25 January, 2012

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐOÀN SỦNG SA-LÊ-DIÊNG TRÊN THẾ GIỚI QUA SỰ HIỆN DIỆN CỦA CÁC CON CÁI NGÀI.

Don Bosco qua đời năm 1888. Sự hiện diện thể lý của Ngài ở trần gian với thanh thiếu niên được xem như là kết thúc; nhưng tất cả mọi nổ lực của vị thánh đã tiêu hao cuộc đời mình “vì phần rỗi thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi” không dừng lại ở đó. Ngài đã để lại nhiều công cuộc bao gồm các Nguyện Xá, trường học và nhiều hoa trái thánh thiện nơi các thanh thiếu niên. Quan trọng hơn là sự lớn mạnh của lực lượng kế thừa và tiếp tục phát triển tinh thần của Ngài - sự hiện diện của các saledieng ở khắp nơi.

Cùng với thao thức truyền giáo của Don Bosco, các saledieng không chỉ dừng lại nơi những công cuộc ở đất Torino hay chỉ trong nước Ý, mà đã bắt đầu tiến bước từ Châu âu qua các miền đát truyền giáo xa xôi bên Nam Mỹ và khắp thế giới. Vào khoảng 1870, Don Bosco đã lập 64 nhà ở sáu nước và các vùng đất truyền giáo ở Châu Mỹ la tinh, với khoảng 768 hội viên.

Trung thành với Đoàn sủng của Đấng Sáng Lập, các saledieng tiếp tục nổ lực và mở mang các công cuộc khắp nơi, ưu tiên cho giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi, thăng tiến cuộc sống và ơn gọi cho người trẻ.

Theo con số thống kê mới nhất của Tu Hội, do cha Francesco Maraccani tổng hợp từ số liệu của các tỉnh dòng trên thế giới gởi về,tính đến ngày 31 thang 12 năm 2010 là 15.763 người. Trong số này có 2.374 hội viên khấn tạm, 12.789 hội viên khấn trọn. So với năm 2009, con số hội viên có giảm đi khoảng 190

Ngoài ra chúng ta có thể biết thêm chi tiết, trong tổng số hội viên nêu trên, có 15.163 đã tuyên khấn, 481 tập sinh và 119 giám mục. Hội viên linh mục có khoảng 10.507, các thầy Sư huynh: 1.915.

Các saledieng hiện diện và làm việc trên 130 quốc gia, trong khoảng từ 92-89 Tỉnh Dòng và Á Tỉnh (Có một số Tỉnh Dòng đang trong thời gian hợp nhất vì lý do suy giảm nhân sự), 1859 nhà và 138 điểm hiện diện.

Nhìn từ góc độ phát triển nhân sự theo các miền trên thế giới, chúng ta có thể thấy các hội viên được phân bố theo hai chiều khác nhau. Các vùng suy giảm nhân sự: Italia và Trung đông 2356 (giảm 78 hội viên so với năm 2009); Bắc Âu 2459 (giảm 24 hội viên); Đông Âu 1502 (giảm 52 hội viên); Nam Mỹ 1569 (giảm 71 hội viên); Trung Mỹ 2090 (giảm 44 hội viên). Các vùng gia tăng nhân sự: Châu Phi-Madagasca 1.432 (tăng 35 hội viên so với 2009); Châu Á Thái Bình Dương 1.438 (tăng 30 hội viên); Nam Á 2.584 (tăng 12 hội viên). Riêng nhà Trung Ương và Đại Hoc Giáo Hoàng Saledieng UPS có 213 hội viên.

Tỉnh dòng có số hội viên đông nhất là ICP (Piemonte và Valle d’Aosta), với 537 hội viên. Tỉnh Dòng Hungary ít hội viên nhất, với 39 người. Tỉnh Dòng Việt nam được xem là đặc biệt với số Tập sinh đông nhất 38 người. Nước có nhiều tỉnh dòng nhất thế giới là Ấn độ (10 Tỉnh dòng, với 337 nhà, 2504 hội viên, 126 tập sinh).

Công cuộc hiện nay của toàn thể Tu hội cũng khá đồ sộ, bao gồm 1587 Nguyện Xá cho khoảng 431021 trẻ, 1207 trường học với khoảng 1032591 trẻ. Ngoài ra còn có nhiều trung tâm hướng nghiệp, huấn luyện ơn gọi cho nhiều bạn trẻ tham dự.

Còn hơn thế, trong các công cuộc có sự hiện diện của các thành phần thuộc Đại gia đình salêdieng. Cha Bề Trên Cả Chavez trong thư viết ngày 25 tháng 03 năm 2009, dịp kỷ niệm 150 thành lập Tu Hội, đã viết: “Don Bosco đã nhìn thấy những “đứa con của Nguyện xá ra đi khắp nơi trên thế giới”; một mạng lưới được mở rộng bao gồm những con người say mê Thiên Chúa và muốn dâng hiến cuộc đời cho trẻ nghèo hoặc đang gặp nguy hiểm. Mạng lưới này được thiết lập từ đầu bởi các nhóm nhỏ do chính Don Bosco lập nên: Đầu tiên, Tu Hội Thánh Phanxicô Sale. Tiếp theo, Hội Dòng Con Cái Mẹ Phù Hộ các giáo hữu; Hiệp Hội Cộng tác Viên Saledieng và Hiệp Hội những người sùng kính Mẹ Phù Hộ… Và cứ tiếp tục như thế một gia đình saledieng rộng lớn đã được thành lập, gồm khoảng 26 nhóm khác nhau. Các nhóm khác vẫn đang tiếp tục ra đời và trong thời kỳ lớn mạnh, đang chờ đợi được chuẩn nhận và tháp nhập như là thành viên của Gia đình Saledieng.

Các saledieng, hạt nhân sinh ra đầu tiên từ thao thức cháy bỏng của Don Bosco luôn được kêu gọi để có một trái tim rộng mở, biết đón nhận tất cả các thành viên trong Đại gia đình với lòng tri ân và sự đón nhận trong hân hoan sự khác biệt giữa các thành phần như là dấu chỉ của Thần khí -Đấng thông truyền qua các ngôn ngữ khác nhau; một niềm mong ước được đồng hành hướng về cùng đích có thể thông hiệp – Vương quốc Nước Trời dành cho người nghèo và giới trẻ”.

Cám ơn Don Bosco người đã gieo mầm để cho cây gia đình saledieng lớn mạnh như hôm nay. Sự hiện diện của các saledieng tren khắp thế giới thực sự là một hồng ân và sự chúc lành của Thiên Chúa.
(Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment