường học, chuyện đánh nhau nơi các sân vận động, việc các nhóm quá khích kỳ thị chủng tộc và khủng bố đang nổi lên lại tại nhiều nơi. Ngoài những vấn đề cần bàn về trật tự an toàn xã hội hay về tính cách luân lý của hiện tượng này, chúng ta suy nghĩ đến nguyên nhân và nhu cầu cấp bách của việc giáo dục người trẻ nơi các môi trường salêdiêng. Xin chuyển đến mọi người một vài suy tư của tác giả Giuseppe Casti  trong Nguyệt san Mục vụ giới trẻ Salêdiêng - Nota pastorale giovanile – số 04/07.

Để hiểu về tình trạng bạo lực nơi người trẻ
Trong xã hội ngày nay, bạo lực mang nhiều bộ mặt khác nhau và gây ra hậu quả phức tạp. Người trẻ muốn thể hiện điều gì khi sử dụng bạo lực? Nhà giáo dục cần hiểu thực trạng của giới trẻ và cần thiết có những thẩm định chính xác dựa trên các giá trị đạo đức nền tảng. Bạo lực luôn tạo ra tiếng vang mà ta không thể làm ngơ được. Đó là một thông điệp từ những ai bị loại ra ngoài lề xã hội, hoặc của những người cảm thấy không thể đồng hành cùng mọi người, hoặc của người trẻ không có cơ hội để biểu lộ chính mình. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ đến những vấn đề sau đây về môi trường giáo dục.
Phía gia đình: việc giáo dục trong sự che chở và “bảo vệ” quá mức làm cho người trẻ không thể phát triển và trưởng thành về trí óc cũng như tinh thần, đông thời chỉ gia tăng nơi họ nhu cầu vật chất và sự tìm kiếm các phương tiện để giải quyết cho nhu cầu ấy.
Phía xã hội: nền văn hoá của hưởng thụ và việc tôn thờ sự thành công như một chuẩn mực sống đã khiến nhiều người thất vọng khi không thể vượt qua một khó khăn nhỏ, hay xem là một “sai lầm lớn” nếu mình bị xem là “vô danh”. Đây cũng là một điều đáng nói liên quan đến vấn đề thế nào là ý nghĩa cuộc sống.
Thường một bạn trẻ bước vào con đường bạo lực vì thiếu ý nghĩa để sống, cảm thấy thất vọng và không thèm suy nghĩ cũng chẳng tin rằng cuộc đời mình sẽ đạt hạnh phúc nơi những điều tốt lành và trong an bình trật tự. Rất nhiều bạn trẻ nghĩ rằng cuộc sống luôn kết thúc buồn thảm, nên trong họ, niềm ước mơ xây dựng một xã hội tốt đẹp bị dập tắt và sự xác tín rằng cuộc sống là “thứ không thể chịu đựng hay tin được” cứ ngày một làm gia tăng tính cách nổi loạn nơi họ.
Chúng ta không thể không nói đến một lần nữa môi trường gia đình. Đó là nơi duy nhất và là chổ an toàn cho người trẻ, nơi làm cho họ cảm thấy tự tin và cảm thấy mình “có giá trị” trong mắt mọi người xung quanh. Chính cha mẹ là những người đầu tiên cho con cái mình cảm nhận ấy. Người mẹ với sự hiền dịu vốn có sẽ tăng thêm phần khích lệ cho con cái, thúc đẩy chúng biết sống ôn hoà và học biết cách tha thứ. Người cha cho con cái một chổ dựa vững chắc và thúc đẩy chúng lòng can đảm để đương đầu với những khó khăn bên ngoài. Theo những quan sát tâm lý, những đứa trẻ cảm thấy an toàn và tự tin trong gia đình có khả năng cao hơn để sống tình huynh đệ và tương thân tương ái với mọi người. Tuy nhiên việc giới hạn hay đóng kín trong gia đình nhỏ cũng là một điều tiêu cực. Thật vậy, bảo vệ con cái hay trao ban cho chúng những điều kiện tiện nghi tối đa sẽ biến chúng thành đối tượng của mọi vấn đề và sẽ làm cho chúng trở nên thụ động. Cần thiết phải mở rộng cho chúng cơ hội để trở thành chủ thể hoạt động tích cực trong các môi trường xã hội, giáo hội, văn hoá, chính trị kinh tế …  
Bạo lực nơi người trẻ biểu hiện phần lớn nơi công việc hay đời sống thường ngày. Trong thời mà người ta sống và nghĩ rằng con người là Alpha và Omega của chính mình, những gì là siêu nhiên về vũ trụ, về Thượng đế, về quốc gia, về thăng tiến nhân bản được xem như là giáo điều và ảo tưởng…, thì mọi sự sẽ kết thúc nhanh chóng nơi chủ trương vật chất là tối thượng. Thực tế có nhiều người chỉ biết tìm trong công việc sự an toàn cho tương lai. Một số chịu nạn bấp bênh hay thử thách trong công ăn việc làm thì lại lo sợ cho tương lai. “Tương lai” đối với thế hệ trẻ hôm nay  trở nên một sự đe doạ sống còn hơn là một niềm mơ ước và hy vọng. Chúng ta chẳng nghi ngại gì để khẳng định rằng: một công việc tốt và ổn định là sự bảo đảm chắc chắn cho tương lai. Điều đáng nói là nơi tư tưởng của nhiều bạn trẻ, có một sự lẫn lộn khi phân biệt “cuộc sống thành công về mặt xã hội” và “cuộc sống hạnh phúc”. Có một sự khác biệt rất lớn giữa người khôn ngoan thật và những người chạy theo “tôn giáo của sự thành công”. Người ta không thể giới hạn hạnh phúc thật trong những gì thụ hưởng cá nhân và nơi quyền hành, địa vị, chức tước, tiền tài, danh vọng… Tuy nhiên, giải thích cho người trẻ hiểu sự khác biệt giữa “tiện nghi, an nhàn” và “hạnh phúc thật” là một điều rất khó. Đối với các nhà giáo dục, theo gương Don Bosco, bước song hành trong nhiệm vụ chuẩn bị cho người trẻ khả năng chuyên nghiệp nào đó để bay vào tương lai và khơi dậy ước ao đi tìm niềm vui sống đích thực là điều không thể tách rời được.
Bạo lực nơi người trẻ còn biểu hiện nơi việc giải trí và thể thao. Sân chơi là môi trường nơi các bạn trẻ có thể trải qua thời gian tự do trong tinh thần vui tươi và huynh đệ đang trở nên “điểm ngắm” của những quan tâm kinh tế và chính trị. Thể thao bị thao túng bởi tính cách chuyên nghiệp, bởi quyền lực và lợi nhuận không còn đơn thuần là trò chơi, giải trí hay là “lễ hội” nữa. Thể thao như thế sẽ chẳng còn là dịp để gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và đua tài, mà trở thành dịp đấu đá hay thoả hiệp vì lợi nhuận. Thể thao không còn là lễ hội đã nhường chổ lại cho bạo lực. Và bạo lực đã xảy ra không chỉ nơi sân vận động quốc gia hay địa phương mà ngay cả nơi sân bóng nhỏ của Nguyện Xá nữa. Bởi thế các Nguyện Xá phải bằng cách nào đó tìm lại nét mặt tươi đẹp trong các hoạt động vui chơi hằng ngày của trẻ và cứu vãn tình hình sinh hoạt thể dục-thể thao-văn hoá đang bị xem như là một dịch vụ và xa dần tầm tay của việc giáo dục salêdiêng.

Người salêdiêng đối diện với vấn đề bạo lực nơi người trẻ
Trước thực tế này, chúng ta không thể dừng lại ở việc phân tích theo kiểu xã hội học về thực trạng đời sống của người trẻ, cho dù trong trách nhiệm của các nhà giáo dục, bổn phận của chúng ta là phải học biết các yếu tố cấu thành và tình trạng đời sống của người trẻ để từ đó có những can thiệp thích hợp. Cần thiết phải nhìn lại tinh thầncách sống của nhà giáo dục.
Trở về với con tim - Khi Don Bosco nói rằng “giáo dục là công việc của trái tim” chắc chắn ngài không nhắm đến những gì thiên về cảm xúc. Don Bosco muốn nói đến chiều sâu của việc giáo dục, điều đòi hỏi phía các nhà giáo dục sự thức tỉnhquan tâm nhiều hơn tới tình trạng sống của người trẻ. Đó không là một thứ công việc tâm lý đơn thuần mà là một nỗ lực tìm kiếm nền tảng trên đó chúng ta xây dựng và điều chỉnh mọi sự. Việc “trở về với con tim” nhắc nhở chúng ta khởi đi từ những kinh nghiệm của người trẻ, lắng nghe, khuyên bảo và thanh lọc những kinh nghiệm của họ trong những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Người trẻ giàu tiềm năng, quan trọng là những năng lực của họ phải được đưa dẫn vào các nẽo đường thích hợp của sự tự do, từ tự do cá nhân đến tự do của nhân loại, từ cuộc sống riêng tư đến việc rộng mở cùng thế giới nơi còn nhiều người nghèo khổ và thiếu thốn. Khi giáo dục có khả năng khơi dậy những tiềm lực của tự do và cũng là sức mạnh của Sự Sống lại, thì lúc đó việc giáo dục sẽ làm sống lại những gương mặt mới nơi Nguyện xá, trường học, giáo xứ…
Tìm kiếm gương mặt của Thầy Annia - Hãy thử nghĩ xem Phaolô trên đường đi Damas sẽ ra sao nếu không có thầy Anania và cộng đoàn kitô hữu nhỏ bé đầu tiên? Có thể có chăng vị thánh trẻ Domenico Savio nếu không có Don Bosco - người đã đón nhận và giáo dục người bạn nhỏ tuổi này nơi Nguyện Xá? Phải tìm lại gương mặt của thầy Anania ngày nay. Nhiều vị mục tử hay các nhà giáo dục đã đặt những kinh nghiệm sống của các bạn trẻ ngoài tầm ngắm mục vụ và chỉ quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức các hoạt động, các chương trình, các cử hành của riêng mình. Vai trò của họ cần phải được thể hiện khác đi. Họ phải là những Anania lắng nghe, đón nhận và chữa lành.
Tìm kiếm những lời giải đáp hay làm một cuộc đồng hành? Vấn đề bạo lực nơi người trẻ gợi nhắc chúng ta nhớ đến sức mạnh và việc chọn lựa hệ thống giáo dục dự phòng của Don Bosco. Chuyện thay đổi con người hay xã hội cần thiết phải từ nội tâm, từ bên trong mỗi một hành vi, ngôn ngữ, thói quen cá nhân sau đó mới đến cấu trúc hay luật lệ xã hội. Đừng tin là sống trong một thế giới có cấu trúc tương hợp và hài hoà con người có thể sống hạnh phúc mà không cần đến việc chính mình trước hết phải là người tốt lành và hạnh phúc.
Tất cả phụ thuộc vào khả năng đồng hành với người trẻ của nhà giáo dục. Nhiều khi chúng ta tìm cách đưa ra những câu trả lời giải đáp thắc mắc trong lúc người trẻ cần ai đó bước đi với họ. Tất nhiên thật khó mà lên đường nếu ta không biết sẽ đi đâu và sẽ đến đâu. Người trẻ chờ đợi một cuộc gặp gỡ có thể giúp họ  khám phá chính mình nhiều hơn và mong ước tìm gặp ý nghĩa đích thực nơi cuộc phiêu lưu của kiếp nhân sinh. Họ không mong đợi tìm thấy kho tàng những điều chắc chắn và may mắn, nhưng họ cần một sự trợ giúp. Họ muốn tìm gặp các nhà đạo sĩ trên đường tìm ngôi sao lạ hơn là các thầy thông luật ngồi ở Giêrusalem.
Đáng tiếc là nhiều khi chúng ta có quá ít sự nhạy cảm với những thao thức của người trẻ. Nhiều người trong họ không còn hỏi chúng ta điều gì cần phải tin mà là vấn đề vì sao phải tin. Ai trong chúng ta cảm thấy mình tự do thực sự trong Đức tin để có thể truyền rao một niềm tin có sức sáng tạo những nét mới mẻ từ hống ân chúng ta nhận được? (Lê An Phong, SDB - tóm lược và chuyển ngữ).

No comments:

Post a Comment