Từ lâu, trong các tiểu thuyết, chúng ta biết đến Sherloch Holmes như một thám tử tài ba chuyên khám phá các vụ án khó khăn. Người ta kể về chuyện các bà “hay ghen”nhờ thám tử tư theo dõi chồng của mình xem có đi lại với ai, vì nghi ngờ có dấu hiệu của việc ngoại tình. Chuyện ngoài đời hình như cũng có nhiều điều tương tự.
Nay lại có một chuyện về thám tử khá “độc đáo”, liên quan đến việc cha mẹ thuê thám tử tư để theo dõi…con cái. Trong một chương trình nói chuyện trên truyền hình ở Italy gần đây, người ta đã đề cập đến hiện tượng này.
Theo như thông tin mà chương trình này đề cập, thì hiện nay một số công ty thám tử tư (ví dụ ở thành phố Milan – Bắc Ý) đã “nhảy vào cuộc” để làm công việc theo dõi các bạn “teen” 14-16 tuổi theo “đơn đặt hàng” của gia đình. Có lẽ gia đình đã nhận ra một số dấu hiệu khả nghi nơi cậu con trai hay cô con gái yêu quý của mình mà họ không biết chuyện gì chính xác đang xảy ra, và trong lúc lo lắng như vậy họ đã nhờ người khác giúp. Phần lớn các trường hợp như vậy liên quan đến vấn đề “nóng” như sử dụng và buôn bán ma túy, quan hệ tình dục không lành mạnh, theo các băng nhóm tội phạm…Cha mẹ nghi ngờ nhưng không biết cách nào để biết chuyện cho rành mạch, nên cầu cứu các thám tử nhà nghề làm chuyện này.
Theo như lời kể của một số thám tử thì họ nhận được yêu cầu thường xuyên từ phía các bậc cha mẹ, xin “để mắt” đến con cái của họ, để biết lúc chúng nó ra khỏi nhà đến trường và sau khi tan học chúng đi đâu. Họ theo dõi và bắt gặp nhiều trường hợp các bạn trẻ bỏ học, rủ nhau lấy xe môtô chạy vòng quanh đâu đó với nhau, ngồi tán dóc trong công viên vắng người, vào quán bar uống nước và hút thuốc lá chờ cho đến khi tan học thì quay về nhà, xem như không có chuyện gì xảy ra. Một số bạn trẻ, có lẽ cao cấp hơn, thì có những “cuộc hẹn hò” bí mật nào đó, qua điện thoại di động hoặc qua đường internet, đã tìm cách ra khỏi nhà, hẹn gặp một số “đối tác” để trao đổi ma túy, hay để làm những chuyện “người lớn”, phát tán hình ảnh của mình trên mạng bằng cách “khoe của” cho bàn dân thiên hạ xem để kiếm tiền. Nói chung, bạn nào bắt đầu con đường đi lại bí mật như thế đều nằm trong tình trạng đáng báo động. Số tiền phải trả cho các thám tử cũng khá cao (từ 30-90 euro /một giờ; 4-5 giờ/ngày tùy theo đối tượng, và thường việc theo dõi có khi kéo dài đến hàng tuần lễ).
Điểm mà người ta vẫn còn “ngắc ngứ” là sau khi các bậc cha mẹ biết được con cái mình đã vướng vào “chuyện không hay” rồi, họ có thể làm gì? Thường thì những người đó là các bậc cha mẹ có công ăn việc làm ổn định và khá bận rộn với công việc, nên họ có ít thời giờ để dành cho con cái. Họ không có nhiều cơ hội để gần gủi con cái và nhiều khi không có khả năng đối thoại với chúng những khi cần thiết, kể cả trường hợp cần thiết phải thi hành một số hình thức “trừng phạt” nho nhỏ vì quá nuông chiều con cái.
Một cách nào đó chúng ta cũng có thể thấy sự rạn nứt trong việc đối thoại giữa cha mẹ và con cái, cũng như các mối tương quan khác trong gia đình, và điều này sẽ kéo theo những hậu quả xấu trong việc giáo dục như thực tế cho thấy. Trường hợp xấu nhất là họ phải nhờ cảnh sát và pháp luật can thiệp. Vì tình thương và trách nhiệm, hơn ai hết, các bậc cha mẹ sẽ rất đau lòng vì con cái của mình, mà đành chấp nhận những giải pháp không mấy “tình người”. Nhiều khi chuyện xảy ra đã quá muộn và nhiều khi cần rất nhiều thời gian để cho con cái họ “làm lại cuộc đời”.
Nên chăng chúng ta hãy nghĩ đến trước tình trạng tiêu cực có thể xảy ra cũng như hậu quả của việc ăn chơi đua đòi và ảnh hưởng của bạn bè xấu nơi con em mình mà ngăn ngừa trước khi chúng sa lầy, hơn là đến mức phải nhờ các thám tử vào cuộc? Điều cần thiết hơn phải chăng là xây dựng tình yêu thương, gần gủi trong gia đình?
Chắc chắn đây là một “nhiệm vụ” đòi hỏi sự hy sinh lớn lao từ phía các bậc cha mẹ. Mà ai dám nói rằng mọi hy sinh đều là vô nghĩa? Chắc chắn con em chúng ta sẽ hiểu được điều này, hiểu được tình yêu thương và sự hy sinh của cha mẹ để sống tốt và sống có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình và với những người mà họ yêu mến.
(Lê An Phong, SDB)
No comments:
Post a Comment