30 January, 2014

TẾT NGUYÊN ĐÁN (Gợi ý suy niệm Lời Chúa của cha Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB )

Mừng Xuân Mới trong niềm vui và hy vọng... Tết Giáp Ngọ trong yêu thương và Bình an
Kính chuyển đến mọi người thân quen, bè bạn...  Bài suy niệm Lời Chúa như Một món quà tinh thần nho nhỏ của Cha Gioan Ty, SDB nhân ngày lễ đầu năm mới.



Nhập đề:
‘Tết’ là do chữ ‘Tiết’ () mà thành. ‘Tiết’ có thể được hiểu như khí trời, như sự chuyển vận của trời đất vũ trụ: thời tiết. ‘Nguyên Đán’ có gốc chữ Hán (), ‘nguyên’ có nghĩa là ‘khởi đầu’ hay sơ khai, và ‘đán’ có nghĩa là buổi sáng sớm. Mọi người Á Đông nói chung, và người Việt chúng ta nói riêng, đều mong muốn những ngày đầu năm mới phải làm một cuộc trở về với những nguyên lý căn bản nhất của trời đất vạn vật thuở ban đầu. Mà nguyên lý nền tảng và căn bản nhất của càn khôn được xác định là sự hòa hợp tuyệt diệu (harmony) giữa các nhân tố chủ chốt: con người với Thiên, với Địa và với Nhân. Ca dao Việt Nam đã cụ thể hóa mối tương quan này cách rất mộc mạc nhưng sâu sắc:
Mồng một tết Cha
Mồng hai tết Mẹ
Mồng ba tết Thầy
            Cha là tượng trưng cho Trời-Thiên. Ki-tô hữu chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh Thiên Chúa là Cha. Mẹ tượng trưng cho Đất-Địa (đất mẹ) nuôi dưỡng. Thầy tượng trưng cho mọi mối tương quan xã hội ràng buộc giữa người với người-Nhân (nhất tự vi sư). Ba ngày đầu năm chính là dịp quan trọng để mỗi người và toàn xã hội tái lập lại các mối giao hòa nguyên thủy. Tết Nguyên Đán chính là những ngày của Thiên Địa Nhân giao hòa.




Mồng một Tân Niên – TẠ ƠN CHÚA VÀ CẦU XIN BÌNH AN CHO NĂM MỚI
Suy niệm Tin Mừng Mt 6,25-34

Hòa hợp với Thiên Chúa
(Thiên-Nhân giao hòa)

            Đọc đoạn Tin Mừng vẫn thường được chúng ta gán cho cái tiêu đề‘Tin tưởng vào Chúa Quan Phòng’ trong bầu khí linh thiêng của ngày tân niên, người Công Giáo Việt Nam sẽ nhận ra ngay: Đức Giê-su rõ ràng đang nhắc nhở tới việc tái lập trở lại sự hòa hợp nguyên thủy giữa con người với Thiên Chúa, sự hòa hợp tuyệt diệu mà sách Sáng Thế chương 3 cho thấy đã từ lâu bị tội lỗi phá hủy tận căn.
            Sự hòa hợp hình như vẫn tồn tại trong trời đất, vẫn là một qui luật mà vạn vật luôn tuân theo. Chim đồng cỏ nội vẫn sống theo qui luật đó tự ngàn đời. Ngày nay người ta gọi đó là định luật thiên nhiên hay cân bằng sinh thái. Đức Giê-su chỉ cho thấy cội nguồn của tình trạng hòa hợp này chính là Cha trên trời. “Cha anh em vẫn nuôi chim trời không gieo không gặt… mặc cho hoa huệ ngoài đồng không dệt tơ kéo sợi”. Điều này chứng tỏ sự bon chen lo lắng của nhân tình thế thái chính là biểu hiện sự mất hòa hợp sâu sắc giữa Nhân với Thiên. Lúc khởi đầu sự hòa hợp này thật kỳ diệu, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hinh ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Đó là tình trạng lý tưởng của lúc khởi nguyên nơi vườn địa đàng, ‘Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen… và chúc lành cho họ’ (St 2,15). Tội nguyên tổ và tội lỗi con người đã không ngừng hủy hoại sự hòa hợp, không chỉ với Thiên, mà cả với Địa và với Nhân. Như thế tin tưởng vào Chúa quan phòng, hay tiếp nhận ơn cứu độ, hay xây dựng niềm tin Ki-tô hữu sẽ được hiểu như trở về với sự hòa hợp nguyên thủy. “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì uống gì, hay mặc gì đây? Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”.
Hiểu như thế ta sẽ nhận ra Tin Mừng hàm chứa một nội dung thật sâu sắc: nhờ vào tình thương cứu độ của Đức Giê-su mà sự giao hòa (tức là tái lập sự hòa hợp hoàn hảo) giữa Thiên và Nhân được tái lập trở lại. Đức Giê-su chính là A-dam mới khai sinh một Nhân mới hoàn toàn hòa hợp với Thiên. Sự hòa hợp lần này không dựa trên bản chất hoàn hảo của nhân, nhưng trên tình yêu nhân ái cứu độ của Thiên. Phao-lô đề cập tới điều này trong ngôn ngữ và văn hóa Thánh Kinh như sau: “Nhờ đức tin chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta… mở lối chi chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 5,1-2).
Ngày đầu năm, người Công Giáo Việt Nam không chỉ cầu phúc xin Chúa chúc phúc lành cho năm mới được an lành, không chỉ phó thác tin tưởng nơi Chúa quan phòng để cuộc sống mình được bảo đảm hơn; nhưng điều mà họ thực sự mong muốn là làm sao mối tương quan Thiên – Nhân được hòa hợp hơn nữa. Nói cách khác điều họ ước nguyện và quyết tâm thực hiện trong năm mới là xây dựng cho được mối tương quan hai chiều, và ra sức củng cố cho nó ngày càng thêm bền vững. Chúa Trời quan tâm và thuận với nhân hơn, trong khi chính con người cũng ra sức quan tâm và thuận với Thiên hơn. Điều này được người Do Thái Cựu Ước diễn tả như thiết lập hay tái lập một giao ước hoàn hảo và bền chặt hơn với Đức Chúa Gia-vê, còn người Công Giáo Việt Nam chúng ta, trong văn hóa Thiên Địa Nhân, sẽ hướng hồn về một mối tương quan hòa hợp hơn nữa (in harmony evermore) với Thiên Chúa là Cha. Chúng ta muốn có Thiên thời trong bất kỳ tình huống nào, cho dầu là thuận lợi hay trái nghịch, trong năm mới cũng như trong suốt cuộc sống chúng ta.

Lạy Chúa là Cha chúng con, Đức Giê-su làm người đã muốn luôn được thuận với Cha trong mọi sự và trong suốt cuộc đời. Ngay từ ngày đầu của năm mới này, con muốn và quyết tâm đi vào mối tương quan Thiên-nhân hòa hợp với Cha. Về phần Cha thì đã quá rõ, qua thập giá Đức Ki-tô, con được bảo đảm rằng mối tương quan Cha dành cho con sẽ luôn là giao hòa bất chấp sự yếu hèn của con. Về phần con, con quyết tâm xây dựng và củng cố sự hòa hợp với Cha nhân ái, cũng chính nhờ thập giá Đức Ki-tô, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của mình. Xin giúp con trong năm mới này biết gia tăng sự hòa hợp với Cha qua đón nhận và đi sâu vào lòng từ ái xót thương của Cha ngày càng sâu sắc và trọn vẹn hơn. Amen



Mồng hai - Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ
Suy niệm Tin Mừng Mt 15,1-6

Hòa hợp với mọi người
(Nhân-Nhân giao hòa)

            Ngày Mồng Hai Tết được Lịch Công Giáo Việt Nam gọi là ngày ‘Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ’. Nhiều người muốn biến ngày này thành ngày cầu nguyện cho vong hồn tổ tiên ông bà cha mẹ, có lẽ xuất phát từ việc hiểu lầm chữ ‘kính nhớ’. Theo quan niệm Nhân Hòa trong văn hóa Việt, ‘nhân’ đây gồm cả người sống lẫn kẻ chết, người thân cận cũng như kẻ xa lạ, và kính nhớ hay tôn kính được hiểu như kiến tạo một tương quan hòa hợp với hết mọi người, bắt đầu từ cận nhân, điển hình là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, còn sống hay đã khuất núi. Đây là nền tảng của ‘đạo hiếu’, không chỉ được hiểu hạn hẹp như thảo hiếu đối với ông bà cha mẹ (nhất là khi đã qua đời) mà thôi, nhưng còn là hiếu với đồng bào, với dân với nước, và xa hơn nữa là hiếu hay thuận thảo với toàn thể bàn dân thiên hạ (nhân hòa).
            Văn hóa Do Thái còn khá xa vời với khái niệm ‘nhân hiếu’ này. Trong cuộc tranh luận về truyền thống với nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư, Đức Giê-su chỉ mới đề cập tới và chỉnh sửa một phần nhỏ cái mối tương quan xã hội đa diện vốn có nơi các thính giả Do Thái. Giới luật Cựu Ước chỉ qui định “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’, hiểu là khi các ngài còn sống chứ không đề cập chi tới khi các ngài đã khuất bóng. Ấy thế mà các kinh sự luật sĩ vẫn viện những lý lẽ này nọ để lướt qua: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Rõ ràng cái tối thiểu của chữ hiếu chữ nhân họ còn chưa có nữa là. Chả trách sự hiểu biết ‘nhân hiếu’ của họ thật quá hạn hẹp. Nếu họ có mở rộng nó ra hơn một chút nữa thì cùng lắm cũng chỉ tới bạn bè thân quen, “… yêu thương những kẻ yêu thương mình” (Mt 5,46).
            Trong cái văn hóa nhân hòa, hồn Việt có khả năng hiểu sâu hơn các điều mà Đức Giê-su trong chương 05 Phúc Âm Mát-thêu gọi là ‘kiện toàn Luật Mô-sê’, như đừng giận ghét, chớ ngoại tình, đừng thề thốt, chớ trả thù và nhất là yêu thương kẻ thù. Thiết tưởng bác ái của Tin Mừng, nếu phải diễn tả trong văn hóa thuần Việt, sẽ là đưa nhân hòa lên tới tột đỉnh và mở rộng nó ra, thoát khỏi mọi biên cương giới hạn của lòng dạ con người. Tin Mừng đồng thời cũng cống hiến cho Hồn Việt phương thế để thực hiện được cái lý tưởng nhân hòa đầy thử thách và cam go, thay vì chỉ mãi mãi là một mơ ước thanh tao cao đẹp trong những ngày đầu năm mới. Cái ‘hòa’ mà Tin Mừng cống hiến không phải là vắng bóng các đố kị căng thẳng, tranh chấp chia rẽ, nhưng đúng là giao hòa dựa trên ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giê-su Ki-tô thập giá chính là ‘Nhân Hòa’ đầu tiên của toàn lịch sử nhân loại khi Người không những giao hòa Trời với Đất mà còn giữa người với người. “Lạy Cha, xin tha cho họ!” (Lc 35,34). Thánh Phao-lô đã triển khai tư tưởng hòa giải này trong chương 05 thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, trong khi Thánh Gio-an đã dùng nó làm nền cho lời kêu gọi xây dựng nhân hòa giữa các tín hữu và với hết mọi người, “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối…” (1 Ga 4,20…)
            Như vậy, nếu trong ngày mồng hai tết người Công Giáo Việt Nam có cử hành bất cứ nghi lễ hay tập tục nào để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình (còn sống hay đã qua đời) thì cái tâm của họ phải rộng mở hướng về mọi người. Chính sự rộng mở này sẽ giúp họ trong năm mới càng chấp nhận và triển khai Tin Mừng bác ái yêu thương của Đức Ki-tô cách sâu sắc và triệt để hơn. Họ thâm tín rằng: nhờ niềm tin vào ơn cứu độ giao hòa của Đức Ki-tô, chính họ sẽ trở thành tác nhân có khả năng biến niềm mơ ước mãnh liệt nhất của dân Việt, và của toàn nhân loại, thành hiện thực: ‘Tứ hải giai huynh đệ”.
           
            Lạy Đức Ki-tô - đấng giao hòa, trên thập giá Chúa không chỉ giao hòa nhân loại với Thiên Chúa (Thiên – Nhân) và còn giao hòa nhân loại với nhau (Nhân – Nhân). Trong ngày đầu xuân này, xin giúp con khởi động trở lại tiến trình giao hòa với mọi người, bắt đầu từ những người thân cận nhất là Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ của con, còn sống hoặc đã qua đời. Xin cho việc kính nhớ các ngài càng thôi thúc con sống Tin Mừng cứu độ của Chúa cách trọn vẹn và quảng đại hơn trong tương quan hòa hợp với hết mọi người trong suốt năm Giáp Ngọ này. A-men  



Mồng ba - Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm
Suy niệm Tin Mừng Mt 25,14-30 

Hòa hợp với thiên nhiên
(Nhân-địa giao hòa)
           
            Sách Sáng Thế mô tả thời khai nguyên hoàng kim như một không gian - thời gian, khi mà con người và thiên nhiên hòa hợp với nhau cách hoàn hảo: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn E-đen, để cày cấy và vun trồng đất đai hoa màu…” (St 2,15). Khát vọng này vẫn là ước mơ của con người trải qua các thời đại, vì cái thực tế phũ phàng là sự hòa hợp nhân-địa này đã bị phá hủy, “…đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” (St 3,17). Trong những ngày đầu năm mới Hồn Việt càng cảm thấy khát vọng tái lập ‘địa lợi’ trỗi dậy càng mạnh liệt hơn bao giờ hết.
            Đối với người Việt, được gần gũi với thiên nhiên là điều họ hằng khao khát: họ đi hái lộc xuân, trưng bày cây trái bông kiểng trong nhà, và thắp nhang khấn vái để được mưa thuận gió hòa, nhất là vào thời kì còn sống trong một xã hội đậm nét nông nghiệp. Người Công Giáo Việt tạm gọi ngày mồng ba tết là ‘Thánh hóa công việc làm ăn’ hay dâng các công ăn việc làm của mình cho Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng Mát-thêu được trích dẫn ở đây thì cho ý tưởng là làm sinh lời các yến bạc mỗi người nhận được thông qua chu toàn các chức phận được trao (25,14-30). Dù thế nào đi nữa thì ước vọng phổ quát vẫn là, làm sao cho Nhân và Địa được hòa hợp hơn. ‘Địa’ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, là tất cả những gì liên quan tới việc sinh sống của con người.
            Trong môi trường khắc khổ của dân Do Thái thời cổ đại, tương quan nhân-địa hình như đã không được lưu tâm tới mấy. Một vài nét đơn sơ được phác họa trong Cựu Ước như ‘đất hứa’ phải là nơi ‘chảy sữa và mật’, và có ‘đất đai mầu mỡ và mưa thuận gió hòa’ là mơ ước mọi người đều muốn, và chỉ nhận được nhờ phép lành Đức Chúa ban cho thông qua lời chúc phúc của các bậc tổ phụ (xem St 27, 27-29). Tân Ước hình như lại càng ít quan tâm tới diện này hơn vì ưu tư chính được dành cho chiều kích nội tâm.
            Đối với người Á Đông nói chung và người Việt cách riêng, vấn đề sống hòa hợp với thiên nhiên luôn là một mảng đề tài khá đặc sắc. Phong thủy là mối quan tâm phổ biến nơi rất nhiều người. Ngày nay con người thời đại nói chung trước vấn đề ô nhiễm trầm trọng đã bắt đầu qua tâm hơn tới việc sống hòa hợp với thiên nhiên dưới khẩu hiệu ‘bảo vệ môi trường sinh thái’. Gần đây hơn, trong giới Công Giáo và Tin Lành đã thấy xuất hiện thao thức đi tìm một linh đạo mới cho phù hợp với khuynh hướng chung này. Trong hội nghị quốc tế tháng 11 năm 2012 được tổ chức tại Va-ti-can để bàn về đề tài Apostolatus Maris người ta đã đề cập tới một nét linh đạo mới dành cho mục vụ giữa các thủy thủ hay ngư dân viễn dương. Có nên chăng hội nhập tư tưởng của Lão Giáo qua dạng Thần Nam Hải coi biển cả như người mẹ hiền (thần nữ) dưỡng nuôi con người bằng các sản phẩm đại dương phong phú mà ta phải đón nhận với lòng tri ân thành kính …, thay vì chỉ nhìn đại dương cách phổ thông như chốn hiểm nguy đầy sóng gió, thủy quái… cầu mong sao sớm được thoát khỏi để về tới bến an toàn; hay thực dụng hơn, công tác bảo vệ sinh thái đại dương chỉ nhằm bảo đảm khai thác hải sản lâu dài và hữu hiệu hơn?
            Trong triền tư tưởng trên, việc soạn ra một Thánh Lễ với bài Tin Mừng thích hợp cho ngày mồng ba tết luôn là một thách đố, thay vì chỉ đơn thuần cử hành Thánh Lễ ngoại lịch sẵn có về thánh hóa công việc làm ăn (hay như Lịch Công Giáo đề nghị sử dụng đoạn Tin Mừng Mác-cô 7,1-13 có cùng một nội dung tương tự như Mt 6,25-34 dùng trong ngày mồng một tết). Dẫu thế nào đi nữa thì khái niệm nhân-địa giao hòa này vẫn mang một nội dung rất phong phú. Nó có thể giúp cho người Công Giáo Việt Nam chúng ta có cái nhìn toàn diện và lạc quan hơn về Tin Mừng cứu rỗi, như Phao-lô khi đề cập tới ‘trời mới đất mới’ hay “muôn loài thụ tạo lâm vào cảnh hư ảo… những ngong ngóng đợi chờ… và cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở…chờ đợi ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang” (Rm 8, 18-23). Thánh Lễ mồng ba Tết Nguyên Đán phải phác ra một linh đạo sống cho cả năm chứ không chỉ đơn thuần xin Chúa phúc phúc cho công việc làm ăn trong năm mới được thành đạt.

            Lạy Cha là Chúa tể trời đất, khi giao hòa với con người, Cha cũng muốn cho con người giao hòa với nhau và hòa hơp hơn với thiên nhiên. Trong việc đón nhận hồng ân cứu độ của Cha thông qua thập giá Đức Ki-tô, con được bảo đảm một ‘Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa’ mới, không chỉ trong năm mới này, mà còn suốt cả đời Ki-tô hữu, bất chấp các yếu hèn và phản nghịch của con đối với Cha, những bất trắc của thiên nhiên hay lòng dạ đảo điên của con người. Xin cho con sống những ngày đầu năm này trong niềm tin tuyệt đối vào tình yêu cứu độ vô bờ bến của Cha. Amen

(Cha Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

29 January, 2014

Như Lời Kinh nguyện: NỖI BUỒN VÌ NHỮNG ĐAU KHỔ KIẾP NGƯỜI



Chúa ơi, sao bệnh tật lại rơi vào con?

“Chúa ơi, con đã đoán trước những gì đang xảy ra cho con khi nhìn thấy những triệu chứng kỳ lạ và những cơn đau khác thường nơi mình. Dù vây, con chưa chuẩn bị tâm lý đủ để nghe tin về căn bệnh quái ác mà mình đang mang. Các bác sỹ bảo con là “còn hy vọng, nhưng hy vọng rất mỏng manh” và cần phải làm thêm nhiều xét nghiệm để biết chắc chắn nguyên nhân những cơn đau lạ, rồi sau đó tìm phương pháp chữa trị… Đau đớn thể xác bao nhiêu, tâm hồn chán nãn bấy nhiêu…

Chúa ơi, lần đầu tiên con đã trải qua những ngày nghỉ lễ trong bệnh viện, trên giường bệnh, trong không gian vắng người qua lại. Buồn chán thật, và tệ hại hơn là đầu óc con quay cuồng vì nhiều vấn nạn mà mình chưa bao giờ nghĩ đến: vì sao lại là con với căn bệnh quái ác này? Con phải sống trong sự chờ đợi một điều kinh khủng: cái chết sẽ đến với con trong một thời gian gần như đã được định sẵn, vài ba tháng, may mắn hơn là một hoặc hai năm… 

Tệ thật đó, ai có thể có can đảm để nghĩ đến chuyện này, khi mọi sự đang bình yên lại có thể kết thúc trong một tình huống không mấy được chờ đợi. Con mất hẳn mọi bình tĩnh, nghi ngờ tất cả, oán hờn tất cả, trong đó có cả Chúa nữa đó! Tại sao bệnh tật lại rơi vào con, con đâu có làm gì xấu xa? Tại sao thằng A, con Z, ông B, bà X… đã khiến bao nhiêu người đau khổ và oán thán vì những điều tệ hại họ làm cho mọi người lại cứ nhâng nhâng, sống vui vẻ hưởng thụ, khỏe mạnh, sung sức? Còn con? Con thấy bất công quá! Con có thể làm nhiều việc khác…

Nhưng xét cho cùng, trong mấy ngày qua, con lại có nhiều thời gian để đối diện với sự thật và nhìn lại chính mình. Chừng ấy năm sống ở đời con cũng chưa làm gì cho “ra hồn”. Đời sống đạo đức nhiều lúc chỉ là bề ngoài và lời cầu nguyện nhiều khi chỉ là chuyện “làm cho xong bổn phận”. Giờ đây con mới thấu hiểu hơn giá trị của thời gian và sức khỏe mà bao nhiêu năm con đã phung phí vì những chuyện vô bổ. Đó là những món quà lớn con nhận từ Trời Cao nhưng con chưa bao giờ nhơ nói một lời cám ơn. Giờ đây con mới cảm thông hơn với những ai kém may mắn hay bệnh tật như mình; con mới hiểu thế nào là nỗi đau nơi thể xác và sự thất vọng khôn cùng của tâm hồn khi mình chẳng còn biết trông cậy vào ai. Nhìn vào ánh mắt đầy yêu thương, cảm thông và có… một chút nước mắt của những người thân đến thăm viếng và chăm sóc mình, con cảm thấy yêu mến họ nhiều hơn. Con thầm cám ơn Trời Cao và chợt nghĩ: Người ta sẽ sống ra sao khi trong hoàn cảnh tương tự họ bị bỏ rơi bên lề cuộc đời? Giờ đây “nếu chỉ còn một ngày để sống”, con có thể làm thêm được điều gì tốt lành hơn cho mọi người?

… Con biết Chúa đang lắng nghe nỗi buồn của con, lắng nghe cả tiếng đau thương, oán giận, trách mắng của con nữa. Nhưng con hy vọng là Chúa biết lòng con, và một lúc nào đó, xin giúp con nhận ra rằng sống và chết đều có giá trị của nó, để con biết đón nhận với sự thanh thãn hơn”.


Chúa ơi, cái chết lại oan nghiệt vậy chăng?

“Chúa ơi, với một nén hương thắp trên bàn thờ…con nhìn vào những bức ảnh, con nhắm mắt hồi tưởng… Chúa ơi, ngày cuối năm con ngồi nhẩm tính: chỉ trong ít tháng, nhiều người thân trong gia đình và bạn bè của con đã từ giã thế giới này. Con không thể cầm lòng được khi nghĩ đến sự mất mát, đau thương ấy… Kiếp người thật là ngắn ngủi. Người lớn tuổi ra đi mang theo nhiều kỷ niệm của cuộc đời con. Người trẻ tuổi ra đi, khi tuổi xuân còn phơi phới, mang theo tất cả những ước vọng của con dành cho họ, mang đi cả mơ ước của họ và của con nữa!

Chúa ơi, khi đối diện với những mất mát đau thương, con càng thấm hơn nỗi sợ hãi cho tương lai. Thật chẳng có ý nghĩa gì khi phải lăn lộn, bon chen, tranh giành…để rồi cuối cùng một giờ nào đó, hay một cách thật bất ngờ, người ta sẽ phải kết thúc tất cả mọi sự nơi đôi tay lạnh cứng và buông xuôi, nơi khói hương nghi ngút cùng những lời cầu kinh buồn…

Hình như thế, con đang sợ cái chết và sợ luôn cả cuộc sống nữa, sống làm chi để rồi lại chết…không biết mình có suy nghĩ đúng đắn không đây! Cũng vì đó mà con thấy mình đang đi “nước cờ đôi”: Một phần con thấy mình chững chạc hơn trong những gì mình suy nghĩ, hay có vẻ nghiêm túc hơn với những chọn lựa và quyết định hành động. Phần khác con thấy mình tỏ ra dễ liều lĩnh và ngu xuẩn hơn trong nhiều việc vì nghĩ là “làm gì thì làm, rồi mọi chuyện cũng sẽ kết thúc như nó phải là…, làm thêm gì cho mệt, nghĩ thêm chi cho phiền, cứ sống giờ nào hay giờ đó là đủ rồi!”. Nghe ra có vẻ “có lý”, nhưng thật tâm con luôn mong ước mọi sự đều kéo dài, bền vững và trọn vẹn, chứ không tạm bợ, chắp vá. Thật đáng sợ vì cuộc chiến tranh trong tâm hồn, nhưng mà đúng là con đang sống như vậy.

Có người nói với con rằng hạnh phúc thật không ở đời này mà ở đời sau. Có người nói chết là hết chuyện. Có người bảo cuộc sống là một “quà tặng quý báu nhất” nên phải biết trân trọng nó. Có người lại muốn chết cho hết khổ. Thiên hạ, “năm người mười ý” thế, còn con? 

Thực lòng, có lúc con cảm nhận một cách bâng quơ rằng cuộc sống phải có giá trị nào đó người ta mới tìm cách này cách khác, thậm chí dám trả bằng bất cứ giá nào để giành giật nó lại trong tay tử thần của bệnh hoạn, của tai nạn… Và cả cái chết cùng vậy: có những cái chết “vô nghĩa”, nhưng có nhiều cái chết mang đến sự tiếc thương vô cùng, khi người nào đó, một cách rất anh hùng, biết chết đi cho nhiều người được sống hay để cứu nhiều mạng người khỏi chết. Vậy thì có một điều quan trọng gì đó ẩn sâu nơi mỗi cuộc đời và nơi sự sống mà con chưa hiểu hết chăng? Chắc là con phải suy nghĩ đây. Xin Chúa hãy giúp con hiểu được điều đó hơn”. Amen. (Lê An Phong,SDB)

28 January, 2014

Như Lời Kinh nguyện: NỖI ĐAU CỦA TÌNH YÊU RẠN NỨT



Tha thứ sao được khi bị phản bội, Chúa ơi…

“Con không có ý vào đây cầu nguyện lúc này, nhưng chân con như bị một ai đó đưa đẩy, khiến con dừng lại nơi nhà thờ đây. Trong trí con hình như vẫn còn lảng vảng ý muốn đến bên cây cầu cao bắc qua hai bờ sông ngoài kia và kết thúc mọi chuyện ở đó…
Chúa ơi, con không thể tin và không muốn tin là giờ đây con chỉ có một mình. Sau gần mười năm chung sống, người bạn đời đã thề hứa trước bàn thờ này là sẽ chung thủy cho đến “đầu bạc răng long” đã quyết định rời xa con. Có một cái gì đó đã thay đổi trong anh ấy mà con vẫn chưa thể hiểu được. Có lẽ với năm tháng, cuộc sống và tình yêu giữa chúng con bị nhạt dần, cho đến một lúc không giữ được chăng? Nhưng tại sao chứ, khi sống trong một mái ấm với những đứa con khôn lớn và xinh xắn, với tình yêu mà con đã dành trọn cho anh ấy trong mọi sự, chồng của con lại đi tìm kiếm một thứ khác? Con không tìm ra câu giải đáp, Chúa ơi!
Con thật không thể tha thứ được cho cái “tội trăng gió”. Con muốn làm cho ra nhẽ để mọi người biết bộ mặt thật và sự phản bội của anh ấy. Chuyện này đối với con, là một sự sỉ nhục và là một tội ác khó thể tha thứ. Con đã dằn lòng và suy nghĩ không cùng vì con cái, nhưng sự kiên nhẫn đã đi đến giới hạn cuối cùng, khi chồng của con bỏ đi biền biệt một tuần và trở về nhà sáng nay trong ánh mắt dại khờ của người si tình mất hồn. Chúng con đã to tiếng với nhau, và sự gì phải đến đã đến: con đã ký ngay vào đơn ly dị do anh ấy soạn ra trong miễn cưỡng, lúc đầu óc bấn loạn…
Mà mọi sự có thể kết thúc dễ dàng như vậy sao? Chúa biết rồi đó, lòng con nghẹn ngào, hụt hẫng, môi con khô đắng. Đau đớn nhất là lúc nghĩ đến bao nhiều điều tốt đẹp mình đã làm bây giờ chỉ còn là trống rỗng. Con thầm mong anh ấy quay về như xưa. Nhưng con làm thể nào để tha thứ đây? Các con của chúng con cần sự hiện của bố. Con cần sự hiện diện của người con yêu. Nhưng làm sao mà tha thứ được? Con thực tình không muốn kết án và con cũng không có quyền để kết án anh ấy. Thôi, Chúa ơi, hãy làm cách nào đó đi, hãy giúp hoán cải lòng chúng con, để trong hoành cảnh này chúng con lại một lần nữa có thể hiểu nhau hơn. Hãy gởi một ai đó đến để cho con một lời khuyên, con cần thật đấy!”


Con có thể tin vào sự hiện hữu của một tình yêu chân thật chăng?

“Ánh mắt, nụ cười, bóng dáng người bạn gái của con như hiện ra trước mắt. Chúa ơi, Con hình như con đang trở thành kẻ thẫn thờ, đứng ngồi không yên. Hình như có người nào đó ghé vào tai con và nói nhỏ “Anh là kẻ thất tình rồi!”. Và hình như đúng vậy!
Mà làm sao con có thể quên được người ấy chứ! Đúng là con đã qua cái tuổi mộng mơ yêu đương của những anh chàng thư sinh và đang dần bước vào tuổi “tam thập nhi lập” với công việc ổn định. Con đã suy nghĩ về tình yêu cách cẩn thận, đứng đắn và đã chờ đợi một ngày đẹp trời nào đó mình sẽ gặp “người trong mộng”. Tới lúc phải làm một việc nghiêm túc. Và con đã gặp, đã quen, nhưng chuyện sau đó vài tháng…con chẳng buồn nói nữa! Đúng là “dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người”.
Chúa có biết là những gì tốt đẹp con muốn và con đã làm tốt cho người ta, thì bây giờ người ấy đã trả lại cho con bằng những điều trái ngược. Con chẳng biết phải làm gì nữa, chỉ còn biết kêu trời khi bị lừa dối. Có cái gì đó khó hiểu của tình yêu mà con nghĩ là mình phải học biết thêm và chịu vài kinh nghiệm đau thương, như có người bạn nói với con vậy; đau nhiều rồi sẽ hết biết đau và sẽ “khôn hơn trong tình trường”. Nhưng tình yêu loại đó là gì vậy? Chẳng còn một thứ tình yêu nào thật hơn sao? Con có thể tin vào tình yêu mà chính Chúa đã nối kết con người lại với nhau không? Hình như những người không tin Chúa cảm thấy nhẹ nhàng hơn vì họ có thể chọn tình yêu kiểu “thị trường”. Còn con, có một vài ràng buộc khác mà lương tâm con không thể cho phép. Như thế thì con chịu thiệt thòi quá!
Chúa ơi thật khó đấy! Chết cho tình yêu như Chúa thì con không thể làm được rồi! Trong thâm tâm con vẫn suy nghĩ rằng chữa lành sự phản bội bằng liều thuốc của thời gian thì con có thể chờ đợi đấy, nhưng đánh mất niềm tin vào một tình yêu chân thật vì một thứ tình yêu lừa dối thì con không muốn và không chấp nhận. Con hy vọng là sẽ có và vẫn còn hiện hữu đâu đây thứ tình yêu thật ấy cho con. Con có thể tin vào sự hiện hữu của một tình yêu chân thật nữa chăng?” (Lê An Phong, SDB)

21 January, 2014

Như Lời Kinh nguyện: NỖI MỆT NHỌC SAU MỘT NGÀY LÀM VIỆC



Con cần một chút “nghỉ ngơi tinh thần” chăng?
“Chúa ơi, chiều tàn, và con trở về nhà sau một ngày làm việc. Con gần như kiệt sức vì nhiều thứ lặt vặt ở văn phòng. Buổi tối ở nhà, nhiều khi con cũng chẳng được yên nữa vì còn nhiều người cứ tiếp tục gọi điện, hỏi han, đề xuất…

Làm sao con có thể cầu nguyện đây khi trong đầu óc mình cứ loanh quanh chuyện đã làm, chuyện sẽ và phải làm ngày mai? Lòng con như một khúc cây khô, không có một chút nhựa để có thể làm nảy ra một vài chồi non. Con lại càng khô khan hơn khi chẳng tìm được ai để nói những điều này. Mà nếu con có nói, thì lại chuyện cũ, “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Rồi con có nói hay không thì ngày mai lại phải bắt đầu mọi sự, phải làm tiếp những gì dang dỡ, phải hoàn tất một số việc cần thiết;  phải… và phải…cho đến tận thế chăng?

Dù sao, con cũng cảm thấy rằng không nên than vãn quá nhiều, vì rằng con cũng may mắn hơn những ai không có công việc để làm, hoặc không đủ sức để thực hiện những gì mình thích và ngay cả những gì mình phải làm hằng ngày. Con cũng không muốn mình làm ít hơn những gì mình có thể. Mấy nén bạc Chúa ban cho con, tùy theo khả năng, sẽ phải phát sinh những lợi nhuận, phải có ích cho con và cho mọi người, con không thể làm ít hơn hay lười biếng hơn được!

Hình như một lần, con có nghe câu chuyện này trong Tin mừng: khi các môn đệ, sau một ngày làm việc mệt nhọc trở về, đã được nghe Thầy mình khuyên rằng “anh em hãy tìm một chổ mà nghỉ ngơi”. Cần chăng cho con bây giờ một chổ nghỉ ngơi, “vì ngày nào có sự đau khổ của ngày ấy”. Con cần một khoảng cách tách biệt với những bận rộn âu lo cho tâm hồn thanh thản, “vì hoa trên đồng không may không dệt mà vẫn đẹp và tỏa hương”. Con cần một chút lắng động và chút khoảng lặng bình an để thăng hoa với những gì thanh cao hơn mọi thứ vật chất tầm thường quanh mình, vì “trước tiên hãy tìm sự công chính của Thiên Chúa, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau”. Chúa ơi hãy giúp con một chút bình an trong tâm hồn, để con nghỉ ngơi lại sức. 

Ngày mai, lại một ngày mới sẽ tới, con hy vọng là mình sẽ sống và nếm hưởng vui buồn của nó - một ngày mà chưa một ai trên trần gian này nếm hưởng trước đây. Và như vậy cũng là diễm phúc cho con rồi, tạ ơn Chúa. Amen”.


Con cần phải kêu lên và Chúa có nghe không?
Chúa ơi, con đã trở về nhà, quăng xe vào góc sân và lững thững đi vào phòng như mọi hôm. Đầu óc con trống rỗng. Công việc nhàm chán và tẻ nhạt. Mọi người quanh con thì lạnh lùng. Những người quản lý thì khắc nghiệt. Lương tiền thì chẳng biết tới đâu!

Hình như cuộc sống của con đang trong những ngày không mây ổn định lắm mà con chưa biết thóat ra cách nào đây! Con chẳng hy vọng gì vào ngày mai khi mọi sự cứ phải tiếp tục như thế này, nhạt nhẽo, lạnh lùng, vô vị, nhàm chán… Ăn vội vài miếng rồi xem tivi ư? Lại chuyện giết người, đâm chém, thiên tai làm đau cả đầu. Nhà trọ chật chội, ồn ào, có muốn nhắm mắt cũng chẳng yên…Lại những ngày gần Tết…Lại lo toan...

Con không muốn cầu nguyện thêm nữa, vì xem ra kêu hoài mà chẳng ai nghe. Con định nín lặng, để cho sự chán nãn trỗi dậy và mang con đi đâu cũng được nhưng lại thôi, vì nếu con lặng thinh thì ai sẽ nghe tiếng con, ai hiểu được con.

Con muốn gào to lên ngay bây giờ với cả sự bực tức từ trong lòng mình. Con muốn gào to lên những gì nặng trong lòng mình để muốn biết Chúa có nghe không, vì Chúa nói là “kêu đến ta thì ta đáp lời, lúc gian truân có ta ở kề bên”. Con đợi câu trả lời của Chúa đó!”
(Lê An Phong, SDB)