05 June, 2011

HÔN NHÂN THEO KIỂU “SỐNG THỬ - SỐNG CHUNG” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨ (phần tiếp theo)

Bài 3. Những hậu quả về mặt xã hội


Những hậu quả về luân lý, tâm lý trong việc sống thử trước hôn nhân hay sống chung ngoài hôn thú trên thực tế biểu hiện hậu quả tiêu cực, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân và các chuẩn mực đạo đức khác của công đồng.

Trong bối cảnh của đời sống tự do và hiện đại, người ta nói nhiều đến những gì liên quan đến “quyền cá nhân”, và nhiều người rất dễ “bị dị ứng” với những gì được gọi là nguyên tắc đạo đức trong đời sống cộng đồng. Về mặt luân lý kitô giáo, chúng ta không dễ dàng chia sẻ những nhận xét có tính chất đạo đức với những ai không tin nhận các giá trị luân lý “mang tính chất tôn giáo” như nhiều người vẫn quan niệm. Tuy vậy, một cách chung và tự nhiên mà nói, mỗi cá nhân con người, với tất cả những gì là khôn ngoan và thiện hảo mà Đấng Tạo hóa ban cho mình, với tất cả quyền và bổn phận được sở hữu, tự mình phải biết lượng định đâu là con đường đúng đắn - “con đường làm người” - để bước đi và biết đảm nhận trách nhiệm chính mình trong cuộc hành trình đó.

Tôn trọng quyền chính đáng này của con người, chúng ta không có quyền kết án một ai vì đời sống riêng tư của họ, ngay cả khi họ nhầm lẫn. Trái lại, hãy dành tất cả cho Sự thật và Lòng Mến, và điều này hệ tại nơi việc xây dựng mối tương quan tình người như thái độ quan tâm và lắng nghe, cảm thông và chia sẻ, giúp đỡ và gần gũi,…

Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải nhắc đến tác hại lâu dài về mặt xã hội của việc sống thử hoặc sống chung ngoài giá thú mà bất kỳ một cá nhân nào đó, dựa vào quyền riêng của mình (lạm dụng ), có thể gây ra hậu quả cho đời sống và cho lợi ích chung của cộng đồng.

Chúng ta biết rằng xã hội hình thành từ khi gia đình bắt đầu được xây dựng (Lévis Strauss, 1969). Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình là một định chế, được xã hội chuẩn nhận và bảo vệ bằng pháp luật.

Các luật lệ mà xã hội thiết lập phát xuất tự lợi ích chung và nhằm bảo vệ cho quyền lợi mỗi cá nhân. Quy định về hôn nhân và về các chuẩn mực trong đời sống gia đình (hôn nhân nam nữ; việc kết hôn và những gì liên quan đến độ tuổi, huyết thống; quan hệ vợ chồng, việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái v.v…) cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy.

Khi hai người lựa chọn để sống thử hoặc sống chung, tức là chung sống không hôn thú theo luật định, họ sẽ không có mối liên quan bó buộc gì với nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trước mặt cộng đồng; có chăng chỉ là một thỏa thuận ngầm mang tính “riêng tư”. Một cách nào đó đây là hình thức sống “bất hợp pháp”; và về lâu về dài, những ai sống trong tình trạng ấy đang từ chối trách nhiệm và bổn phận pháp lý đối với cộng đồng, về mặt xã hội, kinh tế và cả chính trị nữa (những cam kết về hưởng lợi tức, đóng góp về thuế, trách nhiệm của người người kết hôn với nhau và của cha mẹ với con cái...).

Trên thực tế, chính quyền và những người có trách nhiệm về mặt dân sự không biết con số chính xác bao nhiêu người đang sống thử hoăc sống chung, vì tất cả đều nằm ngoài vòng kiểm soát của các thủ tục hành chính pháp luật và dân sự.

Về phần mình, nhưng người sống trong tình trạng trên sẽ mất đi quyền lợi từ phía xã hội (chẳng hạn thuế thu nhập cá nhân người độc thân khác với người có gia đình, quyền thừa kế trong trường hợp người bạn đời mất đi), và vấn đề này đang làm nảy sinh những khó khăn về mặt pháp lý trong xã hội. Tại nhiều nơi người ta đấu tranh rất mạnh để làm áp lực đòi được pháp luật công nhận những người sống thử-sống chung như một “gia đình thực thụ”. Đối diện với “chuyện đã rồi”, nhà nước phải giải quyết bằng luật, nhưng xem ra thực tế cũng không sáng sủa gì mấy, vì người ta cho rằng đó cũng chỉ là lựa chọn cá nhân và vấn đề riêng tư, trong khi pháp luật luôn phải dựa trên lợi ích chung và phải được áp dụng bình đẵng cho tất cả mọi người.

Ở các nước Châu Âu, theo suy nghĩ của Pierpaolo Donati, đang khi phải đối mặt với tình trạng dân số già đi vì giảm thiểu sinh suất, người ta cũng có mối lo ngại khác liên quan đến việc gia tăng con số các cặp sống thử và sống chung ngoài hôn phối (coppie conviventi), vì họ thuộc vào nhóm có tỉ lệ sinh con thấp nhất (phần lớn họ còn trẻ và không muốn có con cái, hoặc đã có tuổi và sợ phiền phức khi có thêm con cái. Xin xem bảng thống kê dưới đây, cột màu xanh lá cây). Nếu như kiểu sống này phổ biến và được chấp nhận, có thể dẫn đến một sự thay đổi tận gốc rể về dân số, kinh tế, văn hóa và xã hội của một quốc gia.

(Senza figli: Không con cái; Con 1,2,2 o + figli: Có 1, 2,3 con trở lên; Coppie coniugate: các cặp kết hôn; Coppie convivneti: các cặp sống thử sống chung)
Tình trạng sống thử - sống chung liên quan khá mật thiết với động thái “bất ngờ, không lường đón trước” với những “người trong cuộc” và sẽ tạo ra tình trạng “sự cố bất ngờ không tiên liệu được” cho cả cả cộng đồng (chẳng hạn việc giải quyết tình trạng trẻ em sinh ra từ hôn nhân ngoài giá thú, nhà cửa cho các cặp sống chung, việc ky kết các dạng hợp đồng hành chính cần sự đồng thuận của vợ chồng,…).

Với người trẻ, nếu nhiều người trong số họ chọn kiểu sống may rủi này, thì tương lai chẳng có chi là bảo đảm, và họ khó mà đi đến quyết định chắc chắn nghiêm túc về gia đình, nơi ăn chốn ở, công việc, con cái. Với thời gian, khi họ trở nên những người đứng tuổi, nếu tiếp tục chọn lối sống này, thì họ sẽ tiếp tục mãi cuộc hành trình thử nghiệm. Hậu quả sẽ ra sao? Sẽ có một xã hội đầy dẫy những sự bất ngờ và tạm thời từ những con người sống tạm bợ, luôn chờ đợi những bất trắc mà không muốn tìm giải pháp cách nghiêm túc và chẳng một ai có quyền bắt buộc họ theo một luật lệ hay định chế nào.

Xã hội cần những định chế như gia đình vì nhu cầu của sự an toàn chung và việc bảo đảm cho cộng đồng về nguồn lợi nhân sự cho sự sống còn của cộng đồng. Nhân loaị sống còn sau những biến cố bất trắc, nhưng chắc chắn không ai muốn tạo ra sự cố để tìm cơ hội sống còn. Một tương lai có thể chuẩn bị trước và có thể tiên liệu được là điều nhiều người mong muốn hơn là chuyện bất trắc và ngoài ý muốn. (Xin xem tiếp bài 4)

Lê An Phong,SDB

No comments:

Post a Comment