27 January, 2012

SDB – nói với các gia đình công giáo trẻ


Tiếp theo tâm tình lần trước với các bậc phụ huynh, xin chia sẻ với mọi người tâm tình và kinh nghiệm của một SDB lão thành trong Cộng thể về việc giáo dục con cái. Xem ra có những điều đòi hỏi hơi cao đối với các bậc cha mẹ, nhưng thiết nghĩ, với các gia đình công giáo trẻ thời nay, người saledieng có thể giúp họ một chút định hướng để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Để giáo dục con cái mình…
Trước tiên bạn hãy chân nhận điều này: việc giáo dục con cái là bổn phận hàng đầu và không thể chối từ của các bậc cha mẹ. Nếu có ai đó quan tâm đến con cái của bạn, thì họ chỉ có thể phụ giúp bạn trong chừng mực nào đó. Không ai có thể thay thế vai trò làm cha mẹ của bạn.
Bạn hãy bắt đầu việc giáo dục con cái từ…trong lòng mẹ: cha mẹ phải chăm lo thể xác và tinh thần của mình trước tiên để có một sự quân bình tâm-thể lý cần thiết, hầu có thể lưu truyền cho con cái sự sống tròn đầy và mạnh mẽ.
Khi con cái bạn phạm lỗi, đừng giận giữ la mắng ngay mà cần tìm cách giải thích cho chúng hiểu ra những sai lầm bằng một thái độ dứt khoát mà rộng lượng, nhẹ nhàng mà nghiêm khắc.
Hãy tìm cách dự phòng, ngăn ngừa mọi việc sai phạm hơn là cấm đoán, bởi vì trong giáo dục, ai biết dự phòng và đi bước trước sẽ được yêu mến. Ai cấm đoán cùng với thái độ cay nghiệt sẽ nhận được sự oán ghét và bất tuân từ phía con cái.
Không nên cung phụng cho con cái tất cả vì chỉ muốn biểu lộ lòng tốt của mình, vì như thế bạn sẽ tạo nên thói hư cho con cái và bạn sẽ là người gánh chịu hậu quả sau này: chúng chỉ biết đòi hỏi mọi sự mà không biết trao ban.
Không nên “cho phép”trong trường hợp cần phải nói là “không”, và cũng đừng nói “không được phép” trong trường hợp có thể. Được phép hay không được phép làm một chuyện gì đó phải được cân nhắc từ phía cha mẹ, và quan trọng hơn nữa là cả hai phải đồng ý với nhau, tránh trường hợp “ông nói gà, bà nói vịt”.
Khi con cái bạn đặt ra những câu hỏi “hóc búa”, nên tìm cách trả lời, đừng có thái độ loanh quanh không rõ ràng, hay cố nói sai sự thật. Bạn phải là người đầu tiên dạy cho con cái bạn sự thật, cho dù nhiều khi “câu trả lời bằng sự thật” có thể gây cho bạn “khó xử”.
Bạn đừng bảo con rằng “Con đi nhà thờ đi”, mà nên nói “Chúng ta cùng đi nhà thờ”. Con cái bạn sẽ yêu mến Chúa theo cách thức mà bạn thể hiện, và sẽ yêu mến bạn bằng lòng yêu mến Chúa.
Khi có chuyện cần phải “can thiệp” với con cái, hãy biết cách nói ít lời và chọn lựa ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, tránh xúc phạm chúng. Sự thiếu tôn trọng trong lúc giận dữ sẽ làm cho con cái khiếp nhược và không trưởng thành về tâm lý sau này, hoặc chúng sẽ trở nên những “kẻ nổi loạn”.
Bạn hãy biết cách kiên nhẫn chờ đợi nơi con cái, bởi vì bạn không thể thu lượm tức thời hoa trái của việc giáo dục, hoặc nhiều khi thành quả có được sẽ không như ý bạn muốn hay như ước mơ của bạn. Hãy luôn bình tĩnh và hy vọng.
Nếu bạn muốn làm hư hỏng con cái mình…
Hãy cho con cái bạn tất cả những gì chúng muốn. Và như thế bạn sẽ làm cho con cái bạn tin rằng: tất cả thế giới này có bổn phận phải chăm lo cho chúng.
Hãy vui cười tán thưởng khi nghe con bạn đùa giỡn bằng những lời lẽ thô tục. Như thế bạn sẽ làm cho chúng tin rằng những chuyện xấu xa đó là bình thường, hấp dẫn và vui vẻ.
Hãy xem là “bình thường” hay là “hợp lý” những gì là sai trái và mất trật tự mà con cái bạn đang làm. Như thế chúng sẽ nghĩ rằng người ta có thể làm tất cả mọi sự, và mọi người khác đều có trách nhiệm trong trong tất cả mọi chuyện sai trái chúng làm.
Hãy đưa cho con cái bạn tiền bạc như chúng muốn mà không cần thiết phải kiểm tra xem chúng sử dụng thế nào. Như thế bạn sẽ giúp chúng xác tín luôn rằng “bố mẹ mình làm ra tiền và mình là con nhà khá giả”.
Hãy cho rằng con cái bạn luôn luôn “có lý” trong những trường hợp đụng chạm với hàng xóm, bạn bè, thầy cô. Như thế bạn sẽ làm cho con cái mình tin rằng chúng luôn là những người tốt lành; mọi người xung quanh là những kẻ hay kiếm chuyện và gây sự trước.
Hãy làm cho con bạn thoả mãn với mọi thứ thức ăn, đồ chơi…Bạn sẽ làm cho chúng tin tưởng mạnh mẽ rằng sống hạnh phúc là như thế và sẽ tránh được mọi thứ phức tạp, đau khổ, hiểm nguy, thiếu thốn trên đời.
Hãy “tự nhiên” to tiếng cải vã với mọi người trong gia đình khi có sự hiện diện của con cái bạn. Như thế chúng sẽ không còn phải ngạc nhiên nữa nếu một ngày nào đó gia đình của mình tan nát.
Hãy luôn luôn nhận lấy trách nhiệm những sai phạm của con cái là của bạn. Như thế bạn sẽ giúp con cái cảm thấy nhẹ nhàng hơn và quen dần với việc trút lên đầu người khác nhưng lỗi lầm do chúng gây ra.
Không cần thiết phải dạy con cái bạn cầu nguyện và cũng chẳng nên đưa chúng đi nhà thờ vào ngày lễ. Như vậy bạn sẽ giúp con cái mình sống và phát triển tự do hơn, không cần phải sợ sệt, gắn bó, hay phải tỏ lòng tôn trọng một ai đó cao trọng hơn chúng.
Hãy luôn luôn khen ngợi và tán dương con cái mình trước mặt mọi người, đừng để ý gì đến những khuyết điểm của chúng. Như thế bạn sẽ giúp con cái mình tự tin, khôn ngoan hơn, và luôn nghĩ rằng mình là người hoàn hảo, không phạm sai lầm nào, cũng có nghĩa là người mà không một ai có thể chạm tới được.
(LAP, sưu tầm và chuyển ngữ)

No comments:

Post a Comment