05 June, 2011

HÔN NHÂN THEO KIỂU “SỐNG THỬ - SỐNG CHUNG” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ (phần cuối)

Bài 4. Thử suy nghĩ để tìm giải pháp cho vấn đề


Theo những gì đã trình bày, chúng ta có thể thấy “chuyện có vẻ riêng tư” của tình yêu và gia đình không là “độc quyền” của cá nhân mà liên quan đến cả đời sống cộng đồng.

Có thể có một giải pháp nào chăng từ phía cộng đồng cho vấn đề sống thử - sống chung ngoài hôn phối?

Nếu chúng ta xem “hiện tượng” này như là một lối sống theo thời đại, vấn đề chắc không đáng bận tâm để tìm giải pháp, vì như nhiều người suy nghĩ, nếu nó hợp thời thì sẽ tồn tại còn nếu không thì tự đào thải. Các nhà tạo mẫu thường nghĩ ra các “mốt” (mode) mới để cho cuộc sống “bớt nhàm chán và đơn điệu”, rồi mọi sự cũng trở lại như ban đầu và xoay vòng; chuyện tình yêu cũng vậy thôi, để tránh đi sự nhàm chán và đơn điệu, người ta cần phải thay đổi một chút hương vị, rồi mọi sự cũng trở lại như ban đầu (?).

Nếu suy nghĩ một cách nghiêm túc, thì chúng ta phải xem lại kiểu sống “theo thời” này. Sự nhàm chán không hệ tại hoàn toàn nơi cuộc sống “có vẻ đơn điệu”, “một ngày như mọi ngày” mà hệ tại con người. Thay đổi mọi sự bên ngoài nhưng không thay đổi chính cách suy nghĩ, tâm tư của mình thì người ta vẫn cảm thấy đơn điệu mãi thôi. Biết bao nhiêu người đã và đang khám phá sự phong phú và tươi đẹp của cuộc sống qua những gì nhỏ bé trôi qua từng ngày.

Chuyện đơn điệu trong tình yêu không phải bắt đầu từ sự đơn giản hóa tình cảm hay lập đi lập những gì thường ngày giữa hai người (người ta khi yêu nhau họ có thể nghe nhắc đi nhắc lai hàng ngàn lần câu “anh yêu em” hoặc “em yêu anh” mà không biết chán!), mà từ việc thiếu quan tâm đến người khác hay từ suy nghĩ đơn điệu và lạnh nhạt theo kiểu “mình đã biết hết mọi sự rồi, không cần tìm hiểu gì thêm nữa”. Trong các cẩm nang về xây dựng hạnh phúc gia đình, các nhà nghiên cứu tâm lý cách nghiêm túc có đề cập nhiều đến vấn đề nhàm chán trong tình yêu và của cuộc sống hôn nhân, nhưng không ai khuyên chọn giải pháp tránh nhàm chán và tìm sự mới lạ trong tình yêu bằng cách sống thử một gia đình hay sống tạm thời một tình yêu. Người ta luôn khuyên các đôi bạn hãy tìm kiếm và khám phá những điều còn tiềm ẩn trong cảm xúc, tâm tư, mơ ước… nơi người bạn của mình, qua những lần gặp gỡ, tâm tình, chia sẻ, trao đổi, gần gũi và quan tâm đến nhau nhiều hơn. Khám phá trong tình yêu là công việc thực sự của những ai đang trong cuộc và đang quan tâm tìm kiếm mục tiêu sau cùng, dù có thể chưa rõ ràng mười mươi nhưng đã được suy nghĩ và chọn lựa, hơn là chuyện may rủi của những kẻ lang thang dò tìm không định hướng.

Người ta luôn nói đến “kế hoạch cuộc sống” và tầm quan trọng của nó cho tương lai một đời người. Cuộc sống muôn mầu muôn vẻ và cuộc sống ngày nay cho ta nhiều cơ hội để có thể chọn lựa, thăng tiến và vươn tới tương lai. Dù vậy, chúng ta chỉ có thể chọn lựa một vài cơ hội quan trong mà thôi cho cả đời mình. Việc chọn lựa và quyết định của cá nhân luôn mang tính chất nền tảng. Yếu tố ngoại cảnh tiêu cực tác động đến lối sống của mỗi người, nhưng, như cánh hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, con người có khả năng siêu việt hơn chứ! Hãy đừng đổ lỗi hoàn toàn cho thời đại và hoàn cảnh để biện minh cho những sai phạm và những tính toán cá nhân nơi ta (với lý do: người ta vẫn sống thử đầy dẫy ra đó, tại sao tôi không thể làm theo? Người ta sao tôi vậy!).

Chúng ta có thể chân nhận với nhau điều này: mọi hành vi của con người luôn liên quan đến tự do và lương tâm của họ. Vậy khả năng để bạn chọn lựa sẽ phụ thuộc vào đâu: “theo như người ta làm” hay theo lương tâm, tự do và trách nhiệm của chính bạn? Vấn đề sống thử - sống chung, xét cho cùng, là sự lựa chọn cá nhân có liên quan đến các giá trị đạo đức nhân bản và chuẩn mực hành xử của xã hội. Nếu vậy, chúng ta cần phải nhắc đến vai trò của việc giáo dục. Đây là tiến trình hội nhập cá nhân vào đời sống cộng đồng thông qua việc truyền đạt những giá trị và mô thức hành xử giữa các thế hệ. Ai sẽ có trách nhiệm trong việc này?

Việc giáo dục không là việc riêng của một cá nhân hay một nhóm xã hội nào, mà là của tất cả mọi người; từ môi trường gia đình, trường học, công sở, sinh hoạt cộng đồng đến cả việc tự giáo dục nữa. Trong tất cả, giới trẻ là thành phần tiếp thụ nhiều ảnh hưởng từ phía xã hội, chúng ta không thể quy trách mọi sự cho giới trẻ vì họ đang cần hoàn thiện chính mình. Bởi thế, họ cần được sự trợ giúp và hướng dẫn nhiều hơn về mặt giáo dục từ những ai có trách nhiệm. Họ cần được chuyển giao những định hướng sống, những chuẩn mực, cách hành xử, cách lựa chọn các giá trị. Ở đây chúng ta cần có và cần đến việc xây dựng một hệ thống chuẩn mực các giá trị chung mà các bạn trẻ có thể chấp nhận và chia sẻ được như: tự do, lương tâm, trách nhiệm, lòng trung thực, tình yêu chân thật, sự tôn trọng,…

Cần thiết phải nghĩ đến việc cổ võ để sống các giá trị này thông qua thực tế đời sống trong gia đình và mối tương quan tình cảm cha mẹ-con cái, thông qua các phương tiện truyền thông và các hình thức tư vấn, trao đổi với các chuyên viên tâm lý- giáo dục xã hội, để các bạn trẻ có cách nhìn đúng dắn và trưởng thành hơn trong đời sống tình cảm và trong việc chọn lựa hướng đi cho hạnh phúc tương lai.

Để kết luận, chúng ta có thể tâm sự vài lời với các bạn trẻ: tình yêu và sự tôn trọng phẩm giá lẫn nhau là điểm căn bản để xây dựng hôn nhân và gia đình. Nếu các bạn trẻ không đặt tình yêu chân thật làm nền tảng cho việc thiết lập gia đình tương lai, thì dù có sống thử đến 10 năm hay 20 năm, họ sẽ chỉ tìm thấy sự lừa dối và đổ vỡ. Nếu các bạn trẻ không thành thật và nghiêm túc với lòng mình trong khi làm những quyết định quan trọng về tình cảm và chọn lựa bạn bè-tình yêu, thì những giây phút lỡ làng sẽ không còn là “chuyện để quên đi” trong một năm hay hai năm mà là “chuyện không thể quên được” của cả đời người. Hãy bắt đầu mọi sự từ chính bản thân mình một cách nghiêm túc và hãy suy nghĩ luôn rằng: điều bạn đang làm hôm nay và nay mai sẽ để lại đấu ấn trong suốt cuộc đời của chính bạn và cho cả mọi người đang sống quanh bạn nữa. Một trách nhiệm thực sự khó khăn đấy, nhưng đã sinh ra làm kiếp người thì không thể sống khác được!

Lê An Phong, SDB (08-09)


No comments:

Post a Comment