05 January, 2014

LECTIO DIVINA: DON BOSCO - SỰ ĐẤU TRANH VỚI TỘI LỖI


LỜI CHÚA 
Trích Tin mừng theo Thánh Matheo  - Chúa Yêsu chịu cám dỗ (Mt 4, 1-11).
1Bấy giờ Ðức Yêsu được Thần khí dẫn vào sa mạc để chịu ma quỉ cám dỗ. 2Và Ngài đã giữ chay bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, sau đó Ngài đói. 3 Và tên cám dỗ tiến lại nói với Ngài: "Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho các viên đá này biến thành bánh!” 4Nhưng Ngài đáp lại bảo rằng: Có lời đã viết: “Người ta sống không chỉ nhờ bánh, nhưng là nhờ vào mọi lời từ miệng Thiên Chúa”.
5Bấy giờ ma quỉ đem Ngài theo nó đến thành thánh và đặt Ngài lên thượng đỉnh Ðền thờ, 6mà nói với Ngài: “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống dưới, vì đã viết rằng: “Vì ngươi, Người sẽ ra lệnh cho các thiên thần, và họ sẽ nâng ngươi lên bàn tay họ, kẻo ngươi lỡ vấp chân phải đá”.
7Ðức Yêsu nói với nó: Lại có lời viết rằng: “Ngươi chớ thử thách Chúa, Thiên Chúa của ngươi"
8Ma quỉ lại đem Ngài theo nó lên một núi cao chót vót và chỉ cho Ngài thấy hết các nước thiên hạ cùng vinh quang của chúng, 9mà nói với Ngài: “Tôi hiến Ngài hết mọi điều đó, nếu Ngài phục mình bái lạy tôi”. 10 Bấy giờ Ðức Yêsu phán bảo nó: Xéo đi! Satan! Vì đã viết: “Ngươi phải bái lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và chỉ thờ phượng một mình Người”.
11Bấy giờ ma quỉ bỏ Ngài, và này: các Thiên Thần tiến lại hầu hạ Ngài.

SUY NIỆM
Từ Lời Chúa
Đoạn Tin Mừng của Thánh Matheo trên đây được dùng trong Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần I Mùa Chay. Theo cách của mình, Thánh Sử Matheo tường thuật các cám dỗ mà Chúa Giêsu phải chịu cùng phần trích dẫn những lời trong Cựu ước, sách Thứ luật và Thánh vịnh. Điểm nổi bật chính là chính Đức Giê su, trong cuộc chiến chống lại “cám dỗ”, cùng với các “bài học” rút ra từ Kinh Thánh Cựu ước, đã cho thấy một Giao ước mới cùng với sức mạnh giải phóng của Thiên Chúa uy quyền và sự chiến thắng của Tình yêu nơi Con Thiên Chúa làm người trước sức mạnh thù địch của sự dữ.

Cơn cám dỗ đầu tiên: Ma quỷ đưa ra một “đề nghị” liên quan đến sức mạnh của vật chất và cuộc chạy đua đi tìm vật chất, hưởng thụ. Câu trả lời của Đức Giêsu khẳng định giá trị tinh thần – Lời của Chúa. Hơn thế nữa, Ngài còn khẳng định đó là giá trị có tính chất “ưu tiên” và có quyền tối thượng – Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng là nhờ vào “mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” - Không chỉ đơn giản là một chút “lời Chúa” bên cạnh “bánh mì”, mà tất cả là Lời Chúa và sức mạnh cũng như năng lượng nuôi dưỡng tâm hồn con người. Khi con người sống dựa vào Lời Chúa cách vững chắc, thì họ sẽ không còn phải giành giật, cần phải bon chen, tính toán thiệt hơn; họ có thể làm ra cơm bánh đích thực và có đủ cơm bánh cần thiết cho tất cả mọi người.

Cám dỗ thứ hai: Ma quỷ gợi lên ham muốn thể hiện sức mạnh và năng lực cá nhân để quên đi những giới hạn nơi bản tính thụ tạo và thách thức, nghi ngờ sự toàn năng duy nhất của Thiên Chúa. Lời khẳng định của Đức Kitô về sự hiện diện toàn năng của Thiên Chúa và sự quan phòng của Người đối với con người đặt nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Thiên Chúa bên cạnh ta, đồng hành với ta cùng sự kiên nhẫn và lòng nhân hậu. Nghi ngờ Thiên Chúa và tình yêu thương của Người là cạm bẫy của sự dữ và là nguy cơ đánh mất hy vọng nơi Người.

Cám dỗ thứ ba: Ma quỷ giới thiệu vinh quang của thế gian để gợi lên đam mê quyền lực và tham vọng thống trị. Chúa Giê su khẳng định vị trí thượng tôn của Thiên Chúa và vinh quang của Người. Vinh quang đó vượt xa tầm nhìn và tầm hiểu biết của nhân loại. Càng “khó hiểu” hơn khi biết rằng qua Đức Kitô, vinh quang của Thiên Chúa được mạc khải như là thứ quyền lực của Tình yêu, tha thứ, khiêm hạ, hy sinh, phục vụ. “Ai muốn làm lớn hãy phục vụ anh em mình”.

Qua kinh nghiệm sống, chúng ta chẳng khó khăn gì mà không nhận ra rằng con người mọi thời đều bị các dạng cám dỗ như trên dẫn dắt và làm cho sa ngã. Các cám dỗ này thường dẫn con người đến sự lựa chọn: hoặc là phụng thờ Thiên Chúa và bước theo thánh ý của Ngài, hoặc là tôn thờ vật chất và chạy theo ham muốn của con người. Con người không thể làm “tôi hai chủ”. Con người như loài thụ tạo và theo hồng ân nhận lãnh, phải dành cho Thiên Chúa phần cao cả nhất, yêu mến Người “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Khi phụng thờ Thiên Chúa, con người sẽ được giải phóng khỏi sự dữ và sẽ hướng thiện; khi tôn thờ chính mình, họ dễ dàng trở thành nô lệ và sẽ bị ràng buộc muôn thưở với mặt đất đầy khổ ải và tham, sân, si.

Đức Giê su đã chia sẻ với con người tất cả, đã sống như con người, “ngoại trừ tội lỗi”. Ngài đã không nghiêng chiều theo Sự Dữ dù bị muôn vàn sự dữ bao vây và tấn công. Ngài đã chịu cám dỗ nhưng đã thắng vượt các cơn cám dỗ bằng chính cuộc chiến đấu nội tâm sâu xa – “rút vào nơi hoang địa”, “ăn chay”;  bằng sự trợ giúp của Thánh Thần – “được Thần Khí dẫn vào sa mạc”. Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự dữ bằng Thập giá và bằng Quyền năng của Tình thương - Quyền năng của chính Thiên Chúa - Đấng luôn mong muốn ở với con người và luôn nâng họ dậy sau những sa ngã. Bài học này từ Đức Giêsu trở thành một dấu chỉ cho chúng ta về niềm hy vọng sâu xa giữa những cơn tuyệt vọng, khi cảm thấy mình không đủ sức để chỗi dậy giữa trăm chiều thử thách và không đủ sức để trụ lại sau những cuộc chiến với sự dữ, với cái ác xem ra đang ngày một mạnh hơn và mang bộ mặt đa dạng hơn.

Từ Kinh nghiệm giáo dục của Don Bosco

Cảm nghiệm xâu xa về tác hại của sự dữ và của cám dỗ với người trẻ, Don Bosco đã suy nghĩ về con đường an toàn cho họ đi, cảnh báo cho họ về hậu quả của tội lỗi. Chúng ta hãy đọc lại những dòng này trong Hồi sử để suy tư và thông truyền cho người trẻ cùng Don Bosco về tội lỗi.
Các con hãy giữ mình xa tội lỗi, nếu không, mọi sự chẳng có thể nào tốt lên được (MB IV, 554-555).
Cha chỉ lo sợ có hai điều: tội trọng mang lại cái chết cho linh hồn, và cái chết bất ngờ nơi thể xác của những người đang sống trong tình trạng mất ân sủng của Thiên Chúa vì tội lỗi (MB VI, 75).
Nguyên nhân thực sự của tất cả các điều ác là tội lỗi. Tội lỗi làm cho người ta mất hạnh phúc. Vì vậy, nếu chúng ta muốn loại bỏ đau khổ do tội  gây nên và muốn được thoát ra khỏi sự thống trị của chúng, hãy tránh xa nguyên nhân: tội lỗi (MB VI, 470).
Hãy đánh đuổi cho xa khỏi trái tim của các con tội lỗi và mọi quyến rủ tội lỗi, từ đó các con sẽ có đủ sự thông hiểu để cứu linh hồn mình (MB VIII, 830).
Càng biết cách tránh xa tội lỗi bao nhiêu, các con càng có cơ hội để thăng tiến trong học hành và cho nghề nghiệp của mình trong tương lai (MB VIII, 943).
Trái tim của một người trẻ đang vướng tội lỗi cũng giống như biển khơi đang sôi sục nổi sóng (MB XII, 133).

Don Bosco suy nghĩ và thực hiện biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất qua việc thực hành đạo đức, siêng năng xưng tội, làm việc và tiết độ, chu toàn bổn phận trong vui tươi… Tất cả mọi sự dựa trên cội nguồn vững chắc là chính Thiên Chúa và niềm tin vào lòng nhân hậu của Người. Hãy đọc và suy ngẫm các lời sau:
Thật là điên rồ tìm kiếm hạnh phúc xa khỏi Thiên Chúa (MB IX, 567).
Những người không có bình an với Chúa sẽ không có bình an với chính mình và cũng chẳng có hoà bình với người khác (MB XVII, 113).
Kinh nghiệm cho thấy rằng những người biết tận dụng thời gian trong học hành và làm việc là những người biết tránh xa tội lỗi (MB VII, 817).
Hãy chạy trốn khỏi tội lỗi như trốn chạy khỏi kẻ thù lớn nhất của các con, và tránh xa bao có thể những lời đàm tiếu - nguồn gốc của tội lỗi và cũng là nguyên nhân làm băng hoại đạo đức (MB X, 769).
Cách hiệu quả nhất để được hưởng ơn tha tội và bảo đảm sự sống đời đời là việc bác ái mà các con  làm cho những trẻ nhỏ (MB XVIII, 622).
Kẻ thù lớn nhất của Thiên Chúa là tội lỗi (MB XVIII, 482, 863).
Thiên Chúa ghét tội lỗi và người phạm tội, nhưng lòng nhân hậu của Người thì không có giới hạn (MB XVIII, 862).

ĐIỀU TÂM NIỆM
Tôi sẽ xét mình thường xuyên để xem đâu là những cơn cám dỗ mà tôi hay phải đương đầu? Đâu là sức mạnh giúp tôi vượt thắng các cơn cám dỗ ấy?

LỜI CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối, mỏng dòn nhưng luôn tin vào Tình yêu của Chúa. Xin đừng để bóng tối sự dữ giam cầm con. Xin đừng để cám dỗ của vật chất, của sự háo danh, của kiêu căng, ngạo mạn và của đam mê quyên lực thống trị con. Xin cho con các linh hồn, mọi sự khác xin cứ lấy đi. Amen.
(Lê An Phong, SDB)

No comments:

Post a Comment