31 January, 2012

Tản mạn về giấc mơ


Có bao giờ bạn nằm mơ chưa?
Câu hỏi hơi bị “thừa” đấy! Ai mà chẳng mơ!
Người ta vẫn chúc nhau trước khi đi ngủ: Hãy có những giấc mộng vàng!

1.      Người ta nói gì với bạn về những giấc mơ?
Có những giấc mơ là bạn phấn chấn tâm hồn. Có những giấc mơ, đúng ra là cơn ác mộng…Sau những giấc mơ kỳ dị, bạn tỉnh dậy với nỗi hoang mang, lo lắng không biết mình gặp phải điềm lành hay dữ.
Các nhà tâm lý học  đã giúp chúng ta tìm lời giải đáp cho những giấc mơ. Xin trích dẫn ở đây vài kiểu mơ mà tôi đọc được trên báo mạng Tiền phong. Đây là vài kiểu mơ và kèm theo lời giải thích rất tâm lý. Bạn chịu khó đọc xem sao nhe!
Mơ thấy loài vật
Chúng liên quan đến công việc bạn đang làm. Những con vật hiền lành là điềm báo trước việc kinh doanh của bạn sẽ thuận buồm xuôi gió. Nếu chúng tấn công hay hăm dọa bạn, nghĩa là có vài hiểu lầm nảy sinh. Một chú ngựa đang chạy đồng nghĩa với việc bạn sẽ vượt trội trong cuộc cạnh tranh ở mọi lĩnh vực.
Mơ gặp tai nạn
Rất nhiều người gặp giấc mơ này đều hốt hoảng giật mình tỉnh dậy vì quá kinh hãi. Đúng là bạn đang có những lo lắng, phiền muộn gây xáo trộn tâm trạng. Nếu trong giấc mơ bạn là nạn nhân của tai nạn ấy, điều đó báo hiệu sức khỏe của bạn có vấn đề. Để yên tâm hơn, bạn nên đi khám tổng quát ngay.
Mơ ngoại tình
Hãy nhớ lại trước đó, bạn có tâm sự điều bí mật của mình với một ai đó không? Nếu có bạn nên cẩn thận. Nếu không, bạn hãy thận trọng với các mối quan hệ trong thời gian tới, có thể một người bạn mới sẽ nhanh chóng khiến bạn thất vọng.
Mơ thấy cô dâu, chú rể
Trong giấc mơ bạn sẽ thấy mình rất vui vẻ hứng khởi phải không. Nhưng cần xem xét chi tiết. Nếu cô dâu, chú rể là bạn, đó sẽ là tin vui về hạnh phúc lứa đôi. Nếu mơ mình đang hôn cô dâu, chú rể, chuyện tình cảm của bạn sắp đến hồi kết thúc. Còn nếu bạn nhận bó hoa của cô dâu, bạn cần phải suy xét lại ưu thế của mình trong tình cảm.
Mơ thấy máy bay
Lúc nào bạn cũng nghĩ về công việc. Nếu bạn là phi công điều khiển chiếc máy bay đó, có nghĩa là bạn đang được tự do. Ngược lại, nếu bạn là hành khách đồng nghĩa với việc bạn sắp có tin đặc biệt. Vì thế, đừng lo gì cả, hãy yên tâm chờ niềm vui sắp đến.
Mơ thấy cháy
Lửa tượng trưng cho điềm lành, xóa tan mọi u ám, báo hiệu cho thấy bạn sẽ thoát ra khỏi những điều bực bội, khó chịu và gặt hái được nhiều thành công.
Mơ thấy chim
Giấc mơ này rất đẹp, ám chỉ một cơ hội tốt trong công việc sẽ đến với bạn, và chỉ cần một bước bứt phá, bạn sẽ có thể bay vút lên vị trí mà nhiều người đang mong ước. Những con chim đang bay lượn trên bầu trời hàm nghĩa bạn đang đi đúng trên con đường đã chọn.
Mơ về cái chết
Bạn đã nghe câu "Sinh dữ tử lành" chưa, vì thế không có gì phải lo lắng cả. Nó báo hiệu bạn đang có một sức khỏe dồi dào, tinh thần trẻ trung, yêu đời hoặc bạn sẽ có thay đổi lớn trong cuộc sống.
Mơ thấy hoa
Đó là một giấc mơ đẹp. Nếu bạn thấy mình lạc vào vườn hoa đang khoe sắc có nghĩa là bạn sẽ được hưởng nhiều niềm vui.
Mơ về sự chiến đấu
Tỉnh dậy bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi vì tiêu hao quá nhiều sinh lực khi tham gia cuộc chiến trong mơ. Hãy mau giải quyết mọi phiền muộn, nếu không chúng sẽ quay lại và khiến bạn nổ tung như trái bom.
Mơ thấy chú ếch
Chắc chắn là không phải ai cũng mơ thấy điều này bởi nó có nghĩa là bạn sẽ nhận được khoản tiền "từ trên trời rơi xuống", đặc biết nếu đó là một chú ếch màu xanh lá cây.
Mơ thấy nước
Thác nước đang tuôn trào báo hiệu sự sung túc, giàu có, thu nhập tăng lên đáng kể. Nếu thấy dòng nước bị vẩn đục nghĩa là điềm chẳng lành, cho thấy nguy hiểm đang rình rập. Còn nếu bắt được cá, nghĩa là bạn sẽ gặp may trong kinh doanh.
Mơ thấy nụ hôn
Thật là lãng mạn và tuyệt vời. Nhưng hãy cẩn thận. Nếu ai đó đang hôn bạn khiến bạn mỉm cười sung sướng, báo hiệu một quan hệ mật thiết sẽ đến. Còn nếu chỉ thích thôi thì bạn đang mất tình cảm với đối tượng đấy.
Mơ thấy núi
Bạn đang tìm kiếm ý tưởng mới. Nếu leo tới đỉnh núi, bạn sẽ được báo trước sự thành công, nhưng đôi khi chúng cũng có nghĩa là trở ngại.
Mơ thấy cảnh đang tắm
Nếu mơ thấy mình đang tắm có nghĩa là bạn đang giữ một bí mật và lo sợ người khác sẽ phát hiện ra bí mật đó. Ngược lại, nếu mơ thấy người khác tắm, xin chia buồn, bí mật của bạn đã bị người khác lật tẩy.
Mơ thấy rắn
Rắn là biểu tượng của vua chúa ngày xưa bảo vệ quyền lực, của cải và bí mật. Nếu bạn thấy một con rắn chết nghĩa là người luôn đứng ra bảo vệ, bênh vực bạn sẽ gặp rắc rối.
Mơ thấy mình đang chạy
Khi bạn bị sốt cao, nằm mê man, bạn sẽ mơ thấy mình đang chạy vòng quanh một vật gì đó. Nếu không, bạn đang là người bị lép vế trong cuộc sống.
Mơ thấy nhện
Rắc rối liên tục đến với bạn. Nếu con nhện bị chết, nghĩa là rắc rối sắp được giải quyết.
Mơ về thức ăn
Cũng có thể bạn đã đi ngủ với chiếc dạ dày lép kẹp nên mới xuất hiện giấc mơ như thế. Cũng có thể bạn đang không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Để giải quyết điều này bạn hãy vui vẻ hơn để có được những bữa ăn ngon miệng.
Màu của giấc mơ
Nhiều màu sắc: Niềm vui sắp đến.
Xanh da trời: Bạn sẽ thoát khỏi những rắc rối đang xảy ra.
Đen: Bạn sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Đỏ: Hãy cẩn thận, nguy hiểm đang rình rập.
Tím: Tình yêu đẹp đang đến với bạn.
Trắng: Bạn sẽ thành công trong mọi việc.
Vàng: Bạn nên thẳng tiến với quyết định của mình.

2.      Tôi sẽ kể lại cho bạn nghe một giấc mơ…


Có một cậu bé, năm lên chín tuổi đã có một giấc mơ.
Có gì là lạ đâu, nếu có một cậu bé chín tuổi, mơ một giấc mơ?
Vậy mà có điều kỳ lạ trong giấc mơ ấy đấy bạn ạ! Cậu bé đó tên là Giovanni Bosco.
Câu chuyện được chính cậu kể lại như sau:
Tôi thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, tôi liền gọi một số em ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, một người đàn ông hiện ra gọi tôi lại và nói:
-          Này Gioan, muốn biến những con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà hãy dùng lòng tốt.
Lúc đó, tôi hỏi lại:
-          Chắc con không làm được! Mà ông là ai?
Ông ấy trả lời:
-          Ta là Đấng mà mẹ của con thường dạy con chào Ta mỗi ngày.
Ông ấy liền chỉ cho tôi thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:
-          Ðây là Mẹ của con và cũng là mẹ của chúng nữa. Với Mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Tôi nhìn thấy một phụ nữ với dung mạo của một bà giáo, khuôn mặt sáng láng tựa mặt trời. Bà bảo tôi quay lại để nhìn… và kìa những con sói dữ tợn ở trên biến thành chiên ngoan. Bà lại nói với tôi:
-          Con hãy trở nên khiêm nhường, mạnh mẽ và kiên cường .  Và điều gì con đã thấy xảy ra cho những vật trước là sói nay thành cừu này thì con hãy làm như vậy cho các con của Ta. Ta sẽ là bà giáo của con. Con sẽ hiểu tất cả khi tới giờ.

                                                                              ***
Cậu bé Gioan đã kẻ lại giấc mơ trên cho mọi người trong gia đình. Một người anh đã nói với cậu:
-          Mầy sẽ là thằng chăn chiên.
Và người anh khác nói tiếp:
-          ... Hay là một tướng cướp.
Còn bà mẹ thì lại bảo rằng:
     -          Con sẽ là một linh mục


                                                                                  ***
Giấc mơ ấy đã thay đổi cuộc đời của cậu bé Gioan Bosco. Cậu đã trở thành một linh mục, trở thành một nhà giáo dục, là cha, thầy và là bạn của giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi.

Bạn có bao giờ mơ không? Lại một câu hỏi thừa! Ai mà chẳng mơ!
Tôi lại muốn hỏi: Có giấc mơ nào làm thay đổi cuộc đời bạn không? Chắc là phải suy nghĩ lại!
Nếu bạn luôn có những giấc mơ thì đây là điều đáng mừng! Nếu không? Đi về đâu là giấc mơ của bạn và cả những giấc mơ của tôi nữa… Buồn thật đấy, vì cả tôi nữa, nhiều khi chính  mình đã quên đi những giấc mơ, hoặc chẳng còn mơ ước thêm gì!
(Lê An Phong,SDB. Torino, Lễ Don Bosco 31-01-2012)

28 January, 2012

Mừng Lễ Don Bosco

DON BOSCO - TỰ TRUYỆN


Như biển cả mênh mông là trái tim của Người
như mặt trời chân lý, như đoá hoa tình thương.
Cho tuổi trẻ noi gương, cùng sống đời cao thượng
cùng hướng về thiên đường
ôi đẹp đời yêu thương.
(Như biển cả mênh mông - Quang Ánh,SDB)

Salve Don Bosco, Padre maestro ed amico dei giovani
 Video: Một món quà mà Thiên Chúa ban tặng giới trẻ (1815-2015)(italian)


LỜI KHẤN THANH KHIẾT VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ - VÀI SUY TƯ ĐỜI TU

“Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa”(Mt 5,8)
1.    Chiều kích thần học
2.    Hiện trạng về đời sống thanh khiết của linh mục tu sĩ
3.    Thử tìm một vài nguyên nhân
4.    Suy tư để tìm giải pháp đời thanh hiến thanh khiết

1.    Chiều kích thần học
a.       Khởi nguồn của tính yêu – Thiên Chúa: Đọc Tin mừng và các thư của Thánh Gioan, chúng ta tìm thấy các giải thích về “Tình yêu Thiên Chúa”: Thiên Chúa trong Mầu nhiệm Ba Ngôi - hiệp nhất và trao ban tình yêu; Thiên Chúa yêu thương con người và muốn trao ban tình yêu của Người qua Đức Kitô; con người sống tình yêu theo gương mẫu Đức Kitô là được sống kết hiệp với Thiên Chúa của Tình yêu,… )

b.      Lời khấn thanh khiết: Ta có thể thấy 2 yếu tố cấu thành: LỜI KHẤN  + THANH KHIẾT
+ Lời khấn: Theo cách hiểu thông thường, là cam kết một điều với hiểu biết và tự do chọn lựa để sống theo một giá trị nào đó. Theo khoé nhìn tu đức kitô giáo ta có thể hiểu lời khấn thánh hiến là cam kết với sự hiểu biết và tự do chọn lựa sống theo các giá trị Tin mừng vì muốn đáp trả hồng ân của Thiên Chúa). Trách nhiệm của những ai đã cam kết là phải giữ điều mình khấn hứa theo cách thức phù hợp hoặc diễn tả lời cam kết này qua hành vi cụ thể nào đó.
+ Thanh khiết: giữ cho mình được trong sạch, tinh tuyền cả thể xác và tinh thần vì một mục tiêu cao đẹp nào đó.
Trong mức độ thiêng liêng của lời khấn tu trì, việc chọn sống thanh khiết hướng đến mục tiêu: SỐNG TRỌN VẸN CHO THIÊN CHÚA (đối tượng cao cả của tình yêu), ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU CỦA NGÀI CÁCH TRỌN VẸN, BẰNG TÌNH YÊU KHÔNG PHÂN CHIA HAY TÍNH TOÁN THEO KIỂU NHÂN LOẠI. Cách thức để biểu lộ tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa và với anh chị em mình: sống thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân qua kiểu sống “độc thân” hay “không kết hôn”.

*Vấn nạn: Tình yêu của con người ra sao? Vì sao phải “khân” thanh khiết; sống thanh khiết có “trái tự nhiên” không? Có phải là kiểu chạy trốn thế giới không?

Theo nhân học kito giáo, con người là hữu thể nhân linh có:
+ Khả năng (bản năng) yêu – ghét như một dạng biểu hiện của hiện hữu
+ Biết lựa chọn yêu – ghét (Cảm xúc theo nhiều mức độ - cảm tính, lý tính)
+ Sự hoà điệu giữa cảm xúc và tự chủ, giữa tự do và chọn lựa trong sự trưởng thành và trách nhiệm, giữa tự nhiên và siêu nhiên; giữa bản năng và lý trí, giữa bản tính tự nhiên và việc tập luyện theo khóe nhìn nhân đức (Bác ái, tự chủ, tha thứ, đón nhận và yêu thương trong sự khác biệt,…).

Thanh khiết liên quan đến đời sống tính dục: Cách tự nhiên, tính dục được biểu lộ qua căn tính đích thực như là người nam hay người nữ (phái tính), là chủ thể sống động trong tương quan liên nhân vị với Thiên Chúa và với tha nhân;  biểu lộ qua cảm xúc, yêu ghét, trao ban, dâng hiến sự sống và năng lực của mình cho một đối tượng nào đó suốt cả cuộc đời.
Thanh khiết có liên quan đến tình dục xét về khía cạnh tiêu cực như: khuynh hướng thụ hưởng, chiếm đoạt, ích kỷ, ý tưởng và khao khát tà dâm, hành vi tình dục phi luân…
Với những ai muốn chọn đời thánh hiến và cam kết sống thanh khiết, họ cần được hướng dẫn trước hết từ những người có trách nhiệm và kinh nghiệm sống đời thánh hiến để biết bản thân mình (mặt tự nhiên và tâm lý) và những đòi hỏi căn bản trong đời sống tính thần với lời khấn thanh khiết.
      Thanh khiết có thể được xem như là lới sống đối kháng với “ con người tự nhiên”: Con người vốn “tham, sân, si”, yêu ghét, chiếm đoạt, hưởng thụ, tranh chấp, vun quén cho mình... Sống lời khấn thanh khiết  có nghĩa là từ bỏ, hy sinh, hiến dâng, trao ban cuộc sống, năng lực, nhiệt tâm, thời gian, lý tưởng phục vụ… vì đối tượng mà mình yêu thương (Thiên Chúa, con người). Hiểu theo nghĩa này, trong sự khác biệt có vẻ “không tự nhiên”, đời sống thanh khiết tu trì lại là một kiểu sống “hội nhập với cuộc đời”, “hoà mình với mọi người” theo cách đặc biệt của mình: Thanh khiết hướng đến chiều kích siêu nhiên và hoàn thiện của con người tự nhiên trong tình yêu trọn vẹn -  Đây là đời sống tiên tri cho Nước Trời mai sau, nơi con người sẽ sống “như các thiên thần”, trong tình yêu thuần khiết và sự hiệp thông trọn vẹn.

2.    Hiện trạng về đời sống thanh khiết của linh mục tu sĩ
a.    Chúng ta bắt đầu từ các quan niệm về sống thanh khiết để hiểu. Cách vắn tắt:
+  Phật giáo  và các quan niệm về sắc dục, giới, trai tịnh, (Tu là cõi phúc…!)…
+ Theo quan niệm bình dân, người có lối sống trong sạch, thanh khiết không vướng vào tình ái lăng nhăng, không “mê tình”, không vướng vào các đam mê xác thịt…
+  Theo Kitô giáo: Lời dạy về thanh khiết thường được nói đến trong các giới răn về Đức trong sạch và tội tà dâm (điều răn thứ 6 và thứ 9 trong Mười diều răn); trong Tin mừng: “ yêm hoạn vì Nước Trời” (Mt.19, 12).
+ Theo tinh thần salêdiêng (xin xem các khoản Hiến Luật phần về lời khấn thanh khiết, từ HL. 80-84, QC. 66-68)

b.    Từ các quan niệm trên và nhìn trên quan điểm phân tích tâm sinh lý và luân lý, ta có thể nói đến các “hiện tượng lỗi phạm thanh khiết” của linh mục tu sĩ sau theo các tương quan khác nhau
+ Tương quan với người khác giới ngoài sự cho phép và trái với lời khấn sống đọc thân: “ phá giới”.
+ Tương quan với người cùng giới cách bất bình thường: “đồng tính ái”.
+ Tương quan liên vị khác theo kiểu tâm bệnh: “lạm dụng tình dục trẻ em”.
+ Tương quan cá nhân với Thiên Chúa: Lỗi khiết tịnh xét theo lương tâm kito giáo: ao ước bất chính, lỗi trong tư tưởng tà dâm, tự thỏa mãn nhu cầu sinh lý, không giữ lời khấn thanh khiết ngay cả khi xem người khác chỉ như là “phương tiện” để thoả mãn những dục vọng không chính đáng của bản thân mình, hoặc ngay cả khi dửng dưng với những đau khổ của đồng loại và chỉ muốn hưởng thụ…

3.    Thử tìm một vài nguyên nhân
Theo cách nhìn chung, ta có thể liệt kê vài nguyên nhân sau:
-           Do xu hướng hay khí chất tự nhiên của cá nhân với những đòi hỏi của thể xác ở mức “bất bình thường” (khuynh hướng tính dục hoặc tính dục “khác thường”) mà không được trợ giúp phân định và điều chỉnh từ đầu, dần dần trở nên tập quán hoặc có tính chất của một vài dạng bệnh tâm lý.
-           Ảnh hưởng ngoại cảnh: trào lưu văn hóa tự do tính dục, internet và “ cơ hội”, “dịp tội”, “cám dỗ” với nguy cơ cao mà không biết kiểm soát hay không có sự ngăn ngừa và chọn lựa cần thiết. Đây là một thách đố lớn cho đời tu thời hiện đại.
-           Đời sống cộng đoàn và những xáo trộn trong tương quan nhân bản, sự cằn cỗi và cứng nhắc của luật lệ và quyền bính, thiếu bao dung và cảm thông…
-           Đời sống và lựa chọn cá nhân: do khủng hoảng tâm lý vì hoảng sợ và hoang mang với sức ép của công việc, do mất niềm tin và định hướng sống, do buông bỏ kỷ cương và dần rơi vào tính trạng thoái hóa đạo đức (Hậu quả sẽ là chuyện “nhảy rào”, chuyện “yêu riêng”, chuyện “vướng tính cảm”, chuyện “bỏ cộng đoàn và bỏ tu”…)
*Ý kiến của Nicola De Martini[1]: …Chung quy đều liên quan đến sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng. Mà điều này luôn hệ tại ở việc giáo dục và tiến trình đào luyện con người.
·         Có thể xem xét thêm ở đây mức độ trưởng thành tình cảm (qua thái độ được bản thân một người bộc lộ ra khi đối diện với một sự vật, sự việc, vấn đề…như yêu ghét, hờn giận, vui tươi, đồng tình, phản kháng, niềm đam mê… dựa theo khả năng phán đoán, động cơ, mục tiêu và các giá trị đúng theo cách thức quân bình, tích cực và không bị chi phối bởi bản năng hay cảm xúc đơn thuần (sự tự chủ).
·         Về mức độ trưởng thành giới tính, ta có thể xem xét ở khả năng hiện diện của chủ thể như cái tôi trọn vẹn trong một căn tính và nhân cách ổn định, biết thiết lập mối tương quan với một chủ thể khác và biết trao ban hay đón nhận hoa quả của mối tương quan này (Trong tình bạn – sự chân thành, cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ; trong tình yêu: việc chung chia và thông truyền sự sống, lập gia đình và trách nhiệm với con cái; trong hiện hữu của chính mình: biết hành xử theo những chuẩn mực đạo đức, biết trao ban và đón nhận…). Mối tương quan này không chỉ đơn thuần do sự phát triển thể xác ở “mức độ nào đó” hay của các cơ quan sinh dục theo thời gian và độ tuổi, nhưng còn là một sự hòa điệu giữa nội tâm nơi nhân cách một người với thế giới bên ngoài. Từ đó ta có thể kể ra các dấu hiệu của sự thiếu trưởng thành tính dục nơi những ai không chấp nhận hiện trạng giới tính của mình; sợ tương quan hay gặp gỡ người khác giới; xem chuyện hiểu biết về giới tính là xấu xa, bậy bạ hoặc không có giá trị, hoặc ngược lại xem chuyện gặp gỡ giới tính phải là những cuộc tiếp xúc thể lý và kinh nghiệm sống, nên thích tìm “các cuộc gặp gỡ phiêu lưu tính cảm” mà thiếu sự cân nhắc hay tự chủ và để cho bản năng chỉ huy; thói quen tự thỏa mãn (thủ dâm); sợ những tương quan có liên đới trách nhiệm về sự sống…

4.    Suy tư để tìm giải pháp cho đời thanh hiến thanh khiết
a.    Lược đồ của tình yêu thánh hiến trong hoà điệu giữa Tôi →Chúa; Tôi → Tha nhân, tôi → vạn vật. Đây là một sự liên đới phức hợp giữa đối tượng và chủ thể, và cần thiết phải có sự trưởng thành về tình cảm từ chủ thể, theo Tin mừng: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn của anh em; thương yêu tha nhân như chính mình”. Xem ra, từ một góc nhìn khác, Khổng Tử cũng đặt điểm xuât phát cho mọi sự thăng tiến từ việc tu tâm của một cá nhân: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mọi sự phản ngược trong lời thề sống thanh khiết phải được xét là “Lỗi tại tôi mọi đàng”! Từ luận điểm này chúng ta suy tư, bắt đầu từ:
+ Yêu mến chính bản thân: tôn trọng phẩm giá chính mình, “biết mình” để có khả năng trao ban và đón nhận, làm chủ bản thân (CON NGƯỜI là CON+NGƯỜI, trong đó phần “người” phải trỗi vượt hơn phần “con”), hiện thực hóa cuộc sống của mình từ cái mình là, từ sự sống và khả năng Chúa ban cho theo chiều hướng tích cực và hoàn thiện dần theo Đức Ái (Trái lại điều này là lối sống bế tắc hay buông thả, sống vì nhục cảm, vì sở thích, vì tiện nghi và chỉ muốn hưởng lạc hay chiếm đoạt, thiếu khoan dung, không biết tha thứ và đón nhận người khác …)
+ Yêu mến Chúa hơn hết mọi sự: Giữa bao nhiêu giá trị trong cuộc sống, trên tất cả mọi vẻ đẹp và sự hoàn hảo, con người phải biết rằng Thiên Chúa là giá trị tối thượng, đích điểm cao vời và tối hậu; là sự Thiện Tuyệt đối mà người chọn đời sống thanh khiết tu trì phải đạt đến … (Trái với điều này là sự lựa chọn vật chất và những gì chóng qua, hoặc thay vì xem Thiên Chúa là một cá vị hay một chủ thể đáng kính trọng và yêu thương thì lại hạ Ngài xuống như đối tượng đơn thuần “theo nhu cầu” của mình, ngay cả vì nhu cầu thiêng liêng, …)
+ Yêu mến tha nhân như chính mình: Vì người khác là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, có giá trị nhân phẩm như mình, là nhân vị duy nhất và độc đáo. Bởi thế, yêu mến tha nhân không dừng lại ở “lòng tốt và cảm thông” với con người, lời khấn thanh khiết còn đòi hỏi ta  trở nên mọi sự cho-cùng-với mọi người, mong muốn làm điều tốt lành cho người khác mà không tính toán thiệt hơn… (Trái lại với điều này là thái độ xem người khác như là “ phương tiện”, đánh giá con người theo các giá trị bên ngoài hay vật chất tầm thường, phân biệt đối xử, lạnh lùng và khắc nghiệt…)
+ Yêu vạn vật và thế giới vật chất tự nhiên: vì đó là công trình tuyệt đẹp và đáng yêu của chính Thiên Chúa, là dấu hiệu mà qua đó Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang Ngài. Vạn vật và thiên nhiên phục vụ con người, là môi trường trong đó con người liên đới với nhau trong công bằng và theo nhu cầu sử dụng mọi sự cho cuộc sống tốt hơn. Trong tương qua hoà điệu của sự sống, con người phải biêt bảo vệ và tôn trọng trật tự của thế giới tự nhiên. Tuy nhiên cũng nên nhớ rằng con người phải được đặt trên các loài vạn vật, tránh tình trạng “yêu chó hơn anh chị em mình”, “dành thời gian chăm hoa, chim, cây cỏ hơn là thăm viếng người khác”…

b.    Một vài giải pháp khả thể để sống đức thanh khiết trong đời thánh hiến
+ Cách tự nhiên: học biết cách tổ chức đời sống cá nhân, giờ giấc sinh hoạt, cách ăn mặc thích hợp; thói quen thiết lập các mối tương giao cách khôn khéo và cẩn trọng (prudentia) cùngvới việc lượng định các mối lợi - hại cần thiết…
+ Các thiêng liêng hay theo đời sống tinh thần: chuyên tâm lắng nghe và học hỏi Lời Chúa, thực hành các việc đạo đức, duyệt xét đời sống cá nhân một cách chân thành và trung thành theo lương tâm, chia sẻ với vị linh hướng hay những người đáng tin cậy về những vấn nạn của mình, tin tưởng vào tình yêu của Chúa để luôn biết vươn lên từ những yếu đuối của mình (như kinh nghiệm của Thánh Phaolo về “cái gai trong thân xác”; “ lúc tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ nhờ tình yêu Chúa”)…

c.    Với SDB, lựa chọn tự đào luyệnđược đào luyện để giữ thanh khiết
+ Trách nhiệm và nổ lực sống thanh khiết luôn thuộc về cá nhân, trong sự nghiêm túc với chính mình, với lối sống lành mạnh, làm việc và tiết độ…
+ Cộng thể và đời sống huynh đệ: môi trường để sống thanh khiết (HL 50). (Don Cereda: Anh em sẽ sống tốt nơi cộng đoàn mà mình được yêu mến)
* Bổn phận cần có: Góp phần mình để xây dựng cộng thể, nơi mà các thành viên biết tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau; biết cảm thông, biết đón nhận và hy sinh trao ban với cõi lòng chân thành và rộng mở…


Để kết: LỜI KINH NGUYỆN (Gilbert Cesbron)

Phúc cho nhỮng trái tim trong sẠch.
Lạy Chúa,
Xin tẩy rửa chúng con khỏi mọi vết nhơ,
của lòng thèm muốn, háo danh, giả hình,
Xin giải cứu chúng con khỏi mọi hận thù, và những suy nghĩ quanh co,
khỏi những tính toán nhỏ nhen, tranh chấp, giành giựt,
khỏi những thái độ hống hách, gây gỗ, ngăn chặn, phòng vệ.
Vì chỉ có một cách sống đáng quý mà thôi,
đó là yêu mến và để cho người ta yêu mến mình,
Lạy Chúa là ánh sáng trong suốt,
Xin cho trái tim con trong suốt như giòng suối,
để bầu trời xanh có thể soi mình trong đó,
Xin cho ánh mắt con là một tia sáng,
để người ta thấy được Chúa trong cặp mắt con.
                                                                     
                                                             Lê An Phong, SDB. K’Long 08/2011


[1] Nicola De Martini, Maturità: Problema decisivo, LDC, Torino 1986.

Trưởng Thành Luân Lý và Ơn gọi

“Hãy hỏi cha ngươi thì người sẽ dạy
Thỉnh bậc lão thành họ sẽ nói cho nghe”



1.    Một vài vấn nạn về khái niệm “trưởng thành”
2.    Trưởng thành về luân lý
3.    Đời thánh hiến nhìn trong chiều kích của trưởng thành luân lý


1.    Vài vấn nạn về sự trưởng thành
Con người ta được sinh ra và lớn lên theo năm tháng, đến một tuổi nhất định nào đó, một người được xem như đủ tuổi khôn, có quyền làm được chuyện này, chuyện nọ, có khả năng làm việc và quyết định, lên chương trình kế hoạch cho đời sống của chính mình…Người ta phân ra tuổi nhỏ (mầm non), tuổi vị thành niên, tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành – người lớn, tuổi trung niên, tuổi già…

Sự trưởng thành được xét theo những chuẩn mực thông thường trên khía cạnh thể lý, tâm sinh lý. Bạn trẻ từ 18 tuổi trở lên bắt đầu được xem như đã khôn lớn và có thể bước vào đời.


Căn-cứ theo sự giải-thích của Khổng-Tử, con người đến một mức tuổi nào đó mới hiểu rõ được một số điều mà những người chưa đến tuổi đó không hiểu nổi. Chính vì thế mà Khổng-Tử đã nói: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất-hoặc, ngũ thập nhi tri thiên-mệnh, lục thập nhi nhĩ-thuận, và thất thập nhi tùng-tâm sở-dục bất du-củ.”

“Tam thập nhi lập” nghĩa là người ta đến 30 tuổi mới có thể tự-lập, dựng nên sự-nghiệp cho mình. Theo Khổng-Học, điều này thường để áp-dụng cho đàn ông và con trai. Tuy-nhiên, cái tuổi 30 dù là trai hay gái cũng là tuổi có thể tự-lập và có sự-nghiệp vững-vàng nếu được chuẩn-bị từ nhỏ.Ngoài tuổi “tam thập nhi-lập,” con người ta đến 40 tuổi mới có trình-độ “tứ thập nhi bất-hoặc,” tức là có thể hiểu được lý-lẽ trong thiên-hạ, phân-biệt được điều phải điều trái, ai tốt ai xấu, và ít khi sai lầm; đến 50 tuổi mới có trình-độ “ngũ thập nhi tri thiên-mệnh,” tức là có thể hiểu được mệnh trời hay chân-lý của tạo-hóa; đến 60 tuổi mới có trình-độ “lục thập nhi nhĩ-thuận,” tức là có học-vấn và kinh-nghiệm trường đời chín-mùi, sự hiểu-biết và việc-làm mới chu-đáo, không thấy những gì nghe được là khó hiểu hay chướng-ngại, và có thể phán-đoán được ngay mọi việc; đến năm 70 tuổi mới có trình-độ “thất thập nhi tùng-tâm sở-dục bất du-củ” rất tự-nhiên, tức là khi 70 tuổi thì hễ nói hay làm một điều gì là tự-nhiên thể-hiện đúng chủ-tâm của mình, muốn sao được vậy, không vượt ra ngoài khuôn-khổ đạo-lý hay lẽ phải.
Muốn đạt tới mức hiểu biết ở mỗi loại tuổi như đã đề-cập ở trên, không phải cứ sống tới tuổi đó là được, người ta còn phải chuyên-tâm vào việc học-hỏi liên-tục từ khi còn trẻ mới đạt kết-quả ấy.[1]
Những năm gần đây, khi nhìn lại hiện trạng xã hội , người ta thấy “khó xử” để xếp hạng trưởng thành. Có những bạn trẻ tuổi teen xét về mặt thể lý tuy “ăn chưa no lo chưa tới” mà đã vượt xa các thế hệ trước đây về những “chuyện của người lớn”; trong khi đó có rất nhiều người đã bước tới tuổi 40 – tuổi “ nhi bất hoặc” mà vẫn chưa có thể tự quyết và đảm đương chính cuộc đời của mình, vẫn suy nghĩ và hành xử một cách ấu trĩ.

Từ hiện trạng giới trẻ hiện nay, tình trạng “con một” và “con nhà giàu”, người ta cũng hay nói đến những “ nhi đồng lớn” (bamboni), đã 35-40 tuổi vẫn ở với bố mẹ và cứ tiếp tục hưởng sự chăm sóc của bố mẹ già, không thích tìm công ăn việc làm hay không muốn tự lập, hoặc không dám dấn thân và nhận lãnh trách nhiệm…
Chúng ta cảm thấy khó khăn để khẳng định một người trưởng thành theo tuổi thiết định, (như ví dụ trên) và trong thực tế, có trường hợp tài không đợi tuổi, tuổi trẻ tài cao, già lại không nên nết.
Trong trường hợp tự chủ tự quyết mà lại thiếu giáo dục và thiếu các chuẩn mực đạo đức hay thiếu mục tiêu cao đẹp thì khó mà nói đến trách nhiệm với bản thân mình và với cộng đồng.[2]
Khi nói về một người trẻ trưởng thành, chúng ta có thể xét đến một tổng thể các yếu tố về thể lý (tuổi đời) và tâm lý (trong tương quan với mọi người -biết mình biết ta, sống có ước mơ, mục tiêu và có trách nhiệm trong cách thế thể hiện chính mình)
Tới điểm này, khi xét về cách hành xử như trên của một người trưởng thành, chúng ta lại bước vào một lãnh vực khác, chổ của đạo đức hay luân lý. Đó là vấn đề liên quan đến các nguyên tắc hành xử đúng sai tốt xấu mà căn cứ theo đó, khi quan sát một hành vi nhân linh, người ta có thể chấp nhận hay kết án. Xét theo tiêu chuẩn tuổi tác, chúng ta có thể chấp nhận một số hành vi nơi trẻ nhỏ mà nơi người lớn thì không. Xét theo nguyên tắc luân lý, điều xấu không được chấp nhận dù ở độ tuổi nào, chỉ châm chước trong trường hợp thiếu kinh nghiệm (người non trẻ), thiếu hiểu biết hay thiếu tự do.
Dù sao đi nữa thì mức độ trưởng thành của một nhân cách được xã hội xác định theo một tiêu chuẩn nhất định. Chúng ta có thể nói với nhau ở đây một cách nôm na rằng một người trưởng thành là người đã đạt đến một độ tuổi nào đó theo thiết định xã hội, có khả năng tự quyết trong hành động và hoạch định cuộc sống của chính mình theo mục tiêu cao đẹp, đồng thời có khả năng đảm nhận cả trách nhiệm đóng góp và xây dựng cộng đồng xã hội.
Chúng ta sẽ nói đến trong phần tiếp theo khi nói về trưởng thành luân lý.
2.    Trưởng thành về luân lý

Khi xem xét tính chất luân lý của hành vi nơi một người, chúng ta dựa vào các chuẩn mực đạo đức hay các quy ước (luật) để biện phân. Sẽ có nhiều vấn đề đáng bàn cãi về tính chất đúng sai tốt xấu khi các tiêu chuẩn đánh giá ngày càng trở nên tương đối hay chỉ áp dụng trong một không gian giới hạn của văn hóa, nếp sống, địa dư. Tuy nhiên, có những tiêu chuẩn đánh giá có tính trường tồn và phổ quát mà chúng ta có thể an tâm để áp dụng và đánh giá, ví dụ như thế nào là trung thực, điều độ, can đảm, trung thành, ôn hòa…

Ở đây chúng ta có thể tham khảo một nghiên cứu của Lawrence Kohlberg để có thể hiểu thêm những nét thể hiện của một nhân cách trưởng thành về mặt luân lý.
Những đường nét sau đây được trích lại từ tài liệu của American Society for Curiculum Development về phát triển Luân lý và giáo dục (1988).[3]
Người trưởng thành về đạo đức hay luân lý là người biết:
-     Tôn trọng phẩm giá con người (tôn trọng giá trị và quyền lợi của mọi người, hành xử cùng với sự trung thực, cổ xúy cho sự bình đẳng giữa con người, tôn trọng tự do lương tâm, biết đối thoại trong sự hiểu biết về tình trạng dị biệt, chống lại các dạng thành kiến…)
-     Chăm lo hạnh phúc của người khác (hiểu biết về các mối tương quan liên vị, quan tâm đến các vấn đề của quê hương xứ sở mình, đấu tranh chống bất công, biết sống có trách nhiệm trong việc giúp đỡ những người khác, tương thân tương ái…)

-     Hòa hợp giữa sở thích cá nhân và trách nhiệm cộng đồng (tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, hổ trợ cho những đóng góp quân bình giữa quyền lợi và nghĩa vụ, biểu lộ cách hành xử tôn trọng chính mình và người khác, trung thành với các bổn phận đảm trách, phát triển tính tự trọng trong tương quan với người khác…)
-     Thể hiện một nhân cách trọn vẹn (can đảm trong khi đảm đương các trách vụ được giao phó, nhất quán trong hành vi theo các chuẩn mực đạo đức, chấp nhận sự hy sinh khi thực hiện những bổn phận luân lý cá nhân, dám chịu trách nhiệm về những lực chọn của mình…)
-     Phản tĩnh trong các lựa chọn luân lý (biết đánh giá những vấn đề luân lý áp dụng trong tình huống thực tế, áp dụng các nguyên tắc luân lý để lý giải các vấn đề luân lý, lưu tâm đến hậu quả của các quyết định, nổ lực để tìm hiểu các vấn nạn luân lý trong bối cảnh của toàn bộ xã hội con người.)
-     Giải quyết các xung đột bằng cách thế hòa bình (có giải pháp cân bằng giữa mâu thuẫn cá nhân và mâu thuẫn xã hội, tránh việc xúc phạm người khác về thể lý lẫn lời nói, biết lắng nghe người khác, biết cách khích lệ người khác sống niềm xác tín của họ, tích cực xây dựng hòa bình và thiện chí giữa mọi người.


Trên đây là 6 đường nét hay những biểu hiện của một nhân cách trưởng thành về luân lý mà chúng ta có thể tham chiếu để đánh giá hay để định hướng cho giáo dục. Một điểm chung có thể thấy là không thể tồn tại đời sống luân lý cá nhân tách rời khỏi cộng đồng. Những chuẩn mực đạo đức của cộng đồng phải được chuyển hóa thành những định hướng của đời sống hay cách hành xử của cá nhân, được áp dụng và đánh giá qua những phản tĩnh của cá nhân. Một cách nào đó, các biểu hiện của sự trưởng thành luân lý nêu trên chính là những hành vi hoặc tập quán tốt được giáo dục và tập luyện. Chúng ta cũng có thể gọi đó là các nhân đức. Chúng ta sẽ bàn qua vấn đề này trong phần tiếp theo.
3.    Ơn gọi nhìn trong chiều kích của trưởng thành luân lý

Trong tiến trình biện phân một ơn gọi, chúng ta thường sử dụng Ratio như một dạng cẩm nang để định hướng. Khi đào tạo và giáo dục ơn gọi, các chuẩn mực như tri thức, đời sống nội tâm, nhiệt tình tông đồ, đời sống cộng thể vv… được sử dụng để đánh giá sự thăng tiến của một ơn gọi.
Trong đường hướng đào tạo ơn gọi của Giáo Hội, như Sắc lệnh về đào tạo linh mục – Optatam totius, Tông thư Pastores dabo vobis, Hướng dẫn của Thánh Bộ Giáo dục Công giáo về vấn đề hướng dẫn tâm lý cho các ứng sinh linh mục…, chúng ta có thể tìm thấy nhiều chỉ dẫn cho việc đào luyện, trong đó luôn nhấn mạnh đến việc huấn luyện làm sao dế các ứng sinh đạt đến một mức độ “trưởng thành” về đạo đức tư cách, học vấn, cách cư xử và đời sống tình cảm trong tương quan liên vị, cách chọn lựa và đảm nhận các trách vụ…

Một cách nào đó, việc đào luyện nhắm đến huấn luyện các ứng sinh trong một bối cảnh được chuẩn bị chu đáo, từ người đào luyện cho đến nội dung đào luyện, từ không gian cho đến thời gian đào luyện. Xem ra tất cả các yếu tố “ ngoại cảnh” cho việc huấn luyện ơn gọi đều rất thuận lợi, chỉ còn yếu tố “con người” (nhà đào luyện và người được đào luyện) là phải bàn đến, vì đây là nhân tố quyết định cho kết quả đào luyện.
Người đào luyện (nhân viên đào luyện): chắc chắn đây là những người đảm trách vai trò của nhà huấn luyện và là nhà giáo dục. Ngoài khả năng về tri thức, đây là những người được lựa chọn với các tiêu chuẩn khác như nhân cách quân bình, chính chắn trong suy nghĩ và quyết định, rộng mở trong đối thoại vv… Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận một thực tế và không bao giờ lý tưởng hóa nhân viên đào luyện vì “ nhân bất thập toàn” – Nhà đào luyện lắm lúc bất toàn trong tri thức, bất nhất trong hành xử, bất định trong lý tưởng dấn thân phục vụ của chính mình. Đây đó họ vẫn còn những biểu hiện của tính cách ấu trĩ trong phán đoán, trong cư xử, và nhất là trong việc đảm đương trách nhiệm, thiếu vắng việc phối hợp hài hòa giữa sở thích cá nhân và công việc chung, việc đánh giá thấp vai trò cộng tác của những người được đào luyện, thiếu tôn trọng và lắng nghe...
Từ phía người được đào luyện, thái độ rộng mở, khiêm tốn đón nhận người khác và biết nổ lực thăng tiến bằng khả năng của chính mình… luôn được xem là những dấu hiệu tích cực. Nhìn từ phía ngược lại, thái độ khép kín hay thụ động là những cản trở cho việc thăng tiến đời sống ơn gọi, hay nói cách khác, dấu hiệu của một sự thiếu trưởng thành trong ơn gọi. Một dấu hiệu tiêu cực nữa cần nói là sự phân định không hợp lý giữa “nhu cầu” và “giá trị”.[4]
Tuy nhiên, việc biện phân ơn gọi mà chỉ dựa trên các tiêu chuẩn phân định nhân bản, tâm lý, tri thức thì chưa đủ. Đời sống thiêng liêng của cá nhân (yếu tố rất khó thẩm định) lại mang một chiều kích quan trọng không kém. Dấu hiệu của sự trưởng thành đạo đức thiêng liêng phần nào đó khác với các đặc tính nhân bản (ta thường nói thầy này “tốt lành” và “thánh thiện”, có tài và đức). Sự thánh thiện là dấu hiệu của trưởng thành luân lý cao nhất mà người Kitô hữu cần đạt đến.
Chúng ta có thể “đo” được sự thánh thiện của một ai đó chăng? “Hữu xạ tự nhiên hương” – Sự thánh thiện sẽ được biểu lộ trong cuộc sống của một người:
-      Sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự;
-      Sống trong tín thác vì biết khả năng của chính mình;
-      Sống trong khiêm tốn và nhân ái với người khác vì biết giới hạn của chính mình;
-      Sống cao thượng và nổ lực không ngừng vì biết mình chưa hoàn thiện và đích đến vẫn còn xa nhưng có thể đạt được;
-      Sống trong bình an và niềm vui vì biết mơ ước chân chính, có một cõi lòng trong sáng và một lương tâm ngay chính;
-      Sống hy sinh cho người khác vì ý thức sâu xa về hồng ân mình được lãnh nhận…

Thay lời kết: Con người là một thế giới phức tạp, một tiểu vũ trụ, và khó có thể đo được phẩm giá con người bằng tiêu chuẩn này nọ. Bởi vậy, đánh giá một người trưởng thành hay không trưởng thành cũng là điều cần phải luôn luôn thận trọng.
Trong tiến trình giáo dục, chúng ta luôn xác định mục tiêu là làm thăng tiến con người về mọi mặt, nhất là phải giúp con người trở thành “người” hơn, lớn khôn hơn và luôn biết bước đi trên đôi chân của mình, rồi biết bay lên cao hơn cùng với đôi cánh của ước mơ, nhưng không lên trời một mình mà phải cùng với người khác. Có lẽ đó cũng là cuộc sống của những người trưởng thành vậy.
Lê An Phong, SDB – Xuân 2010.


[1] Trích lại theo một bài viết của tác giả Phạm Kim Thư
[2] Trường hợp ông bố nghiện ngập, bà mẹ lăng loan đẩy con cái và gia đình vào chổ tan gia bại sản thì tuổi tác và quyền tự quyết chẳng cho chúng ta thấy một dấu hiệu trưởng thành nào. Trong khi đó, một em trai 14-15 tuổi quyết định nghỉ học để đi làm giúp đỡ cha mẹ và em nhỏ trong gia đình…lại là một dấu hiệu của tinh thần trách nhiệm hay trưởng thành sớm (trẻ vào đời sớm).
[3] R. Vigano, Psicologia ed educazione in L. Kohlberg, Vita e Pensiero, Milano 19982.
[4] Nhu cầu đòi hỏi con người tìm kiếm và thỏa mãn nhanh chóng, tại chổ, hiện tại; giá trị khơi dậy nơi con người khao khát tìm kiếm trong tương lai. Có nhiều nhu cầu chính đáng mà cũng có nhiều nhu cầu sai lạc chỉ tập trung vào chính cá nhân mình và cũng là những biểu hiện non yếu nhân cách, ví dụ: cần được vỗ về an ủi nếu không thì giận dữ; cần được thể hiện mình như trung tâm của vũ trụ nếu không thì buồn rầu; cần được khẳng định mình có lý có tài, luôn luôn thành công nên tìm mọi cách để che dấu những sai lầm thiếu sót của mình; cần tình cảm và muốn dùng người khác như một phương tiện ( hoăc như một đối tượng) để thỏa mãn và khống chế họ…Đứng trước nhu cầu chính đáng, người ta dễ dàng chia sẻ cho nhau trong nhóm, như là sự đồng cảm hay đồng nhất. Riêng với các giá trị, người ta cần nội tâm hóa : nghĩa là nhận biết các giá trị, lượng định và chấp nhận như là điều xác tín của cá nhân (Vd: Cầu nguyện là nhu cầu thiêng liêng của tôi, tôi nguyện ngắm vì tôi xác tín đây là thời điểm tôi sống với Chúa hơn là giờ thư giãn hay là chỉ vì bổn phận phải tham dự chương trình chung)