25 January, 2012

Sân chơi mới cho bạn trẻ - Hãy can đảm lựa chọn giữa “ảo” và “thực”

Từ một thực tế

Chắc hẳn các bậc phụ huynh đã được nghe báo động về tình trạng sống của các bạn trẻ, “cư dân của mạng internet” và thành phần của thế giới digital – kỹ thuật số. Chúng ta đã nghe nói nhiều đến chuyện “bệnh hoạn” của thế giới “ảo”, khi bạn trẻ mê “games” đến mức kiệt sức, khi họ hao tốn sức lực và thời gian trên máy vi tính không phải vì học hành hay nghiên cứu, mà chỉ vì “chat chit on line” đến mức quên ăn quên ngủ và quên cả mọi người đang sống xung quanh mình. Các tiệm Net đang thu hút nhiều người trẻ vì tất cả sức mạnh của nó - sự khám phá thế giới ở một bình diện khác - thể giới “ảo”, thế giới không có giới hạn. Ai trong chúng ta lại thích mình bị giới hạn trong một chiều kích nào đó. Với các bạn trẻ, khi mà trí tưởng của họ đang còn trong độ tuổi mạnh mẽ và dâng trào, thì được thoát ra khỏi những ràng buộc đời thường và bay bổng lên một nơi nào đó luôn là ước mơ, và thế giới của những trò chơi hay những cuộc gặp gớ “ảo” là chốn bồng lai giữa đời thực.

Bên cạnh những vẻ đẹp “ảo”, dù thích thú đến mấy người ta lại không thể sống thiếu những vẻ đẹp thật, và ta phải sống với thực tại của chính mình dù hơi “bị khó chịu” với cái đói, cái lạnh, với giá cả thị trường và với những vấn nạn về sức khoẻ, bệnh hoạn, tật nguyền. Nhu cầu giữ gìn sức khoẻ và “dịch vụ làm đẹp” ngày càng trở nên cấp thiết, các điểm tập thể hình, trung tâm thể thao, sân bóng mini, câu lạc bộ và phong trào dưỡng sinh… được mở ra nhiều nơi. Đó là những “sân chơi” thực để rèn luyện và giữ gìn thân thể, nhưng xem ra ít bạn trẻ tham dự. Có phải là vì họ sợ bị người khác trêu rằng “đầu óc ngu si tứ chi phát triển” chăng? Đúng hơn là vì phần lớn họ phải lo nghĩ đến chuyện học hành, đến việc làm, đến cuộc sống trước đã rồi mới đến chuyện “giải trí” và đến các vấn đề sức khoẻ sau.

Theo tài liệu thống kê quốc gia gần đây về thanh thiếu niên, đề nghị thường thấy nhất nơi các bạn trẻ là tăng các cơ hội việc làm (40,5%), sau đó là tạo/tăng các cơ hội giáo dục (28,6%). Có thể thấy tỷ lệ khá cao ở nhóm 22-25 tuổi muốn có thêm các cơ hội việc làm (44,8%). Đáng chú ý là chỉ có 8,5% thanh thiếu niên muốn có thêm cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhóm nam thành thị từ 14-17 tuổi có tỷ lệ thấp nhất là 4,2%. Điều này có thể là do thanh thiếu niên có thể cảm thấy bức xúc về đời sống kinh tế hoặc phần lớn thanh thiếu niên không cần đến các dịch vụ y tế. (Xin xem chi tiết ở trang Web http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=411&idmid=4&ItemID=4150).

Chọn lựa giữa “ảo” và “thực”

Kinh nghiệm của cha ông ta: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” xem ra vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, ngày nay hình như “sơn tốt” có thể được chọn lựa hơn là “gỗ tốt”. Nhiều bạn “teen” đã chọn cách làm đẹp theo các “ngôi sao”, ăn mặc kỳ dị, đi đứng nói năng không giống ai, hay như các “nghệ sỹ” trong khi chính mình chỉ là “người thường” chứ chẳng phải là “dị nhân”. Nhiều bạn trẻ thích sống kiểu “xài xong bỏ” nên xem “chẳng có vấn đề gì” giữa chọn lựa “mẫu mã” hay “chất lượng”. Chuyện thường thôi, nhưng thật tâm mà nói: có ai lại bằng lòng khi sử dụng “hàng nhái” “hàng dổm” và cảm thấy “bình thường” khi bị người khác đánh lừa? Một người khôn ngoan bình thường luôn biết phân biệt giữa thực và mơ để khỏi phải sống trong ảo vọng và không bị đánh lừa.

“Mens sana in corpore sano” – Một tinh thần lành mạnh trong một thể xác tráng kiện. Câu nói xưa của người phương Tây muốn nhắc ta nhớ đến mối tương quan mật thiết giữa tinh thần và thể xác, giữa vẻ đẹp bên ngoài và nội tâm. Đúng thế, khi thể xác mạnh khoẻ, người ta có thể làm được nhiều việc một cách dễ dàng. Sức khoẻ là vàng và vì thế để có được thứ vàng quý giá này, người ta cần bỏ thời gian, sức lực và cả tiền bạc nữa để mà mua lấy. Ai không biết giá trị thì lại phung phí nó vì những chuyện “tầm phào”.

Ngày nay, với các nghiên cứu mới của khoa học kỷ thuật, cả ngành y khoa và tâm lý học giúp chúng ta hiểu rõ thêm: Cơ thể con người như một cổ máy hoàn hảo. Khi các bộ phận vận hành nhịp nhàng ta sẽ cảm thấy mạnh khoẻ. Tất nhiên, còn phải tính đến chuyện môi trường sống nữa: sẽ có lúc trái gió trở trời và ta sẽ biết ngay điều gì đang xảy ra trong cơ thể mình. Bên cạnh đó, tinh thần (và tâm lý) cũng là yếu tố cần lưu ý cho cuộc sống lành mạnh. Nhiều bệnh tật “hiện đại” xảy ra vì nguyên nhân bị ức chế tâm lý (stress) hay bị rối loạn các chức năng nghe nhìn, định vị, điều tiết… do áp lực của công việc, do chuyện buồn chuyện vui diễn ra quanh ta. Nơi những ai bị bệnh của “thế giới ảo” (ghiền mạng) ta dễ thấy hầu hết các rối loạn này. Nói một cách đơn giản, họ sống mà xem ra đang ở “đâu đó” trên mây trên trời, ăn ngủ vật vờ, làm việc lơ đãng, sống trong hồi hộp...

Các nhà tâm lý hay khuyên người ta là: khi bạn bị căng thẳng, hãy tìm cách “xả xì trét”, thư giãn bằng âm nhạc, xem phim, đi dạo, trò chuyện vói bạn bè, thinh lặng giữa thiên nhiên và …nhiều cách khác nữa. Với các bạn trẻ thì sao? Bạn bị áp lực tâm lý ư? Có thể lắm! (do chuyện căng thẳng trong việc học hành, chuyện trục trặc gia đình, bạn bè…) Bạn tìm cách thư giãn ư? Hợp lý lắm, nhưng bằng cách nào đây? Vào internet, ngồi “bấm game” vài tiếng, lang thang trên mạng hàng giờ để tìm bạn và những trò tiêu khiển khác… Kết quả là sự căng thẳng này nối tiếp căng thẳng kia, mệt mõi nọ dẫn theo kiệt sức khác. Và ngườit ta cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn mệt mõi, chán chường, bất ổn luôn.

Cần chăng một sự cân bằng?

Bạn có biết rằng giữa muôn hoạt động thư giãn và giải trí như chơi video game, xem tivi, thưởng thúc âm nhạc, việc tập dợt hay chơi một môn thể thao nào đó là cách rất tốt để bạn có được những kỷ năng sống và giữ gìn sức sống cho chính mình. Đó là hình thức thư giãn “thật” để bạn có được sức khoẻ, sự dẻo dai, nhanh nhẹn, tinh thần kỷ luật, tình đồng đội; cảm nghiệm về sự công bằng, sự thành công hay thất bại đều giúp bạn vươn lên; dù bạn tham gia trò chơi ở vị trí nào, bạn phải luôn nổ lực để vượt thắng chính mình, đem niềm vui, đóng góp sức của mình cùng người khác làm nên chiến thắng.

Cũng cần phải nói thêm rằng, sự cân bằng trong mọi hoạt động sẽ tạo ra hoà điệu cho cuộc sống của bạn. Một thời, các bạn trẻ nói đùa rằng “Học (làm) mà không chơi (thư giãn) hao mòn tuổi trẻ, chơi mà không học phá bỏ cuộc đời”. Chơi và học, làm việc và thư giãn đều quan trọng và bổ sung nhau. Có câu nói rằng “Nhân đức nằm ở sự trung dung” – (In medio stat virtus). Bạn lựa chọn để sống tốt hơn và “thành người” qua việc tập luyện các đức tính tốt, và đừng đánh mất sự cân bằng trong các hoạt động của mình. Đừng quên một chút mơ mộng và sáng tạo của tuổi trẻ để làm cho cuộc đời bớt khô khan và nhàm chán. Đừng quên suy nghĩ và chọn lựa giữa điều gì cần phải làm bây giờ để tránh bớt những sai lầm trong cuộc sống về sau. Đừng quên đặt ưu tiên cho những việc quan trọng và cần thiết trước hết rồi đến những việc nhỏ sau. Hãy cẩn thận suy nghĩ trong các lựa chọn để sống, vì điều mình thích chưa chắc là điều tốt và những gì bạn muốn “làm cho bằng được” không luôn luôn mang lại giá trị đích thực. Hãy tin tưởng rằng những gì bạn chịu khó hy sinh và hành động với trái tim cùng mồ hôi và nước mắt sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng hay trở nên hư ảo và vô nghĩa.

Và bạn hãy nghe lại lời dạy của các vị thánh: “Các con hãy vui chơi thoả thích, miễn là đừng phạm tội” (Don Bosco); “Các vận động viên chạy đua trên thao trường để cố giành lấy vòng nguyệt quế chiến thắng rồi sẽ mục nát, còn anh em (bạn) hãy cố giành lấy vòng hoa và phần thưởng không hư mất” (Thánh Phao lô – 1 Cor 9, 24-25).

(Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment