16 January, 2014

DON BOSCO – “KẺ MƠ MỘNG THÁNH THIỆN”. Tản mạn nhân đọc lại “Những giấc mơ của Don Bosco”.


Chuyện kể rằng một lần kia, trong một giờ làm bài kiểm tra, cậu bé Gioan Bosco đã nộp bài sớm nhất. Thầy giáo lấy làm ngạc nhiên vì bài của cậu làm rất tốt và được hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Thầy yêu cầu Giovannino cho xem bản làm nháp. Một lần nữa, thầy giáo lại càng ngạc nhiên hơn, vì những gì cậu viết ra gần đúng như là bản mà thầy đã chuẩn bị ở nhà mình tối hôm trước. Khi được hỏi về điều này, cậu Gioan bình tĩnh đáp: “Thưa thầy, tối hôm qua em đã mơ thấy những điều này”. Từ một vài sự kiện tương tự, bạn bè và mọi người đã gọi cậu Gioan là “người mộng mơ”.
Từ lúc lên 9 cho đến 70 tuổi, Don Bosco đã có rất nhiều giấc mơ. Một vài giấc mơ được chính Don Bosco kể hay viết lại, số khác do các saledieng thời đó nghe kể và chép lại cũng như được Don Bosco xác nhận. Các văn bản chép tay kiểu này vẫn còn lưu lại trong các văn khố của Hội dòng. «Tên của don Bosco và từ “giấc mơ”mà cha Giovanni Battista Lemoyne sử dụng khi viết cuốn Hồi sử đầu tiên về Don Bosco có mối nối kết lạ lùng, vì như thể nếu ngài không nói đến, các cựu học sinh đầu tiên sẽ chất vấn ngay: “Còn các giấc mơ thì sao?”. Thật vậy, các giấc mơ đã diễn ra như thế như một “hiện tượng” liên tục trong 70 của cuộc đời Don Bosco» (MB 1, 254).
Các bạn trẻ là những người thường xuyên được nghe Don Bosco kể lại những giấc mơ của ngài trong những lúc “Buona Notte” (Lời dặn dò trước khi đi ngủ). Ngài nói rằng: “ Các con cứ gọi đó là những giấc mơ, những chuyện dụ ngôn hay bất kỳ tên gọi nào khác mà các con thích. Cha chỉ nói rằng đó là những câu chuyện kể và chúng mang lại thật nhiều ích lợi”. Đây là khoảnh khắc có giá trị giáo dục mà các saledieng vẫn tiếp tục thực hiện trong các nhà hay cộng đoàn cho đến hôm nay.
Xét về chiều kích thần học và theo những tường thuật Kinh thánh mà chúng hay nghe, trong giấc mơ của những người công chính, Thiên Chúa muốn tỏ lộ một sự gì đó cho một người được chọn, và qua đời sống nội tâm sâu xa của họ gợi mở một hướng đi mới về sự thánh thiện, tốt lành nơi những người khác. Ta có thể gọi đó là “sự mặc khải riêng”. Giáo Hội không bắt ai phải tin các mặc khải riêng này, mà cho phép ta kể lại hay xem đó như là “các dấu chỉ” có tính cách giáo dục hay hướng dẫn các tín hữu biết lắng nghe tiếng Chúa, biết đọc các dấu chỉ… Với Don Bosco, dạng “mặc khải riêng” này qua các giấc mơ là những gợi mở hay hướng đi như thế, bằng chính cuộc đời ngài, qua mọi biến cố thăng trầm. Đó là giấc mơ của sự thiện hảo – “vì phần rỗi các linh hồn”, được hiện thực hóa qua hoạt động cụ thể và mọi vui, buồn, sướng, khổ hằng ngày. Đúng hơn chúng ta phải gọi những “giấc mơ” của Don Bosco là “tầm nhìn” có tính tiên tri và gợi mở, vì không phải chúng sinh ra từ những cơn mê ngủ mà ngay chính trong lúc Don Bosco đang thao thức và suy nghĩ về sứ mệnh mà Thiên Chúa muốn ngài thực hiện, khởi đi từ giấc mơ 9 tuổi đến cuối cuộc đời. Trong các giấc mơ, Don Bosco đã nhìn lại quá khứ, thấy hiện tại và nhìn thấy trước những gì của tương lai. «Các điều kỳ lạ mà Don Bosco thấy trong mơ thường là các dấu hiệu hoặc là hình ảnh như thực về nơi chốn, con người mà chính bản thân ngài không hay biết hoặc là nằm ngoài tầm tay» (MB XVII).
Theo ý của cha Eugenio Ceria, nếu nói về Don Bosco và những giấc mơ của ngài mà không nói đến chiều kích siêu nhiên, hay là nói đến mối tương quan của Don Bosco với “mầu nhiệm”, “sự linh thánh” trong cuộc đời ngài là một thiếu sót (MB XVII, xuất bản năm 1936). Những “nhà thần bí” (i mistici) là những “chuyên viên diễn giải” cho con người mọi thời những điều kỳ lạ ẩn nơi sự vĩ đại của Thiên Chúa. Họ, với tâm hồn trong sạch và không thỏa hiệp cùng tội lỗi-sự dữ, có thể thấy “thực tại thần linh” mà mắt thường không trông thấy. Họ được Thiên Chúa chọn gọi để mang ngọn lửa của sự thánh thiêng nơi thế giới đầy tội tình và phản trắc. Họ là những kẻ “si mê” tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, “phải lòng” với hình ảnh và chân lý của Chúa Giêsu, “bị mê hoặc” bởi vẻ đẹp tâm hồn của Đức Trinh nữ Maria và của các vị thánh; họ sống chung với những lo âu và thánh giá hằng ngày nhưng với một nội tâm sâu lắng và nét bình an hiện rõ bên ngoài mà thế gian khó tìm đâu ra được. Don Bosco đã “gia nhập vào hội các nhà thần bí” như thế. Sự linh thánh, siêu nhiên của Thiên Chúa đã chiếm hữu và hướng dẫn cuộc đời ngài, từ trong tưởng đến hành động, từ những giấc mơ đến những quyết định có tính hiện thực nhất vào những giờ phút khó khăn và quan trọng nhất của cuộc đời mình, cho Tu hội và vì giới trẻ bất hạnh.
Có những giấc mơ, nói theo kiểu Freud, chỉ phản ánh đơn thuần cái libido của con người. Có những người mơ mộng thanh cao, như tâm tình cụ Nguyễn Công Trứ, vì quá chán cảnh đời éo le và bon chen danh lợi, chỉ muốn mơ “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Có những nhà thần bí - những nhà ngoại cảm, vì lý do này hay lý do khác, có lúc đã phải chịu “vạ lây” và tai tiếng vì quá dính bén vào “cơm-áo-gạo-tiền” và chỉ “buôn thần bán thánh”. Ta hãy cứ “tự nguyện” đi, hãy mơ làm “loài bồ câu trắng”, làm “đóa hướng dương”, làm “vầng mây ấm”,… nhưng đã làm người” thì phải sống khác, phải mơ khác… Mơ sao cho Trời và Đất, Thiên Chúa và Con người được nối liền trong yêu thương, bằng những con người tốt lành, “những kẻ mơ mộng thánh thiện” mà chân bước đi trên mặt đất nhưng mắt không ngừng ngước lên nhìn về Trời cao.
 (Lê An Phong, SDB)
(Hình được chụp lại từ bìa sách "Don Bosco ti ha sognato". Vol. 1. ElleDiCi Torino 2014)

No comments:

Post a Comment