Một hiện tượng đang được nhiều người quan tâm là sự “bùng nổ” về ơn gọi nơi các quốc gia thuộc Châu Á và châu Phi. Từ bên ngoài, những nơi thiếu vắng ơn gọi, người ta có hai thái độ khác nhau về hiện tượng này. Một số cho rằng, đây là thời điểm mà hạt giống Tin mừng ở Châu Á, Châu Phi lớn mạnh; và như thế là một đấu hiệu đáng mừng. Số khác thì có vẻ hoài nghi về sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng và lo ngại cho chất lượng nơi các ơn gọi mới. Người ta dùng một kiểu chơi chữ giữa “ơn gọi” (vocazione) và “kiếm ăn” (bocca-zione – từ chữ bocca – cái miệng) để bày tỏ thái độ này.
Thực tế việc gia tăng về lượng và phẩm của ơn gọi ra sao, thì những ai có nhiệm vụ chăm sóc và đào tạo nơi các dòng tu và chủng viện biết rõ hơn. Tuy nhiên cũng dễ dàng nhận ra rằng đâu đó trong lựa chọn ơn gọi, thường cũng có những động cơ hay toan tính của con người xen vào. Điều có thể tin được là chắc chắn tiếng Chúa mời gọi đã một lần vang lên trong tâm hồn các ứng sinh; và họ đã nghe thấy theo một kiểu nào đó, rồi tìm cách đáp lại bằng những thử nghiệm đầu tiên nơi môi trường tập tành tu đức. Ai cũng biết rằng con người ta không phải lúc nào cũng đã “là” người hoàn toàn, mà phải học biết để “trở thành” người hơn. Bởi thế người ta mới cần đến việc đào luyện.
Có nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng khá mạnh đến một ơn gọi. Môi trường gia đình, giáo xứ, hội đoàn là những nơi giúp bạn trẻ nhận ra ơn gọi của mình trước tiên. Tuy nhiên ngày nay, hoàn cảnh sống trong gia đình và ngoài xã hội cũng là một trong những tác nhân làm thay đổi quan niệm về đời sống ơn gọi nhiều nơi.
Một lần, trên chuyến tàu điện, tôi tình cờ gặp một cha dòng Phanxicô. Chúng tôi ngồi chổ gần nhau và trò chuyện về tình hình ơn gọi, cuộc sống tu sĩ…Bất chợt có một người gọi điện thoại cho ngài. Sau khoảng 15 phút nghe điện thoại, ngài có vẻ buồn rầu và kể lại với tôi chuyện vừa xảy ra. Có một thanh niên đang theo lớp ơn gọi của dòng, anh sắp học xong Đại học và dự định sẽ vào Nhà Tập. Khi anh nói về ý định của mình cho gia đình biết thì bị “phản đối”. Mẹ anh “khuyến cáo” rằng nếu anh “đi tu” thì bà sẽ “từ” anh luôn! Cha bạn dòng Phanxicô thở dài và buông một câu: “Vậy đó, chỉ còn cách duy nhất là cầu nguyện thôi, để xin Chúa làm thay đổi lòng người!”
Thực tế, rất nhiều ơn gọi salêdiêng đã được nuôi dưỡng và lớn lên nơi các bạn trẻ- những người hoạt động trong nhóm ca đoàn, huynh trưởng, linh hoạt viên trong các công cuộc saledieng…Tuy nhiên tỉ lệ ơn gọi là người ngoài các xứ saledieng, hay “tình cờ” gặp gỡ và nghe biết các saledieng vẫn cao hơn số thuộc các giáo xứ hay trường học saledieng. Vì sao có chuyện này? Phải chăng vì “Bụt nhà không thiêng”? Phải chăng vì “gần quá hoá nhàm”? Cũng là một chuyện đáng suy nghĩ.
Một vài bạn trẻ hỏi tôi vì sao lại đi tu, và sau khi nghe tôi giải thích lý do họ chỉ nói “Lạ lùng thật! Người ta cũng có thể làm việc như anh mà chẳng cần đi tu”. Một số khác thì trêu chọc rằng đi tu chỉ lo kiếm tiền, ăn uống và “to người tốt tướng” lên thôi. Một số bạn nhỏ khi được hỏi tại sao không muốn đi tu, họ trả lời thẳng thắn rằng “không thể sống thiếu đàn bà”, hoặc họ sợ làm việc tất bật vất vả quanh năm và kinh lễ suốt ngày, không được đi đây đi đó tự do khi còn trẻ, về già sợ cô đơn...Biết làm sao được khi cuộc sống tiện nghi và hưởng thụ cá nhân không cho phép người ta suy nghĩ khác hơn được.
Cũng có nhiều bạn trẻ tích cực trong các hoạt động với giới trẻ, cộng tác nhiệt tình và đắc lực với các saledieng trong nhiều phong trào tông đồ, nhưng khi được mời gọi để “thử nghiệm” sống đời tu hay trở thành saledieng, họ rút lui vì sợ một sự ràng buộc nơi lời khấn hay lời hứa có tính cách lựa chọn nghiêm túc và trường kỳ mà họ lo ngại rằng mình không đảm đương được.
Có bạn trẻ lại lựa chọn một hướng ơn gọi khác vì lý do như trong câu chuyện mà cha Bề trên Cả có lần thuật lại. Lần nọ, Ngài về thăm một nhà saledieng, nơi ngài đã từng làm việc. Tình cờ ngài gặp một một tu sĩ, cũng là một cựu học sinh thân quen. Anh đã từng là người cộng tác đắc lực với các saledieng trong nhiều lãnh vực tông đồ giới trẻ và có ý định trở thành tu sĩ. Cha Bề trên Cả lúc đó ngạc nhiên hỏi anh: “Sau bao nhiêu năm ở với saledieng, tôi nghĩ anh trở thành saledieng chứ, sao lại thế này?”. Anh trả lời : “Con đã chờ đợi mà có thấy ai đề nghị với con về việc trở thành saledieng đâu, nên cuối cùng con đã quyết định…” (Ghi lại qua lời kể của Cha A. Lorenzelli)
Don Bosco đã từng mời các bạn trẻ cộng tác với ngài trong các công cuộc khởi đầu, và cũng nhiều lần đề xuất với họ về việc trở thành tu sĩ. Một số đã trở nên chủng sinh, linh mục của các giáo phận; số khác đã trở thành các saledieng tiên khởi. Người saledieng có thể xác tín rằng tiếng Chúa mời gọi không bao giờ ngừng âm vang qua mọi thời đại, nơi tâm hồn người trẻ. Nhưng giữa một thế giới đang mỗi lúc mỗi tràn ngập nhiều thứ âm thanh hỗn tạp, họ khó mà nghe được tiếng của Người. Có thể có những lúc các bạn trẻ lẫn lộn lời mời gọi dấn thân với một thứ “ngôn ngữ người phàm” khác.
Có lẽ điều cần thiết trước hết, chúng ta phải có những lời đề xuất chân tình với các bạn trẻ. Phần còn lại hãy… để cho Chúa Thánh thần làm việc! Trong lúc nhiều người trẻ đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, ai có thể giúp họ biện phân và lực chọn để sống ơn gọi một cách tròn đầy? Không biết giữa bao nhiêu nỗi bận tâm hằng ngày, chúng ta còn có đủ can đảm, kiên nhẫn và cả sự nhạy bén nữa để nói với họ một lời đề nghị dấn thân chăng? (Lê An Phong, SDB - Genova 2008)
No comments:
Post a Comment