Có lẽ với các salêdiêng lão thành và là người làm việc mục vụ lâu năm, chuyện các ông bố bà mẹ đến tâm sự về con cái mình không khi nào thiếu. Có người thì hãnh diện vì con cái mình ngoan hiền, đạo đức. Cũng có người cảm thấy đau khổ và buồn rầu vì những “đứa con hoang đàng, lỗi đạo”. Với các salêdiêng trẻ tuổi, các ông bố bà mẹ thường hay “khuyên” rằng nên đi tu thì hay hơn, vì lập gia đình thì vợ chồng con cái như “của nợ đời ”. Thực tế, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái lắm khi như một cái gánh nặng trên vai.
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Các bậc cha mẹ thường thú nhận điều này khi cảm thấy “bó tay” vì con cái của mình đi ra ngoài tầm kiểm soát. Nơi các gia đình có đông anh chị em, người ta dễ dàng nhận ra rằng: cho dù mọi người cùng sống trong một hoàn cảnh nhất định, nhưng tính tình mỗi người mỗi khác; anh này chị kia mỗi người là một “mầu nhiệm”; mỗi người là một tiểu vũ trụ đầy những bí ẩn mà chỉ có Chúa mới biết tận cùng ra sao.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp cha mẹ sinh con và sinh cả… tính tình nữa! Con cái chịu ảnh hưởng từ cha mẹ; hay nói cách khác, trẻ thay đổi tính tình hoặc trở nên hư hỏng vì thiếu giáo dục hay vì thụ hưởng một sự giáo dục sai lạc từ cha mẹ. Cha ông ta ngày xưa đã có kinh nghiệm này: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Người ta cũng hay nói :”Cha nào con nấy”, hoặc “rau nào sâu ấy”.
Chuyện nuôi dạy con cái là chuyện “xưa như trái đất”, nhưng luôn là mối bận tâm của mọi thời. Nếu ai đọc qua một lần “Gia huấn ca” của cụ Nguyễn Trãi, thì có thể nhận ra rằng cái lý của người xưa đến nay vẫn còn gợi nhắc chúng ta suy nghĩ.
… Ngày con đã biết chơi biết chạy,
Đừng cho chơi cầm gậy, trèo cao,
Đừng cho chơi búa chơi dao,
Chơi vôi, chơi lửa, chơi ao có ngày.
Lau cho sạch không hay dầm nước,
Ăn cho vừa, đừng ước cao lương,
Mùa đông tháng hạ thích thường,
Đừng ôm ấp quá, đừng suồng sã con.
Dạy từ thủa hãy còn trứng nước,
Đừng cho chơi cầm gậy, trèo cao,
Đừng cho chơi búa chơi dao,
Chơi vôi, chơi lửa, chơi ao có ngày.
Lau cho sạch không hay dầm nước,
Ăn cho vừa, đừng ước cao lương,
Mùa đông tháng hạ thích thường,
Đừng ôm ấp quá, đừng suồng sã con.
Dạy từ thủa hãy còn trứng nước,
Yêu cho đòn bắt chước lấy người,
Trình thưa, vâng dạ, đứng ngồi,
Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên.
Gần mực đen, gần đèn thì sáng,
Ở bầu tròn, ở ống thì dài,
Lạ gì con có giống ai,
Phúc đức tại mẫu là lời thế gian.
Làm mẹ chớ ăn càn, nói dở,
Với con đừng chửi rủa quá lời,
Hay chi thô tục những người,
Hôm nay cụ cụ, ngày mai bà bà.
Gieo tiếng ra chết cây, gãy cối,
Mở miệng nào có ngọn có ngành,
Đến tay bụt cũng không lành,
Chồng con khinh rẻ, thế tình mỉa mai!
Ấy những thói ở đời ngông dại,
Khôn thì chừa, mới phải giống người,
Sinh con thì dạy thì nuôi,
Biết câu phải trái lựa lời khuyên răn.
Trình thưa, vâng dạ, đứng ngồi,
Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên.
Gần mực đen, gần đèn thì sáng,
Ở bầu tròn, ở ống thì dài,
Lạ gì con có giống ai,
Phúc đức tại mẫu là lời thế gian.
Làm mẹ chớ ăn càn, nói dở,
Với con đừng chửi rủa quá lời,
Hay chi thô tục những người,
Hôm nay cụ cụ, ngày mai bà bà.
Gieo tiếng ra chết cây, gãy cối,
Mở miệng nào có ngọn có ngành,
Đến tay bụt cũng không lành,
Chồng con khinh rẻ, thế tình mỉa mai!
Ấy những thói ở đời ngông dại,
Khôn thì chừa, mới phải giống người,
Sinh con thì dạy thì nuôi,
Biết câu phải trái lựa lời khuyên răn.
(Xin xem thêm Gia huấn ca).
Người xưa đã từng dạy thế, người của thời hiện đại ngày nay ở một phương trời khác cũng có chung một kiểu suy tư. Linh mục Antonio Mazzi, một tu sĩ thuộc Tu hội Các Tôi tớ của Chúa Quan phòng, một nhà giáo dục và là một chuyên gia tâm lý tuổi trẻ, làm việc ở Cộng đoàn giáo dục mang tên Exodus, đã cho xuất bản mới đây một cuốn sách mang tựa đề Mười cách để làm hư hỏng con cái của bạn (NXB San Paolo). Trong cuốn sách này, với tất cả tâm tình của một mục tử và kinh nghiệm sống với người trẻ như một nhà giáo dục, ngài tâm sự với các bậc cha mẹ về các mối nguy cơ của việc giáo dục sai lạc trong gia đình – các nguy cơ dẫn đến việc làm hư hỏng con cái như cách thức giao tiếp, cách tổ chức thời gian, cách biểu tỏ tình cảm, cách sử dụng của cải tiền bạc, lối sống đạo đức - tinh thần, việc chia sẻ, nâng đỡ và đồng trách nhiệm trong gia đình… Có người đã hỏi cha Antonio: “Cha là một linh mục và cha chưa bao giờ giáo dục con cái của chính mình…”. Ngài trả lời rằng: “Tôi bị nhiều người hỏi vậy rồi, và tôi không là một người cha về mặt sinh học, nhưng sống và làm việc trong một cộng đoàn với các bạn trẻ, người ta có thể dễ dàng tạo nên một tương quan của tình phụ tử thật mạnh mẽ. Nên biết rằng giáo dục con cái người khác bao giờ cũng khó khăn hơn là với con cái của mình. Mà tôi, thật là “kém may mắn”, phải làm cha cho những đứa con của người khác, và tôi phải thực sự là người cha đối với chúng. Mỗi buổi chiều tôi phải tự hỏi mình “bọn trẻ đang ở đâu, làm gì; và tôi sẽ làm gì cho chúng”. Cha Antonio nói thêm “Con cái của bạn như những cây non. Khi bạn trồng chúng, bạn đã phải chuẩn bị cho sự sống lâu dài sau này. Hãy cho chúng mảnh đất tươi tốt và giúp chúng cắm rể sâu vào lòng đất, vì sau này chúng phải tự mình lo kiếm nguồn nhựa sống”.
Tuy bối cảnh xã hội mà ngài nói đến thuộc các nước phát triển, nhưng thiết nghĩ một vài điểm cũng khiến chúng ta suy nghĩ trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.
- Về thời gian rảnh rỗi hay thời gian “tự do” của trẻ
Thường thì trẻ cần nhiều thời gian cho việc học hành ở trường cũng như ở nhà. Tuy nhiên nhu cầu nghỉ ngơi và chơi đùa rất cần thiết cho trẻ. Một số phụ huynh vì không có thời gian trông nom nên gởi trẻ đi bất kì nơi đâu, học hết môn năng khiếu này đến hoạt động ngoại khoá khác. Một số khác thì để cho trẻ “free” hoàn toàn để làm những gì các em muốn.
“Thời gian rảnh rỗi của trẻ là một vấn đề - cha Antonio viết - và chúng ta (các bậc cha mẹ) đã không quan tâm đúng mức đến điều này. Thực tế người trẻ có khá nhiều thời gian rỗi và họ bị mất hút vào cái gọi là “không làm gì cả”. Don Bosco, một trong những bậc thầy về giáo dục, đã thử “thời vận” phương pháp giáo dục của mình, áp dụng trong cách sử dụng thời gian rảnh rỗi của trẻ. Đó là sân chơi Nguyện xá. Người lớn chúng ta phải suy nghĩ lại cách lên chương trình cho thời gian nhàn rỗi của trẻ và phải đảm trách việc này một cách có trách nhiệm; gia đình phải giúp người trẻ phân biệt đâu là lối vui chơi theo kiểu “băng đảng” và đâu là tình bạn thực sự…”
Chúng ta biết rằng thời gian rảnh rỗi không đơn thuần là khoảng thời gian trống giữa các hoạt động, hay là lúc “không làm gì cả”. Đó là lúc con người thay đổi một chút hoạt động. Người ta có thể “thư giãn” bằng cách nghe nhạc, đi dạo, trò chuyện, gặp gỡ thân mật trong gia đình, xây dựng tương quan với người khác, hay sống với khoảng không gian tự do của mình để tìm lại chính mình và để chuẩn bị cho một bước đi mới. Khi một người “không biết làm gì” cả thì thời gian rảnh rỗi không còn giá trị và tất cả thời gian quí như vàng bạc rồi cũng trôi đi vô ích. “Người bị mất vàng bạc sẽ tìm lại được bằng cách này hay cách khác, nhưng ai đánh mất thời gian vì những chuyện vô bổ trên đời này sẽ mãi mãi không tìm được nữa” - Amma Teodora, một nữ đan tu đã viết như vậy.
- Về cách sử dụng phương tiện giải trí, truyền thông
Liên quan phần nào đến việc sử dụng thời gian rảnh rỗi, cha Antonio nói đến mối nguy hiểm của Tivi, phim ảnh và việc tiêu tốn thời gian quá mức cho những hoạt động giải trí vô bổ.
Chúng ta cũng có thể nói thêm theo triền tư tưởng của ngài về nhiều thứ nguy cơ liên quan đến internet hay điện thoại di động. Việc sử dụng điện thoại di động ngay nay đã trở thành phổ biến, và nhiều người phải dùng đến như một phương tiện truyền thông cần thiết. Với người trẻ, hơn thế nữa, đó là “mốt” và là đồ chơi của dân sành điệu. Không ít người trẻ đã xài phí hoặc đã trở thành nạn nhân của bao nhiêu sự quấy rầy. Bao nhiêu chuyện đời tư được mang ra chốn công đường cho mọi người nghe; và các âm thanh vui tai của đủ mọi thứ nhạc chuông gây chia trí và làm nhiều người xung quanh bực mình. Tốt hơn chăng nếu bạn trẻ được giáo dục và biết cách sống một chút văn minh của điện thoại!
Chuyện về internet, có lẽ khó khăn hơn khi người trẻ lạm dụng về phương tiện truyền thông giải trí này, để - thay vì học hỏi nghiên cứu và mở mang trí tuệ - họ lại đi tìm tòi và bị đầu độc bởi nhiều thứ rác rưởi khác. Thời nay, người ta sẽ không thể chết vì thiếu vi tính hay internet, nhưng người ta sẽ khó sống vì không có chúng. Điều cần thiết bây giờ là hướng dẫn và giúp cho người trẻ có một thái độ lựa chọn đúng đắn và có trách nhiệm trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, vì tự thân các phương tiện này chẳng có gì xấu, mọi sự hệ tại nơi người sử dụng.
- Về tinh thần gia đình
Đối với nhiều gia đình hiện nay, việc họp mặt mọi người một cách đầy đủ trong các bữa ăn là chuyện khó. Có khi bữa ăn chỉ là lúc vội vàng “nạp” vài thứ vào bụng để tranh thủ thời gian theo dõi một bộ phim truyện, hay một chương trình giải trí trên truyền hình. Cha Antonio đề nghị là nên dành thời gian thích hợp cho các bữa ăn, và hãy xem đó như là khoảnh khắc thân mật, không nên vội vã, và tránh bầu khí căng thẳng lạnh lùng. Thực vậy, đó chính là lúc con cái cha mẹ quan tâm đến nhau và có thể chia sẻ nhiều điều. Có thể câu chuyện một ngày sống và công việc vất vả của cha mẹ sẽ là “thông điệp” để con cái biết cảm thông hơn, biết sống có trách nhiệm hơn và có khả năng chịu đựng hay vượt qua thử thách sau này.
Nhiệm vụ giáo dục con cái thật khó khăn, nhưng nói theo Kinh thánh, trong một Thánh vịnh, “bầy con bạn sinh hạ thời son trẻ giống như nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào đeo đầy loại ống tên như thế”. Hạnh phúc thay người nào mà hậu duệ của họ được Chúa chúc lành. Công trạng của họ sẽ được ca ngợi ngàn thu. (Lê An Phong, SDB – Genova 2008)
No comments:
Post a Comment