“Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa”(Mt 5,8)
1. Chiều kích thần học
2. Hiện trạng về đời sống thanh khiết của linh mục tu sĩ
3. Thử tìm một vài nguyên nhân
4. Suy tư để tìm giải pháp đời thanh hiến thanh khiết
1. Chiều kích thần học
a. Khởi nguồn của tính yêu – Thiên Chúa: Đọc Tin mừng và các thư của Thánh Gioan, chúng ta tìm thấy các giải thích về “Tình yêu Thiên Chúa”: Thiên Chúa trong Mầu nhiệm Ba Ngôi - hiệp nhất và trao ban tình yêu; Thiên Chúa yêu thương con người và muốn trao ban tình yêu của Người qua Đức Kitô; con người sống tình yêu theo gương mẫu Đức Kitô là được sống kết hiệp với Thiên Chúa của Tình yêu,… )
b. Lời khấn thanh khiết: Ta có thể thấy 2 yếu tố cấu thành: LỜI KHẤN + THANH KHIẾT
+ Lời khấn: Theo cách hiểu thông thường, là cam kết một điều với hiểu biết và tự do chọn lựa để sống theo một giá trị nào đó. Theo khoé nhìn tu đức kitô giáo ta có thể hiểu lời khấn thánh hiến là cam kết với sự hiểu biết và tự do chọn lựa sống theo các giá trị Tin mừng vì muốn đáp trả hồng ân của Thiên Chúa). Trách nhiệm của những ai đã cam kết là phải giữ điều mình khấn hứa theo cách thức phù hợp hoặc diễn tả lời cam kết này qua hành vi cụ thể nào đó.
+ Thanh khiết: giữ cho mình được trong sạch, tinh tuyền cả thể xác và tinh thần vì một mục tiêu cao đẹp nào đó.
Trong mức độ thiêng liêng của lời khấn tu trì, việc chọn sống thanh khiết hướng đến mục tiêu: SỐNG TRỌN VẸN CHO THIÊN CHÚA (đối tượng cao cả của tình yêu), ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU CỦA NGÀI CÁCH TRỌN VẸN, BẰNG TÌNH YÊU KHÔNG PHÂN CHIA HAY TÍNH TOÁN THEO KIỂU NHÂN LOẠI. Cách thức để biểu lộ tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa và với anh chị em mình: sống thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân qua kiểu sống “độc thân” hay “không kết hôn”.
*Vấn nạn: Tình yêu của con người ra sao? Vì sao phải “khân” thanh khiết; sống thanh khiết có “trái tự nhiên” không? Có phải là kiểu chạy trốn thế giới không?
Theo nhân học kito giáo, con người là hữu thể nhân linh có:
+ Khả năng (bản năng) yêu – ghét như một dạng biểu hiện của hiện hữu
+ Biết lựa chọn yêu – ghét (Cảm xúc theo nhiều mức độ - cảm tính, lý tính)
+ Sự hoà điệu giữa cảm xúc và tự chủ, giữa tự do và chọn lựa trong sự trưởng thành và trách nhiệm, giữa tự nhiên và siêu nhiên; giữa bản năng và lý trí, giữa bản tính tự nhiên và việc tập luyện theo khóe nhìn nhân đức (Bác ái, tự chủ, tha thứ, đón nhận và yêu thương trong sự khác biệt,…).
Thanh khiết liên quan đến đời sống tính dục: Cách tự nhiên, tính dục được biểu lộ qua căn tính đích thực như là người nam hay người nữ (phái tính), là chủ thể sống động trong tương quan liên nhân vị với Thiên Chúa và với tha nhân; biểu lộ qua cảm xúc, yêu ghét, trao ban, dâng hiến sự sống và năng lực của mình cho một đối tượng nào đó suốt cả cuộc đời.
Thanh khiết có liên quan đến tình dục xét về khía cạnh tiêu cực như: khuynh hướng thụ hưởng, chiếm đoạt, ích kỷ, ý tưởng và khao khát tà dâm, hành vi tình dục phi luân…
Với những ai muốn chọn đời thánh hiến và cam kết sống thanh khiết, họ cần được hướng dẫn trước hết từ những người có trách nhiệm và kinh nghiệm sống đời thánh hiến để biết bản thân mình (mặt tự nhiên và tâm lý) và những đòi hỏi căn bản trong đời sống tính thần với lời khấn thanh khiết.
Thanh khiết có thể được xem như là lới sống đối kháng với “ con người tự nhiên”: Con người vốn “tham, sân, si”, yêu ghét, chiếm đoạt, hưởng thụ, tranh chấp, vun quén cho mình... Sống lời khấn thanh khiết có nghĩa là từ bỏ, hy sinh, hiến dâng, trao ban cuộc sống, năng lực, nhiệt tâm, thời gian, lý tưởng phục vụ… vì đối tượng mà mình yêu thương (Thiên Chúa, con người). Hiểu theo nghĩa này, trong sự khác biệt có vẻ “không tự nhiên”, đời sống thanh khiết tu trì lại là một kiểu sống “hội nhập với cuộc đời”, “hoà mình với mọi người” theo cách đặc biệt của mình: Thanh khiết hướng đến chiều kích siêu nhiên và hoàn thiện của con người tự nhiên trong tình yêu trọn vẹn - Đây là đời sống tiên tri cho Nước Trời mai sau, nơi con người sẽ sống “như các thiên thần”, trong tình yêu thuần khiết và sự hiệp thông trọn vẹn.
2. Hiện trạng về đời sống thanh khiết của linh mục tu sĩ
a. Chúng ta bắt đầu từ các quan niệm về sống thanh khiết để hiểu. Cách vắn tắt:
+ Phật giáo và các quan niệm về sắc dục, giới, trai tịnh, (Tu là cõi phúc…!)…
+ Theo quan niệm bình dân, người có lối sống trong sạch, thanh khiết không vướng vào tình ái lăng nhăng, không “mê tình”, không vướng vào các đam mê xác thịt…
+ Theo Kitô giáo: Lời dạy về thanh khiết thường được nói đến trong các giới răn về Đức trong sạch và tội tà dâm (điều răn thứ 6 và thứ 9 trong Mười diều răn); trong Tin mừng: “ yêm hoạn vì Nước Trời” (Mt.19, 12).
+ Theo tinh thần salêdiêng (xin xem các khoản Hiến Luật phần về lời khấn thanh khiết, từ HL. 80-84, QC. 66-68)
b. Từ các quan niệm trên và nhìn trên quan điểm phân tích tâm sinh lý và luân lý, ta có thể nói đến các “hiện tượng lỗi phạm thanh khiết” của linh mục tu sĩ sau theo các tương quan khác nhau
+ Tương quan với người khác giới ngoài sự cho phép và trái với lời khấn sống đọc thân: “ phá giới”.
+ Tương quan với người cùng giới cách bất bình thường: “đồng tính ái”.
+ Tương quan liên vị khác theo kiểu tâm bệnh: “lạm dụng tình dục trẻ em”.
+ Tương quan cá nhân với Thiên Chúa: Lỗi khiết tịnh xét theo lương tâm kito giáo: ao ước bất chính, lỗi trong tư tưởng tà dâm, tự thỏa mãn nhu cầu sinh lý, không giữ lời khấn thanh khiết ngay cả khi xem người khác chỉ như là “phương tiện” để thoả mãn những dục vọng không chính đáng của bản thân mình, hoặc ngay cả khi dửng dưng với những đau khổ của đồng loại và chỉ muốn hưởng thụ…
3. Thử tìm một vài nguyên nhân
Theo cách nhìn chung, ta có thể liệt kê vài nguyên nhân sau:
- Do xu hướng hay khí chất tự nhiên của cá nhân với những đòi hỏi của thể xác ở mức “bất bình thường” (khuynh hướng tính dục hoặc tính dục “khác thường”) mà không được trợ giúp phân định và điều chỉnh từ đầu, dần dần trở nên tập quán hoặc có tính chất của một vài dạng bệnh tâm lý.
- Ảnh hưởng ngoại cảnh: trào lưu văn hóa tự do tính dục, internet và “ cơ hội”, “dịp tội”, “cám dỗ” với nguy cơ cao mà không biết kiểm soát hay không có sự ngăn ngừa và chọn lựa cần thiết. Đây là một thách đố lớn cho đời tu thời hiện đại.
- Đời sống cộng đoàn và những xáo trộn trong tương quan nhân bản, sự cằn cỗi và cứng nhắc của luật lệ và quyền bính, thiếu bao dung và cảm thông…
- Đời sống và lựa chọn cá nhân: do khủng hoảng tâm lý vì hoảng sợ và hoang mang với sức ép của công việc, do mất niềm tin và định hướng sống, do buông bỏ kỷ cương và dần rơi vào tính trạng thoái hóa đạo đức (Hậu quả sẽ là chuyện “nhảy rào”, chuyện “yêu riêng”, chuyện “vướng tính cảm”, chuyện “bỏ cộng đoàn và bỏ tu”…)
*Ý kiến của Nicola De Martini[1]: …Chung quy đều liên quan đến sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng. Mà điều này luôn hệ tại ở việc giáo dục và tiến trình đào luyện con người.
· Có thể xem xét thêm ở đây mức độ trưởng thành tình cảm (qua thái độ được bản thân một người bộc lộ ra khi đối diện với một sự vật, sự việc, vấn đề…như yêu ghét, hờn giận, vui tươi, đồng tình, phản kháng, niềm đam mê… dựa theo khả năng phán đoán, động cơ, mục tiêu và các giá trị đúng theo cách thức quân bình, tích cực và không bị chi phối bởi bản năng hay cảm xúc đơn thuần (sự tự chủ).
· Về mức độ trưởng thành giới tính, ta có thể xem xét ở khả năng hiện diện của chủ thể như cái tôi trọn vẹn trong một căn tính và nhân cách ổn định, biết thiết lập mối tương quan với một chủ thể khác và biết trao ban hay đón nhận hoa quả của mối tương quan này (Trong tình bạn – sự chân thành, cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ; trong tình yêu: việc chung chia và thông truyền sự sống, lập gia đình và trách nhiệm với con cái; trong hiện hữu của chính mình: biết hành xử theo những chuẩn mực đạo đức, biết trao ban và đón nhận…). Mối tương quan này không chỉ đơn thuần do sự phát triển thể xác ở “mức độ nào đó” hay của các cơ quan sinh dục theo thời gian và độ tuổi, nhưng còn là một sự hòa điệu giữa nội tâm nơi nhân cách một người với thế giới bên ngoài. Từ đó ta có thể kể ra các dấu hiệu của sự thiếu trưởng thành tính dục nơi những ai không chấp nhận hiện trạng giới tính của mình; sợ tương quan hay gặp gỡ người khác giới; xem chuyện hiểu biết về giới tính là xấu xa, bậy bạ hoặc không có giá trị, hoặc ngược lại xem chuyện gặp gỡ giới tính phải là những cuộc tiếp xúc thể lý và kinh nghiệm sống, nên thích tìm “các cuộc gặp gỡ phiêu lưu tính cảm” mà thiếu sự cân nhắc hay tự chủ và để cho bản năng chỉ huy; thói quen tự thỏa mãn (thủ dâm); sợ những tương quan có liên đới trách nhiệm về sự sống…
4. Suy tư để tìm giải pháp cho đời thanh hiến thanh khiết
a. Lược đồ của tình yêu thánh hiến trong hoà điệu giữa Tôi →Chúa; Tôi → Tha nhân, tôi → vạn vật. Đây là một sự liên đới phức hợp giữa đối tượng và chủ thể, và cần thiết phải có sự trưởng thành về tình cảm từ chủ thể, theo Tin mừng: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn của anh em; thương yêu tha nhân như chính mình”. Xem ra, từ một góc nhìn khác, Khổng Tử cũng đặt điểm xuât phát cho mọi sự thăng tiến từ việc tu tâm của một cá nhân: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mọi sự phản ngược trong lời thề sống thanh khiết phải được xét là “Lỗi tại tôi mọi đàng”! Từ luận điểm này chúng ta suy tư, bắt đầu từ:
+ Yêu mến chính bản thân: tôn trọng phẩm giá chính mình, “biết mình” để có khả năng trao ban và đón nhận, làm chủ bản thân (CON NGƯỜI là CON+NGƯỜI, trong đó phần “người” phải trỗi vượt hơn phần “con”), hiện thực hóa cuộc sống của mình từ cái mình là, từ sự sống và khả năng Chúa ban cho theo chiều hướng tích cực và hoàn thiện dần theo Đức Ái (Trái lại điều này là lối sống bế tắc hay buông thả, sống vì nhục cảm, vì sở thích, vì tiện nghi và chỉ muốn hưởng lạc hay chiếm đoạt, thiếu khoan dung, không biết tha thứ và đón nhận người khác …)
+ Yêu mến Chúa hơn hết mọi sự: Giữa bao nhiêu giá trị trong cuộc sống, trên tất cả mọi vẻ đẹp và sự hoàn hảo, con người phải biết rằng Thiên Chúa là giá trị tối thượng, đích điểm cao vời và tối hậu; là sự Thiện Tuyệt đối mà người chọn đời sống thanh khiết tu trì phải đạt đến … (Trái với điều này là sự lựa chọn vật chất và những gì chóng qua, hoặc thay vì xem Thiên Chúa là một cá vị hay một chủ thể đáng kính trọng và yêu thương thì lại hạ Ngài xuống như đối tượng đơn thuần “theo nhu cầu” của mình, ngay cả vì nhu cầu thiêng liêng, …)
+ Yêu mến tha nhân như chính mình: Vì người khác là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, có giá trị nhân phẩm như mình, là nhân vị duy nhất và độc đáo. Bởi thế, yêu mến tha nhân không dừng lại ở “lòng tốt và cảm thông” với con người, lời khấn thanh khiết còn đòi hỏi ta trở nên mọi sự cho-cùng-với mọi người, mong muốn làm điều tốt lành cho người khác mà không tính toán thiệt hơn… (Trái lại với điều này là thái độ xem người khác như là “ phương tiện”, đánh giá con người theo các giá trị bên ngoài hay vật chất tầm thường, phân biệt đối xử, lạnh lùng và khắc nghiệt…)
+ Yêu vạn vật và thế giới vật chất tự nhiên: vì đó là công trình tuyệt đẹp và đáng yêu của chính Thiên Chúa, là dấu hiệu mà qua đó Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang Ngài. Vạn vật và thiên nhiên phục vụ con người, là môi trường trong đó con người liên đới với nhau trong công bằng và theo nhu cầu sử dụng mọi sự cho cuộc sống tốt hơn. Trong tương qua hoà điệu của sự sống, con người phải biêt bảo vệ và tôn trọng trật tự của thế giới tự nhiên. Tuy nhiên cũng nên nhớ rằng con người phải được đặt trên các loài vạn vật, tránh tình trạng “yêu chó hơn anh chị em mình”, “dành thời gian chăm hoa, chim, cây cỏ hơn là thăm viếng người khác”…
b. Một vài giải pháp khả thể để sống đức thanh khiết trong đời thánh hiến
+ Cách tự nhiên: học biết cách tổ chức đời sống cá nhân, giờ giấc sinh hoạt, cách ăn mặc thích hợp; thói quen thiết lập các mối tương giao cách khôn khéo và cẩn trọng (prudentia) cùngvới việc lượng định các mối lợi - hại cần thiết…
+ Các thiêng liêng hay theo đời sống tinh thần: chuyên tâm lắng nghe và học hỏi Lời Chúa, thực hành các việc đạo đức, duyệt xét đời sống cá nhân một cách chân thành và trung thành theo lương tâm, chia sẻ với vị linh hướng hay những người đáng tin cậy về những vấn nạn của mình, tin tưởng vào tình yêu của Chúa để luôn biết vươn lên từ những yếu đuối của mình (như kinh nghiệm của Thánh Phaolo về “cái gai trong thân xác”; “ lúc tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ nhờ tình yêu Chúa”)…
c. Với SDB, lựa chọn tự đào luyện và được đào luyện để giữ thanh khiết
+ Trách nhiệm và nổ lực sống thanh khiết luôn thuộc về cá nhân, trong sự nghiêm túc với chính mình, với lối sống lành mạnh, làm việc và tiết độ…
+ Cộng thể và đời sống huynh đệ: môi trường để sống thanh khiết (HL 50). (Don Cereda: Anh em sẽ sống tốt nơi cộng đoàn mà mình được yêu mến)
* Bổn phận cần có: Góp phần mình để xây dựng cộng thể, nơi mà các thành viên biết tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau; biết cảm thông, biết đón nhận và hy sinh trao ban với cõi lòng chân thành và rộng mở…
Để kết: LỜI KINH NGUYỆN (Gilbert Cesbron)
Phúc cho nhỮng trái tim trong sẠch.
Lạy Chúa,
Xin tẩy rửa chúng con khỏi mọi vết nhơ,
của lòng thèm muốn, háo danh, giả hình,
Xin giải cứu chúng con khỏi mọi hận thù, và những suy nghĩ quanh co,
khỏi những tính toán nhỏ nhen, tranh chấp, giành giựt,
khỏi những thái độ hống hách, gây gỗ, ngăn chặn, phòng vệ.
Vì chỉ có một cách sống đáng quý mà thôi,
đó là yêu mến và để cho người ta yêu mến mình,
Lạy Chúa là ánh sáng trong suốt,
Xin cho trái tim con trong suốt như giòng suối,
để bầu trời xanh có thể soi mình trong đó,
Xin cho ánh mắt con là một tia sáng,
để người ta thấy được Chúa trong cặp mắt con.
Lê An Phong, SDB. K’Long 08/2011
No comments:
Post a Comment