25 January, 2012

Bạn trẻ và thao thức với cuộc đời: lãnh nhận và trao ban ở mức độ nào?.

Mỗi người trong chúng ta ai cũng cần một “góc trời riêng” của mình, và cách này hay cách khác, chúng ta luôn tìm được “khu vườn riêng” nơi đó ta có thể vun trồng hay bày biện những gì cho riêng mình. Tuy nhiên nếu cứ đắm mình trong những gì riêng tư và quên đi những người khác đang sống bên cạnh mình, chúng ta dễ rơi vào nguy cơ của kiểu sống vô cảm và thói ích kỷ, khép kín.

Gần đây, người ta hay nói đến chuyện các bạn trẻ chọn kiểu sống riêng cho mình. Cách đặc biệt, các ngôi sao sân khấu, các cầu thủ và những người “nổi tiếng” hay có xu hướng bộc lộ mình nhiều hơn bằng lối sống riêng “không giống ai”, qua cách ăn mặc, qua kiểu cấu trúc nhà riêng.... Trên nhiều diễn đàn, các bạn trẻ cũng chia sẻ với nhau về quan niệm sống thế nào cho “hợp thời”. Và không ít ý kiến cho rằng cứ thoải mái “cho riêng mình”, miễn là đừng phạm sai lầm hay làm hại người khác, và điều đó chẳng có gì xấu! Tuy nhiên tới mức độ nào thì “cuộc sống cho riêng mình” là vừa đủ, và biết chia sẻ với người khác những gì mình có là lương tâm và trách nhiệm? Điều này tùy thuộc vào việc giáo dục về cách sống các giá trị.

Trong khi mọi người mải mê chạy theo công việc và nhiều thứ lợi ích riêng tư, các bạn trẻ, là lớp người “nhạy bén” hơn cả, đã tìm ra nhiều cách thức khác nhau để thành công và tiến về tương lai với sức bật riêng của mình. Nhiều bạn có khả năng “hái ra tiền” bằng sức sáng tạo và “tài năng trời cho” của mình. Tuy vậy, cũng còn nhiều bạn đang bế tắc và chưa tìm được lối vào đời cho riêng mình; nói gì đến chuyện cống hiến cho xã hội. Đây cũng là trăn trở của bao nhiêu bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm khác trong xã hội.

Xin hãy cùng chúng tôi tham khảo một vài số liệu sau đây mà chúng tôi thu thập được qua một cuộc khảo sát nho nhỏ với khoảng 1500 ban trẻ, tuổi từ 15 đến 25, thuộc cả nông thôn và thành thị, đi học và đi làm, để biết thêm tâm tư của các bạn trẻ chúng ta.

Trong số các câu hỏi được gởi đến các bạn trẻ (10 câu hỏi), chúng tôi chỉ xin chọn ra ở đây hai câu hỏi có liên quan đến việc lựa chọn các giá trị và mức độ quan tâm của bạn trẻ đến xã hội.

Với câu hỏi gợi ý chọn lựa các giá trị theo quan điểm cá nhân, chúng tôi thu được kết quả như sau: Hạnh phúc gia đình: vị trí thứ nhất (386/1500 trả lời); công việc và sự thành công: vị trí thứ hai (244/1500 trả lời). Xem ra các bạn trẻ nghiêng về đời sống cá nhân nhiều hơn là đời sống xã hội (Lựa chọn về sức khỏe, tình yêu, tình bạn, công việc riêng và gia đình ở mức độ 1- 4/10, cao hơn hẳn các lựa chọn giá trị khác như sống theo pháp luật và lợi ích xã hội (được xếp ở mức độ 7 hoặc 8/10).

Phần đông các bạn trẻ cho biết ý kiến là “đồng ý hoàn toàn” với thực tế rằng “các bạn trẻ đang sống quanh mình biết quan tâm đến người khác” (756/1500 trả lời), trong khi đó lại chọn câu trả lời về dự định cá nhân cho tương lai là “có một công việc ổn định và chắc chắn cho bản thân” - 478/1500 trả lời, xếp theo vị trí1/3 trong chọn lựa ưu tiên; “làm một việc gì đó có ích cho xã hội” – 209/1500 trả lời, xếp hạng 3/3 trong chọn lựa ưu tiên của mình.

Có thể trên đây chỉ là một cuộc khảo sát nhỏ có tính chất thăm dò, tuy nhiên, các số liệu có thể gợi nhắc những ai có trách nhiệm đồng hành và chuẩn bị giới trẻ cho tương lai suy nghĩ và chọn lựa cách thức thích hợp để giúp người trẻ có định hướng sống. Dù sao đi nữa chúng ta cũng cần phải quan tâm đến sự thay đổi của lối sống này trong khóe nhìn giáo dục “dành ưu tiên cho các giá trị nhân bản”, để giúp người trẻ - những “chủ nhân ông” của tương lai biết sống hết mình và không quên người khác đang sống bên cạnh mình. Châm ngôn “Cho thì có phúc hơn là nhận” vẫn còn nguyên giá trị và luôn là lời mời gọi chúng ta dấn thân trong cuộc sống làm người. (Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment