Mùa đông ở Torino khá lạnh nhưng lại không có tuyết rơi. Ai cũng bảo là thời tiết hơi lạ. Mọi sự chuẩn bị cần thiết cho Lễ mừng Thánh Gioan Bosco đang hoàn tất trong tuần Chín ngày.
Năm nay Tu hội dành trọn thời gian để học hỏi về Don Bosco. Nhiều đoàn hành hương đã đến Valdocco trong thời gian này để thăm viếng nơi mà Don Bosco đã hiện thực hóa giấc mơ mục tử của mình theo ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh thần.
Ai ở xa quê hương của Thánh nhân thì ao ước được một lần đến Torino để viếng thăm mái nhà nhỏ Pinardi, thăm nhà nguyện Thánh Phanxico de Sales, thăm Đền thờ Mẹ Phù hộ các giáo hữu... Tôi may mắn vì được sống hằng ngày những giờ cầu nguyện trong chính ngôi nhà nguyện nhỏ ấy. Mà dễ thường, “gần chùa” người ta hay “gọi bụt bằng anh” lắm!
Thật khó mà hình dung ra rằng công cuộc saledieng rộng lớn bây giờ đã bắt đầu bằng những “nét chấm phá” đầu tiên từ một cái chái nhà kho. Sau bao nhiêu năm trôi qua, người ta có thể thấy công cuộc của Tu hội đã phát triển trên toàn thế giới. Trong dòng thời gian đó, một chặng đường dài Tu Hội trải qua với không ít những thăng trầm của lịch sử, từ những biến động xã hội, chính trị, những thay đổi của khoa học kỹ thuật… cho đến bước nhảy kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay cùng với những thách đố khá nghiệt ngã của nó. Xem ra tâm hồn con người không thay đổi bao nhiêu: cũng những cảm xúc buồn vui, cũng những lo toan kiếp sống cho hiện tại và tương lai. Có chăng người ta “khó sống” hơn khi cần những khoảnh khắc để quay về quá khứ và nhìn lại mình; vì khi đang trên đà tiến nhanh ta thật khó mà dừng lại, hay khó mà tìm thấy “sự cần thiết” để nhìn những gì đã qua. Và tất cả chỉ là những kỷ niệm, mà kỷ niệm dù vui hay buồn cũng dễ phai theo năm tháng. Một cách nào đó, kỷ niệm về một vị thánh, dù quý giá đến đâu, nếu không được gợi nhớ và được tường thuật lại các sống động thì cũng chỉ được xem là “quá khứ”, “truyền thống”.
Lịch sử của một vị thánh như Don Bosco được ghi chép và được kể lại khắp nơi. Tại Valdocco, giữa những bức tường gạch đã bạc màu theo năm tháng, tôi thử hình dung cảnh một linh mục phờ phạc vì lo toan đủ thứ hiện diện giữa đám trẻ náo động. Trước đám trẻ nghèo, nạn nhân của những đổi thay thời cuộc và của kỷ nghệ, Don Bosco, từ ban đầu, không có sẵn trong tâm trí mình một kế hoạch lớn hoặc một chương trình rõ ràng cho tương lai xa, nhưng chỉ có đơn giản mối bận tâm “căn bản và nhân bản” với cuộc sống của bạn trẻ, như lời ngài hứa “cơm ăn, việc làm và Thiên đàng”. Lời hứa của vị mục tử này là một định hướng cụ thể cho “chương trình hành động” mà ngài muốn các bạn trẻ hiểu và tham dự vào như là những “chủ nhân ông”. Các bạn trẻ đã tìm đến với công việc, đã lao khổ với đôi tay của mình để trước hết kiếm sống, và sau đó giữa những lao đao vất vả, có một chút thiên đàng an ủi, một chút hy vọng giữa trăm chiều khổ cực, một chút bình an và hạnh phúc vì biết rằng vẫn còn một ai đó trên cõi đời này yêu thương và quan tâm đến họ, rằng họ được sinh ra để sống trọn vẹn và thiện toàn như “Cha trên trời”…
Như những người saledieng thời nay, chúng ta có thể tự hỏi: Nếu Don Bosco sống lại bây giờ, điều gì ngài có thể hành động theo định hướng mà Chúa Thánh thần đã khơi dậy trong ngài? Xem ra câu hỏi hơi ngớ ngẩn, vì rằng ai cũng biết ở mỗi giai đoạn lịch sử người ta phải hành xử khác nhau; và Thiên Chúa, qua Chúa Thánh thần, sẽ có cách của Ngài để tác động lên lịch sử con người thông qua những tác nhân của thời đại đó chứ! Vậy thì đâu là cách hành xử và tác động của chúng ta trong thời buổi này, trong dòng lịch sử này?
Đây là thời buổi mà người trẻ được thừa hưởng nhiều cơ hội hơn một thời đã qua, để có thể lựa chọn cuộc sống tốt nhất. Tuy nhiên sự thừa mứa vật chất và dư dật về thông tin không đồng nghĩa với việc gia tăng sự hiểu biết và giá trị sống về cái thiện, cái tâm nơi con người. Sự nghèo khổ lại mang nhiều khuôn mặt khác nhau và ít có dấu hiệu suy giảm. Chúng ta cũng không quên rằng đây là thời buổi mà nhờ các phương tiện truyền thông các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn, ảnh hưởng lên nhau nhiều hơn; và hơn ai hết, lớp người trẻ là nhóm vừa tiếp thu nhanh và nhiều nhất lại vừa phải chịu những hậu quả lâu dài hơn ai hết vì cuộc đời họ đang ở phía trước.
Những nét đặc thù này về cuộc sống hôm nay khiến chúng ta chợt nghĩ đến những băn khoăn của các bậc phụ huynh cho cuộc sống của chính con cái họ. Các nhà giáo dục thế hệ trẻ, các bậc lãnh đạo dân sự và lãnh đạo tinh thần có trách nhiệm, tuy cách nói lên lời kêu cứu, những trăn trở hay những ưu tư trước thực trạng này có khác nhau, nhưng ai cũng cảm thấy sự cần thiết đi tìm một định hướng mới cho hành trình giáo dục đức tin và nhân bản vì thế hệ trẻ. Một hướng khác cũng được quan tâm là tìm cách trở về với các giá trị truyền thống để tái khám phá và chuyển giao cho thế hệ mới các giá trị này thông qua một ngôn ngữ, một lối suy tư và cách nhìn nhận mới.
Thoáng nhìn những khuôn mặt lo âu của phụ huynh và căng thẳng của thầy cô giáo, thoáng nhìn phong cách sống mới của các bạn trẻ, tôi chợt nghĩ đến Don Bosco và những gì ngài đã làm cho người trẻ. Có thể ngài thành công vì đã biết cách hiểu họ từ những kinh nghiệm của chính mình, của tuổi thơ vất vả và thời thanh xuân luôn biết ước mơ để vươn lên. Có thể ngài đã biết sống và biết “truyền lửa” nhiệt tình trong khi phải tiêu hao chính cuộc đời mình cho họ, sống bằng một tình yêu lớn - tình yêu “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”. Và điều đó Don Bosco đã học được nơi mẹ mình, nơi sự nhạy bén trước số phận của người sống xung quanh, hay nói một cách khác, nơi lối sống biết đồng cảm và biết chia sẻ…
Nhiều lần trong đời, chúng ta có thể tìm thấy “chìa khóa” để giải quyết vấn đề hiện tại nhờ vào những kinh nghiệm của những ai đi trước chúng ta trong quá khứ. Với Don Bosco, chắc hẳn chúng ta sẽ không làm một ngoại lệ. Xin Don Bosco hãy giúp chúng con bài học kinh nghiệm “sống tình yêu thương và hy sinh” này, để sự vô cảm và thái độ cầu an không làm chủ cõi lòng chúng con, để những “sáng kiến tông đồ” không nằm lại trên bàn giấy hay đọng lại nền nhà trơ trọi với thời gian và rong rêu mà trở thành nụ cười và niềm tin – yêu – hy vọng nơi những khuôn mặt và cuộc đời các bạn trẻ của chúng con.
(Torino 24.01.2012 - Lê An Phong. SDB)
No comments:
Post a Comment