Thỉnh bậc lão thành họ sẽ nói cho nghe”
2. Trưởng thành về luân lý
Con người ta được sinh ra và lớn lên theo năm tháng, đến một tuổi nhất định nào đó, một người được xem như đủ tuổi khôn, có quyền làm được chuyện này, chuyện nọ, có khả năng làm việc và quyết định, lên chương trình kế hoạch cho đời sống của chính mình…Người ta phân ra tuổi nhỏ (mầm non), tuổi vị thành niên, tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành – người lớn, tuổi trung niên, tuổi già…
Sự trưởng thành được xét theo những chuẩn mực thông thường trên khía cạnh thể lý, tâm sinh lý. Bạn trẻ từ 18 tuổi trở lên bắt đầu được xem như đã khôn lớn và có thể bước vào đời.
[1]
Những năm gần đây, khi nhìn lại hiện trạng xã hội , người ta thấy “khó xử” để xếp hạng trưởng thành. Có những bạn trẻ tuổi teen xét về mặt thể lý tuy “ăn chưa no lo chưa tới” mà đã vượt xa các thế hệ trước đây về những “chuyện của người lớn”; trong khi đó có rất nhiều người đã bước tới tuổi 40 – tuổi “ nhi bất hoặc” mà vẫn chưa có thể tự quyết và đảm đương chính cuộc đời của mình, vẫn suy nghĩ và hành xử một cách ấu trĩ.
Từ hiện trạng giới trẻ hiện nay, tình trạng “con một” và “con nhà giàu”, người ta cũng hay nói đến những “ nhi đồng lớn” (bamboni), đã 35-40 tuổi vẫn ở với bố mẹ và cứ tiếp tục hưởng sự chăm sóc của bố mẹ già, không thích tìm công ăn việc làm hay không muốn tự lập, hoặc không dám dấn thân và nhận lãnh trách nhiệm…
Chúng ta cảm thấy khó khăn để khẳng định một người trưởng thành theo tuổi thiết định, (như ví dụ trên) và trong thực tế, có trường hợp tài không đợi tuổi, tuổi trẻ tài cao, già lại không nên nết.
Trong trường hợp tự chủ tự quyết mà lại thiếu giáo dục và thiếu các chuẩn mực đạo đức hay thiếu mục tiêu cao đẹp thì khó mà nói đến trách nhiệm với bản thân mình và với cộng đồng.[2]
Khi nói về một người trẻ trưởng thành, chúng ta có thể xét đến một tổng thể các yếu tố về thể lý (tuổi đời) và tâm lý (trong tương quan với mọi người -biết mình biết ta, sống có ước mơ, mục tiêu và có trách nhiệm trong cách thế thể hiện chính mình)
Tới điểm này, khi xét về cách hành xử như trên của một người trưởng thành, chúng ta lại bước vào một lãnh vực khác, chổ của đạo đức hay luân lý. Đó là vấn đề liên quan đến các nguyên tắc hành xử đúng sai tốt xấu mà căn cứ theo đó, khi quan sát một hành vi nhân linh, người ta có thể chấp nhận hay kết án. Xét theo tiêu chuẩn tuổi tác, chúng ta có thể chấp nhận một số hành vi nơi trẻ nhỏ mà nơi người lớn thì không. Xét theo nguyên tắc luân lý, điều xấu không được chấp nhận dù ở độ tuổi nào, chỉ châm chước trong trường hợp thiếu kinh nghiệm (người non trẻ), thiếu hiểu biết hay thiếu tự do.
Dù sao đi nữa thì mức độ trưởng thành của một nhân cách được xã hội xác định theo một tiêu chuẩn nhất định. Chúng ta có thể nói với nhau ở đây một cách nôm na rằng một người trưởng thành là người đã đạt đến một độ tuổi nào đó theo thiết định xã hội, có khả năng tự quyết trong hành động và hoạch định cuộc sống của chính mình theo mục tiêu cao đẹp, đồng thời có khả năng đảm nhận cả trách nhiệm đóng góp và xây dựng cộng đồng xã hội.
Chúng ta sẽ nói đến trong phần tiếp theo khi nói về trưởng thành luân lý.
Khi xem xét tính chất luân lý của hành vi nơi một người, chúng ta dựa vào các chuẩn mực đạo đức hay các quy ước (luật) để biện phân. Sẽ có nhiều vấn đề đáng bàn cãi về tính chất đúng sai tốt xấu khi các tiêu chuẩn đánh giá ngày càng trở nên tương đối hay chỉ áp dụng trong một không gian giới hạn của văn hóa, nếp sống, địa dư. Tuy nhiên, có những tiêu chuẩn đánh giá có tính trường tồn và phổ quát mà chúng ta có thể an tâm để áp dụng và đánh giá, ví dụ như thế nào là trung thực, điều độ, can đảm, trung thành, ôn hòa…
Ở đây chúng ta có thể tham khảo một nghiên cứu của Lawrence Kohlberg để có thể hiểu thêm những nét thể hiện của một nhân cách trưởng thành về mặt luân lý.
Những đường nét sau đây được trích lại từ tài liệu của American Society for Curiculum Development về phát triển Luân lý và giáo dục (1988).[3]
Người trưởng thành về đạo đức hay luân lý là người biết:
- Tôn trọng phẩm giá con người (tôn trọng giá trị và quyền lợi của mọi người, hành xử cùng với sự trung thực, cổ xúy cho sự bình đẳng giữa con người, tôn trọng tự do lương tâm, biết đối thoại trong sự hiểu biết về tình trạng dị biệt, chống lại các dạng thành kiến…)
- Chăm lo hạnh phúc của người khác (hiểu biết về các mối tương quan liên vị, quan tâm đến các vấn đề của quê hương xứ sở mình, đấu tranh chống bất công, biết sống có trách nhiệm trong việc giúp đỡ những người khác, tương thân tương ái…)
- Hòa hợp giữa sở thích cá nhân và trách nhiệm cộng đồng (tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, hổ trợ cho những đóng góp quân bình giữa quyền lợi và nghĩa vụ, biểu lộ cách hành xử tôn trọng chính mình và người khác, trung thành với các bổn phận đảm trách, phát triển tính tự trọng trong tương quan với người khác…)
- Thể hiện một nhân cách trọn vẹn (can đảm trong khi đảm đương các trách vụ được giao phó, nhất quán trong hành vi theo các chuẩn mực đạo đức, chấp nhận sự hy sinh khi thực hiện những bổn phận luân lý cá nhân, dám chịu trách nhiệm về những lực chọn của mình…)
- Phản tĩnh trong các lựa chọn luân lý (biết đánh giá những vấn đề luân lý áp dụng trong tình huống thực tế, áp dụng các nguyên tắc luân lý để lý giải các vấn đề luân lý, lưu tâm đến hậu quả của các quyết định, nổ lực để tìm hiểu các vấn nạn luân lý trong bối cảnh của toàn bộ xã hội con người.)
- Giải quyết các xung đột bằng cách thế hòa bình (có giải pháp cân bằng giữa mâu thuẫn cá nhân và mâu thuẫn xã hội, tránh việc xúc phạm người khác về thể lý lẫn lời nói, biết lắng nghe người khác, biết cách khích lệ người khác sống niềm xác tín của họ, tích cực xây dựng hòa bình và thiện chí giữa mọi người.
Trên đây là 6 đường nét hay những biểu hiện của một nhân cách trưởng thành về luân lý mà chúng ta có thể tham chiếu để đánh giá hay để định hướng cho giáo dục. Một điểm chung có thể thấy là không thể tồn tại đời sống luân lý cá nhân tách rời khỏi cộng đồng. Những chuẩn mực đạo đức của cộng đồng phải được chuyển hóa thành những định hướng của đời sống hay cách hành xử của cá nhân, được áp dụng và đánh giá qua những phản tĩnh của cá nhân. Một cách nào đó, các biểu hiện của sự trưởng thành luân lý nêu trên chính là những hành vi hoặc tập quán tốt được giáo dục và tập luyện. Chúng ta cũng có thể gọi đó là các nhân đức. Chúng ta sẽ bàn qua vấn đề này trong phần tiếp theo.
Trong tiến trình biện phân một ơn gọi, chúng ta thường sử dụng Ratio như một dạng cẩm nang để định hướng. Khi đào tạo và giáo dục ơn gọi, các chuẩn mực như tri thức, đời sống nội tâm, nhiệt tình tông đồ, đời sống cộng thể vv… được sử dụng để đánh giá sự thăng tiến của một ơn gọi.
Trong đường hướng đào tạo ơn gọi của Giáo Hội, như Sắc lệnh về đào tạo linh mục – Optatam totius, Tông thư Pastores dabo vobis, Hướng dẫn của Thánh Bộ Giáo dục Công giáo về vấn đề hướng dẫn tâm lý cho các ứng sinh linh mục…, chúng ta có thể tìm thấy nhiều chỉ dẫn cho việc đào luyện, trong đó luôn nhấn mạnh đến việc huấn luyện làm sao dế các ứng sinh đạt đến một mức độ “trưởng thành” về đạo đức tư cách, học vấn, cách cư xử và đời sống tình cảm trong tương quan liên vị, cách chọn lựa và đảm nhận các trách vụ…
Một cách nào đó, việc đào luyện nhắm đến huấn luyện các ứng sinh trong một bối cảnh được chuẩn bị chu đáo, từ người đào luyện cho đến nội dung đào luyện, từ không gian cho đến thời gian đào luyện. Xem ra tất cả các yếu tố “ ngoại cảnh” cho việc huấn luyện ơn gọi đều rất thuận lợi, chỉ còn yếu tố “con người” (nhà đào luyện và người được đào luyện) là phải bàn đến, vì đây là nhân tố quyết định cho kết quả đào luyện.
Người đào luyện (nhân viên đào luyện): chắc chắn đây là những người đảm trách vai trò của nhà huấn luyện và là nhà giáo dục. Ngoài khả năng về tri thức, đây là những người được lựa chọn với các tiêu chuẩn khác như nhân cách quân bình, chính chắn trong suy nghĩ và quyết định, rộng mở trong đối thoại vv… Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận một thực tế và không bao giờ lý tưởng hóa nhân viên đào luyện vì “ nhân bất thập toàn” – Nhà đào luyện lắm lúc bất toàn trong tri thức, bất nhất trong hành xử, bất định trong lý tưởng dấn thân phục vụ của chính mình. Đây đó họ vẫn còn những biểu hiện của tính cách ấu trĩ trong phán đoán, trong cư xử, và nhất là trong việc đảm đương trách nhiệm, thiếu vắng việc phối hợp hài hòa giữa sở thích cá nhân và công việc chung, việc đánh giá thấp vai trò cộng tác của những người được đào luyện, thiếu tôn trọng và lắng nghe...
Từ phía người được đào luyện, thái độ rộng mở, khiêm tốn đón nhận người khác và biết nổ lực thăng tiến bằng khả năng của chính mình… luôn được xem là những dấu hiệu tích cực. Nhìn từ phía ngược lại, thái độ khép kín hay thụ động là những cản trở cho việc thăng tiến đời sống ơn gọi, hay nói cách khác, dấu hiệu của một sự thiếu trưởng thành trong ơn gọi. Một dấu hiệu tiêu cực nữa cần nói là sự phân định không hợp lý giữa “nhu cầu” và “giá trị”.[4]
Tuy nhiên, việc biện phân ơn gọi mà chỉ dựa trên các tiêu chuẩn phân định nhân bản, tâm lý, tri thức thì chưa đủ. Đời sống thiêng liêng của cá nhân (yếu tố rất khó thẩm định) lại mang một chiều kích quan trọng không kém. Dấu hiệu của sự trưởng thành đạo đức thiêng liêng phần nào đó khác với các đặc tính nhân bản (ta thường nói thầy này “tốt lành” và “thánh thiện”, có tài và đức). Sự thánh thiện là dấu hiệu của trưởng thành luân lý cao nhất mà người Kitô hữu cần đạt đến.
Chúng ta có thể “đo” được sự thánh thiện của một ai đó chăng? “Hữu xạ tự nhiên hương” – Sự thánh thiện sẽ được biểu lộ trong cuộc sống của một người:
- Sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự;
- Sống trong tín thác vì biết khả năng của chính mình;
- Sống trong khiêm tốn và nhân ái với người khác vì biết giới hạn của chính mình;
- Sống cao thượng và nổ lực không ngừng vì biết mình chưa hoàn thiện và đích đến vẫn còn xa nhưng có thể đạt được;
- Sống trong bình an và niềm vui vì biết mơ ước chân chính, có một cõi lòng trong sáng và một lương tâm ngay chính;
- Sống hy sinh cho người khác vì ý thức sâu xa về hồng ân mình được lãnh nhận…
Thay lời kết: Con người là một thế giới phức tạp, một tiểu vũ trụ, và khó có thể đo được phẩm giá con người bằng tiêu chuẩn này nọ. Bởi vậy, đánh giá một người trưởng thành hay không trưởng thành cũng là điều cần phải luôn luôn thận trọng.
Trong tiến trình giáo dục, chúng ta luôn xác định mục tiêu là làm thăng tiến con người về mọi mặt, nhất là phải giúp con người trở thành “người” hơn, lớn khôn hơn và luôn biết bước đi trên đôi chân của mình, rồi biết bay lên cao hơn cùng với đôi cánh của ước mơ, nhưng không lên trời một mình mà phải cùng với người khác. Có lẽ đó cũng là cuộc sống của những người trưởng thành vậy.
[1] Trích lại theo một bài viết của tác giả Phạm Kim Thư
[2] Trường hợp ông bố nghiện ngập, bà mẹ lăng loan đẩy con cái và gia đình vào chổ tan gia bại sản thì tuổi tác và quyền tự quyết chẳng cho chúng ta thấy một dấu hiệu trưởng thành nào. Trong khi đó, một em trai 14-15 tuổi quyết định nghỉ học để đi làm giúp đỡ cha mẹ và em nhỏ trong gia đình…lại là một dấu hiệu của tinh thần trách nhiệm hay trưởng thành sớm (trẻ vào đời sớm).
[3] R. Vigano, Psicologia ed educazione in L. Kohlberg, Vita e Pensiero, Milano 19982.
[4] Nhu cầu đòi hỏi con người tìm kiếm và thỏa mãn nhanh chóng, tại chổ, hiện tại; giá trị khơi dậy nơi con người khao khát tìm kiếm trong tương lai. Có nhiều nhu cầu chính đáng mà cũng có nhiều nhu cầu sai lạc chỉ tập trung vào chính cá nhân mình và cũng là những biểu hiện non yếu nhân cách, ví dụ: cần được vỗ về an ủi nếu không thì giận dữ; cần được thể hiện mình như trung tâm của vũ trụ nếu không thì buồn rầu; cần được khẳng định mình có lý có tài, luôn luôn thành công nên tìm mọi cách để che dấu những sai lầm thiếu sót của mình; cần tình cảm và muốn dùng người khác như một phương tiện ( hoăc như một đối tượng) để thỏa mãn và khống chế họ…Đứng trước nhu cầu chính đáng, người ta dễ dàng chia sẻ cho nhau trong nhóm, như là sự đồng cảm hay đồng nhất. Riêng với các giá trị, người ta cần nội tâm hóa : nghĩa là nhận biết các giá trị, lượng định và chấp nhận như là điều xác tín của cá nhân (Vd: Cầu nguyện là nhu cầu thiêng liêng của tôi, tôi nguyện ngắm vì tôi xác tín đây là thời điểm tôi sống với Chúa hơn là giờ thư giãn hay là chỉ vì bổn phận phải tham dự chương trình chung)
No comments:
Post a Comment